Xem thêm

Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Tụng kinh - Cách thức và ý nghĩa

Phap Ngo Thich
Hỏi: Con thường tụng kinh ở nhà, nhưng con không hiểu rõ phải tụng niệm như thế nào mới đúng cách thức? Và thời khóa tụng niệm cũng như phải tụng kinh nào mới thực...

Văn hóa Phật giáo Việt Nam

Hỏi: Con thường tụng kinh ở nhà, nhưng con không hiểu rõ phải tụng niệm như thế nào mới đúng cách thức? Và thời khóa tụng niệm cũng như phải tụng kinh nào mới thực sự phù hợp? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Ðáp: Mục đích của việc tụng kinh là để chúng ta tìm hiểu nghĩa lý trong kinh qua những lời Phật Tổ dạy, rồi chúng ta đem ra áp dụng hành trì trong đời sống hằng ngày. Bởi tâm của chúng ta hằng ngày duyên theo cảnh trần không lúc nào dừng nghỉ. Khác nào như con khỉ, con vượn chuyền nhảy lung tung. Cho nên, chư Tổ bày ra những thời khóa tụng niệm là cốt yếu để cột con khỉ ý thức của chúng ta lại.

Ý nghĩa và lợi ích của tụng kinh

Tụng kinh không chỉ là một hình thức lễ nghi tôn kính, mà còn có tác dụng lợi ích rất lớn. Khi chúng ta chú tâm tụng niệm, thì thu nhiếp được sáu căn, nói gọn hơn là thúc liễm được ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Nhờ đó, thân tâm của chúng ta dễ được thanh tịnh.

Cách thức và quan niệm khi tụng niệm

Theo lời Phật Tổ dạy, trước khi tụng niệm, chúng ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải nghiêm trang tề chỉnh. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho đoan chánh. Lúc lạy hay quỳ cũng phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe. Nếu như tụng niệm một mình, thì Phật tử có thể tụng ra tiếng hoặc tụng thầm, tùy theo sức khỏe của Phật tử mà tùy nghi uyển chuyển linh động cho thích hợp.

Về thời khóa tụng niệm, thông thường là có hai thời cố định. Thời khuya thì thường là tụng chú Lăng Nghiêm và Đại bi thập chú. Còn buổi tối, thì thường là tụng Kinh Di Đà. Tuy nhiên, vấn đề này còn tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.

Nhiều người lại có quan niệm chọn những bộ kinh để tụng cho thích nghi với mỗi trường hợp như:

  • Cầu siêu thì tụng kinh Di đà, Địa tạng, Vu lan v.v…
  • Cầu an thì tụng kinh Phổ môn, Dược sư v.v…
  • Cầu tiêu tai giải bệnh thì tụng kinh Kim cang, Lăng nghiêm v.v…
  • Cầu sám hối thì tụng Hồng danh.

Việc chọn lựa như thế cũng có điều hay là cho tâm chuyên nhất, và tất nhiên là dễ được hiệu nghiệm hơn. Nhưng xét về mặt công đức hay giáo lý, thì kinh nào cũng đều có kết quả mỹ mãn như nhau, nếu như chúng ta thành kính hết lòng trì tụng.

Phát nguyện và kết luận

Trong mỗi quyển kinh, phần đầu trước khi vào phần kinh văn, đều có chỉ dẫn phần nghi thức. Phật tử có thể y theo đó mà hành trì. Nếu là Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ, thì chư Tổ Liên Tông thường khuyên dạy chúng ta, là sau mỗi thời khóa lễ trì tụng, Phật tử nên phát nguyện hồi hướng cầu sanh Cực lạc. Đây là điều rất quan trọng Phật tử cần lưu ý. Khi phát nguyện, Phật tử nên thành tâm phát nguyện một cách chí thành tha thiết. Vì được vãng sanh hay không phần lớn là do nguyện lực mạnh mẽ của chúng ta.

Với những quan niệm này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn vấn đề tụng kinh trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. Hãy cùng nhau tìm hiểu, trân quý và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày để thanh tịnh và bứt phá.

1