Xem thêm

Ý nghĩa 2 tượng Hộ Pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn

Phap Ngo Thich
Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn là hai vị hộ pháp nổi danh trong Phật giáo, tượng của hai ngài thường được tạc theo phong cách võ sĩ thời xưa, tượng được...

Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn là hai vị hộ pháp nổi danh trong Phật giáo, tượng của hai ngài thường được tạc theo phong cách võ sĩ thời xưa, tượng được đặt trước chánh điện của rất nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Hai tượng này, một tượng có khuôn mặt hiền lành, một tượng có khuôn mặt dữ dằn, hung ác nên còn được gọi là ông Thiện, ông Ác.

Hộ pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn

Khi đến các ngôi chùa của Phật giáo Bắc Tông (Phật giáo Đại Thừa), chúng ta sẽ thấy tượng của hai vị hộ pháp trước chánh điện. Một vị là Tiêu Diện Đại Sĩ, vị kia là Vi Đà Thiên Tôn. Thế nhưng hai vị này là ai thì không phải ai cũng biết.

Tiêu Diện Đại Sĩ là ai?

Tiêu Diện Đại Sĩ còn được gọi với những cái tên khác như Diện Nhiên Vương Bồ Tát, Tiêu Diện Đại Quỷ Vương, Diện Nhiên Đại Sĩ, Tiêu Diện hộ pháp… Đặc biệt, người ta thường nhắc đến ngài với cái tên phổ biến nhất là Ông Đại Sĩ, Đại Sĩ Vương. Bên cạnh đó, dân gian cũng thường gọi ông là ông Trừng ác do có khuôn mặt dữ tợn, hung ác.

Tượng Tiêu Diện Đại sĩ Bồ Tát được thờ ở nhiều chùa Ảnh: Tượng Tiêu Diện Đại sĩ Bồ Tát được thờ ở nhiều chùa

Có rất nhiều câu chuyện về Tiêu Diện Đại Sĩ. Tương truyền, ông Tiêu là Diệm Khẩu Quỷ Vương, có thân hình gầy gò, cổ họng nhỏ như cây kim, miệng luôn bốc lửa, lý do là vì đời trước keo kiệt, bỏn xẻn lại tham lam nên mới sinh thân tướng như vậy. Diệm Khẩu Quỷ Vương là vị quỷ vương thống lãnh tất cả loài Ngạ Quỷ nhưng lại vô cùng hộ trì Phật pháp. Do đó, dân gian tin rằng, ngài vốn là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát.

Vi Đà Thiên Tôn là ai?

Vi Đà Thiên Tôn được gọi là Bồ Tát hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên. Ngài là hóa thân của một vị Đại Bồ Tát, có 10 đại nguyện hộ trì Phật pháp, người tu chân chính và người tuyên pháp, giáo hóa chúng sinh. Vi Đà Thiên Tôn vốn là thiên thần Thất Kiệt Đà người Bà La Môn, con trai của thần hộ pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên.

Sau này, trở thành thần hộ pháp của Phật giáo, là vị Hộ pháp mạnh mẽ, chuyên hộ trì chánh pháp, cũng là vị hộ pháp thần duy nhất được phép đứng đối diện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong các pháp hội của Phật. Ngài còn được gọi với những cái tên khác như Vi Đà Bồ Tát, Hộ pháp Vi Đà, Vi Đà Tôn Thiên. Được thể hiện với khuôn mặt trẻ trung, hòa ái, hiền lành, thân mặc một bộ giáp phục oai nghiêm.

Ngài là một trong tám vị đại tướng quân Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương, thống lĩnh 32 tướng quân của trời Đế Thích. Vi Đà Hộ Pháp được Đức Phật giao cho bảo vệ ba châu là Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu và Nam Thiệm Bộ Châu. Tương truyền, Đạo Tuyên Luật Sư từng nằm mộng thấy Vi Đà Bồ Tát hiện thân, phát nguyện bảo vệ chốn tùng lâm. Do đó, Vi Đà Hộ Pháp còn được xem là vị hộ pháp chuyên thủ hộ tăng chúng và bảo vệ chốn Già Lam.

Câu chuyện về Hộ pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn

Có rất nhiều câu chuyện, sự tích về Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Hộ Pháp được ghi chép trong các tài liệu kinh phật . Có thể kể đến một số câu chuyện dưới đây:

Tiêu Diện Đại Sĩ

Tiêu Diện Đại Sĩ và A Nan tôn giả

Có rất nhiều tài liệu Phật giáo ghi lại các câu chuyện về Tiêu Diện Đại Sĩ. Một lần nọ, khi tôn giả A Nan đang thực hành thiền định, lắng nghe lời Phật dạy thì thấy một con quỷ đói hung dữ tên là Diệm Khẩu. Con quỷ đến trước mặt tôn giả, nói rằng 3 ngày nữa ngài sẽ chết và bị đày xuống giới Ngạ Quỷ.

Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Tôn Thiên là hai vị hộ pháp mạnh mẽ trong Phật giáo Ảnh: Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Tôn Thiên là hai vị hộ pháp mạnh mẽ trong Phật giáo

Nghe vậy, tôn giả hết sức ngạc nhiên và sợ hãi, hỏi con quỷ làm sao để hóa giải tai ương. Con quỷ trả lời rằng ngày mai, tôn giả cần cúng dường thức ăn và nước sạch cho các vong linh, trăm ngạ quỷ, các vị đạo sĩ Bà la Môn, các chư Thiên, các vị Thần đang trị vì, vì họ mà cúng dường Tam Bảo. Sau đó sẽ được tăng thêm tuổi thọ, thoát khỏi cảnh bị đày, được sanh lên cõi trời.

Sau đó, A Nan bạch lên Đức Thế Tôn và được ngài dạy nghi thức hành trì, thiết Cúng Thí Thực. Nghe lời dặn của Diêm Khẩu và Đức Thế Tôn, tôn giả A Nan đã làm theo, thực hành nghi thức hành trì, cúng thí thực. Sau đó, tôn giả đã thoát khỏi tai ách, từ đó trở đi, khi thực hiện nghi thức hành trì và thiết cúng thí thực, các nơi thường đặt thêm bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ để thể hiện lòng biết ơn và sự tưởng nhớ.

Tiêu Diện Đại Sĩ là hóa thân của Quan Âm Bồ Tát

Tương truyền, Tiêu Diện Đại Sĩ là một trong những hóa thân của Quan Âm Bồ Tát, chuyên cứu độ chúng sanh và trừng trị quỷ yêu tác quái. Do sự hiền lành, từ bi không thể khiến các loài quỷ yêu, các chúng sanh cang cường, ngoan cố không thể kinh sợ nên Quan Âm Bồ Tát phải dùng tới tướng mạo hung ác để điều phục chúng.

Có lần Bồ Tát đang đi trên đường cứu độ thì bị quỷ vương có tướng mạo dữ tợn, răng nanh dài nhọn hoắt chặn đường. Lúc này, Bồ Tát không ra tay mà hóa thành tướng mạo giống vị quỷ vương kia khiến vị này vô cùng khiếp sợ, hóa phép đầu đội 3 ngọn núi. Thấy vậy, Bồ tát liền hóa phép đội 3 ngọn núi to hơn, quỷ vương liền hóa thành lưỡi dài tới ngực. Bồ Tát lại hóa lưỡi thè dài hơn ngực khiến quỷ vương khiếp sợ bỏ chạy vì biết bản thân gặp phải đối thủ mạnh.

Đây là lý do mà trong lễ “xô giàn thí thực” trong lễ hội làm chay cúng chợ, cúng chùa, người ta thường cố tranh nhau lưỡi ông Tiêu. Dân gian cho rằng, lưỡi ông tiêu là vật linh thiêng, có thể dùng để làm lót gối, kê cổ cho trẻ con, giúp trẻ ngủ ngon, không sợ bị yêu ma, quỷ quái chọc phá. Kinh Lăng Nghiêm cũng đề cập, “Dư Gia Điểm Khẩu Tiêu Đại Sĩ (Quỷ Vương Quán Âm, Quỷ Vương ở Dư Gia Điểm Khẩu là do Quan Âm Đại Sĩ thị hiện).”

Vi Đà Hộ Pháp

Như đã đề cập, Vi Đà Hộ Pháp Bồ tát vốn là thiên thần Thất Kiện Đà thuộc dòng Bà La Môn, con trai của Hộ pháp Đại Tự Tại Thiên. Trong những vị thiên thần hộ pháp, Vi Đà nổi danh với tài chạy nhanh như bay, vô cùng xuất chúng.

Tương truyền, khi Phật Thích Ca nhập diệt, chư Thiên thần và chúng Vương đã bàn về việc hỏa thiêu di thể, nhặt Xá lợi để thờ trong bảo tháp. Lúc bấy giờ, Đế Thích Thiên có cầm bình bát thất bảo đến chỗ thiêu xá lợi. Ngài bảo rằng trước kia đã được Đức Phật chấp thuận cho một xá lợi răng đem về để dựng tháp thờ.

Tuy nhiên, khi ấy, bên người ngài có quỷ La Sát ẩn nấp, thừa dịp Đế Thích Thiên không chú ý đã trộm lấy xá lợi răng Phật. Vi Đà Tôn Thiên nhìn thấy liền nhanh chóng đuổi theo, nhờ tài năng chạy nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ La Sát và tống vào trong ngục, đồng thời cũng trả lại xá lợi cho Đế Thích Thiên, được chư Thiên vô cùng khen ngợi.

Kể từ đó, Vi Đà trở thành hình tượng vị hộ pháp chuyên xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật Pháp, bảo vệ linh tháp của Phật. Từ đó, hình tượng hộ pháp Vi Đà thường được song hành cùng linh tháp chứa xá lợi, có ý nghĩa hộ trì Phật Pháp.

