Xem thêm

Vu Lan báo hiếu - Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

Phap Ngo Thich
Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. (Ảnh: TTXVN) Tháng Bảy - Mùa Vu Lan báo hiếu Trên khắp nước Việt, trong những ngày tháng Bảy Âm lịch, mùa thu...

Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tháng Bảy - Mùa Vu Lan báo hiếu

Trên khắp nước Việt, trong những ngày tháng Bảy Âm lịch, mùa thu lá rụng vàng, mọi gia đình theo đạo Phật đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu. Vu Lan đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng tháng Bảy là "tháng cô hồn" xui xẻo, dẫn tới nhiều hoạt động mê tín.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trụ trì chùa Tam Chúc đã có những lý giải để mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa dịp lễ Vu Lan-Rằm tháng Bảy.

Mùa hiếu hạnh

Thượng tọa Thích Minh Quang: Mùa Vu Lan báo hiếu đã trở thành một nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì thế, đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng Bảy Âm lịch hằng năm.

Theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là dịp để chúng ta nghĩ đến "tứ đại ân" - ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội.

Trước hết, mỗi người cần thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy tri ân các anh hùng dân tộc đã hy sinh, hãy là những người công dân tốt. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đạo đức cho chúng ta trong cuộc sống. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội.

Lễ hội Vu Lan báo hiếu

Thượng tọa Thích Minh Quang: Đại lễ Vu Lan có thể tổ chức vào bất kỳ ngày nào trong tháng Bảy Âm lịch, đặc biệt là vào Rằm tháng Bảy. Nội dung của lễ gồm tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà...; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sỹ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức "Bông hồng cài áo" tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ...

Gần đây, hàng nghìn Phật tử đã tham dự lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Tam Chúc (Hà Nam). Đại lễ Vu Lan báo hiếu với chủ đề "Mùa hiếu hạnh" không chỉ có các nghi lễ truyền thống Phật giáo mà còn có các tiết mục tái hiện lại câu chuyện của Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát cứu mẹ và tiết mục nghệ thuật ngợi ca đấng sinh thành.

Giữ gìn nét đẹp Vu Lan

Thượng tọa Thích Minh Quang: Đối với người dân, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu một cách đúng chuẩn, tránh xa các hình thức mê tín.

Trong khâu tổ chức mua sắm lễ, các cơ sở tự viện tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống.

Người dân không nên đốt nhiều vàng mã, mà hãy thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực, giúp đỡ người nghèo khó để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành và báo hiếu tổ tiên và cha mẹ. Đồng thời, cần phòng chống dịch COVID-19 một cách tốt nhất.

Tại gia đình, nếu tổ chức nghi lễ có đông người tham gia, cần có sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

Hướng dẫn cụ thể cách người dân thực hiện các nghi lễ tại nhà là lễ vật gồm 6 thứ: hương, hoa, đèn, trà, quả, và thực phẩm như xôi, chè, bánh hoặc mâm cơm chay, mặn.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, người dân có thể mua các loại hải sản, động vật sống như cá, ốc, lươn, trạch... mang ra chỗ nước sạch để thả. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên đốt vàng mã vì điều này không có trong truyền thống, giáo lý đạo Phật và gây tốn kém cho người dân và ô nhiễm môi trường.

Quan trọng nhất, trong lễ Vu Lan, chúng ta hãy giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ. Mỗi ngày đều là một ngày Vu Lan báo hiếu. Tôn Ngộ Không sinh ra từ đá, còn chúng ta đều là do cha mẹ sinh thành. Cho nên, quanh năm, hãy dành trọn thời gian để tri ân cha mẹ, và nếu cha mẹ đã mất, hãy hồi hướng công đức đến với cha mẹ bằng cách về chùa, tụng kinh, niệm Phật. Nếu cha mẹ còn hiện tiền, hãy thăm cha mẹ, gọi điện thoại động viên chúc phúc. Điều đó chính là làm hài lòng cha mẹ và làm hài lòng Đức Phật.

Cùng nhau giữ gìn nét đẹp Vu Lan và lan tỏa yêu thương đến tất cả mọi người.

Sám Vu Lan, tài liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cung cấp để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

1