Đức Phật Dược Sư là vị Thầy thuốc trên tất cả vị thầy thuốc, Ngài không những chữa được bệnh trên thân mà chữa cả bệnh trong tâm cho chúng sinh. Hàng năm, nhân dịp đầu xuân năm mới, nhiều chùa tổ chức đàn lễ Dược Sư cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.Vậy đàn lễ Dược Sư có ý nghĩa, lợi ích như thế nào? Kính mời quý Phật tử đón đọc bài viết dưới đây qua sự giảng giải trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.
Ý nghĩa danh hiệu và hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư
Các Đức Phật ra đời đều có chung một mục đích là cứu khổ, ban vui cho chúng sinh. Các Ngài hướng dẫn, dẫn dắt chúng sinh đạt đến sự giác ngộ và giải thoát tối thượng. Mỗi Đức Phật đều đầy đủ 10 danh hiệu (Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn) và các Ngài đều có danh xưng riêng theo hạnh nguyện khi còn hành Bồ Tát đạo hoặc theo công hạnh riêng của mỗi Ngài.
Đức Phật Dược Sư có danh hiệu đầy đủ là “Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật” và chúng ta thường niệm với câu niệm là: “Nam mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật”. Vậy danh hiệu của Ngài có ý nghĩa là gì? Trong một buổi giảng Pháp, Sư Phụ diễn giải: "“Tiêu tai” là tiêu trừ tai ương, ách nạn; “Diên thọ” là kéo dài thọ mạng; “Dược Sư” là vị Thầy về thuốc; “Lưu Ly” là một chất trong suốt, trong sáng; “Quang” là ánh sáng; “Vương” là vua và “Phật” là danh hiệu của Ngài - đấng Toàn Giác, tự giác và giác tha, giác hạnh viên mãn.
Như vậy danh hiệu của Đức Phật Dược Sư có ý nghĩa đầy đủ: Ngài là một vị Phật Toàn Giác, là vua của các thầy thuốc để cứu các bệnh khổ cho chúng chúng sinh. Đặc biệt nhất là khổ về bệnh tật và khổ về chết.
Đức Phật Dược Sư - Ngài là một vị Phật Toàn Giác, là vua của các thầy thuốc để cứu các bệnh khổ cho chúng sinh
Sau khi giảng giải về ý nghĩa danh hiệu của Đức Phật Dược Sư, Sư Phụ cũng giảng về hạnh nguyện của Ngài khi còn hành Bồ Tát đạo: “Khi Đức Phật Dược Sư còn hành Bồ Tát đạo, Ngài biết rằng chúng sinh có muôn vàn nỗi lo, nỗi sợ. Trong những cái lo sợ ấy thì sợ nhất là bệnh tật đau khổ và chết chóc. Bệnh tật và chết chóc là hai điều mà chúng sinh rất lo sợ. Chết thì đương nhiên ai cũng phải chết, không thể tránh khỏi; nhưng ai cũng muốn được sống dài, sống hết tuổi thọ của mình. Mình gọi là tuổi thọ trời cho mình sống hết, không bị chết một cách bất thường, không bị chết do bệnh, để chúng ta sống được mãn tuổi thọ. Thế nên, khi còn hành Bồ Tát đạo thì Đức Phật Dược Sư có phát nguyện sẽ cứu giúp chúng sinh thoát khỏi bệnh tật và kéo dài thọ mạng. Nếu ai nghe được đến tên Ngài, tin tưởng, thực hành lời dạy của Ngài đúng như Pháp Ngài dạy thì sẽ được kết quả như mong muốn giống như lời Ngài nguyện”.
Ý nghĩa đàn lễ Dược Sư - cầu Quốc thái dân an, Tiêu tai diên thọ
Trong cả hai tạng kinh Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh có tính chất hộ trì an lành cho người trì tụng và tu tập. Trong kinh Nam truyền có gần 30 bài thuộc hệ thống những bài kinh Paritta có năng lực bảo hộ an lành. Trong hệ thống kinh điển Bắc truyền, nổi bật trên cả là kinh Dược Sư có năng lực tiêu tai, diên thọ cho chúng sinh.
