Đáp: Câu hỏi này đã được nhiều Thầy trả lời rồi, mỗi Quý Thầy cũng có một cách trả lời khác nhau, còn đây là ý của Thầy ở câu trả lời này:
Ở đây có nhiều khía cạnh thế này: Bây giờ có ai đưa cho quý vị hình con chó để đeo, thì quý vị có đeo không? - Có cho tiền quý vị cũng không đeo nữa. Nhưng có người tu hạnh con chó là người ta đeo đó, như bài Pháp hạnh con chó - hạnh con bò Thầy đã giảng trước đó, vì đó là lý tưởng của cuộc đời họ. Hay có ai đưa cho quý vị một vị nào đó mà quý vị không biết ai hết, kêu mình đeo đi thì mình có đeo không? - Không! Năn nỉ cho tiền mình còn không đeo nữa.
Nhưng mà quý vị thỉnh hình Phật bằng đá, bằng vàng để quý vị đeo, cái này khỏi ai cho, mình tự đi thỉnh đeo luôn…mà ai cho thì càng tốt, đeo vào là trong lòng hoan hỷ lắm, vui lắm. Lúc này mình thấy rằng, đeo tượng Phật nhỏ như thế trong cổ mình thôi nhưng mình kính Phật lắm, cho nên Thầy sẽ không nói quý Phật tử là không đeo hay là đeo, mà Thầy nói với quý vị ở chỗ này, quý vị đeo tượng Phật để làm gì?
Tội hay không là ở chỗ đeo tượng Phật mà xem thường Phật là tội, còn cái gốc quý vị đeo tượng Phật mà bình an, tôn kính Phật thì cứ đeo.
Tội hay không là ở chỗ đeo tượng Phật mà xem thường Phật là tội, còn cái gốc quý vị đeo tượng Phật mà bình an, tôn kính Phật thì cứ đeo.
Những trường hợp này là không nên đeo:
- Đeo tượng Phật để cho người ta biết tôi là Phật tử, tôi tu đạo lắm. Có người đeo một lúc hai ba tượng, đeo tượng Phật to nữa. Đeo với tâm tôi là đệ tử Phật đây, tôi là Phật tử đây, cái này không nên.
- Đeo tượng Phật với ý khoe khoang thì không nên.
- Đeo tượng Phật để phù hộ cho mình mua may bán đắt. Cái này càng không nên. Đừng có nghĩ như vậy mà đeo tượng Phật. Mua may bán đắt là tài ăn nói của mình, là khả năng nắm bắt thị trường của mình, là sự cố gắng của mình, nhiều thứ lắm, chứ không phải đeo tượng Phật là quý vị có thể làm ăn phát đạt được đâu.
- Nữa là đừng đeo tượng Phật rồi trở thành giống như câu ông bà ta nói “gần chùa gọi Phật bằng anh, thấy Phật hiền lành cõng Phật đi chơi”, đeo tượng Phật lúc nào cũng thấy Phật, thấy nhiều rồi xem thường coi Phật giống như anh, bữa nào vui vui cõng Phật đi chơi luôn.
Trường hợp có thể đeo tượng Phật:
- Quý vị có tôn kính Đức Phật, đeo tượng Phật để mỗi lần thấy Phật là nhắc mình luôn luôn cố gắng học theo hạnh của Phật, trường hợp này Thầy khuyến khích đeo. Có nhiều trường hợp đề nghị rằng, Phật là để tôn kính, không đeo, Phật không phải là trang sức, Phật cũng không phải là trang trí, vì có những hình Phật nghệ thuật để trang trí. Một cách khách quan nào đó, nếu một người nhìn vào bức tượng đẹp mà phát tâm tôn kính, thì Thầy ủng hộ trường hợp đó. Nhưng đừng trang trí quá nhiều, đến nỗi người ta nhìn Phật thấy bình thường luôn, mất lòng tôn kính thì điều này không nên.
Quan trọng ở gốc là tôn kính Phật mình có lợi ích gì, khi mình thấy hình Phật trang trí như vậy hoặc đeo trong người, mình đeo càng ngày mình có càng tôn kính Phật không? Mình đeo mà mỗi khi mình tính chửi ai đó, chợt nhớ lại “à mình đeo hình ảnh phật , thôi đừng có chửi”, hôm nào mình bức xúc quá thì mình nói “tui nói với cô nhen, thay vì tui chửi cô 10 câu mà nhờ tui đeo tượng Phật tui chửi 3 câu thôi đó”, thì cái này là khuyến khích đeo, bớt 7 câu cũng được. Tại vì ít nhiều mình cũng nghĩ rằng Phật ở trong mình, nhắc đến Phật như là một tấm gương vĩ đại thì mình nhờ Phật, tuy Phật không nói, nhưng thấy hình ảnh đó, mình có thể dừng lại một điều ác nào đó. Mình chuẩn bị làm một ác nghiệp nào đó, mình nhớ lại bên cạnh mình có Phật, mình đang học theo gương của Phật thì đừng làm những điều ác. Trường hợp như vậy thì được khuyến khích đeo tượng Phật.
Nhưng đến một lúc nào đó quý vị cảm thấy mất sự tôn kính thì không nên đeo tượng Phật.
Có người hỏi rằng đeo tượng Phật lỡ đi vào nhà vệ sinh mất sự tôn kính thì sao? Ở đây, chúng ta đang ngồi trước Phật, là một đống bất tịnh, một đống thây nhơ đang ngồi đây, tất cả chúng ta muốn nói về bất tịnh thì khỏi chê luôn, đừng nói con cóc con chuột mới hôi, mình mới hôi, xác chết mấy ngày cha mẹ người thân của mình, mình còn không dám tới nữa. Nếu nói về bất tịnh, dơ nhớt thì thân của mình vốn bất tịnh dơ nhớt. Phật không quan trọng việc đó, nếu là kim cương thì cho xuống bùn hay quăng vào lửa thì kim cương vẫn là kim cương, Phật không ảnh hưởng đâu, quan trọng là mình như thế nào. Đeo trong người quý vị tôn kính Phật thì không sao, nhưng đi tới một nơi mà quý vị cảm thấy bất tịnh không tôn kính thì không nên đeo, làm sao mà quý vị giữ được sự tôn kính.
