Xem thêm

Tấm Áo Tu - Một Khoảnh Khắc Mang Ý Nghĩa

Phap Ngo Thich
Ảnh: Tấm Áo Tu - Nguồn: chuadieuphap.com.vn Mỗi tôn giáo trên thế giới đều có trang phục và pháp phẩm riêng, không giống với tôn giáo khác, và cái này cũng không giống với cái...

Tấm Áo Tu Ảnh: Tấm Áo Tu - Nguồn: chuadieuphap.com.vn

Mỗi tôn giáo trên thế giới đều có trang phục và pháp phẩm riêng, không giống với tôn giáo khác, và cái này cũng không giống với cái khác dầu là cùng một tôn giáo. Trong rất nhiều kiểu cách và màu sắc, tấm y vàng đậm của Phật giáo Nam tông là riêng một cõi, không giống pháp phục của một tổ chức tôn giáo nào, và cũng giữ truyền thống lâu đời nhất, nhất quán nhất, có tính quốc tế rộng rãi nhất. Ngay cả từ “đắp y” cũng nói lên tính độc đáo, “đắp y” chứ không phải “mặc áo”.

Kể từ khi Phật giáo truyền bá lên phía Bắc, đến Trung Quốc, các nước Đông Á, Việt Nam, rồi các nước Tây Tạng và phía Bắc Ấn Độ, thì một mặt, Phật giáo dung hợp với các nền văn hóa và tín ngưỡng bản địa, mặt khác, điều kiện khí hậu là khắc nghiệt và đa dạng, nên người tu hành phải ăn mặc thích ứng với hoàn cảnh mới. Từ đó, trang phục của nhà tu thay đổi, không còn đắp y, đi chân trần mà là mặc quần áo, đi giày dép với kết cầu giống với trang phục bình thường, tuy rằng có biến tấu chút ít và có nhiều màu sắc phân biệt.

Tấm Áo Tu - Một Phần Lịch Sử Phật Giáo Việt

Tại nước ta, theo lịch sử phát triển của đạo Phật, Phật giáo Bắc tông chiếm ưu thế, nhất là ở miền Bắc và miền Trung. Mọi người trong xã hội quen thuộc với màu áo lam, áo nâu, áo vàng của người tu hành, quen thuộc và dung dị như ngôi chùa làng. Còn Phật giáo Nam tông thì mới phát triển trong vòng chưa đầy trăm năm, ban đầu là ở miền Nam, với các ngôi chùa có lối kiến trúc riêng và người tu đắp y vàng nghệ, với cuộc sống vô cùng giản dị. Cũng kể thêm Phật giáo Khất sĩ mới phát triển sau này, về hình thức gần giống với Phật giáo Nam tông.

Nhìn ra thế giới, pháp phục về hình thức như trăm hoa đua nở. Tôi may mắn được dự Lễ Phật đản (cũng là Lễ Vesak) tại Paris (Pháp) năm 2010 do Hội Phật giáo tại Pháp tổ chức. Cờ Phật giáo rợp khắp từ ngoài vườn vào chánh điện. Đi vào cổng là nhập vào hội. Chỉ có đa chủng tộc, đa văn hóa, và đa… sắc thái, Phật giáo mới có quang cảnh như thế, và đó chính là đặc điểm của Viện Phật giáo quốc tế. Trong nắng xuân đầm ấm, các màu áo tu thật nổi bật: vàng tươi, vàng đất, nâu, đỏ nâu tươi, lam đậm, lam nhạt… Các màu đó là màu áo tu của Phật giáo các nước: Tây Tạng, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Âu, Mỹ, các nước theo Phật giáo Nam tông… và cũng là màu áo của các thiền phái: Tịnh độ, Thiền tông, Mật tông…

Tấm Áo Tu - Tấm Gương Phúc Âm

Theo cái nhìn của tôi, tại nước ta, dầu pháp phục của mỗi truyền thống Phật giáo có khác, nhưng đều có một điểm thống nhất: đó là đắp y (vàng hay vàng nghệ). Đắp y là thường xuyên đối với nhà sư Nam tông, còn nhà sư Bắc tông chỉ đắp y khi vào nghi lễ, và y là áo choàng bên ngoài. Nói đến đắp y là trở về thời xa xưa, không có khuy nút, không có nghề may thủ công, họa chăng chỉ có kim chỉ. Và lịch sử của tấm y bắt đầu từ thời Đức Phật.

Đó là thời điểm lịch sử, trong khoảnh khắc chuyển hóa từ một thái tử sang một người tu khất sĩ lang thang. Cách đây hơn 2.500 năm, thái tử Tất Đạt Đa quyết đi tìm con đường giải thoát đau khổ cho chúng sinh. Ngài dứt áo ra đi khỏi kinh thành Ca Tỳ La Vệ giữa đêm khuya, cùng với người hầu Xa Nặc, phi ngựa đến một khu rừng hẻo lánh, thế rồi ngài xuống ngựa, nói lời giã từ Xa Nặc, và gửi vương miện cùng đồ trang sức quý giá, nhờ Xa Nặc đem về cho triều đình, rồi sau đó lấy thanh gươm cắt mái tóc dài của mình. Một mình giữa rừng, bất chợt ngài gặp một người thợ săn nai mặc chiếc áo choàng màu vàng nghệ như kiểu người tu khổ hạnh lang thang, ngài đã xin chiếc áo đó và nhường lại chiếc áo thái tử lộng lẫy kiêu kỳ. Thế là ngài đã có bề ngoài như một người ăn xin bình thường. Chiếc áo tu khởi đầu từ đó, và được gọi là cà sa, theo tiếng Sanskrit gọi là kasaya.

