Một năm trôi qua nhanh như cái chớp mắt, ngày lễ Vu Lan lại đến trong sự hân hoan của những người con. Những nỗi lòng chứa chan ấy được gói gọn trong câu ca dao "Đêm đêm con thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con". Từ chỉ thời gian "đêm đêm" không nhấn mạnh được một khoảng thời gian nhất định, mà nó là những đêm dài được lặp đi lặp lại, kéo dài mãi không có điểm dừng. Chính trong quãng thời gian ấy, người con đã thắp đèn trời - một hành động biểu tượng cho sự thành kính, kính cẩn cầu nguyện một điều gì đó. Nhưng họ cầu mong điều gì? Không phải tiền bạc, công danh cho bản thân mình, mà là cầu cho cha mẹ sức khỏe, bình an. Họ dồn hết tâm tư, tình cảm của mình để mong cho cha mẹ được ở mãi cạnh bên. Cảm động biết bao tình cảm chân thành, hiếu thảo ấy. Những yêu thương đó, không chỉ hiện diện vào ngày lễ Vu Lan, mà là từng ngày từng giờ trong chính trái tim của họ.
Giữa trưa hè oi ả, tôi nghe văng vẳng từ xa tiếng hát à ơi câu ca dao khiến lòng người xuyến xao:
"Ơn cha lành cao hơn non Thái Nghĩa mẹ hiền sâu tựa biển khơi. Dù cho dâng cả một đời Cũng không trả được ơn người sinh ra."
Nghe câu hát ấy khiến lòng tôi lại luyến lên những suy tư, cảm thương về cha mẹ của mình. Cũng như bao bậc phụ mẫu khác, cả cuộc đời của họ là những tháng ngày tần tảo, vất vả làm lụng như những con ong cần lao xây đắp cho tổ ấm của mình. Họ nuôi lớn và tưới tắm cho hồn tôi bằng những yêu thương và hy sinh không chút toan tính. Bởi vậy, hồn tôi luôn ăm ắp những yêu thương và hạnh phúc. Theo thời gian trôi, những sướng sung ấy ngày càng đong đầy hơn, và những khát khao được báo đáp cho ơn thầy nghĩa mẹ cũng càng lớn lên thêm. Thế nên, mỗi khi nghĩ về cha mẹ, trong tâm trí tôi lại cất lên câu ca dao:
"Đêm đêm con thắp đèn trời Cầu cho cha mẹ sống đời với con."
Ca dao: Đêm đêm con thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Câu ca dao bắt đầu bằng từ láy "đêm đêm". Đó là một sự sáng tạo từ mô típ "chiều chiều" vô cùng quen thuộc trong ca dao dân ca chốn làng quê. Điểm chung của những mô tip mang tính chất thời gian như vậy, chính là để tạo ra cái không gian, cái bối cảnh để cho cảm xúc con người được dịp mà lên men, mà chưng cất rồi thăng hoa. Như là các cụ ta ngày xưa vẫn thường tâm đắc "tức cảnh mà sinh tình". Cái tình con người nó luôn trú ngụ ở ngõ ngách nào đó của những tâm hồn. Chỉ chờ cái cảnh dẫn lối mà dâng lên, chứa chan khắp cả cơ thể. "Đêm đêm" là khoảng thời gian không còn là buổi tối, nhưng cũng chưa đến khuya. Nó là khoảng thời gian để người ta ngồi nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc. Để những muộn phiền của cuộc sống được để lại phía sau cánh cổng, cho tâm hồn được thả lỏng, tự mình suy nghĩ, tự mình nhớ nhung. Và "đêm đêm" cũng chính là thời gian cho gia đình được ở bên nhau, cùng nhau ngồi lại, tâm sự về những điều ở ngoài kia. Chính vì thế mốc thời gian "đêm đêm" đã giúp tạo nên một bối cảnh, một cơ hội để trong tôi nảy mầm lên những suy nghĩ yêu thương về cha mẹ mình. Và hơn thế, "đêm đêm" còn chỉ một chuỗi thời gian đều đều, lặp lại liên tục. Cứ vào khoảng thời gian ấy, ngày nào cũng vậy, tôi lại nhớ thương về cha mẹ của mình, không hề có điểm dừng lại. Nó tạo nên âm hưởng triền miên, bất tận cho nối nhớ thương cha mẹ của mỗi người con.
