Ông Wang, một người Trung Quốc 80 tuổi, đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch vành và huyết áp cao từ 10 năm trước. Mặc dù ông duy trì tình trạng sức khỏe tương đối ổn định nhờ thuốc, nhưng cách đây nửa năm, ông bất ngờ gặp phải những cơn đau thắt ngực nghiêm trọng và phải nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy mỡ trong máu của ông đã cao. Bác sĩ khuyên ông Wang nên giảm ăn mỡ động vật để kiểm soát tình trạng này.
Sau khi xuất viện, ông Wang đã tìm hiểu về các phương pháp ăn kiêng khác nhau. Một cách tình cờ, ông biết đến chế độ ăn đậu phụ và rau củ được quảng cáo có tác dụng hạ lipid máu. Từ đó, khẩu phần ăn của ông không chứa bất kỳ loại thực phẩm nào có nguồn gốc từ động vật, bao gồm cả trứng.
Tuy nhiên, sau một thời gian, ông Wang thường xuyên gặp phải hiện tượng hoa mắt, chóng mặt và thậm chí không thể đứng thẳng. Ông cũng cảm thấy buồn nôn sau mỗi bữa ăn, đau đầu và khó ngủ. Khi ông đến bệnh viện để kiểm tra, ông phát hiện mình bị hạ albumin máu, natri máu và suy dinh dưỡng, và phải nhập viện gấp. Nếu không được điều trị kịp thời, ông có nguy cơ mắc phù não, dẫn đến thoái vị não và suy hô hấp. Bác sĩ cho rằng nguyên nhân chính khiến ông Wang phải nhập viện là thói quen ăn uống của ông.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Viện Khoa học Y tế và Tim mạch tại Đại học Glasgow ở Vương quốc Anh đã công bố kết quả nghiên cứu trên 178.000 người đã ăn chay hoặc ăn thịt ít nhất trong 5 năm. Nhóm tác giả đã đánh giá sức khỏe thể chất của những người tham gia dựa trên kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy cholesterol toàn phần và cholesterol xấu ở những người ăn chay thấp hơn lần lượt 21% và 16% so với những người ăn thịt. Hơn nữa, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm nhiễm và tổn thương tế bào gan của những người ăn chay cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, những người ăn chay lại có hàm lượng vitamin D, canxi và cholesterol tốt thấp hơn. Một nghiên cứu khác do nhóm tác giả tại Đại học Oxford thực hiện đã phân tích dữ liệu từ 472.000 người trong Ngân hàng sinh học Anh, được chia thành 4 nhóm: những người ăn thịt thường xuyên (trên 5 lần/tuần), ăn ít thịt (dưới 5 lần/tuần), ăn cá (không ăn thịt) và ăn chay trường .
Phân tích này cho thấy nguy cơ mắc ung thư cao nhất là ở nhóm người thường xuyên ăn thịt, nguy cơ mắc ung thư thấp hơn 2% ở nhóm người ăn ít thịt, và chỉ số này là 10% và 14% ở nhóm người chỉ ăn cá và ăn chay trường.
Tổng kết từ hai nghiên cứu, dễ thấy rằng chế độ ăn chay có lợi cho sức khỏe hơn chế độ ăn thịt.
Tuy nhiên, chế độ ăn chay cũng có những nhược điểm riêng:
-
Thiếu dinh dưỡng: Thịt cung cấp cho cơ thể chất béo, protein chất lượng cao, vitamin và khoáng chất. Việc không ăn thịt trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng.
-
Gan nhiễm mỡ: Thiếu protein trong chế độ ăn chay sẽ làm gan không hoạt động bình thường, dẫn đến rối loạn phân bố mỡ và nhiễm mỡ gan.
-
Tổn thương não: Thực phẩm chay chứa ít chất đạm hơn, trong khi bộ não của chúng ta cần chất đạm để hoạt động. Việc không ăn thịt trong thời gian dài sẽ khiến não không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, gây rối loạn chức năng của não.
-
Sức khỏe xương kém: Thiếu thịt có thể dẫn đến thiếu canxi trong cơ thể, đặc biệt là ở những thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển. Việc này cũng ảnh hưởng đến chiều cao và sức khỏe của xương.
Ngoài ra, ăn chay lâu dài có thể gây thiếu vitamin B12, gây ra các triệu chứng khó chịu như khó tiêu, viêm lưỡi và mất vị giác.
Một số người không nên ăn chay trong thời gian dài vì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của họ:
-
Thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển và phụ nữ mang thai/cho con bú cần nhiều dinh dưỡng. Ăn chay không đủ chất dễ gây ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi.
-
Những người bị loãng xương, cường giáp, gãy xương, thiếu máu không nên ăn chay trường. Một số axit amin cần thiết cho những người như vậy không có trong chế độ ăn thuần thực vật.
Theo Aboluowang, kết hợp giữa thịt và rau sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể. Những người mắc bệnh thận mạn tính và có khối u cũng không nên ăn chay tùy tiện.