Xem thêm

Nghiên cứu Phật giáo thời Lê sơ: Tìm hiểu về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam

Phap Ngo Thich
Ảnh: chuadieuphap.com.vn Phật giáo đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn ở Việt Nam trong thời Lý - Trần và chi phối hầu hết mọi phương diện của đời sống chính trị -...

NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO THỜI LÊ SƠ

PHẠM THỊ CHUYỀN1

Phật giáo trước khi du nhập vào Việt Nam được biết đến là một sản phẩm của văn hóa Ấn Độ. Sau khi du nhập vào Trung Hoa, Phật giáo đã có thêm những đặc trưng mới. Phật giáo sau khi du nhập vào Việt Nam trở thành một trong ba tôn giáo lớn, phát triển mạnh mẽ ở thời Lý - Trần, chi phối hầu hết mọi phương diện của đời sống chính trị - văn hóa - xã hội. Cũng như ở Trung Hoa, Phật giáo ở Việt Nam từ khi du nhập trở về sau cũng tiếp nhận những văn hóa của người Việt, mang thêm cho mình những đặc trưng riêng có. Trước sự lớn mạnh của Nho giáo ở thời Lê sơ, Phật giáo vẫn tồn tại nhờ vào sự hưởng ứng của một lực lượng quần chúng nhân dân Đại Việt trong thời kỳ này. Phật giáo thời Lê sơ trở thành một đề tài cần được nghiên cứu vì những lý do sau:

Thứ nhất, thời Lê sơ (1428-1527) là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử quân chủ chuyên chế của Việt Nam. Thời kỳ này đã có nhiều nghiên cứu về những thành tựu về tư tưởng, chính trị, luật pháp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những vấn đề cần nghiên cứu, trong đó có “Phật giáo thời Lê sơ”.

Thứ hai, trong bối cảnh khôi phục và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh chống thuộc Minh, Đại Việt thời Lê sơ có một sự chuyển mình lớn về văn hóa, Phật giáo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những nhân tố chính trị, kinh tế, văn hóa cho đến xã hội. Tới điểm cực thịnh của chế độ quân chủ chuyên chế ở thời Lê Thánh Tông, khi Nho giáo chiếm ưu thế trong xã hội, thì Phật giáo tiếp tục chịu sự ảnh hưởng. Một câu hỏi đặt ra là vậy trong thời kỳ đặc biệt này Phật giáo như thế nào?

Thứ ba, trong tình hình nghiên cứu hiện nay, đã có những luận điểm trái chiều về vị trí và vai trò Phật giáo thời kỳ này. Có nhóm luận điểm cho rằng Phật giáo thời Lê sơ suy thoái, yếu kém, không có VAI TRÒ gì to lớn. Ngược lại, có nhóm luận điểm cho rằng Phật giáo thời kỳ này đáp ứng rộng rãi những nhu cầu, tình cảm trong dân gian. Từ đó, cần phải có một nghiên cứu chuyên khảo có hệ thống về Phật giáo thời kỳ này để thấy được những VAI TRÒ của Phật giáo trên từng phương diện cụ thể của đời sống xã hội Đại Việt thời Lê sơ.

Liên quan tới đề tài “Phật giáo thời Lê sơ qua tư liệu Hán - Nôm”, đã có những công trình nghiên cứu tập trung vào những vấn đề sau:

