Xem thêm

Mục Kiền Liên Bồ Tát - Vị Bồ Tát vĩ đại và câu chuyện đầy ý nghĩa

Phap Ngo Thich
Mục Kiền Liên Bồ Tát là ai? Trong tháng Vu Lan Báo Hiếu, câu chuyện về Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát xuống địa ngục cứu mẹ đã làm cho các đệ tử Phật Giáo...

Mục Kiền Liên Bồ Tát là ai?

Trong tháng Vu Lan Báo Hiếu, câu chuyện về Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát xuống địa ngục cứu mẹ đã làm cho các đệ tử Phật Giáo cảm động không thôi. Vậy Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát là ai và Ngài đã làm những gì để trở thành một vị đại Bồ Tát quan trọng trong Phật Giáo? Hãy cùng tìm hiểu về Ngài và những sự tích thú vị về vị đại Bồ Tát này nhé.

Mục Kiền Liên Bồ Tát là ai? Sự tích về Ngài Mục Kiền Liên Ảnh minh họa: Mục Kiền Liên Bồ Tát là ai? Sự tích về Ngài Mục Kiền Liên

1. Mục Kiền Liên Bồ Tát là ai?

Mục Kiền Liên Bồ Tát có tên hiệu đầy đủ là Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát. Tên theo tiếng Pali là Moggallāna và tên theo tiếng Latinh là Maudgalyayana. Ngài chính là một vị tỳ kheo xuất hiện lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Ngài là nhân vật lịch sử vào thế kỷ 568 TCN, ông được chứng quả A La Hán. Ngài thường thay Đức Phật thuyết pháp, giảng đạo cho chúng sinh. Thời nay, Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát được nhiều người Phật tử biết đến vì tấm lòng đại hiếu, hai lần xuống địa ngục cứu mẹ.

Mục Kiền Liên Bồ Tát với hình tượng thường được khoác trên mình áo nâu vàng, màu áo đặc trưng của tỳ kheo thời ấy. Tay phải Ngài cầm một cây tích trượng, tay trái có thể cầm thêm một chiếc bát cơm để thọ cứu mẹ mình. Ngài thường xuất hiện với tư thế đứng, sẵn sàng đi xuống cõi địa ngục bất kỳ lúc nào để cứu vớt mẹ của mình. Hình tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát rất dễ nhầm với Ngài Mục Kiền Liên tuy nhiên điểm khác biệt là Ngài Địa Tạng trên tay sẽ cầm dạ minh châu và trên đầu Ngài có đội mũ thất Phật.

Xem thêm: Lễ cúng Rằm tháng 7 cần những gì?

2. Xuất thân của Mục Kiền Liên Bồ tát

Mục Kiền Liên Bồ Tát vốn là một trong mười đại đệ tử của đức phật thích ca mâu ni khi Ngài còn tại thế. Chỉ sau 7 ngày xuất gia, Ngài đã đắc quả vị A La Hán. Theo các ghi chép Phật giáo thì Mục Kiền Liên sinh ra tại một ngôi làng nhỏ gần kinh đô Patna thuộc nước Magadha, ngày nay chính là tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Ông được cho là thuộc dòng dõi Mudgala, tức là “Thiên văn gia” - một tầng lớp quý tộc giàu có, vì vậy từ nhỏ Ngài đã sống trong nhung lụa, không thiếu thốn bất cứ thứ gì.

Quá trình từ khi Ngài xuất gia cho đến khi đắc quả, được các tài liệu ghi chép rõ ràng. Nhờ thần thông mở được tuệ nhãn, pháp nhãn đắc được ngũ căn mà Ngài tìm thấy mẹ mình nơi địa ngục tối tăm.

Bà Thanh Đề chính là mẹ của Mục Kiền Liên Bồ Tát. Lúc sinh thời do tạo nhiều ác nghiệp như chửi mắng người khác, nói lời hung ác, sát sinh, phỉ báng tam bảo,… Dù Ngài Mục Kiền Liên hết lời khuyên răn nhưng bà vẫn giữ bản tính tham, sân, si tiếp tục tạo các ác nghiệp. Cho nên, sau khi tạ thế, bà bị đày xuống địa ngục.

