Tứ Linh bao gồm Long, Lân, Quy và Phụng - 4 linh vật trong tín ngưỡng phong thủy Việt Nam. Các linh vật này không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong phong thủy, thể hiện sự may mắn, thịnh vượng và bình an.
Tứ Linh là gì?
Tứ Linh là tên gọi chung của bốn linh vật nằm trong tín ngưỡng văn hóa và việc thờ cúng của Việt Nam. Khác với Tứ Tượng của Trung Quốc, có Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ, tứ linh Việt Nam bao gồm các linh vật như Long, Lân, Quy và Phượng.
Tứ Linh của Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt trong phong thủy, xuất hiện nhiều trong những đền thờ, chùa hoặc được khắc họa trên các đồ cúng.
Tứ Linh: sự đặc trưng trong phong thủy
Tứ Linh là các linh vật có sức mạnh phi thường, tượng trưng cho trời, đất và có nguồn gốc bắt nguồn từ Trung Quốc. Người xưa tin rằng, Tứ Linh tượng trưng cho bốn nguyên tố chính của trời đất, cụ thể: Long tượng trưng cho gió, Lân tượng trưng cho đất, Quy tượng trưng cho nước và Phượng tượng trưng cho lửa.
Từ xưa đến nay, hình ảnh Tứ Linh được sử dụng rộng rãi trong văn hóa Việt Nam, được khắc họa trong các nghệ thuật kiến trúc tại đền thờ, chùa, kinh đô hoặc nhà dân như một tín ngưỡng mạnh mẽ trong tâm thức của người dân Việt Nam.
Đặc điểm của Tứ Linh
1. Long
Đứng đầu trong Tứ Linh chính là Long hay còn được gọi là Rồng. Trong truyền thuyết, Rồng là linh vật đặc biệt của nhà trời, có uy quyền và sức mạnh cao hơn so với các loài vật khác.
Rồng được cho là mang đến nhiều điều may mắn, tốt lành, thuận lợi và bình an cho những ai bắt gặp. Thời xưa, người dân tin rằng Rồng là sứ giả giúp con người gửi nguyện ước lên trời như cầu mưa thuận gió hòa, cầu phồn thực…
Rồng là linh vật duy nhất trong Tứ Linh đại diện cho quẻ Chấn. Linh vật này còn tượng trưng cho dương khí, sự quyền lực, công danh, tài lộc và sự quật khởi mạnh mẽ, có ý chí. Do vậy, trang phục của vua chúa và hoàng tộc cấp cao thường được thêu hình ảnh Rồng bằng vàng, mang ý nghĩa về thiên mệnh của trời, có quyền lực tối cao.
Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thuyết về linh vật này từ rất lâu đời như tục trồng lúa nước, truyền thuyết “con Rồng cháu tiên” hoặc các địa danh Thăng Long, Vịnh Hạ Long và sông Cửu Long. Rồng không chỉ là biểu tượng cho nòi giống Việt Nam, mà còn được coi là một trong những vị thần linh thiêng, mang lại sức sống mãnh liệt, giúp mùa màng được tươi tốt hơn.
Rồng được miêu tả với thân của loài rắn, đùi như thằn lằn, móng vuốt sắc bén như chim ưng, đuôi dài như rắn, sừng to như hươu và thân có nhiều vảy như cá. Đây cũng là linh vật có hình dáng đặc biệt nhất trong Tứ Linh với thân hình uốn lượn có tổng cộng 12 khúc, tượng trưng cho các tháng trong năm. Sự uốn lượn nhấp nhô và mềm mại của rồng tượng trưng cho sự thay đổi của thiên nhiên, thời tiết và mùa màng quanh năm.
Khác với những con Rồng của các nước khác, Rồng Việt Nam có bờm dài trên đầu, râu ở cằm, mắt lồi to, răng nanh cùng viên minh châu trong miệng rồng, tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng, tri thức, lòng cao thượng và nhân văn.
2. Lân
Lân là linh vật được xếp thứ hai trong Tứ Linh, mang đến điềm lành cũng như sự thái bình, thịnh vượng và trường thọ. Đây là loài linh vật được sử dụng rộng rãi trong phong thủy nhà cửa, giúp trấn giữ hoặc hóa giải hung khí khi đối diện với cửa nhà khác, ngã ba, ngã tư hoặc góc nhọn, đường vòng chiếu thẳng vào nhà.
Lân là giống cái và Kỳ là giống đực, tuy nhiên dân gian thường sử dụng tên gọi Kỳ Lân để gọi cả hai linh vật này. Linh vật thứ hai trong Tứ Linh này có vảy khắp thân, chỉ ăn cỏ và có thần thái vô cùng sống động.
Dân gian thường mô tả hình dáng của Lân với các đặc điểm sau: sừng của nai, tai của chó, trán của lạc đà, mắt của quỷ, mũi của sư tử, thân của ngựa, chân của hươu, đuôi của bò và miệng rộng… nhưng lại có bản tính rất hiền lành.
Do đặc tính tốt nên người dân thường sử dụng tượng của linh vật này đặt tại cửa chùa, cửa nhà để trấn áp mọi hung khí xấu, canh giữ ngôi nhà và mang điềm tốt lành cho gia chủ.
3. Quy
Quy hay còn được gọi là rùa, là linh vật duy nhất trong Tứ Linh có thật trong tự nhiên.
Đây là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cực kỳ cao và khả năng sinh tồn cực kỳ tốt mà không cần quá nhiều thức ăn. Do vậy, linh vật này thường mang ý nghĩa về sự thoát tục và tinh thần thanh cao. Đây là linh vật tượng trưng cho sự trường thọ, chiêu tài hóa sát, trấn trạch, sự giàu có, thịnh vượng và phát triển tốt trong cuộc sống của Tứ Linh.