Cơ sở tồn tại và phát triển của Phật giáo thời Lê sơ

Cơ sở kinh tế - văn hóa - xã hội

Về kinh tế, Đại Việt cuối Trần và sang thời Lê được Phan Đại Doãn nhận xét rằng, kiểu kinh tế thái ấp, điền trang và kinh doanh của quý tộc Trần làm cho kinh tế tiểu nông bị suy yếu, kinh tế hàng hóa bị kìm hãm, ruộng đất công ở các làng xã bị lấn chiếm nghiêm trọng. Sang thời Lê, đặc biệt là dưới thời Lê Thánh Tông, sở hữu nhà nước được tăng cường bằng việc hoàn thiện lộc điền và quân điền. Nông dân làng xã cày ruộng quân điền phải nộp đủ tô thế cho nhà nước. Từ đó, làng xã trở thành cơ sở kinh tế - xã hội của chế độ quân chủ chuyên chế. Chế độ quân điền cũng phải theo một nguyên tắc “ruộng công của làng nào thì làng đó sử dụng”. Từ đó, tồn tại sự tự trị làng xã, mà triều đình Lê sơ không thể chi phối. Nền văn hóa dân gian với phong tục, tín ngưỡng ... được duy trì và phát triển trên mức độ sự tự trị tương đối này. Cũng trong tác phẩm này, Phan Huy Lê lại thấy rằng, từ cuối Trần sang Lê, kinh tế điền trang bị phá vỡ, nhưng kinh tế hàng hóa vẫn chưa phát triển đến mức độ tạo lập ra một cơ sở kinh tế xã hội mới cho sự thống nhất quốc gia và thống nhất dân tộc. Trong điều kiện kinh tế xã hội như vậy thì chế độ phong kiến tập quyền chuyển từ chế độ quân chủ quý tộc sang chế độ quân chủ quan liêu theo mô hình Nho giáo là điều tất nhiên và cần được đánh giá là một bước phát triển. Và từ đó, Nho giáo phục vụ đắc lực cho thể chế chính trị này được nêu cao và tôn sùng là điều tất nhiên, khi mà nước ta gần Trung Quốc và nằm trong khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc. Như vậy, việc chuyển đổi kinh tế cơ bản từ điền trang sang quân điền đã đưa tới sự ảnh hưởng đối với Phật giáo trong thế đối sánh với Nho giáo và trong môi trường làng xã được gia cố thêm tính tự trị cao.

Về xã hội, Viện Triết học đưa ra luận điểm rằng, chế độ tuyển lựa quan lại bằng quân công và khoa cử tạo ra một bộ máy quan liêu hành chính. Thời đầu Lê sơ, võ tướng khá đông, từ Lê Thánh Tông về sau thì văn thần khoa cử chiếm vị trí quan trọng. Cách tuyển lựa bằng khoa cử tạo nên một tầng lớp sĩ phu - thường gọi là ‘kẻ sĩ’. Kẻ sĩ có khi là những người bình thường, thậm chí nghèo khổ, bằng nỗ lực cá nhân có thể tham gia vào bộ máy chính quyền, có địa vị xã hội và hưởng quyền lợi kinh tế tương ứng. Cho nên tạo ra sự sùng bài chức vụ, sùng bái khoa cử và tạo ra tâm lý say sưa học hành khoa cử để tìm danh, tìm vị, tìm lợi. Năm 1998, Phan Đại Doãn nhận định “cơ cấu chung của xã hội Việt Nam từ thế kỷ XV về sau là nhà - làng - nước. Thể hiện mô hình vận hành tổng thể là Gia đình - Làng xã - Đất nước...”. Nguyễn Hùng Hậu nhận xét, “Lê Lợi lên ngôi, một tầng lớp địa chủ quan liêu mới ra đời, chế độ quân điền ức thương được thi hành. Kinh tế xã hội chủ yếu vẫn là nông nghiệp - nông thôn - làng xã. Khác với thời Trần, các công thần thời Lê sơ được trao chức, chứ không phong tước, chia đất; nho sĩ chiếm số lượng lớn trong hàng ngũ quan lại, từ đó tạo ra bộ máy quan liêu hành chính”.

