Xem thêm

Tiểu sử Hòa thượng Thích Viên Thành - Sứ giả của Như Lai từ bi trí mẫn

Phap Ngo Thich
Hòa thượng Thích Viên Thành là người đã có công hạnh đưa giáo pháp Truyền thừa Drukpa Việt Nam hoằng truyền vào nước ta từ năm 1992. Với tâm nguyện đem sự thực hành của...

Hòa thượng Thích Viên Thành là người đã có công hạnh đưa giáo pháp Truyền thừa Drukpa Việt Nam hoằng truyền vào nước ta từ năm 1992. Với tâm nguyện đem sự thực hành của truyền thống Kim Cương thừa góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam vì lợi ích người dân và hữu tình trong nước.

Thuở thiếu thời

Hòa thượng sinh ngày 15 tháng 7 năm 1950 (1-6-Canh Dần) tại làng Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cha là cụ ông Phùng Xuân Chỉ và mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Thìn. Khi Hòa thượng còn rất nhỏ, cha đã qua đời sớm, để lại Ngài dựa vào tình thương yêu của mẹ và sự đùm bọc của gia đình. Trải qua cảnh sinh ly tử biệt sớm, Hòa thượng đã nhận ra lẽ vô thường của kiếp nhân sinh.

Tuy tuổi đời còn rất nhỏ nhưng chí khí xuất trần của Hòa thượng đã được thể hiện qua vần thơ Tạ từ chú đi tu vào năm 12 tuổi:

"Chú ơi! Xin chú hiểu lòng tôi, Giờ phút chia tay đã đến rồi. Vẫn biết gia phong cần giữ đấy, Nhưng vì chân lý phải đành thôi.

Cỏ hoa tuế nguyệt còn thay đổi, Dâu biển xưa nay vẫn lở bồi. Nay nếu không đi cầu Chính Pháp, Sợ sau sẽ phải hối muôn đời.

Chú ơi! Ân nghĩa cháu không quên, Nguyện chứng chân như sẽ báo đền, Chú ở lại nhà xây tổ nghiệp, Cháu đi cầu Pháp cứu oan khiên.

Kẻ vun cội Phúc cho tươi tốt, Người đắp nền Nhân thật vững bền. Chú cứ yên tâm đừng có ngại, Cháu thề quyết chí gắng tu nên."

Sứ giả Như Lai

Sau khi rời ghế trường Phật học, Hòa thượng nguyện làm sứ giả của Như Lai, đem ánh sáng từ bi và giác ngộ của đức Phật thắp sáng thế gian này bằng tinh thần vô uý vị tha. Ngài luôn quan tâm đến việc đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng Ni trẻ, coi đó là việc báo đáp thâm ân của chư Phật một cách thiết thực nhất. Vì vậy, ngài đã là Giáo sư của các Trường Trung cấp Phật học cũng như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Năm 1984, ngay sau khi hoàn thành Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Hòa thượng trở về nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Thầy. Năm 1985, nhờ giới đức trang nghiêm và hạnh nguyện từ bi vô ngại, Ngài được Sư Tổ tức Hoà thượng Thích Thanh Chân tin tưởng trao truyền kế đăng Ðộng chủ Hương Tích.

Hòa thượng còn đảm nhận nhiều chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó ban Từ thiện Trung ương, Phó hiệu trưởng thường trực Trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây, và nhiều vị trí khác.

Kết nối với truyền thừa Drukpa

Hòa thượng đã thiết lập mối nhân duyên với các bậc Thầy tu chứng của truyền thống Kim Cương thừa Drukpa từ rất sớm. Ngài đã viếng thăm Vương quốc Bhutan để hạnh ngộ bậc Kim Cương Thượng sư truyền thừa Drukpa là Đức Giáo chủ Je Khenpo, và thọ nhận các Giáo pháp Quán đỉnh cốt tủy của truyền thừa Drukpa từ bậc Thầy của mình để hướng dẫn các đệ tử thực hành giáo pháp tinh túy và chân chính của Kim Cương thừa.

Tâm niệm và công lao đáng ngưỡng mộ

Suốt đời, Hòa thượng luôn tâm niệm rằng chỉ có Trí Tuệ mới là sự nghiệp chân chính của người xuất gia. Với tâm niệm này, Ngài tập trung vào việc nghiên cứu, trước tác, dịch thuật. Ngoài việc đảm nhận các chức vụ quan trọng trong Giáo hội, Hòa thượng còn là tác giả của nhiều tác phẩm và dịch phẩm về Phật pháp và văn hóa Phật giáo.

Bên cạnh đó, Hòa thượng luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội để đem lại an lạc, hạnh phúc cho nhân sinh. Do những đóng góp và công lao của mình, Hòa thượng đã nhận được nhiều giải thưởng và khen ngợi từ Đảng, Nhà nước và Giáo hội.

Kính nhớ Hòa thượng Thích Viên Thành

Hòa thượng Thích Viên Thành đã trọn vẹn hiến dâng cuộc đời cho Ðạo pháp, cho Dân tộc. Sứ mệnh của Ngài được tiếp tục và phát triển bởi truyền thừa Drukpa Việt Nam. Dù đã nhẹ gót thang mây, trên thế giới vô tung bất sinh, Hòa thượng vẫn tiếp tục bảo hộ và kết nối các hành giả Việt Nam với bậc Kim Cương Thượng sư giác ngộ.

Chúng ta cùng kính nhớ công lao và tôn kính tấm gương sáng của Hòa thượng Thích Viên Thành, ngọn hải đăng soi sáng cho Tăng Ni và Phật tử hôm nay và mãi mãi về sau!

1