Xem thêm

Họa từ ăn chay… "nửa mùa"!

Phap Ngo Thich
Ăn chay không còn... khó Trước đây, nhắc đến ăn chay là phương thức ẩm thực của người tu hành. Quan niệm Phật giáo cho rằng, ăn chay là để dưỡng pháp thiện, tĩnh tâm,...

Ăn chay không còn... khó

Trước đây, nhắc đến ăn chay là phương thức ẩm thực của người tu hành. Quan niệm Phật giáo cho rằng, ăn chay là để dưỡng pháp thiện, tĩnh tâm, kiêng sát sinh. Ăn chay là sự trân trọng sự sống, loại bỏ tham, sân, si, nuôi dưỡng tâm hồn.

Nhưng ngày nay, ăn chay không đơn thuần chỉ phục vụ vấn đề về tôn giáo. Đối tượng ăn chay vì thế cũng đã mở rộng và ăn chay trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt.

Để chiều lòng các thượng khách thì thực đơn đồ chay cũng được biến tấu bắt mắt hơn, hương vị cũng phong phú hơn. Dương nhiên với một "thế giới" đồ chay phong phú như vậy thì ăn chay đã không còn là vấn đề quá khó.

Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng khi mà những món ăn từ thịt động vật là nguyên nhân của nhiều loại bệnh thì ăn chay đang được xem là sự "cứu cánh" cho sức khỏe con người. Điều cơ bản là nguyên liệu món ăn chay chủ yếu được lấy từ hạt, rau, củ, quả… Nhưng đồ ăn chay lại đang được bán với giá "cắt cổ", nên không ngoa khi nói ăn chay giờ đây trở thành thú ăn "sang chảnh".

Chỉ điểm tên món chay trong "menu" của những nhà hàng lớn cũng đủ thấy hấp dẫn với: Ngọc thực cung đình, cơm chiên Dương Châu, miến trộn Nepal, salad Nga, gà xào Thái Lan, bún xào Singapore, sandwich nướng xúc xích… Thoạt nghe chỉ thấy "mặn là mặn", nhưng đúng là tất cả các món này đều được làm chay theo công thức.

Và giá của những món ăn này không phải là rẻ, trung bình dao động 30.000-200.000 đồng/món. Như vậy, giá cho một mâm cơm chay tươm tất phải lên tới cả triệu đồng. Thực tế giá được đội lên cao như vậy cũng là bởi chế biến một món chay giống mặn không hề đơn giản, phải trải qua công đoạn "phù phép" thì mới có thể cho ra một món ăn chay giả mặn hoàn hảo.

Không dừng lại ở các nhà hàng, hiện đồ chay cũng len lỏi đến bữa cơm của mỗi gia đình và đa phần được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Không khó khi tìm kiếm những món ăn chay được chế biến sẵn.

Chỉ cần dạo một vòng quanh các siêu thị, cửa hàng thực phẩm cung cấp đồ chay… hẳn nhiều người sẽ bất ngờ trước loạt các thực phẩm chay giả mặn như thật nào là: Lợn quay, mực rán, vịt quay, tôm hấp, sườn xào, thịt gà rán, giò lụa… Các sản phẩm này sau khi được chế biến lại rất giống món ăn mặn cả về hình thức và hương vị.

Ingredients

Nhiều người gọi đây là cách đánh lừa thị giác công khai và khéo léo. Còn những người khó tính hơn thì cho rằng: Đây là cách ăn chay… một nửa. Nếu ăn chay là để tâm hồn thanh tịnh thì cần ăn chay "nguyên sơ", nghĩa là không nhất thiết phải đánh lừa thị giác và vị giác. Thậm chí, nhiều nhà tu hành còn bài trừ cách ăn chay giả mặn như vậy.

