Những lúc chúng ta cần giải thoát thật sự, chúng ta phải thực tập thiền. Nếu không thiền, chúng ta sẽ không cảm nhận được giây phút giải thoát, không có được sự hạnh phúc trong an tịnh. Không thể nào có được! - Cô Phạm Thị Yến (Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa)
Nhân ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo 08/12 âm lịch, nhân dân, Phật tử được Cô Chủ nhiệm Phạm Thị Yến - Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán hướng dẫn cho các phương pháp hành thiền để an định tâm, thanh lý phiền não, tích tập dần những khoảnh khắc tâm được rỗng rang, cảm nhận được sự thảnh thơi, hạnh phúc.
Từ đó các Phật tử dần yêu mến và ham thích thiền, làm nền tảng tu tập để đạt được giải thoát; như xưa kia Đức Phật đã thiền định dưới cội cây Bồ đề 49 ngày đêm mà thành tựu đạo quả, đạt được giải thoát hoàn toàn.
Hình ảnh minh họa: Cô Phạm Thị Yến hướng dẫn các phương pháp thiền giúp tâm an định, thanh lý phiền không
Kính mời quý đạo hữu cùng theo dõi những phương pháp hành thiền đơn giản nhưng rất hiệu quả mà Cô Phạm Thị Yến hướng dẫn trong đêm tu tập 8/12/Tân Sửu (10/1/2022) cùng những cảm xúc của Phật tử khi thực hành các phương pháp giúp cảm nhận được sự giải thoát qua bài viết dưới đây.
1. Tỉnh Thức Trên Từng Bước Chân, Buông Xả Được Phiền Não
Phương pháp đầu tiên các Phật tử được hướng dẫn và thực hành là bước đi trong tỉnh thức. Khi chú tâm trong từng bước đi, thức của chúng ta sẽ quan sát và biết được khi nào gót chân hạ xuống, khi nào nhấc mũi chân lên, chân nào làm trụ, chân nào bước đi,...
Hình ảnh minh họa: Bước đi trong tỉnh giác giúp buông xả phiền não, tâm trí sáng suốt
Sự tỉnh thức trong từng bước chân sẽ giúp chúng ta xa rời những phiền não làm chúng ta rối loạn trong tâm và mệt mỏi trên thân. Nhờ năng lực đó, chúng ta hoàn toàn buông xả, chỉ chú tâm vào bước chân, giúp chúng ta được tâm trí sáng suốt, cơ thể khỏe mạnh. Sau đó, Phật tử được hướng dẫn ngồi thiền quan sát cảm thọ trên thân, hoặc đếm hơi thở để tăng sự chú tâm, buông bỏ vọng tưởng.
Khi trở lại các công việc thường nhật, trí quán của chúng ta sẽ tốt hơn, phiền không được giảm bớt. Nếu chăm chỉ thực tập, chúng ta sẽ có những hành xử rất dễ chịu trong cuộc sống hàng ngày. Bởi khi chú tâm, chúng ta sẽ phát hiện được những phiền không đang trói buộc mình, chúng ta biết khổ, nguyên nhân của khổ và dễ dàng buông xả được; chúng ta dễ yêu thương, tha thứ và biết cách hành xử hơn.
2. Vừa Chú Tâm, Vừa Quán Sát Bằng Phương Pháp Thiền Hành Với Bát Nước Đầy
Trong phương pháp này, các quý đạo hữu thực hành 2 việc:
- (1) Bê bát nước đầy trên tay và bước đi tỉnh thức: Khi bước đi, các Phật tử gom sự chú tâm của mình vào bát nước bằng giác quan (thấy rõ được nước trong bát sóng sánh, nghiêng ngả,...) nhưng đồng thời cũng quán sát được những bước chân của mình. Bài học này vừa tăng thượng được sự chú tâm, lại vừa có được sự quán sát; tức là Phật tử bước đầu học sự "chú tâm không rời quán sát" như Đức Phật. Ngài đã đạt được đỉnh cao trong việc này, Ngài rõ biết tất cả về tam thiên đại thiên thế giới trong đại định tâm. Nếu Phật tử lắng tâm, nhìn vào bát nước mà vẫn quán sát được bước chân (cảm nhận được chân nhấc lên, đặt xuống, tỉnh thức trong bước chân), chúng ta sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc của bậc Thánh, tức chúng ta có năng lực của trí quán. Đây là bước đi đầu tiên để chúng ta cảm nhận được sự định tâm sáng suốt đến mức độ nào. Càng chú tâm bao nhiêu thì càng sáng suốt bấy nhiêu.
Hình ảnh minh họa: Tập thực hành bê bát nước trên tay và bước đi trong tỉnh thức giúp tăng thượng sự chú tâm và quán sát
- (2) Đặt bát nước lên đầu và bước đi tỉnh thức: Đây là phương pháp thực hành để Phật tử đạt được sự chú tâm cao hơn. Do đã có thực hành từ phần (1), khi bước đi, bát nước trên đầu chao đảo thế nào các Phật tử cũng sẽ quán sát được nếu có sự chú tâm. Từ đó các Phật tử sẽ điều chỉnh được bước chân. Như vậy, ta gọi là có được sự nhất tâm. Sự thực hành tuy rất nhỏ nhưng mang lại lợi ích rất lớn. Giúp các Phật tử có trí quán rộng, sâu, đầy đủ khi vào một vấn đề.