Hình tượng ông Thiện và ông Ác

Tượng hai vị hộ pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn thường được đặt ở hai bên trái phải chánh điện của một số ngôi chùa. Trong đó, tượng Tiêu Diện được đặt bên trái, tượng Vi Đà được đặt bên phải.

Tượng hộ pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn Ảnh: Tượng hộ pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn

Hình tượng Tiêu Diện Đại Sĩ: Tiêu Diện Đại Sĩ được thể hiện với hình tướng nam, dáng vẻ oai nghiêm, cường tráng, thân mặc võ phục, tay trái chống nạnh, tay phải cầm lá cờ. Gương mặt vô cùng nổi bật với vẻ hung ác, dữ tợn và hết sức quái dị. Trên mặt là hai con mắt lồi to trợn ngược, đầu có ba cái sừng nhọn, miệng mở rộng với răng lởm chởm và chiếc lưỡi dài thượt, thè ra quá ngực.

Được biết, do căn tánh của chúng sanh có thiện có ác, cảnh giác và trình độ khác nhau. Xuất phát từ tấm lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh, Quán Âm Bồ Tát đã nguyện hóa thân thành Tiêu Diện Đại Sĩ với hình dáng dữ tợn để hàng phục các chúng sanh cõi ngạ quỷ. Để họ biết đến ánh sáng của Phật pháp và được giải thoát.

Hình tượng Vi Đà Thiên Tôn: Vi Đà Thiên Tôn là người đứng đầu 32 vị thần tướng thuộc quyền của Tứ Đại Thiên Vương. Tượng ngài được thể hiện với dáng vẻ oai nghiêm, mạnh mẽ. Khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, thân mặc võ phục, đầu đội mũ giáp oai nghiêm chỉnh tề.

Ý nghĩa của tượng hộ pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn

Thông thường, các ngôi chùa Phật giáo Nam Tông và Khất Sĩ thường không có tượng Vi Đà Tiêu Diện. Chỉ có các chùa Phật giáo Bắc Tông mới thờ. Ý nghĩa của tượng hai vị hộ pháp ở các nơi tương đối giống nhau, đều có tác dụng hộ trì Phật pháp, người tuyên pháp, thọ trì kinh, trừng trị tà ma, quỷ quái.

Theo lời Đức Phật, không phải chỉ có chư thiên mới là hộ pháp, mà tất cả những ai có tâm ủng hộ Phật pháp, khuyến khích cái thiện, trừ bỏ cái ác thì đều gọi là hộ Pháp. Như vậy, có thể suy rộng ra, việc thờ tượng hộ pháp không chỉ là để hộ trì, bảo vệ những người thọ trì kinh, tuyên pháp, các Phật tử, chư tăng mà còn nhắc nhở mọi người hướng thiện, giữ tâm ý trong sạch, không làm điều ác, không gieo ác nghiệp.

Việc hai hình tượng Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn đồng thời xuất hiện ở chánh điện các ngôi chùa có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện được thực tế của cuộc sống. Có những người, chỉ cần dùng lời lẽ nhẹ nhàng, bao dung là có thể cảm hóa, dạy dỗ được. Nhưng cũng có những người phải dùng hành động mạnh mẽ, thái độ dữ dằn thì mới có thể hàng phục.

Việc thờ tượng ông Thiện và ông Ác là thể hiện cho hai sự tồn tại đối lập giữa Thiện và Ác trong cuộc sống con người. Đây cũng là sự giáo dục, nhắc nhở chúng ta phải luôn hướng thiện, ăn ở hiền lành, gieo nhân thiện sẽ nhận được quả thiện.

Và hơn hết, không được làm điều ác, việc gieo ác nghiệp sẽ gặt quả báo, khiến chúng ta mãi lặn ngụp trong vòng luân hồi nghiệp báo. Không chỉ vậy, nếu làm nhiều việc thiện thì sẽ được Thiên Thần bảo vệ, nếu làm điều ác, việc ác thì sẽ bị ông Trừng Ác trừng phạt thích đáng.

Thông thường, tượng Hộ pháp thường ít được thờ tại nhà mà chủ yếu thờ ở các chùa viện, già lam, hoặc có thì thường thờ phía sau Phật Thích Ca. Trong đó, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ được đặt ở bên trái, tượng Vi Đà Tôn Thiên được đặt ở bên phải. Ngoài ra, tượng hộ pháp còn thường được thờ ở nơi thờ Tứ Thiên Vương.

Các ngài là các vị hộ trì Phật pháp, bảo vệ chùa viện, chư Tăng, người thọ trì kinh Phật, người tuyên giáo pháp. Tên gọi khác của các vị này chính là hộ pháp Già Lam, chuyên bảo vệ chùa chiền, do đó, các gia đình Phật tử ít khi thờ hộ pháp riêng biệt, chủ yếu thờ phía sau tượng phật thích ca Mâu Ni.

Xem thêm:

1