Liên quan tới văn hóa thời Lê sơ, trong bài viết về Nguyễn Trãi, Nhóm nghiên cứu do Trần Quốc Vượng đứng đầu có luận điểm rằng “Nguyễn Trãi sống trong một thời kỳ quá độ, thời kỳ bản lề của hai chặng đường lịch sử văn hóa Việt Nam. Trước Nguyễn Trãi là một văn hóa Đại Việt được cấu trúc theo mô hình Phật giáo; sau Nguyễn Trãi là một văn hóa Đại Việt được cấu trúc theo mô hình Nho giáo (Tống Nho, hay Tân Nho giáo theo quan niệm của các học giả phương Tây). Mô hình, thì chẳng bao giờ đóng khuôn được hết những tràn bờ của tư tưởng, văn hóa Việt Nam. Nguyễn Trãi tắm mình trong một bầu không khí văn hóa, ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa TRUYỀN THỐNG và ĐỔI MỚI, cuộc đấu tranh gay gắt giữa Trung Quốc hóa với xu hướng giải Trung Quốc hóa trong nội bộ thế lực cầm quyền và giới trí thức, văn hóa Đại Việt”. Nói như vậy, đầu thời Lê sơ là dấu mốc rất quan trọng trong chuyển đổi mô hình văn hóa. Sự chuyển đổi từ mô hình Phật giáo sang mô hình Nho giáo đương nhiên đã phản ánh trực tiếp tới sự thay đổi về đời sống của Phật giáo trong lúc này và giai đoạn sau đó.

Cơ sở chính trị

Sang thời Lê sơ, đi đôi với số lượng ngày càng đông đảo kẻ sĩ trong lực lượng chính trị, tư tưởng chính trị đã có sự thay đổi rõ rệt. Một trong những nhận định sớm nhất về vấn đề này, Nhà nghiên cứu Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng có quan điểm cho rằng: “Nhà Lê cũng hạn chế Phật và Đạo, vì hai tôn giáo này làm người ta thoát ly trần tục tức là thoát ly sự kiềm chế của chế độ quân chủ độc đoán”. Phan Đại Doãn đã tổng kết về tư tưởng chính trị của thời Trần và thời Lê sơ rằng “Ở thời Trần, tầng lớp cầm quyền là quý tộc họ Trần, quý tộc + võ sĩ + Nho sĩ, có chính quyền cơ sở là cấp hương với xã quan (ngũ, lục phẩm), hệ tư tưởng là Phật - Nho - Đạo. Lê sơ có tầng lớp cầm quyền là Địa chủ bình dân, có chính quyền cơ sở là cấp xã với xã trưởng, có hệ tư tưởng là Nho - Phật - Đạo”. Nhận định như vậy rõ ràng cho thấy sự hoán đổi vị trí ưu tiên trên địa hạt chính trị giữa Nho và Phật đã xảy ra. Sự hoán đổi này có thể tạo ra điểm mờ dần trong bức tranh Phật giáo thời Lê sơ, mà không làm mờ tất cả bức tranh đó. Nói như Hà Văn Tấn: "Nhà Lê lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng của xã hội, song Phật giáo không mất đi vai trò của nó". Trần Bá Trí nói rõ hơn nữa về luận điểm này: “Nhìn chung, nhà nước thời Lê sơ có hạn chế sự phát triển của Phật giáo, Đạo giáo nhưng vẫn công nhận sự tồn tại của nó là một tín ngưỡng rất quan trọng của dân chúng”. Luận điểm này cũng được Doãn Chính kế thừa. Tuy nhiên, Đào Duy Anh đã nâng tầm quan trọng của Nho giáo thời Lê sơ lên mà nhận định rằng: “Ở thời Lê sơ, Nho giáo là độc tôn, nên Đạo giáo và Phật giáo đều bị hạn chế và bị xem là tà giáo”. Tính chất “độc tôn” này được thể hiện trên bình diện toàn đời sống xã hội hay chỉ trên một bình diện đời sống tôn giáo, tác giả không chỉ rõ điều đó? Trước đó khá xa, năm 1998, Phan Huy Lê đã chỉ rõ sự ‘độc tôn’ đó là trên bình diện chính trị trong một bài phát biểu trong Kỷ yếu hội thảo về Lê Thánh Tông rằng: “Triều Lê thành lập sau thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp Bình Ngô, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước và của chế độ quân chủ tập quyền. Thể chế chính trị chuyển sang chế độ quân chủ quan liêu theo mô hình Nho giáo, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống và độc tôn”. Cũng từ quan điểm độc tôn này, Nguyễn Hùng Hậu đưa ra luận điểm “Do yêu cầu muốn độc tôn Nho giáo nên Phật giáo ngày càng đi xuống, phân tán về những vùng nông thôn làng xã...”. Có thể trong lực lượng Nho sĩ, nhiều người có tư tưởng “độc tôn Nho giáo” nhưng trên bình diện xã hội chung, Nho giáo ở thời kỳ đầu của thời Lê sơ chưa có có sức chi phối mạnh, mà phải tới thời Lê Thánh Tông mới có vị thế cao chi phối chủ yếu về mặt chính trị và giáo dục. Như vậy, quan điểm cho rằng thời Lê sơ, Nho giáo độc tôn, Phật giáo là tà giáo và bị triều đình hạn chế là chưa phù hợp, bởi vì Phật giáo vẫn có vị trí và vai trò của nó trong xã hội, nơi mà Nho giáo hoặc tư tưởng chủ đạo của triều đình khó chi phối được.

