Chế độ ăn thô thuần chay không có chứa các thực phẩm liên quan đến động vật và được ăn tươi sống (Ảnh: Internet)
Ăn thô thuần chay không phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả mọi người và có thể mang đến một số rủi ro đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích mà chế độ ăn uống này mang lại.
Ăn thô thuần chay là gì?
Chế độ ăn thô thuần chay là một hình thức của chế độ ăn thuần chay, trong đó không có bất kỳ sản phẩm động vật nào như sữa, phô mai, trứng, thịt, hoặc cá. Thực phẩm trong chế độ này được ăn tươi sống hoặc đun nóng ở nhiệt độ dưới 40-48°C. Phương pháp chế biến thường gặp khi ăn thô thuần chay bao gồm làm nước ép hoặc sinh tố, ngâm, trộn và làm nảy mầm.
Chế độ ăn thô thuần chay thường chứa nhiều loại trái cây, rau, quả hạch, hạt, ngũ cốc nảy mầm và các loại đậu. Người ăn thô thuần chay cho rằng phương pháp này cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Lợi ích của chế độ ăn thô thuần chay
Chế độ ăn thô thuần chay, với sự tập trung chủ yếu vào thực phẩm từ thực vật giàu chất dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Chế độ ăn thô thuần chay được cho rằng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ lượng lớn trái cây. Nghiên cứu cho thấy việc tăng tiêu thụ trái cây và rau quả từ ít hơn 3 phần mỗi ngày lên hơn 5 phần liên quan đến việc giảm 17% nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, chế độ ăn thô thuần chay còn thiên về các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt. Người ăn thô thuần chay có thể giảm tới 75% nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Nghiên cứu cho thấy người ăn theo chế độ ăn thô thuần chay giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 gần như một nửa so với chế độ không ăn chay. Chế độ ăn này giàu chất xơ từ trái cây, đậu, hạt và ngũ cốc, giúp giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy insulin.
3. Hỗ trợ giảm cân
Chế độ ăn thô thuần chay thường được lựa chọn để duy trì dáng và giảm cân. Nghiên cứu cho thấy trong hơn 3,7 năm, người theo chế độ ăn này đã giảm từ 9,9 đến 12 kg. Tuy nhiên, khoảng từ 14-25% người tham gia nghiên cứu trở nên nhẹ cân.
4. Tốt cho hệ tiêu hóa
Lượng chất xơ cao trong chế độ ăn thô thuần chay có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Chất xơ không hòa tan giúp giảm tình trạng táo bón, trong khi chất xơ hòa tan có thể cải thiện triệu chứng của các bệnh như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Những nguy hiểm và rủi ro khi ăn thô thuần chay
Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, chế độ ăn thô thuần chay cũng mang theo một số nguy hiểm và rủi ro nếu không ăn uống đúng cách.
1. Mất cân bằng dinh dưỡng
Chế độ ăn thô thuần chay dễ gây thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, do những người thực hiện thường không xây dựng thực đơn đa dạng. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn này có thể không cung cấp đủ chất đạm, vitamin B12, vitamin D, sắt, canxi, selen và kẽm. Đồng thời, việc nấu ăn cũng giúp tăng cường giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
2. Yếu cơ và xương
Chế độ ăn thô thuần chay có xu hướng thiếu canxi và vitamin D - hai chất dinh dưỡng quan trọng cho xương chắc khỏe. Mật độ khoáng chất trong xương của những người thực hiện chế độ này thường thấp hơn so với tiêu chuẩn. Đồng thời, chế độ ăn này cung cấp ít protein, góp phần làm yếu cơ bắp và không đảm bảo duy trì khối lượng cơ.
3. Tác động đến sức khỏe sinh sản
Phụ nữ áp dụng chế độ ăn thô thuần chay có khả năng cao ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, như rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh. Điều này có thể do chế độ ăn ít calo và ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể.
4. Ngộ độc thực phẩm và nhiễm ký sinh trùng
Ăn thực phẩm thô có thể gây ngộ độc nếu không nấu chín hoặc không chú ý đến vệ sinh. Ngoài ra, rau củ quả có thể chứa ký sinh trùng, nhất là khi trồng trong môi trường ô nhiễm.
Chế độ ăn thô thuần chay mang lại không ít lợi ích cho sức khỏe, nhưng cần có kế hoạch ăn uống phù hợp và không quá cực đoan. Hiểu rõ sức khỏe bản thân và thay đổi từ từ để cơ thể có thể thích nghi. Nếu không muốn áp dụng chế độ ăn thô thuần chay trong thời gian dài, bạn có thể cân nhắc tự xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp.