Xem thêm

Cư sĩ Cấp Cô Độc: Người đã vẽ nên một bức tranh nhân đạo sinh động

Phap Ngo Thich
Cấp Cô Độc là một trưởng giả giàu có, nhưng dùng tiền bạc của mình để chu cấp cho những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, nên mới mang tên là Cấp Cô Độc,...

Cấp Cô Độc là một trưởng giả giàu có, nhưng dùng tiền bạc của mình để chu cấp cho những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, nên mới mang tên là Cấp Cô Độc, tức là chu cấp cho người cô độc. Với công đức đó của ông, người ta tôn ông là vị thần chủ gìn giữ cho các ngôi chùa. Vì thế chùa cổ bao giờ cũng có tượng thờ ông, mang tên gọi là Đức Ông, hay Đức Chúa Ông. Tranh minh họa

Cấp Cô Độc là một vị trưởng giả triệu phú ở kinh đô Xá Vệ của vương quốc Kiều Tát La, miền Bắc Ấn Độ. Ông trên thật là Tu Đạt (Sudatta), vì thường hay chu cấp giúp đỡ cho những kẻ khốn khó, cô đơn, danh tiếng vang lừng cả vương quốc, cho nên mọi người đã kính mến và tặng cho ông biệt hiệu là Cấp Cô Độc, có nghĩa là “người cứu giúp kẻ nghèo khó và cô độc”. Ông có vợ và bốn con, ba gái đầu và một trai út.

Câu chuyện về cư sĩ Cấp Cô Độc và Đức Phật

Tu Đạt có người anh vợ là một thương gia giàu có ở tại thành Vương Xá. Mỗi khi có việc sang đây, ông đều trú tại nhà người anh vợ này. Một hôm đến đây, Tu Đạt thấy ông anh vợ đang bận rộn tíu tít sửa soạn một bữa tiệc lớn cho ngày mai. Ông hỏi thăm thì người anh vợ nói:

  • Ngày mai anh cung thỉnh Phật và chư vị tỳ kheo đệ tử của Ngài đến thọ trai tại nhà.

Mới nghe tiếng “Phật" từ chính miệng ông anh vợ nói ra. Tu Đạt bỗng thấy lòng nảy sinh niềm hứng thú lạ thường. Ông yêu cầu người anh vợ nói thêm rõ ràng về bậc giác ngộ cho ông nghe. Nhân cơ hội đó, người anh vợ đã nói cho Tu Đạt biết về tư cách, đức độ và trí tuệ siêu việt của đức Phật. Chính ông đã được nghe Phật nói pháp và được làm đệ tử tại gia của Ngài. Ông cũng đã được Ngài cho phép dựng lên sáu mươi am thất nhỏ rải rác trong tu viện Trúc Lâm để cúng dường chư tăng.

Thật là một cơ duyên màu nhiệm! Khi nghe được những điều đó Tu Đạt cảm thấy sung sướng vô cùng, tỏ lòng kính ngưỡng ngay đối với đức Phật. Nghĩ rằng, chỉ qua một đêm nay thôi, ngày mai là mình sẽ có cơ hội quý báu được gặp Phật ngay tại căn nhà này, ông rất vui và yên chí đi ngủ. Tưởng rằng sẽ được ngủ ngon giấc, nhưng không, suốt đêm đó ông đã không ngủ được, lòng cứ nôn nao, mong cho trời mau sáng để được gặp Phật. Ông vùng dậy đến ba lần vì tưởng trời đã sáng, nhưng mà màn đêm vẫn cứ còn dày đặc. Cuối cùng, không thể chờ đợi được, ông thức dậy hẳn. Dù trời chưa sáng, ông vẫn nhất quyết đến Trúc Lâm để tìm gặp Phật.