Hiện nay, vào những ngày đầu năm tại các chùa thường lập đàn Dược Sư hướng dẫn quý Phật tử tu tập nguyện cầu an lành. Về mục đích của đàn lễ Dược Sư, Sư Phụ giảng giải: “Mục đích chính của đàn lễ Dược Sư là cho Phật tử, bà con nhân dân về chùa tham dự đàn lễ, được bày tỏ nguyện vọng, mong muốn thiết tha của mình là có sức khỏe, cuộc sống được khỏe mạnh, không có bệnh tật, sống được thọ mạng lâu dài, không ai bị tai nạn, bị chết yểu… Và mong muốn này được bày tỏ lên đấng tối cao thiêng liêng của mình, cụ thể ở đây là Đức Phật Dược Sư, để Ngài chứng minh và gia hộ”.
Đàn lễ tụng kinh Dược Sư tại chùa Ba Vàng (năm 2018)
Hiểu về nguyên lý của nghiệp để không rơi vào tà kiến, mê tín khi đến với đàn lễ Dược Sư
Chúng ta biết rằng, đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Đức Phật là bậc có trí tuệ tuyệt đối, điều gì trên thế gian này Ngài đều thấu tỏ. Trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt - Trung Bộ, Đức Phật đã dạy: “...Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”. Theo quan điểm của đạo Phật, mỗi chúng sinh đều có vô số kiếp luân hồi. Tại mỗi kiếp lại tạo vô số các loại nghiệp thiện và bất thiện khác nhau. Nếu là nghiệp thiện thì hưởng hạnh phúc, an lạc. Trái lại là nghiệp xấu thì phải chịu đau khổ bất hạnh. Chính những nghiệp đã gây tạo sẽ quyết định, phân chia cuộc sống của chúng ta.
Khi đến với đàn lễ Dược Sư, chúng ta không chỉ cầu xin mong được linh ứng, mà cần phải tu tập, thực hành lời Phật dạy để chuyển hóa nghiệp lực của mình. Khi nghiệp ác được chuyển hóa thì chúng ta sẽ được hạnh phúc và an vui.
Sư Phụ chia sẻ: “Trong giáo lý nhà Phật, cuộc sống của chúng ta chịu ảnh hưởng, chi phối của nghiệp cũ rất nhiều, nghiệp cũ có thể khiến chúng ta khỏe mạnh hay bệnh tật, chết yểu hay sống thọ, gặp tai nạn hay may mắn, cuộc đời sang hay hèn.
Đến với đàn lễ Dược Sư, chúng ta tụng đọc kinh Dược Sư sẽ được nghe Phật dạy cách phải sống thế nào, phải tu tập tâm thế nào, chúng ta làm tất cả các thiện hạnh, rồi chuyển hóa tâm, phát khởi thiện tâm. Đó là cái chúng ta được chuyển hóa nghiệp. Do chuyển hóa nghiệp, vâng theo lời Phật dạy như thế mà chúng ta được tiêu trừ bệnh tật, thọ mạng được kéo dài. Chứ không phải chúng ta chỉ đến rồi khấn Phật xin cho con được khỏe mạnh, được sống dai. Không Đức Phật nào phù hộ thế được, mà phải là sự tu tập chân thật. Đó là điều mà đạo Phật khác với các đạo khác, các tôn giáo khác: phải tu tập chân thật, không phải chỉ là cầu xin”.
Trong một bài giảng khác, Sư Phụ cũng dạy: “Người nào tụng đọc kinh điển rồi hành trì kinh điển, thực hành lời Phật dạy, tâm người đó chắc chắn sẽ được chuyển hoá. Và khi tâm chuyển hoá thì nghiệp chuyển hóa; nghiệp chuyển hoá thì sẽ có thể tiêu bệnh hoặc kéo dài tuổi thọ. Vì bệnh tật cũng hầu hết là do nghiệp sinh ra, thọ mạng cũng vậy”.