Mục Kiền Liên Bồ tát dùng thần lực để cho mẹ một bát cơm Ảnh minh họa: Mục Kiền Liên Bồ tát dùng thần lực để cho mẹ một bát cơm

Vì đoán biết các nghiệp chướng của mẹ mình khi chết sẽ bị đọa địa ngục, trải qua muôn nghìn thống khổ cho nên ông liền dùng sức thần thông của mình và tìm thử xem mẹ của mình đang ở nơi đâu.

Cho đến khi tìm thấy mẹ mình đang chịu sự dày vò và đau khổ ở địa ngục, ông đã vô cùng thương xót. Ông bèn dùng oai lực của mình mang cho mẹ một bát cơm đầy. Tuy nhiên, do tội chướng quá nặng, nên khi chết đi, bà vẫn giữ tâm tham mà lén mang bát cơm đó trốn ăn một mình. Khi vừa đưa cơm lên miệng thì thức ăn rất nhanh biến thành than lửa đỏ rực, làm bà đau đớn, la hét.

Dù Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát đã chứng quả vị nhưng vẫn không thể giúp mẹ mình. Ngài bèn trở về và thưa với Đức Phật mọi chuyện và mong muốn cứu mẹ của mình ra khỏi đó. Đức Phật Thích Ca sau khi nghe đã giải thích với ông rằng: “Vì mẹ của ông phỉ báng Tam bảo, tội nghiệp quá nặng. Bây giờ sức của mình ông không thể nào giải cứu được đâu. Muốn cứu được mẹ ông thì vào ngày rằm tháng bảy, là ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là lúc chư tăng Tự tứ, ông hãy thiết lễ Vu Lan Bồn”. Đây còn được gọi là lễ cúng “Giải đảo huyền”.

Trước tiên, ông hãy cúng dường mười phương Tăng; khi mười phương Tăng chưa thọ dụng những thức ăn này thì ông cũng chưa được dùng. Ông trước hết phải cúng Phật, Pháp và Tăng; sau đó mới có thể thọ dụng những phẩm vật dâng cúng. Vào ngày này, ông thiết trai cúng dường Tam bảo thì mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui!”

Mục Kiền Liên vâng lời Đức Phật và làm theo lời Ngài. Đúng ngày 15 tháng 7 âm lịch ông liền tổ chức lễ cúng dường Phật, Pháp, Tăng, chờ hết các vị tăng thọ dụng xong lúc đó ông mới ăn. Ngay sau đó, mẹ của ông cũng liền được giải thoát, thác về nơi cõi trời.

Từ đó trở đi câu chuyện của Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát cứu mẹ được vang khắp muôn nơi, là tấm gương sáng cho các đệ tử học hỏi. Các Phật Tử hàng năm cứ đến dịp rằm tháng 7 lại tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Xem thêm: Lễ Vu Lan Báo Hiếu là gì?

3. Sự tích về cuộc đời Mục Kiền Liên Bồ Tát

Theo các tài liệu kinh sử khi lại, lúc thời còn trẻ, Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất là bạn bè thân thiết, cùng nhau hướng đạo. Ông cùng Xá Lợi Phất đã trải qua quá trình tiếp thu nhiều tư tưởng triết học khác nhau và họ đều nhận thấy khiếm khuyết của những thuyết giáo này.

Khi Mục Kiền Liên Bồ Tát được 40 tuổi cũng là lúc Đức Phật Thích Ca trở về thành Vương Xá để nhận tịnh xá do vua Tần Bà Sa La cúng dường. Lúc này, 2 vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng tình cờ trở về ở tại một viện của thành Vương Xá. Một hôm, Ngài Xá Lợi Phất vô tình gặp vị trưởng lão A Thuyết Thị, được thấy thân tướng tốt đẹp cùng với hào quang tỏa sáng của vị trưởng lão này. Sau đó, A Thuyết Thị đã khai nhãn giúp Xá Lợi Phất giúp ông được đắc quả Nhập Lưu Tu Đà Hườn. Sau khi trở về thì Xá Lợi Phất kể lại chuyện này cho người bạn Mục Kiền Liên của mình.