Dĩ nhiên đâu đó quý Phật tử có ý niệm mình đeo tượng Phật mình cảm thấy bình an, chưa biết là Phật có phù hộ cho mình hay không, nhưng có những người đeo Phật thấy bình an thì đeo. Giống như có một số nơi, biết Phật Pháp rồi, nhưng tới ngày giỗ vẫn lấy vài miếng giấy tiền vàng bạc ra đốt cho ông bà. Có người hỏi rằng, trường hợp như vậy có nên kêu người ta không đốt luôn hay không? Tại vì thật ra hồi hướng cho ông bà là hồi hướng phước chứ không phải là cho những cái giấy tiền vàng bạc. Thứ nhất là Phật không dạy, thứ hai giấy tiền vàng bạc đâu mà người mất có thể nhận được như vậy.
Đối với Thầy trường hợp đó Thầy cũng tùy duyên, nếu mà với người hiểu đạo Thầy dạy khác, hiểu đạo rồi Thầy nói là đừng đốt, muốn gửi phước cho người thân thì anh đi tu học, đi nghe pháp, mỗi buổi nghe pháp có phước nên cuối buổi chúng ta thường hồi hướng, rồi anh đi tụng kinh đi ngồi thiền, đi bố thí, đi cúng dường, anh đem phước đó đi hồi hướng cho ông bà thì ông bà nhận được, anh khỏi đốt. Nhưng nhắm người đó hiểu thì nói vậy, còn người mà không hiểu mình nói thì người ta cũng không nghe, người ta cũng đốt hà.
Và cũng có Phật tử ở trường hợp này nè, hiểu thì hiểu mà đốt thì đốt. Hiểu biết là như vậy đó, nhưng mà vẫn đốt, tại sao vẫn đốt? Tại vì con sợ, một năm không đốt, ông bà không có áo mặc, sợ lạnh, ví dụ vì trường hợp đó, mua 20 - 30 ngàn giấy tiền vàng bạc, nếu phải đổi 30 ngàn giấy tiền vàng bạc đó mà để nguyên một năm họ yên tâm, họ cảm thấy trong lòng họ yên, Thầy cho đốt, nhưng cái gốc không phải là giấy tiền vàng bạc, cái gốc là ở cái Phước, nhưng mà họ phải đổi 30 ngàn để một năm được bình yên thì đốt đi, rồi từ từ khi nào hiểu thì khỏi đốt.
Cuộc đời là vậy, không phải khi quý vị hiểu, nói với người ta là người ta làm theo đâu. Thì cũng như vậy, Thầy biết có Phật tử đeo tượng Phật ở nơi người là tôn kính Phật lắm, nhất là ngủ mà gặp ma cái nhớ mình có đeo tượng Phật ở cổ mà sợ gì, thật ra không biết Phật có giúp mình không nhưng nghĩ đến đó mình cũng cảm thấy vui. Cô kia mỗi lần đi làm về, đi ngang nghĩa trang cổ sợ không dám đi, đợi có người đi chung cổ mới đi qua được. Hôm đó, cô đợi đến khuya mà không gặp ai cổ nghĩ chắc hôm nay ngủ ngoài đường, may sao có anh thanh niên đi ngang, thế là quá giang đi chung ảnh qua đoạn đường có nghĩa trang đó cho đỡ sợ ma. Đang đi cổ mới nói: “trời ơi, em sợ ma dữ lắm, có anh đi ngang em mới đỡ sợ ma”. Cái vấn đề tâm lý là như vậy, quý vị ngồi một mình trong phòng sợ ma dữ lắm, mà có một người không làm gì hết, không nói chuyện với mình mà chỉ cần ngồi ở một góc đằng kia thôi là mình đỡ sợ liền. Anh kia ảnh mới trả lời: “Ừ lúc anh còn sống anh cũng sợ ma dữ lắm”.
Có những trường hợp là mình giải quyết vấn đề tâm lý, cho nên nếu quý vị cảm thấy đeo tượng Phật mà quý vị cảm thấy bình yên hơn thì quý vị đeo, làm sao thì làm nhưng cái gốc là vẫn giữ sự tôn kính Phật, còn nếu đeo một thời gian thì thấy Phật như là một người anh mà cõng Phật đi chơi thì đừng đeo nữa.
Còn những trường hợp này Thầy khuyến khích là không nên:
- Không nên xăm hình Phật, Bồ Tát vào người.
- Mua nhang, mua chao mà có hình tượng Phật thì không nên. Phật, Bồ Tát không vì những chuyện này nhưng chúng sanh của mình quăng những hình đó ở nơi như vậy rồi bị người khác dẫm đạp lên, vô tình người ta xem thường Phật Pháp, ngay chỗ xem thường là tổn phước đó.
Tội hay không là ở chỗ đeo tượng Phật mà xem thường Phật là tội, còn cái gốc quý vị đeo tượng Phật mà bình an, tôn kính Phật thì cứ đeo. Đây là cái nhìn riêng của Thầy, quý vị nghe quý Thầy khác có thể mỗi Thầy có ý kiến khác nhau, cho nên tội hay không là ở chỗ mình có tôn kính hay không, mình có bình yên hay không và ở mình, nếu xem thường thì tội ở đó, còn lại đeo hay không là ở quý Phật tử.
Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp