Xem thêm

Chùa Phật Tích: Di tích lịch sử tại Bắc Ninh

Phap Ngo Thich
Bắc Ninh, vùng đất của những di tích văn hóa lịch sử, không chỉ nổi tiếng với làn điệu dân ca quan họ mà còn có ngôi chùa cổ linh thiêng - chùa Phật Tích....

Bắc Ninh, vùng đất của những di tích văn hóa lịch sử, không chỉ nổi tiếng với làn điệu dân ca quan họ mà còn có ngôi chùa cổ linh thiêng - chùa Phật Tích. Nằm giữa núi cao thanh tịnh, chùa Phật Tích gắn liền với nhiều di tích lịch sử và huyền thoại thú vị.

Lịch sử của chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích, trước đây được gọi là chùa Vạn Phúc, tọa lạc trên bên sườn phía nam của núi Lạn Kha, thuộc tôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, chùa được xây dựng từ thế kỉ VII đến X. Đây là nơi mà những nhà Phật giáo đầu tiên từ Ấn Độ xa xôi đã chọn để nghỉ ngơi khi sang nước ta để truyền đạo. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng chùa và từ đó, chùa Phật Tích trở thành Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Phật Giáo của Đại Việt trong suốt nhiều niên đại của triều Lý - Trần.

Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Ngoài vai trò là trung tâm Phật giáo Quốc gia, chùa Phật Tích còn được sử dụng vào các công việc xã hội ngoài phạm vi tôn giáo như thư viện Lạn Kha, tổ chức thi Tiến sĩ,...

Trong thời kỳ kháng chiến, thực dân Pháp đã chiếm chùa và phá hủy hầu như hoàn toàn nội, ngoại thất và nhiều di vật. Tuy nhiên, vào năm 1959, chùa được Nhà nước cho phục dựng dựa trên những nền móng và di vật còn sót lại. Mặc dù số lượng di vật không nhiều, nhưng chúng đều mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và mỹ thuật vô giá.

Ngôi chùa cổ kính gần 1.000 năm tuổi này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều câu chuyện cổ tích và huyền thoại như mối tình giữa nàng tiên Giáng Hương với viên quan Tri huyện Từ Thức, truyền thuyết về Vương Chất mải mê xem hai tiên ông đánh cờ đến nỗi để mục cả cán rìu,...

Ngôi chùa Phật Tích cổ kính có niên đại gần 1.000 tuổi Ngôi chùa Phật Tích cổ kính có niên đại gần 1.000 tuổi

Với những giá trị lịch sử - văn hóa to lớn mà chùa Phật Tích sở hữu, năm 1962, Bộ Văn hóa đã công nhận chùa Phật Tích là Di tích Lịch sử - Văn hóa. Đây là một trong 4 ngôi chùa, đình đầu tiên ở Bắc Ninh được xếp hạng.

Cách di chuyển đến chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 15 km. Để di chuyển từ trung tâm thành phố Bắc Ninh đến chùa Phật Tích, bạn có thể đi theo lộ trình: Lý Thái Tổ - Nguyễn Trãi - Quốc Lộ 38 - đường 295 - đi thêm 7 km nữa sẽ tới chùa Phật Tích.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí và tránh lạc đường, bạn có thể đi xe bus tuyến 04 Lim - Thành Đô với bến đỗ ngay dưới chân chùa Phật Tích. Bạn có thể bắt xe bus tại các bến xe Thành Đô, đường Lý Thái Tổ, đường Nguyên Phi Ỷ Lan,... và đừng quên hỏi phụ xe điểm xuống để tránh bị lỡ bến nhé.

Tham quan chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhưng vẫn gìn giữ và tái dựng lại được nhiều công trình và di vật quý giá.

Khu thờ chính

Khu thờ chính của chùa gồm 7 gian tiền đường dùng để đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà và các vị Tam Thế Phật, 8 gian thờ Tổ và 7 gian thờ Thánh Mẫu. Bên phải là miếu thờ để ghi nhận công lao trùng tu và phục dựng chùa của bà Trần Thị ngọc am - đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng tu ở chùa này.

Khu thờ mang đậm nét kiến trúc Phật Giáo của thời nhà Lý với thiết kế "nội công ngoại quốc". Mái chùa cong chạm khắc hình mây, rồng và hoa sen là những điểm nhấn nổi bật.

Khu thờ chính của chùa Phật Tích Khu thờ chính của chùa Phật Tích

Tượng Phật A Di Đà

Lý do chùa được đổi tên từ Vạn Phúc sang Phật Tích là do sự phát hiện của bức tượng Phật A Di Đà sau khi một tháp trong chùa bị đổ. Bức tượng này được làm bằng đá xanh nguyên khối, cao 2,7m và được thờ tại Thượng điện của chùa. Tượng Phật A Di Đà là một bức tượng đá có niên đại lâu nhất được xác định tại Việt Nam. Ngoại trừ giá trị lịch sử, nó còn được coi là một kiệt tác mỹ thuật và đã được sao y lại thành 2 phiên bản trong 2 viện bảo tàng Lịch Sử và Mỹ Thuật Việt Nam.

Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích

Ngoài ra, trên đỉnh núi Lạn Kha, còn có một đại tượng Phật cao 27m được đặt theo nguyên mẫu của tượng Phật A Di Đà trong chùa. Đây là bức tượng Phật cao nhất Đông Nam Á.

