Chùa giác ngộ - Nguồn ảnh: chuadieuphap.com.vn
Ngày Đức Phật nhập Niết bàn là gì?
Theo các ghi chép, ngày Rằm tháng hai năm 544 TCN, Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết bàn. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho biết, trong mùa an cư cuối cùng tại Vaishali, Đức Phật tuyên bố rằng Ngài sẽ nhập Niết bàn vô dư tại Kushinagar khi Ngài tròn 80 tuổi, hoàn tất sứ mệnh truyền bá chân lý và đạo đức, khải mê, khai ngộ, giúp nhiều người giác ngộ, giải thoát.
Khi đó, giữa rừng cây sa la, bên bờ sông Hiranyavati thuộc Kushinagar, Đức Phật nằm nghiêng bên phải, chân trái áp lên chân phải, trong tư thế chánh niệm, làm chủ toàn thân, rồi nhắc nhở: “Này các đệ tử, tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ đừng buông lung”. Nói xong, Đức Phật nhập vào thiền định và vô dư Niết bàn.
Nhiều chùa tổ chức lễ tưởng niệm ngày Đức Phật nhập Niết bàn Rằm tháng hai âm lịch hàng năm.
Ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn
Đại đức Thích Minh Phú, trụ trì chùa Tường Nguyên (TP.HCM) chia sẻ, vào ngày Rằm tháng hai âm lịch hàng năm, Phật tử thường đến các tự viện Phật giáo, tham gia các khóa lễ kỷ niệm. Việc cử hành lễ này trước là để hồi tưởng về cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Phật, sau là tán dương công hạnh và những giá trị đạo đức sáng ngời, những triết lý bất diệt, phương pháp và con đường hướng đến giác ngộ, giải thoát khổ đau mà Ngài để lại cho tín đồ Phật tử.
Về nghi thức, quan trọng không phải là chúng ta cần hiểu ý nghĩa của sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn. Niết bàn không phải là con người mất đi sinh mạng và rời bỏ thế gian, mà là để chỉ cảnh giới lý tưởng cao nhất mà người tu đạo có thể đạt được khi đạt đến giác ngộ tuyệt đối, tức thoát khỏi mọi tham ái, sân hận và si mê trong cuộc sống và đạt đến bình lặng tuyệt đối.
Chùa Vàm Ray - Nguồn ảnh: chuadieuphap.com.vn
Đại đức Minh Phú giải thích rằng chúng ta sống trong giai đoạn “tiền Phật - hậu Phật”, tức trước khi đức Di Lặc Phật ra đời và sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, rất khó đạt đến cảnh giới giác ngộ và đạt được bình lặng tuyệt đối. Nhưng ở mức độ nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát thân tâm, điều hòa tứ đại, tu dưỡng đạo đức, từng bước rời xa những cám dỗ cuộc sống, phá si mê và sân hận. Học Phật thông qua sự kiện Niết bàn, Phật tử nên cố gắng từng ngày sống trong an lạc bằng những pháp tu mà Đức Phật đã dạy.
Mời các bạn tham gia các tổ chức Phật giáo, thường xuyên lắng nghe lời dạy và tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của ngày Đức Phật nhập Niết bàn để vượt qua khổ đau và tìm thấy sự bình lặng tuyệt đối trong cuộc sống.