Những ngôi chùa làng sống mãi trong tâm thức của dân tộc, của cộng đồng. Đây là những nơi mà ta có thể kể đến như chùa Yên Sơn (xã Tam Sơn, Núi Thành), chùa Phổ Khánh (xã Đại An), chùa Phước Định (xã Đại Đồng, Đại Lộc), chùa Thái Bình (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ)... Dưới mái chùa, bao thế hệ cư dân trong làng xa gần đến lễ Phật, nguyện cầu.
Bao thế hệ đã trưởng thành, rời xa làng quê, từ mái chùa làng. Mỗi khi nghe tiếng chuông chùa xa vọng lại, lòng lại trỗi lên nỗi nhớ cồn cào, da diết: Nhớ quê, nhớ chùa. Chợt nhớ tới bài thơ “Nhớ chùa” của thiền sư Thích Mãn Giác, một nhà sư đạo hạnh, một tấm gương sáng về sự nghiệp hoằng pháp. Thiền sư Thích Mãn Giác có pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại cố đô Huế. Mái chùa trong ký ức thiền sư gắn với tuổi thơ đầy hoa nắng nơi vùng quê nghèo, thanh bình: “Từ thuở ra đi vắng bóng chùa/ Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua/ Trong tôi bừng dậy niềm chua xót/ Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa/ Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng/ Có con đường đỏ chạy lang thang/ Có hàng tre gợi hồn sông núi/ Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng/... Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng/ Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung/ Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Bài thơ của thiền sư đã khắc họa đậm nét vóc dáng của ngôi chùa cổ, chùa làng ở miền quê xa xăm, đau đáu trong ký ức thiền sư. Nỗi nhớ ngôi chùa chung của làng, nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã đã trở thành nỗi nhớ quê hương, đất nước và nỗi nhớ tổ tông, dòng họ. Mái chùa đã thấm đẫm bản sắc văn hóa của dân tộc, của làng xã.
Lại nhớ tới bài thơ “Nhớ cảnh chùa Đọi”, một ngôi chùa cổ kính có lịch sử vài trăm năm của Nguyễn Khuyến: “Già yếu xa xôi bấy đến nay/ Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay!/ Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây/ Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy/ Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?/Chuông trưa vẳng tiếng người không biết/ Trâu thả sườn non ngủ gốc cây”… Ngôi chùa Đọi với cảnh đẹp, buồn đến nao lòng, nhưng trong thời khắc đó, những thanh âm của thiền, của đời, hòa quyện vào nhau. Mái chùa xưa lẫn vào cây đá với vẻ cổ kính, nên thơ, trầm mặc, thiêng liêng. Mái chùa xưa bình dị nơi làng quê yên bình cứ thế đi vào thơ của Nguyễn Khuyến, thiền sư Thích Mãn Giác và sống mãi trong ký ức, tâm linh của bao người con sống trên mảnh đất Việt...
Đạo Phật quan niệm, chùa to chùa nhỏ không quan trọng, mà quan trọng là tâm ông thầy chùa to hay nhỏ. Chùa to hay nhỏ thì cũng đều thờ Phật, đều phải đảnh lễ trước tượng Phật, dù tượng đúc bằng vàng hay làm bằng gỗ mít. Bao đời nay, mái chùa quê đã trở thành biểu tượng của cái đẹp, của sắc màu văn hóa, sắc màu dân tộc, của quê hương, đất nước với hồn thơ “Mái chùa che chở hồn dân tộc”...