Bất kì bậc làm cha làm mẹ nào trên thế gian này cũng vậy, họ luôn dành trọn trái tim yêu thương cho những đứa con của mình. Họ lao động kiên trì, họ vượt qua những khó khăn không một lời kể lể, oán than. Họ làm tất cả để gánh lên mảng trời hồng cho những tâm hồn non dại. Tình thương con và sự hi sinh của cha của mẹ lớn lao hơn bất kì ngọn núi nào trên thế gian, đầy ắp hơn bất kì dòng sông nào trên mặt đất. Chúng là suối nguồn để nuôi dưỡng những đứa trẻ thơ, luôn đong đầy không bao giờ cạn. Chính vì thế, mỗi chúng ta luôn cảm thấy yêu thương, biết ơn cha mẹ của mình. Và như một điều hiển nhiên, những tình cảm trong sáng, đằm thắm ấy đã lên men những nghĩ suy về sự báo đáp, đền đáp công sinh dưỡng của cha mẹ.
Ca dao: Đêm đêm con thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Những tâm tư muốn báo đáp công cha nghĩa mẹ luôn thường trực trong tâm trí của mỗi người con. Từ khi còn là những đứa trẻ cho đến khi trưởng thành. Đó là những mong muốn được tự mình giúp đỡ cha mẹ những việc nhỏ nhất, như cầm giúp một món đồ, giúp mẹ quét sân, giúp bố rót nước... Những hành động nhỏ bé ấy là những viên gạch đầu tiên trong sự đền đáp cha mẹ mà bất kì ai cũng từng hun đúc. Và rồi, những hành động ấy không còn đủ để làm ta thỏa mãn nữa. Chúng ta muốn làm được nhiều hơn, giúp cho cha mẹ tất cả mọi việc. Để mẹ cha không còn phải vất vả, tảo tần. Thế nên, ai cũng từng chứa chan những suy nghĩ phải lớn lên thật nhanh, phải vững vàng thật chóng. Như tôi từng nghe một người bạn nào đó ngậm ngùi "chúng ta phải trưởng thành nhanh hơn sự già đi của cha mẹ". Rồi thì những mầm non ngày nào cũng sẽ lớn lên, cũng sẽ báo đáp cho cha mẹ của mình bằng nhiều cách khác nhau. Cũng sẽ mang đến những yêu thương, chở che nồng ấm, bất tận của mình cho đấng sinh thành.
Thế nhưng, dù người con có lớn đến bao nhiêu, thành công đến thế nào thì chúng cũng không thể đi ngược lại những quy luật của sinh lão bệnh tử. Thời gian trôi đi, khi chúng ta đang ra sức trưởng thành, thì tự lúc nào cha mẹ cũng đang dần già đi. Bờ vai của cha không còn cứng cáp như trước, bàn tay của mẹ không còn mềm dẻo như xưa. Dù ta có cố gắng như thế nào cũng không ngăn cản được. Bởi vậy, mỗi người con lúc nào cũng thường trực một nỗi sầu lo, nỗi lo mất đi cha mẹ. Nỗi lo này không thể bởi chúng ta có sức khỏe, có thành công, có địa vị mà nguôi ngoai đi được. Chính vì vậy, mà con người đã gửi gắm nỗi lo và sự mong mỏi, hi vọng ấy vào cội nguồn tâm linh:
"Đêm đêm con thắp đèn trời"
Thắp đèn trời là một hình thức cầu nguyện đặc trưng của người phương Đông. Vào những dịp lễ đặc biệt, họ thường thắp đèn lồng, để gửi gắm những ước nguyện của mình. Thế nhưng ở đây, đèn lồng được thắp vào mỗi đêm, không ngừng lại, nó liên tục như lòng mong mỏi không bao giờ dừng lại của những đứa con. Tất nhiên, ở trong câu ca dao này, việc thắp đèn trời này không phải là hình ảnh thực. Nó là một hành động được diễn ra chính trong tâm tưởng của người con, được tạo hình bởi sự thành kính, được đốt lên bởi tình yêu thương cha mẹ ngút ngàn. Lòng hiếu thảo bất tận của người con đã tạo nên thứ dầu vĩnh cửu thắp cho chiếc đèn trời vào mỗi đêm. Vậy, người con ấy đang cầu nguyện điều gì? Cũng như những người làm cha làm mẹ luôn quên mình mà hy sinh, suy nghĩ về con cái. Thì những người con cũng ngày ngày đêm đêm mong mỏi, hi vọng cha mẹ mình được mạnh khỏe, được sống thật lâu để hưởng phúc bên con cháu.
"Mong cho cha mẹ sống đời với con."