Trong tâm linh, Quy được cho là linh vật của đất Phật, hội tụ đủ các yếu tố của trời đất, âm dương bao gồm phần bụng tượng trưng cho mặt đất, là phần âm còn mai rùa tượng trưng cho vòm trời, là phần dương. Ngoài xuất hiện trong Tứ Linh, linh vật Quy còn được kết hợp với những con vật khác như rắn, tạo thành Quy Xà hợp thể, kết hợp cùng Rồng tạo nên linh vật Long Quy rất linh thiêng.
4. Phượng
Phượng là linh vật được biết đến nhiều tên gọi khác nhau như Phụng hay Phượng Hoàng, là loài chim đẹp nhất trong tất cả các loài chim, có nguồn gốc bắt nguồn từ nền văn hóa Trung Hoa. Loài chim trống được biết đến với tên gọi là Phượng, trong khi chim mái được gọi là Hoàng. Tuy nhiên, ngày nay không có quá nhiều sự phân biệt giữa loài linh vật này nên nhân gian thường gọi chung là Phượng Hoàng.
Theo văn hóa phong thủy phương Đông, Phượng là linh vật thường được đặt sánh ngang với Rồng, linh vật đứng đầu trong Tứ Linh.
Phượng Hoàng còn tượng trưng cho vẻ đẹp, sự cao quý, thịnh vượng, quyền lực, hồi sinh, sự che chở như một người mẹ, cũng như một sức mạnh huyền bí. Từ thời xa xưa, Phượng cũng đại diện cho Hoàng Hậu hoặc các phi tần có chức vị cao, sánh vai bên cạnh Vua, được đại diện bởi linh vật Rồng.
Phượng là linh vật có hình dáng đặc biệt, bao gồm các đặc điểm nổi bật của các loại thú khác như mỏ diều hâu, tóc chim trĩ, thân có vảy cá chép, đuôi lấp lánh như công và móng vuốt to như chim ưng.
Hình dáng của Phượng cũng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt như đầu đội công lý; mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng; lưng gánh bầu trời; lông chính là cây cỏ; cánh tượng trưng cho gió; đuôi thể hiện sự tinh tú; chân tượng trưng cho đất. Do vậy, ông bà ta đã tin rằng Phượng chính là hình ảnh tượng trưng cho cả vũ trụ.
Hình ảnh Phượng Hoàng múa hoặc tung cánh bay lên trời thường được gọi là Phụng vũ, là hình ảnh tượng trưng cho sự hoạt động, thay đổi của vũ trụ.
Ngoài ra, hình ảnh rồng và phượng còn được sử dụng để tượng trưng cho sự hòa hợp của âm dương, được đưa vào đại diện cho hạnh phúc của các cặp vợ chồng. Do đó, từ xưa đến nay, Việt Nam thường có truyền thống sử dụng hình ảnh rồng phượng để trang trí cho đám cưới, mang ý nghĩa cầu chúc hạnh phúc.
Tứ Linh: Ý nghĩa trong phong thủy
Tứ Linh là một trong những linh thú mang tính chất tâm linh và được sử dụng phổ biến trong phong thủy. Nhiều người thường sử dụng gỗ để khắc họa hình ảnh Tứ Linh với hoa văn và họa tiết sắc xảo, dùng trong việc thờ cúng, mang đến sự ấm áp, sang trọng cũng như may mắn đến cho gia chủ.
Theo phong thủy, tranh gỗ Tứ Linh được treo trong nhà sẽ giúp trấn trạch, ngăn chặn tà khí xấu xâm nhập và mang đến sự thịnh vượng, bình an, may mắn, giàu có đến cho gia đình.
Vật phẩm và trang sức Tứ Linh
Tứ Linh là các linh vật phong thủy mang nguồn năng lượng mạnh mẽ, may mắn và thịnh vượng, trở thành nguồn cảm hứng trong việc chế tác các đồ trang sức hoặc vật phẩm phong thủy.
Vật phẩm Tứ Linh
Tứ Linh mang ý nghĩa đặc biệt trong phong thủy nên thường được chế tác bằng cách vẽ tranh, điêu khắc hoặc làm tượng bằng gỗ hay các kim loại quý như vàng vàng, vàng trắng, bạc, đồng hoặc các loại đá quý tự nhiên như đá cẩm thạch.
Các vật phẩm này thường được dùng để bày trí trong nhà, phòng khách hoặc bàn làm việc để củng cố thêm quyền lực, tài lộc, sự thịnh vượng và bình an hơn trong công việc, cuộc sống.
Trang sức Tứ Linh
Tứ Linh cũng được lấy ý tưởng làm đồ trang sức như mặt dây chuyền, vòng tay và nhẫn cưới, thể hiện sự uy quyền, mạnh mẽ và được bảo vệ trong cuộc sống.
Các loại trang sức Tứ Linh thường được làm bằng các nguyên liệu quý như bạc Thái, bạc ta, bạc xi, vàng 18K, vàng 14K, vàng 10K, kết hợp cùng các loại đá quý nổi bật như kim cương, đá Ruby, đá Topaz, đá Chrysoprase và Ngọc Bích. Ngoài ra, nhiều người còn kết hợp trang sức Tứ Linh cùng Tỳ Hưu, Con Hạc hoặc đá Hồ Ly để tăng gấp đôi sự may mắn, thịnh vượng và giàu có.