Ý nghĩa ban đầu của từ Kasaya có dính dáng đến nghĩa “dơ bẩn” và kasaya là tấm vải nối lại nhiều mảnh vải bỏ đi. Theo đạo sư Dogen (Đạo Nguyên, 1200-1253), vị tổ tông Tào Động Soto (Nhật Bản) trong tác phẩm Merit of a Kayasa (Công đức của cà sa):

“Kasaya làm bằng vải bỏ đi, tốt nhất là pamsula (nghĩa đen là vải bài tiết). Có bốn hoặc mười loại vải như vậy. Bốn loại vải là những loại đã bị lửa đốt, vải bò nhai, vải bị chuột gặm hoặc người chết mặc. Người Ấn Độ vứt miếng vải này trên đường và trên các cánh đồng giống như họ làm chuyện bài tiết. Tên pamsula xuất phát từ điều này. Các nhà sư nhặt vải như vậy và mặc nó sau khi đã giặt và khâu các mảnh lại với nhau”. Nhưng ý nghĩa thì thật siêu hạng, như bài viết The Buddha Robe (Áo choàng Phật) của Noelle Oxenhandler, một vị nữ tu Phật giáo ở Mỹ, một giảng sư dạy viết văn sáng-tạo-không-hư-cấu tại Sonoma State University:

“Người ta có thể giải thích những sự thật này về kasaya theo một chiều, như đó là biểu hiện từ bỏ các giá trị trần tục. Tuy nhiên, sâu xa hơn, pamsula tượng trưng cho quá trình biến đổi để đi trên con đường đạo Phật. Khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta ngồi giữa những mặt đối lập của chính mình: điểm mạnh và điểm yếu, thích và không thích. Khi làm như vậy, chúng ta bày tỏ vui lòng làm việc với mọi thứ khởi lên trong lĩnh vực của tâm, bất kể cái mình ghét lớn đến mức nào. “Những gì thế giới từ bỏ, con đường Đạo sử dụng”, Dogen nói với chúng ta như thế. Hiểu theo cách này, chiếc áo choàng làm từ một miếng giẻ bị vứt bỏ là hoa sen mọc trong bùn”.

Kasaya cũng được thăng hoa trong một câu chuyện cổ Phật giáo, được Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể một cách thi vị:

“Có một hôm đứng trên một ngọn đồi, Bụt chỉ những thửa ruộng nối nhau chạy dài đến chân trời và nói với đại đức Ananda:

  • Ananda, thầy có thấy những thửa ruộng lúa chín vàng được chia thành từng ô chạy dài tới chân trời không? Đẹp quá! Tại sao ta không đề nghị may áo cà sa cho các vị khất sĩ theo kiểu mẫu này?

Ananda bạch:

  • Ý của Thế Tôn thật hay. Áo cà sa may theo hình dáng những thửa ruộng như thế này thì đẹp biết bao nhiêu. Con từng nghe Thế Tôn nói một vị khất sĩ tu học nghiêm chỉnh là một thứ đất ruộng rất tốt trên đó ta có thể gieo những hạt giống phước đức cho hiện tại và tương lai. Cúng dường, học hỏi và tu tập theo vị khất sĩ ấy tức là gieo những hạt giống phước đức vậy. Nếu Thế Tôn cho phép, con sẽ bố cáo với đại chúng về cách thức may y trong tương lai và sẽ gọi kiểu y này là phước điền y.

Bụt mỉm cười. Người gật đầu ưng thuận”.

Tuy rằng áo tu không làm nên thầy tu, nhưng bộ cà sa là biểu trưng trân quý nhất của người tu hành xuất gia và cả người Phật tử nói chung. Trong buổi lễ thọ Đại giới đàn, các giới tử được thọ nhận ba y, một bát; đó là vật dụng quý báu nhất của người xuất gia. Từ hình thức ban đầu như là kết hợp của những thứ bỏ đi mà người tu nhận lấy với hoan hỷ đổi đời, cho đến bộ cà sa mang ý nghĩa ruộng phước, và sau này, bộ cà sa mang tính kế tục dòng thừa, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, thì cà sa là vốn quý của Đạo mà cả bốn chúng đệ tử của Đức Phật đều gìn giữ và hộ trì, từ thuở ban sơ cho đến mãi mãi về sau. Người nữ tu phương Tây Noelle Oxenhandler đã gọi áo cà sa là áo của giác ngộ, và khi mở chiếc áo xem như là mở ra lời dạy của Phật:

“How great and wondrous is the robe of enlightenment, Formless, yet embracing every treasure! l wish to unfold the Buddha’s teaching, That l may help all living things.”

Chiếc áo của giác ngộ lớn lao và kỳ diệu biết bao! Vô sắc, thế mà ôm lấy mọi kho báu! Con mong ước mở ra lời dạy của Phật, Để con có thể giúp mọi chúng sinh.

Tài liệu tham khảo: Noelle Oxenhandler; The Buddha Robe; Tricycle, Fall 1995. Thích Nhất Hạnh; Đường xưa mây trắng, chương 52. Hoang Phong; Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà sa; website quangduc.com.

1