Liên quan tới các biện pháp quản lý tôn giáo của Nhà nước Lê sơ, Mật Thể từ năm 1960 đã nhắc tới việc khảo hạch tăng sĩ đầu thời Lê sơ (năm 1429) như sau: “Việc ấy càng tỏ ra một số Tăng đồ đầu đời Hậu Lê phần nhiều là hạng ít học, tu hành chỉ là theo hình thức chớ không hiểu đạo gốc nữa. Và có kinh điển đâu mà nghiên cứu. Triều đình dẫu có hòa với nhà Minh nhưng cũng không có ý ủng hộ Phật giáo, thì ai nghĩ đến sự cầu kinh”. Phan Đại Doãn sau đó cho rằng, đó là sự đả kích Phật giáo đầu tiên là từ phía chính quyền Lê sơ. Việc này là việc làm tổn hại cho Phật giáo. Viện Triết học đã kế thừa quan điểm của Phan Đại Doãn, và cho rằng đó là do nhu cầu độc tôn Nho giáo. Viện Triết học có thêm luận điểm: “Chính quyền phê phán Phật giáo không phải về nhận thức luận, về vũ trụ quan mà chủ yếu trên quan điểm đạo đức nhân luân, trên góc độ cai trị”. Lê Văn Quán cho rằng, đến thế kỷ XV, sau khi triều Lê thành lập, phương châm, chính sách đều chống lại tam giáo đồng hành của mấy triều đại trước, Nho giáo độc tôn, đề xướng tôn Khổng, đọc kinh sách, đẩy mạnh Lý học Trình Chu, tiến hành bài xích Phật giáo hoặc quản lý Phật giáo nghiêm ngặt hơn. Những luận điểm trên đây về cơ bản được đưa ra từ quan điểm cho rằng: “nhà nước Lê sơ có nhu cầu độc tôn Nho giáo”. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Tuấn lại cho rằng: “Từ thế kỷ XV, Phật giáo suy yếu dần, tuy các thế lực cầm quyền vẫn luôn dùng Phật giáo để làm dịu sự phẫn nộ của nhân dân. Từng lúc một, đạo Phật cũng được triều đình chăm sóc, đền chùa thỉnh thoảng được tu bổ, lễ bái được khuyến khích”.

Trên thực tế, vẫn diễn ra một số thực hành Phật giáo do Nhà nước Lê sơ thực hiện. Mật Thể nhận xét về sự kiện triều đình cho rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân về Kinh làm lễ cầu mưa năm 1434 thời vua Lê Thái Tông là việc làm chứng tỏ “từ vua đến dân đã yên trí Phật là phép thần thông như một vị thần của Lạt-ma giáo hay Phù chú giáo”, về sự kiện mời sư Huệ Hồng điểm nhãn cho tượng bà Hoàng thái hậu năm 1435 là “Thuyền sư đã nghiễm nhiên là một thầy phù thủy ở chùa, đọc kinh phật làm sư”. Những thực hành Phật giáo từ phía Nhà nước chưa được nhiều nghiên cứu phân tích từ khía cạnh tư tưởng hoặc quản lý đất nước.

