Nhập vai một doanh nhân, chúng ta thường mong muốn có lợi nhuận cao, doanh nghiệp phát triển bền vững và sản phẩm uy tín chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu. Nhiều công ty đã nhận ra vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đang nỗ lực làm nhiều hơn những yêu cầu pháp lý tối thiểu.
Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ hoặc thậm chí phá sản. Điều này không phải ngẫu nhiên, công việc kinh doanh hiện tại thành công hay thất bại có liên quan mật thiết đến phước báu mà ta đã gieo trồng trong quá khứ. Ngay từ thuở xưa, Tôn giả Sariputta đã bạch Thế Tôn với câu hỏi: "Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn? Có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn?".
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng phân tích để hiểu rõ hơn lời Phật dạy về sự thành tựu trong kinh doanh.
Hạng người thành công và không thành công trong kinh doanh
Theo lời Phật dạy: “Có hạng người đi đến Sa môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn. Cũng có hạng người đi đến vị Sa môn, hứa hẹn giúp đỡ và vị ấy đã cho như đã hứa. Sau khi mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn”. Theo lời Phật dạy, yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công trong kinh doanh là chữ tín và phước báu.
Nhiều người có thói quen hứa hẹn nhiều điều, nhưng cuối cùng lại không thực hiện được. Những người có thói quen xấu như vậy khó thành tựu bất cứ việc gì tốt đẹp. Chúng ta nên hành động nhiều hơn lời nói, không nên hứa mà không làm. Tín cậy là một yếu tố quan trọng trong kinh doanh.
Không kinh doanh phi pháp
Kinh doanh là một ngành nghề có nhiều cơ hội thành công, nhưng cũng dễ gặp thất bại. Có những người không hề quản lý công việc và hoạt động của mình một cách chân chính và hợp pháp. Họ gây tổn hại cho con người và xã hội. Các hoạt động như buôn bán ma túy, bắt cóc trẻ em và phụ nữ, hoạt động xã hội đen là trái với tinh thần Phật giáo và luân thường đạo lý, cần phải loại trừ và tránh xa.
Chữ tâm trong kinh doanh
Chúng ta không chỉ nên tập trung vào việc tạo ra của cải mà còn cần nuôi dưỡng tâm hồn. Nếu giàu sang mà mất đi đạo đức, thì tài sản đó sẽ không bền vững. Chữ tâm trong kinh doanh là một chuẩn mực cam kết với nhau để tin tưởng làm ăn và hợp tác lâu dài.
Khi thành công, chúng ta cần giúp đỡ những người khác và chia sẻ. Đồng thời, cần lắng nghe ý kiến của nhân viên, trân trọng lòng tin và đáp ứng các góp ý.
Tóm lại, lời dạy của Phật giáo nhắc nhở chúng ta không chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân mà còn phải có lòng nhân ái và sống theo đạo đức. Giữ vững chữ tín và phước báu, chắc chắn chúng ta sẽ được hạnh phúc, an lành và góp phần ổn định xã hội.