Khi ông vào đến khuôn viên tu viện thì trời tờ mờ sáng. Dù lòng đang nôn nóng, nhưng ông cũng đang cảm thấy e ngại. Bỗng nhiên ông nghe có tiếng người gọi đích danh ông: “Tu Đạt!” Nhìn thẳng trước mặt, ông thấy một người, và linh tính báo cho ông biết, người đó chính là Đức Phật. Đúng vậy, đó chính là Đức Phật, lúc đó Ngài đang đi thiền hành ngoài trời. Khi thoáng thấy có người đi tới, Ngài đã biết ngay đó là Tu Đạt! Ông tỉnh người, tiến tới một bước. Một cách nghiêm trang và thành kính, ông chắp tay đảnh lễ Ngài. Ông tự giới thiệu mình và kể cho Phật nghe tâm trạng của ông từ hôm qua đến giờ, rồi xin Phật dạy cho ông về đạo lí. Đó là một buổi sáng tại tu viện Trúc Lâm, sau khi mùa an cư lần thứ ba của Phật chấm dứt.

Sau khi nghe bài pháp đầu tiên, tâm ông bừng sáng. Ông vui sướng đảnh lễ và xin Phật nhận cho ông được làm đệ tử tại gia của Ngài. Phật hoan hỉ chấp nhận. Khi đức Phật hướng dẫn chư tăng đến thọ lễ cúng dường tại nhà người anh vợ của ông, ông cũng thỉnh Phật và chư tăng ngay ngày hôm sau đến đây để thọ lễ trai tăng do chính ông cúng dường. Trong lễ trai tăng này, Tu Đạt đã thành khẩn thỉnh cầu Phật và chư tăng sang Xá Vệ, quê hương ông, để truyền bá chánh pháp. Ông phát nguyện sẽ kiến lập một ngôi tu viện lớn tại kinh thành Xá Vệ để cúng dường Phật và giáo đoàn làm cơ sở tu học và hành đạo tại vương quốc Kiều Tát La.

Hình ảnh cư sĩ Cấp Cô độc trong lòng các Phật tử

Là Phật tử, tất cả chúng ta đều có chung nhận định về ông Sú Ðát Tá (Sudatta), tức nam cư sĩ Cấp Cô Ðộc, người có công rất lớn trong sứ mạng hành trì chánh pháp và cải tiến xã hội thời đức Phật trụ thế - 623 năm trước Gia Tô kỷ nguyên. Sự nhận định này chủ yếu nhằm vào vai trò và công trình cống hiến của ông về hai phương diện Ðạo và Ðời!

Về mặt Ðời, ông đã đóng góp tích cực và hữu hiệu công tác cải tiến xã hội qua công trình thiết lập Trung tâm huấn nghệ, Trung tâm cứu đói, Viện dưỡng lão, Viện mồ côi, nhất là năm trăm khẩu phần thường trực tại tư gia cho những người xin ăn nghèo đói. Ông không hề biết từ chối. Nhà ông như giếng nước, như suối ngọt. Ai cần thì cứ tùy nghi sử dụng. Do đó, ông được giới bình dân xưng tụng là "Cấp Cô Ðộc" (Anàthapindika).

Về mặt Ðạo, ông là một vị Hộ pháp thuần vĩ, là bậc Thánh Sơ quả Tu Ðà Hườn (Sotàpanno), là một thiện hữu trí thức mô phạm của toàn thể Phật tử tại gia đương thời.

Ðối với chánh pháp, Cấp Cô Độc là một nam cư sĩ giảng sư vừa có khả năng xương minh vừa có khả năng đối thoại. Chính đức Phật đã khuyến tán ông trước Tăng chúng: "Này các Tỳ kheo! Ngay như một số Tỳ kheo đã sống trong Giáo hội lâu năm, lắm khi chưa đủ thâm uyên giáo lý để có thể trả lời với các đạo sĩ Bà la môn chính xác như Sú Ðát Ta!".

Ông tuyệt đối tôn kính chánh pháp như tôn kính đức Phật. Ông cho thiết lập nhiều giảng đường trong thành Sa Vắt Thi (Sàvatthì) để quần chúng được nghe và học hỏi giáo lý. Ông biết, nếu chỉ giúp đỡ vật chất đương thuần, thiếu yếu tố tâm linh thì cuộc sống gia đình, xã hội cũng sẽ bế tắc. Bí quyết duy nhất giúp khai thông lộ trình đến chung cuộc hạnh phúc là chánh pháp. Vì chánh pháp là tiêu điểm chủ yếu, là chất liệu sinh tử có tính năng kết hợp giải quyết tối hậu, hai nhiệm vụ Ðạo - Ðời vốn nhiêu khê phức tạp.