Cơ sở nhu cầu tâm linh

Đời sống Phật giáo thời Lê sơ tồn tại một phần vì nhu cầu tâm linh của người Đại Việt đương thời. Liên quan tới vấn đề này hiện nay có một số ít tác giả nghiên cứu. Trước hết là ý kiến của Hà Thúc Minh từ sự tổng kết về ý thức hệ phong kiến Việt Nam với ba yếu tố Nho - Phật - Lão không tách rời nhau cho rằng, “Nho giáo thời Lê sơ đã thay thế Phật giáo chiếm địa vị độc tôn trong ưu thế chính trị, nhưng trong nhu cầu sinh hoạt tâm linh và tình cảm sâu thẳm của con người vẫn đòi hỏi một cái gì mà Nho giáo không thể thay thế được”. Hà Văn Tấn với những minh chứng về việc xây dựng và tu bổ cơ sở thờ tự Phật giáo của thời Lê sơ đã đưa ra nhận định chắc chắn: "Các ông vua triều Lê đã đưa Khổng giáo lên làm quốc giáo, lấy Tống Nho làm cơ sở cho hệ ý thức và phương pháp cai trị đất nước. Song không phải vì thế mà Phật giáo bị loại bỏ. Nền tảng tư tưởng Phật giáo đã cắm rễ hàng nghìn năm không dễ gì có thể gạt bỏ khỏi đời sống tâm linh của người Việt”. Lê Văn Quán bổ sung rõ hơn với luận điểm: (ở thời Lê sơ) “Phật giáo và Đạo giáo tuy mất quyền lực chính trị về mặt pháp lý, nhưng lại nắm được đời sống tâm linh huyền bí của con người trong xã hội phong kiến còn nặng về thần học”. Như vậy, yếu tố Phật giáo trong tâm thức người Đại Việt đã có từ nhiều năm trước đó. Tới thời Lê sơ, cho dù Nho giáo có sức phát triển tới đâu thì những khoảng trống mà Nho giáo không với tới được vẫn là nơi Phật giáo và các tôn giáo khác tiếp tục tồn tại và phát triển. Khoảng trống đó là nhu cầu tâm linh của người Đại Việt.

Diện mạo và đặc điểm của Phật giáo thời Lê sơ

Chủ thể sở hữu niềm tin Phật giáo thời Lê sơ

Về hoàng tộc thời Lê sơ với Phật giáo, có một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Tài Thư, Doãn Chính, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Hùng Hậu đã nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu này dựa vào tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn tương truyền do Lê Thánh Tông sáng tác để nói về quan điểm của ông về Phật giáo. Nguyễn Tài Thư cho rằng đây là một kết quả của yếu tố chủ quan là lòng nhân từ của Lê Thánh Tông và tinh thần từ bi của đạo Phật, yếu tố khách quan là sự tồn tại của “Khoa mông sơn thí thực khoa nghi” và yếu tố chính trị là những khó khăn của Phật giáo lúc bấy giờ. Nguyễn Hùng Hậu lại có quan điểm khác, ông cho rằng Lê Thánh Tông hoài nghi vấn đề tâm truyền và đốn ngộ của Thiền tông, và vì thế ông vua này chủ trương độc tôn Nho giáo. Vũ Ngọc Khánh cho rằng Lê Thánh Tông quan niệm thân phận con người là một thứ phù du hư ảo như bọt nước rồi cũng mau tan theo quy luật của thời gian. Doãn Chính trong nghiên cứu của mình chỉ ra rằng việc Lê Thánh Tông đau xót trước nỗi khổ của dân chúng là do ảnh hưởng của triết lý Phật giáo, tuy nhiên ông vua này lại phê phán Phật giáo và Đạo giáo trong việc cứu độ con người, về thiên đàng và địa ngục. Như vậy, trong các nghiên cứu trên chưa thấy có luận điểm nào nói về việc Lê Thánh Tông có sở hữu niềm tin Phật giáo. Ngoài Lê Thánh Tông, hiện nay chưa thấy những nghiên cứu đề cập tới những vị vua hay người trong hoàng tộc nhà Lê sơ sở hữu niềm tin Phật giáo.