Qua lời Sư Phụ chỉ dạy chúng ta biết rằng, đến với đàn lễ Dược Sư muốn được tăng phúc, tăng thọ thì cần tu tập, thực hành lời Phật dạy để chuyển hóa nội tâm, từ đó nghiệp chuyển hóa. Khi nghiệp chuyển hóa thì mới được như mong nguyện là kéo dài tuổi thọ, tiêu nghiệp tăng phúc.
Thực hành kinh Dược Sư thế nào để được lợi ích?
Trong kinh Dược Sư có đoạn: “...Nếu có người bệnh nào, muốn khỏi bệnh khổ thì quyến thuộc họ phải thọ trì tám phần trai giới trong bảy ngày, bảy đêm tùy theo sức mình, sắm sửa đồ ăn uống và các thứ cần dùng khác cúng dường đến chư Tăng ngày đêm sáu thời, lễ bái cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đọc tụng kinh này bốn mươi chín biến và thắp bốn mươi chín ngọn đèn, lại tạo bảy hình tượng đức Dược Sư trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, mỗi ngọn lớn như bánh xe, đốt luôn trong bốn mươi chín ngày đêm đừng cho tắt; còn cái thần phan thì làm bằng hàng ngũ sắc bề dài bốn mươi chín gang tay và phải phóng sinh bốn mươi chín thứ loài vật thì người bệnh ấy qua khỏi ách nạn, không còn bị hoạnh tử và bị các loài quỷ nhiễu hại”.
Nhiều người chưa hiểu được lời kinh dạy, nên có quan điểm chỉ cần đọc những kinh là có thể chuyển hóa nghiệp chướng, kéo dài tuổi thọ. Nhưng chúng ta thấy rằng, muốn được lợi ích chân thật thì ngoài việc tụng đọc cần phải hành trì, tức là thực hành những điều trong kinh Đức Phật dạy. Trong bài giảng, Sư Phụ chia sẻ: “Muốn cho thân nhân chúng ta khỏi bệnh thì quyến thuộc, tức là người thân trong gia đình phải thọ trì tám phần trai giới trong bảy ngày cho thanh tịnh, rồi tùy sức của mình sắm sửa đồ ăn uống và các thứ cần dùng, cúng dường đến chư Tăng, ngày đêm sáu thời lễ bái, cúng dường Đức Phật Dược Sư...”
Ngoài ra, Sư Phụ cũng dạy chúng ta phải tu tập cung kính Tam Bảo, tán thán ngợi ca công đức Tam Bảo, lễ Phật sám hối tội lỗi, tụng kinh, trì trai giữ giới, thực tập tất cả các tâm thiện lành. Chúng ta phải biết cúng dường Tam Bảo, biết bố thí cho những người nghèo khổ, biết giúp đỡ cho những người bệnh tật, biết phóng sinh cứu vật, tu tập tâm từ bi, tâm thương yêu. Không những thế, chúng ta còn phát cái tâm rộng lớn thì tất cả những việc làm này nó đều giúp cho chúng ta được chuyển hóa nghiệp.
Qua lời Sư Phụ giảng, chúng ta biết rằng, nghiệp lực có sức chiêu cảm rất mạnh mẽ. Nó quyết định cuộc sống của chúng ta. Những nghiệp ác đã gây sẽ mang đến những tai nạn, khổ đau cho chúng ta. Thực hành theo lời Đức Phật dạy trong kinh Dược Sư chính là phương pháp giúp chúng ta tiêu bớt ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp.
Mong rằng, qua những lời chỉ dạy trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh sẽ phần nào giúp quý Phật tử có niềm tin chính kiến với giáo Pháp của Phật, quay về tu tập, thực hành lời Phật dạy để được nhiều lợi ích.
Tịnh Duyên