Hình ảnh minh họa: Phương pháp thiền hành giúp trí quán rộng, sâu, đầy đủ
Phật tử Nguyễn Ngân Hà đang sinh hoạt tại CLB Tuổi trẻ khối Tây Hồ - Cổ Nhuế chia sẻ về sự chú tâm đặc biệt mà bạn cảm nhận được khi thực hành: “Bình thường tôi có nhiều vọng tưởng, thế nhưng, khi tập trung thiền hành với bát nước, tôi có thể nhận ra ngay khi vọng tưởng khởi lên và buông bỏ được dễ dàng để tiếp tục chú tâm vào bát nước. Dù bát nước đặt trên đầu, không nhìn thấy bằng mắt nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự sóng sánh, chuyển động của nước trong từng bước chân đi”.
3. Thân Thể và Tâm Trí Nhẹ Nhàng, Tăng Trưởng Tâm Từ Bi Trong Bài Thiền Tăng Thượng Tưởng
Ở bài học này, các Phật tử được nằm thoải mái, thả lỏng cơ thể hoàn toàn, hít vào thở ra thư giãn. Sau đó, các Phật tử được Cô Chủ nhiệm dẫn dắt quán tưởng về cảnh giới thời Đức Phật tại thế, lời dạy của Đức Phật, sự khổ đau và cô đơn của chúng sinh, khởi tưởng tâm yêu thương, mong muốn mang Phật Pháp đến cho chúng sinh khiến chúng sinh được hạnh phúc,...
Hình ảnh minh họa: Phật tử được tập thực hành thiền tăng thượng tưởng theo sự dẫn dắt của Cô Chủ nhiệm
Qua phương pháp này, tưởng của các Phật tử được tăng thượng, từ đó tâm cũng được tăng thượng. Phật tử có được cảm thọ chân thật về cảnh khổ của chúng sinh; đến khi đạt được cảm thọ chân thật tuyệt đối, tâm từ bi tăng trưởng, Phật tử sẽ dứt trừ được những tâm ác. Đó là năng lực của thiền. Không chỉ vậy, rất nhiều Phật tử cảm nhận được sự nhẹ nhàng tuyệt vời của thân và tâm. Phật tử Vũ Kim Oanh chia sẻ: “Tôi cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng, cảm giác như không có trọng lượng và cảm nhận được những đầu ngón chân, ngón tay, tức là tất cả các phần trên thân thể, tôi đều cảm nhận rất rõ biết nhưng nó lại rất nhẹ nhàng, cảm giác như mình có thể bay lên được.
Khi quán tưởng được gặp Đức Phật, tôi thấy toàn thân có một sự rung động mạnh mẽ không diễn tả được và rất xúc động, ngay lúc đó tôi đã rơi nước mắt. Khi quán tưởng được Đức Phật chỉ dạy mình mang giáo Pháp của Phật để cứu giúp chúng sinh thì tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Khi quán tưởng thấy hình ảnh chúng sinh là đàn nai bị ăn thịt, hoặc cảnh động đất, sóng thần thì tôi thấy chúng sinh rất khổ và tôi cảm giác như chính mình đang bị những sự khổ như vậy, cảm thấy rất đau khổ.
Một lúc sau, tôi định tĩnh lại và thấy chỉ có tu học Phật Pháp thì mới không còn sợ hãi trước tất cả những đau khổ của cuộc đời và khởi được tâm mong muốn mọi người đều biết đến Phật Pháp, đều có nơi nương tựa vững chắc để không còn bị sợ hãi nữa. Từ đó tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được tu học Phật, được gặp chính Pháp của Phật và cũng có một tâm nguyện là mình sẽ cố gắng hết sức, hết khả năng để mang Phật Pháp đến cho nhiều người, để họ được an lạc và hạnh phúc, không còn bị đau khổ”.
Hình ảnh minh họa: Sau khi được thiền hành, Phật tử Vũ Kim Oanh đã chia sẻ những cảm nhận xúc động của mình
Ba phương pháp thiền hành mà Cô Chủ nhiệm hướng dẫn các Phật tử nhân dịp kỷ niệm Phật thành đạo đã giúp các Phật tử phần nào lọc được những tâm tham đắm, sân giận, cấu uế, vọng tưởng,... các Phật tử được trở lại hiện tiền (hiện tại) của mình, chỉ còn sự chú tâm. Khi chú tâm, thì chỉ còn lại cái thấy biết, cái thấy biết hiện tiền tức là thanh tịnh, thấy biết hết nhưng lại không vướng mắc.
Hy vọng quý Phật tử sẽ biết phương pháp thực hành, tăng trưởng sự chú tâm, trí tuệ được sáng suốt, các công việc được giải quyết một cách tốt đẹp và thân tâm được an lạc, nhẹ nhàng. Đặc biệt, chúng ta đang bước đầu thực hành thiền để bước đi trên con đường mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta, để đến một kiếp nào đó ta có thể đạt được sự giải thoát. Chúc quý Phật tử tinh tấn!
*Các bài nên xem: