Nhấp vào hình để xem ảnh lớn
Tụng kinh, Niệm Phật là gì?
Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động. Khi tâm ta bị chi phối bởi những tạp niệm thì ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.
Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm ta và bản thân mình cần phải xóa bỏ đi những uế trược, phiền não trong lòng, từ đó ta có thể gạn lọc và chuyển đổi tâm của ta từ cái ác trở thành thiện, từ tạp niệm chi phối đưa đến sự thanh tịnh và giống với cảnh giới của chư Phật.
Niệm Phật có tác dụng gì?
- Niệm Phật để đưa đến sự nhất tâm: Niệm Phật nhất tâm sẽ giúp chúng ta khi làm bất cứ việc gì, chúng ta tập trung nhìn nhận rõ, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là cái cần phải gạt lọc, đó là ta đã sống trong giây phút của tỉnh thức rồi.
- Niệm Phật để được giải thoát: Giúp chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc của tham và làm chủ bản thân mình. Nói cách khác thì việc niệm Phật giúp ta trở về bản thể thanh tịnh của chính mình.
- Niệm Phật để được vãng sinh: Niệm Phật giúp chúng ta thay đổi từ những đức tính xấu ác của con người để trở về con đường thánh thiện, từ một người với thói quen đầy sự ích kỷ, nhỏ nhen trở thành một người có tấm lòng bao dung, độ lượng và cao hơn nữa đó là từ phàm phu bước lên một bậc của thánh hiền.
Trì chú là gì?
Trì chú là dùng những âm thanh đặc biệt, những ngôn từ đặc biệt, đại biểu cho sức mạnh gia hộ của chư Phật, Bồ Tát hay thần linh để phát huy những công năng nhất định như trị bệnh, xua đuổi tà ma quỷ quái, cầu phúc v.v… Trì chú dưới những hình thức khác nhau đã sớm có trong tôn giáo của các bộ tộc nguyên thủy.
Trì chú có tác dụng gì?
Theo quan điểm cơ bản của Phật giáo, khi có bệnh phải đến thầy thuốc, gặp tai nạn thì phải sám hối, phải có lòng thành, làm điều thiện mới có thể chuyển hung thành cát, giải trừ được oan trái và nghiệp chướng. Vì vậy, trên nguyên tắc không coi trọng việc dùng mật chú.
Thế nhưng nếu thường xuyên trì tụng những câu thuật chú nhất định thì cũng có thể tạo được sức mạnh của thuật chú, trong đó tất nhiên có sức mạnh của thần linh. Nhưng trọng yếu là sức mạnh của tâm niệm tập trung của người trì chú. Nếu chuyên tâm nhất trí thường xuyên trì tụng một thuật chú thì có thể đạt tới hiệu quả thiền định thống nhất thân và tâm, từ hữu niệm tiến tới vô niệm.
Vì vậy, trong giai đoạn phát triển về sau của Phật giáo, người ta không phản đối pháp môn trì chú, hơn nữa các câu chú chữ Phạn có ý nghĩa tổng trì nghĩa là thâu tóm tất cả, cho nên dùng pháp môn trì chú thì có thể thâu tóm tất cả các pháp. Bất kỳ câu chú nào mà tu trì đúng pháp và thường xuyên thì sẽ có hiệu quả lớn. Chủ yếu là do công phu trì chú, kết hợp với giữ giới, tu định mà sinh ra lòng từ bi và trí tuệ và tất nhiên có thể giúp tiêu trừ mọi nghiệp chướng, nhờ đó có thể thông cảm với sức mạnh bản nguyện của chư Phật, Bồ Tát.
Người trì chú đúng đắn, tốt nhất là phát âm theo nguyên âm tiếng Phạn. Tụng tiếng Phạn, mọi âm tiết đều có tác dụng và ý nghĩa của nó. Như trong từ A di đà, cần phát âm A cho chuẩn. Thế nhưng trong tất cả các pháp môn, tâm là chủ, thanh là thứ yếu. Hàng nghìn năm lại đây, người Trung Quốc niệm "Nam mô A di đà Phật" không hề thấy xảy ra hậu quả hoặc tác dụng xấu nào cả. Hiện nay, chú Đại Bi được người Trung Quốc, người Tây Tạng, người Nhật, người Triều Tiên, người Việt Nam trì tụng với âm thanh khác nhau, nhưng đều đạt tới hiệu quả giống nhau.
Trì chú hay niệm Phật: Cái nào linh nghiệm hơn?
Hiện nay Phật tử trì chú trước rồi niệm Phật sau đều được không có gì trở ngại.
- Tuy nhiên, nếu Phật tử đang hành trì theo pháp môn niệm Phật, thì Tamlinh.org thành thật khuyên Phật tử nên chuyên tâm niệm Phật là tốt hơn. Còn việc trì chú coi như là phần phụ thuộc mà thôi.
- Còn nếu các Phật tử lâu nay đã công phu trì chú Đại Bi, thì đó là pháp môn thích hợp với Phật tử, nên hãy cứ giữ vững pháp môn đã chọn, không nên nghe theo người khác mà thay đổị.
Chúng tôi kể lại một câu chuyện xưa có liên quan đến trì chú: Một bà lão suốt đêm ngày chuyên tu trì chú. Căn nhà tranh bà ở thường phát ra hào quang sáng rực vào ban đêm. Những người hàng xóm kể lại như thế cho đến khi người con của bà là một tu sĩ đi hành đạo phương xa về thăm mẹ. Người con nói với mẹ là bà trì chú sai chữ, bà nên sửa lại câu chú cho đúng mới có linh nghiệm. Bà nghe lời (vì nghĩ là con mình nói đúng vì hiện đang làm thầy thiên hạ) và kể từ đó đêm đêm căn nhà của bà không thấy phát ra hào quang nữạ. Tại sao lại như thế? Vì nhất thiết duy tâm tạo, công năng hiệu nghiệm của trì chú không phải nằm trong câu chú hay trong từng chữ mà là trong tâm của hành giả.
Tùy căn cơ của mỗi chúng sinh, nên không có pháp tu nào hay hơn pháp tu nào mà chỉ thích hợp cho từng cá nhân mà thôị Chư Phật và chư Tổ đều dạy chúng ta nên chuyên tu một pháp môn "nhất môn thâm nhập". Khi tìm cầu học hỏi, chúng ta có thể tham học nhiều thứ nhưng khi hành chỉ hành một pháp môn. Bất cứ trong kinh nào đức Phật cũng nói "kinh này đệ nhất", ý là muốn chúng ta nhất môn thâm nhập chứ không phải kinh này hay hơn kinh kia.
Bản chất của niệm Phật hay trì chú mục đích cũng để cho được nhứt tâm. Có như thế, thì việc hành trì của Phật tử mới chóng được thuần nhứt. Bằng không, tu hành mà cái gì cũng muốn hết, e rằng kết quả sẽ không được tốt đẹp như ý. Bởi bắt cá hai tay rốt lại thì không được gì cả. Điều đó chỉ là uổng công vô ích mà thôi. Kính mong Phật tử hãy suy nghiệm thật kỹ điều nầy để chọn cho mình một hướng đi vững chắc và có lợi ích thiết thực vậy.
Tamlinh.org