Trong quá trình phối hợp nhiệm vụ, Cấp Cô Độc đã thể hiện tiêu biểu vai trò bằng tự đem thân làm gương làm chứng. Không phải ông là hiện thân đặc trưng như vậy trong thịnh thời, mà ngay khi sa sút cũng giữ được phong độ. Công cuộc dấn thân tình nguyện phụng hoằng chánh pháp của ông chẳng những có tánh lịch sử địa phương Trung-Ấn, mà còn mang tánh tiêu biểu toàn cầu thời đại.

Ðối với Tăng Già, Cấp Cô Độc là một đại thí chủ hộ Tăng đắc lực. Ông như nước, chúng Tăng như cá. Ông phát tâm tình nguyện cúng dường thực phẩm thường trực cho năm trăm vị Tỳ kheo hóa trai ngang nhà ông. Mỗi ngày, ông đều đến Kỳ Viên tịnh xá hai lần: trưa và chiều. Buổi trưa ông đến chùa cúng dường đức Phật và Tăng chúng các thức ăn, buổi chiều nước sinh tố. Chư Tăng, nhất là các vị Tỳ kheo trẻ và các vị tiểu Sa di xem sự hiện diện của ông là dấu hiệu của "Thần tài". Ông không bao giờ đi chùa tay không. Thông lệ mỗi chiều, sau khi thính pháp, ông đi một vòng quanh chùa để kịp thời cúng dường những nhu cầu riêng lẻ cho từng vị.

Trong phạm vi gia đình, ông hướng dẫn và an trú họ vào niềm tin chánh pháp. Duy nhất, một đứa cháu trai bị biệt nghiệp nặng nề, mặc dù ông nhiều lần giúp đỡ, cảm hóa, nhưng bất thành, nên đã chết trên đường lang bạt, vô thừa nhận.

Ðối với hàng ngàn gia nhân giúp việc, ông xem họ như bà con cật ruột và hết mình giúp đỡ, không hề phân biệt. Ngay như trong những ngày trai tịnh, ông cũng hướng dẫn họ và gia đình họ trì thọ trai giới.

Ðối với thân hữu, đại đa số đều nhờ ông mà qui ngưỡng chánh pháp. Ngay như Thái tử Kỳ Ðà cũng nhờ đạo tâm thuần phát và niềm tin chánh kiến của ông ảnh hưởng, đã sống cuộc đời hướng thiện.

Tóm lại, về mọi địa hạt sống, từ bản thân, gia đình, dòng họ, gia nhân, thân hữu đến giới bình dân lao động đều được thừa hưởng công đức lợi tha của ông qua cụ thể Tứ nhiếp pháp, nhất là Bố thí nhiếp.

Bằng những hình ảnh tiêu biểu có tính lịch sử, ông Cấp Cô Độc đã vẽ nên một bức tranh nhân đạo rất sinh động, tô màu "nhân bản", lồng khuôn "Hiền Thánh", được treo giữa tòa lầu đại thế hệ, mà di ảnh mãi sáng rực thiên thu trong vòm trời Ðông Á.

Ngày nay, nếu ai hữu duyên chiêm bái thánh tích Phật ở Trung Ấn, khi đến Kỳ Viên tịnh xá - Ngôi chùa lịch sử đầu tiên do ông Cấp Cô Độc kiến tạo cúng dường đức Phật và Thánh chúng trong Sa Vắt Thi (Sàvatthì) thì quý vị sẽ được chiêm bái ngôi tháp thờ vị Hộ pháp này, cách xa Kỳ Viên Tự khoảng hai cây số. Tuy bị thời gian và ngoại đạo tàn phá, nhưng trái đất vẫn còn ôm ấp hình hài, bầu trời vẫn còn chở che linh khí, ánh thái dương vẫn còn sưởi ấm thức linh và những đêm rằm thượng tuần, Hằng Nga cũng rời thiềm cung, để làm đẹp một di tích ngàn năm lịch sử.

1