Trong tầng lớp quan lại (bao gồm cả Nho sĩ tiêu biểu) có sở hữu niềm tin Phật giáo hay không? Đã có một số công trình đã đề cập tới. Viện Triết học nói rằng, Lương Thế Vinh là một hiện tượng đặc biệt về một Nho sĩ tiêu biểu biên soạn những sách chuyên về Phật giáo, thậm chí là những sách có tính phổ biến và truyền bá Phật giáo như Thiền môn khoa giáo, Nam Tông tự pháp đồ. Ngược lại, Trần Mạnh Quang với bằng chứng được trích dẫn trong bài văn sách đình đối của Lương Thế Vinh cho rằng, Lương Thế Vinh phê phán tệ lậu của Phật giáo, làm mờ tối “thiên lý”.

Khác với Lương Thế Vinh, vấn đề Nguyễn Trãi với Phật giáo cũng đã có một số nhà nghiên cứu, nhưng không có những nhận xét trái chiều nhau. Nguyễn Tài Thư cũng với những quan sát trong Quốc âm thi tập cho rằng Nguyễn Trãi viết về giáo lý Phật giáo hết sức căn bản và sâu sắc, tiếp thu lý bất nhị của Thiền Đại thừa, và chính cái ảnh hưởng Phật học đã làm cho tâm hồn thơ Nguyễn Trãi phong phú hơn, đồng thời tâm từ bi đã hun đúc trong Nguyễn Trãi lòng yêu nước thương dân. Đàm Văn Chí trên cơ sở tư liệu văn chương cho rằng trong triết lý của Nguyễn Trãi có ‘ngẫu nhiên’, vấn đề mệnh của Nguyễn Trãi còn gần với Phật giáo trong một số phạm trù, ví dụ như ‘nghiệp’. Nguyễn Hùng Hậu cũng dựa vào một số tác phẩm thơ của Nguyễn Trãi như Thuật Hứng, Hạ Nhật Mạn Thành, Lâm Cảng Dạ Bạc… mà có luận điểm rằng: “yếu tố Phật giáo trong tư tưởng Nguyễn Trãi còn thể hiện ở tư tưởng xem cuộc đời như ảo hóa”. Doãn Chính cũng trên cơ sở khảo cứu Quốc âm thi tập đã đưa ra nhận xét “Nguyễn Trãi còn thấm nhuần triết lý Phật giáo với đức hiếu sinh, khoan dung, bác ái và từ bi”. Các tác giả này khai thác sử liệu về Nguyễn Trãi với Phật giáo chủ yếu trên nguồn sử liệu trong tư liệu văn chương, không đề cập tới những nguồn sử liệu khác.

Đánh giá chung về nhà Nho tiêu biểu thời Lê sơ với Phật giáo, Nguyễn Tài Thư chỉ rõ: “Có những nhà Nho trong khi hăm hở tạo sự nghiệp thì bài bác Phật giáo, nhưng đáo đầu lại trở về quy y cửa Phật như Trương Hán Siêu là một trường hợp. Chính vì thế, mà các tác phẩm của giới bác học thời Lê sơ, ảnh hưởng của Phật giáo trong sáng tác hết sức hạn chế. Tiêu biểu có thể kể trường hợp Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh và Lê Thánh Tôn”. Sau này, Nguyễn Thừa Hỷ đã có thêm một minh chứng về điều này, đó là “Một số cá nhân quan liêu Nho sĩ cũng vẫn xây dựng, trùng tu chùa chiền như các chùa Báo Thiên, Thanh Đàm, Chiêu Độ. Bản thân Trạng nguyên Lương Thế Vinh đã viết văn bia cho chùa, soạn sách giáo khoa Phật giáo”. Đây là những luận điểm có bằng chứng rất thuyết phục, tuy nhiên còn có thể tìm căn cứ trong những nguồn sử liệu khác về vấn đề này.

(Còn tiếp)

1. Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

1