Sự tích về cuộc đời Mục Kiền Liên Bồ Tát Ảnh minh họa: Sự tích về cuộc đời Mục Kiền Liên Bồ Tát

Mục Kiền Liên sau đó đã nhận thấy được sự giác ngộ mà ông luôn tìm kiếm. Ngài Mục Kiền Liên cùng Xá Lợi Phất xuất gia đi tu và trở thành thập đại đệ tử đứng đầu của Đức Phật Thích Ca. Mục Kiền Liên nhập diệt vào ngày mùng 1 sau tháng Kattika theo lịch của Ấn Độ (tức khoảng giữa tháng 10 âm), do bị ngoại đạo sát hại. Ngài bị ám sát và thân thể bị băm nhỏ.

Thật ra, Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát với pháp lực thần thông có thể biết được điều sắp xảy ra, nhưng Ngài không hề lo nghĩ đến thân thể mình sẽ bị sát hại, mà chỉ lo lắng cho những người kia sẽ bị nghiệp muôn kiếp vì giết chư tăng ni. Vì đối với các vị này thì thể xác phàm trần không hề quan trọng. Thế nên Ngài đã nhiều lần dùng thần thông để ẩn tướng, để bọn ngoại đạo không thể tìm được Ngài. Tuy nhiên Ngài cũng nhận thấy ác quả từ đời kiếp trước của mình vẫn chưa trả hết, muốn đạt được Niết Bàn thì phải trả hết những nghiệp quả này.

Khi Ngài dùng tha tâm thông quan sát thì thấy từ rất lâu về trước, ở một kiếp người, Ngài là một thanh niên sinh sống cùng mẹ, hai mẹ con rất thương yêu nhau. Khi trưởng thành thanh niên ấy lấy vợ, cho tới ngày mẹ của Ngài già yếu không còn làm việc và đi lại được nữa. Người vợ thường cằn nhằn và bảo anh nên đưa mẹ lên núi và bỏ bà ở đấy. Ban đầu người thanh niên vốn không đồng ý nhưng sau nhiều lần thì người thanh niên vẫn đồng ý sẽ đưa mẹ lên núi.

Khi cõng mẹ lên núi, 2 vợ chồng người thanh niên hô lên có cướp rồi nhanh chóng bỏ chạy nhưng lại chẳng hề nghĩ về người mẹ của mình vì sợ cướp làm tổn thương con mình nên nói con để mình lại và chạy đi. Sau cùng người mẹ đã chết đói trên núi.

Nghiệm lại câu chuyện cũ từ kiếp trước, Ngài Mục Kiền Liên nhận thấy nghiệp quả đã đến lúc phải trả. Thế là lần thứ 7, nhóm cướp tấn công vào và đâm chém liên tục nhưng Ngài tôn giả Mục Kiền Liên không ẩn tướng như trước mà ngồi yên bất động. Sau khi sát hại chúng liền đâm chém chặt nhỏ thân xác Ngài ra.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ảnh minh họa: Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát

Chờ bọn chúng rời đi, Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát mới thu hồi lại thân thể tái hiện hình dáng Sa Môn như cũ, để một thân đầy thương tích đến yết kiến Đức Phật lần cuối và ngồi yên nhắm mắt, nhập diệt. Cho dù có đạt chứng quả vị nhưng vì một kiếp bất hiếu - vốn là một tội rất nặng nề cho nên Ngài mới phải trả nợ bằng một cái chết không toàn thây. Điều này cũng giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi nhập Niết Bàn cũng uống phải canh nấm cực độc của cư sĩ Thuần Đà cúng dường mà nhập diệt. Đây vốn dĩ là nghiệp quả đã đến và cũng chính là một bài học, một sự răn đe mà chư Phật gửi đến cho tất cả chúng sinh.

Lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ là điều mà Phật Giáo luôn nhắc tới. Bất hiếu, giết hại cha mẹ cũng là một trong năm tội đọa Vô Gián địa ngục chịu những sự đau đớn không lúc nào ngừng. Hy vọng những câu chuyện về Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát sẽ là tấm gương sáng cho quý Phật tử tu học theo từ đó giữ tròn chữ hiếu với bố mẹ, ông bà.

1