Vườn Tháp

Vườn Tháp của chùa Phật Tích có hơn 32 ngọn tháp, là nơi cất giữ xá lị của các vị sư trụ trì và nhục thân của Thiền sư Chuyết Chuyết. Hầu hết các ngọn tháp đều có tên và niên đại an tháp. Trong đó, tháp Phổ Quang là tháp lớn nhất. Tháp này là công trình nhằm tưởng nhớ sự hiện diện của tòa tháp cổ cao hơn 40m mà vua Lý xây dựng trước đây. Tháp cao hơn 5m, có 14 tầng nhỏ dần lên trên, trên đỉnh tháp treo Đại Hồng Chung - một quả chuông lớn để đánh vào những dịp đặc biệt.

Tháp Phổ Quang tại chùa Phật Tích Tháp Phổ Quang tại chùa Phật Tích

Hàng tượng linh thú

Hàng tượng linh thú ngàn năm tuổi được bố trí án ngữ tại sân chùa, trước tòa Tam Bảo. Bao gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử, mỗi tượng linh thú được khắc họa sinh động với tư thế và biểu cảm độc đáo. Các linh thú này gắn liền với cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mang ý nghĩa bảo vệ và quy y Phật pháp. Năm 2017, bộ tượng 10 linh thú tại chùa Phật Tích được công nhận là Bảo vật Quốc Gia.

Bộ tượng 10 linh thú tại chùa Phật Tích Bộ tượng 10 linh thú tại chùa Phật Tích

Long Trì (Ao Rồng)

Long Trì là một ao nhỏ hình vuông đã cạn nước. Đáy ao có một thềm đá hình bán nguyệt chạm nổi hình hai con rồng đặc trưng của thời Lý. Rồng là linh vật biểu tượng cho đạo Phật của thời nhà Lý, chính vì vậy sự xuất hiện của các hiện vật về rồng tại chùa Phật Tích càng minh chứng cho sự linh thiêng và an lành của vùng đất này.

Lễ hội tại chùa Phật Tích thu hút du khách

Chùa Phật Tích không chỉ lưu giữ những di sản vật thể quý giá, mà còn là nơi gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội khán hoa mẫu đơn hay lễ hội Phật Tích được tổ chức vào 4 - 5 tháng Giêng thu hút hàng vạn du khách thập phương đến dự. Du khách không chỉ được tham gia các hoạt động tín ngưỡng mà còn tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian đặc sắc.

Dòng người đến dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn Dòng người đến dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn

Kinh nghiệm cần biết khi tới chùa Phật Tích

Khi đi lễ tại chùa Phật Tích, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Giữ tâm ý trong sáng và hướng thiện. Đi chùa hãy cầu bình an, sức khỏe và thái bình cho đất nước.
  • Ưu tiên ăn mặc kín đáo, lịch sự. Tránh mặc váy kể cả váy dài. Tránh áo hai dây, quần ngắn trên đầu gối và các trang phục hở hang. Chọn giày, dép dễ tháo để khi vào điện thờ không cần cởi giày dép.
  • Đi nhẹ, nói khẽ, không chạy nhảy ồn ào trong khuôn viên chùa. Khi khấn cầu, cần khấn trong tâm và tránh khấn vái ầm ĩ.
  • Không tự ý ngắt hoa, bẻ cành hay sờ vào các hiện vật được lưu trữ trong chùa.
  • Không nhất thiết phải sắm lễ lớn, lễ nhiều để dâng Phật, quan trọng là lòng thành tâm. Một ít tiền nhang dầu, lễ nghi cũng có ý nghĩa đáng quý.
  • Vì là chùa đạo Phật, không dâng lễ đồ mặn, chỉ nên dâng hoa quả trà bánh thuần chay. Khi dâng lễ, nên xếp lễ vào khay riêng và đặt tại nơi theo hướng dẫn của nhà chùa.
  • Nên khấn tại nơi thờ Phật, điện Tam Bảo trước rồi mới đến các điện thờ Tổ, Thánh Mẫu và các nơi khác.
  • Vào các ngày lễ hội, chùa sẽ rất đông đúc, du khách cần bảo quản tốt tài sản cá nhân để đề phòng mất mát hoặc bị trộm cắp.
  • Trên đường lên chùa, có nhiều hàng quán bán thức ăn, hoa quả, hương nhang,... Hãy hỏi kỹ giá cả, đặc biệt là các dịch vụ viết sớ, xem bói,...

Đi lễ chùa Phật Tích Đi lễ chùa Phật Tích

Ghé thăm chùa Phật Tích, bạn không chỉ tìm được sự an yên nơi cửa Phật mà còn tìm lại được những giá trị tôn giáo, lịch sử và mỹ thuật vô giá của dân tộc. Chùa Phật Tích là một trong số những điểm đến tạo nên tên tuổi cho cái nôi Phật giáo - vùng đất Bắc Ninh. Hãy cùng khám phá thêm nhiều địa danh độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân gian tại Bắc Ninh với các dịch vụ du lịch như tour Bắc Ninh trọn gói, khách sạn Bắc Ninh nhé.

BestPrice

Nguồn ảnh: Internet

1