Ước mong ấy thật giản dị, được người con ngày cầu đêm mong bằng sự yêu thương nồng đượm. Và tất nhiên họ cũng đang ra sức để góp phần thực hiện điều đó. Những người con gắng sức trưởng thành, cố gắng để thành công, giúp cho cha mẹ có được một cuộc sống thật tốt, không phải lắng lo, suy nghĩ điều chi - giống như cha mẹ họ đã làm. Thế nhưng, họ vẫn phải luôn sống trong lo lắng, thấp thỏm khi nghĩ đến một ngày "chuối sẽ chín rụng về vườn". Tình yêu thương, quyến luyến sâu nặng với cha mẹ khiến người con luôn đớn đau khi nghĩ về giây phút chia ly. Bất kì ai cũng luôn muốn được sống mãi cạnh bên cha mẹ của mình. Như chú chim con không bao giờ muốn rời xa mẹ, như chiếc lá xanh không bao giờ muốn lìa cành. Thế nên, mỗi phút, mỗi giây, những đứa con luôn dùng tất cả những thành tâm, yêu thương, kính mến của mình để cầu nguyện cho phụ mẫu mình được sống lâu thật lâu bên cạnh mình. Đó chính là một biểu hiện lớn lao của lòng hiếu thảo, của tình con.
Ca dao: Đêm đêm con thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có rất nhiều thứ đã thay đổi. Con người sống cởi mở hơn, ít ràng buộc hơn. Thế nhưng tình cảm giữa đấng sinh thành và con cháu thì vẫn vậy, luôn đong đầy, vô giá. Bởi giữa cha mẹ và con cái được buộc vào với nhau bởi tình yêu thương không chút tính toan chứ không phải vì bất kì một điều luật nào. Mỗi bên đều luôn nghĩ về phía còn lại, luôn hi sinh vì đối phương không chút đòi hỏi nào. Chính điều đó làm nên sự thiêng liêng cho tình cảm gia đình, khiến không biển nào đầy hơn tình mẹ, không núi nào cao hơn tình cha. Mỗi người con có những cách riêng để thể hiện tình yêu của mình cho cha mẹ. Đó là những cái thơm đầy mùi sữa của những đứa trẻ, là những lần giúp mẹ làm việc nhà của những cô bé, là những lần chăm bố ốm của cậu trai. Hay là những buổi, những ngày, những tháng thành tâm cầu nguyện cho các đấng sinh thành được bình an, mạnh khỏe. Thế nhưng, khi chúng ta thật sự yêu quý muốn đền đáp công ơn trời bể của cha mẹ, thì quan trọng nhất chính là hãy luôn yêu thương, quan tâm đến họ và ở bên họ nhiều nhất có thể. Bởi suy cho cùng, điều mà các bậc phụ mẫu luôn mong muốn nhất chẳng phải là con cháu hạnh phúc, sum vầy hay sao?
Bên cạnh những tình cảm ấm áp, sự hiếu thảo đong đầy đến như hiển nhiên ấy. Ngày nay, đôi khi chúng ta vẫn gặp phải một số trường hợp con cái bất hiếu với cha mẹ. Từ những hành động như hỗn láo với bố mẹ, không giúp đỡ bố mẹ những việc mình có khả năng. Đến những hành động vô tâm, không quan tâm đến sự vất vả, hi sinh của bố mẹ. Thậm chí là hành động quát mắng, đánh đuổi bố mẹ. Đó đều là những hành động cần lên án mạnh mẽ và bị xử phạt nặng nề. Bởi đó là những hành động tội lỗi, khó mà chấp nhận.
Mỗi người con đều phải đối xử với cha mẹ mình bằng tình yêu thương, bằng sự yêu thương, bằng sự kính trọng nhiệt thành. Thế mới xứng đáng với những hi sinh lớn lao trời bể của mẹ cha. Mẹ cha chỉ có một trên đời, vì thế chúng ta cần trân trọng mỗi giây mỗi phút được ở bên cạnh họ để yêu thương. Và hãy để lòng hiếu thảo được chưng cất một cách tự nguyện bởi tình yêu thương, sự biết ơn chân thành của mình, chứ không phải bởi sự gò ép của một điều lệ nào. Như cha ông ta vẫn thường nhắc nhở con cháu:
"Công cha đức mẹ cao dày Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ. Nuôi con khó nhọc đến giờ Trưởng thành con phải biết thờ song thân."
Note: This article is a revised version of the original with added insights and a fresh perspective, while ensuring the main idea remains evident. Images from the original article were retained and placed fittingly within the content.