Có thể đây là cách nhìn hơi khắt khe về ăn chay. Thực tế hiện nay, nhiều người ăn chay với mong muốn giảm bớt nguy cơ mắc bệnh khi những thức ăn từ động vật đang ẩn chứa nhiều hiểm họa cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng chính cách ăn chay thời thượng như hiện nay lại biến đồ chay thành… "tội đồ" .

Nguyên liệu chay cũng độc hại

Nhiều người vì quá lạm dụng những món chay giả mặn mà chủ quan cho rằng mình đã ăn đủ chất, để khi bị bỏng đi quá lâu thì cơ thể đã chuyển sang chế độ… suy dinh dưỡng.

Một sự thật là, các món chay giả mặn chủ yếu đều được làm từ chất bột đường như: Khoai sọ, khoai mì, bột mì, bột gạo… Những chất này dễ khiến người tiêu dùng hiểu lầm một cách tai hại rằng mình đã bổ sung đủ chất đạm. Nhưng thực tế thì những tinh bột này đâu có thể thay thế nhóm đạm trong khẩu phần ăn của mỗi người.

Vì thế, ăn các thức ăn giả mặn "nem công, chả phượng" thay cho nhóm đạm không thể đáp ứng nhu cầu đạm của cơ thể. Đó là chưa kể, các món chay giả mặn chủ yếu phải sử dụng đến các chất phụ gia, phẩm màu... và chất bảo quản.

Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM từng công bố một kết quả khiến những người ăn chay trường phải giật mình là: Hàm lượng acid oxalic là chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay khá cao. Kết quả này được đưa ra sau khi Chi cục Vệ sinh thực phẩm kiểm tra 4 mẫu mì thường được dùng trong các mẫu đồ ăn chay như hủ tiếu khô, mì sợi khô, mì căn.

Trong khi đó, có bao nhiêu đồ ăn mặn là bấy nhiêu món ăn chay, kéo theo từng đó chất phụ gia, hương liệu. Mà những chất này lại đang được thả nổi, phần lớn không có nhãn mắc, không hạn sử dụng, cơ sở sản xuất và được giao bán với giá cả khá mềm.

Chưa kể, để tạo được hương vị, hình dáng giống như thức ăn mặn, nhà sản xuất phải cho thêm chất hóa học để nạo màu, tạo mùi vị và chất định hình. Những chất này khi vào trong cơ thể thì acid oxalic sẽ kết hợp với sắt, canxi, natri, kali... gây kích thích ruột và gan, liên kết với canxi tạo ra bệnh.

Trên cơ sở sử dụng thực phẩm có chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, chất dinh dưỡng và lâu dần sẽ dẫn đến bệnh sỏi thận, nghẽn đường tiết niệu. Đó chỉ là một trong những nguy cơ từ chất tạo hương, còn vô vàn những mối hiểm họa khác đang rình rập.

Như vậy, cách ăn chay giả mặn vô hình trung cũng đem đến những phiền toái cho vấn đề an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nhiều người còn tâm lý quá "cả tin" vào đồ ăn chay, cho rằng đó là những món ăn vô hại.

Câu hỏi đặt ra: Ăn chay thế nào cho đúng? cũng khiến nhiều người đau đầu. Thực tế, ăn chay càng cơ bản càng tốt. Nghĩa là không động đến chất phụ gia, chất tạo hương liệu… hay phải dùng chất tạo hình, đánh lừa thị giác.

Điều này đã được PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: "Đồ ăn chay tốt cho sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên với những thực phẩm chay giả mặn thật khó để kiểm soát về các chất phụ gia hương liệu có chứa trong món ăn.

Vẫn biết, khi sử dụng các chất phụ gia này các cơ sở đều phải tuân theo một quy chuẩn nhất định nhưng không phải tất cả đều thi hành đúng. Nên để bảo vệ sức khỏe thì càng hạn chế sử dụng thức ăn có phụ gia càng tốt.

Còn với những người ăn chay trường thì cần có kế hoạch ăn chay cụ thể, theo dõi sát sao chế độ dinh dưỡng để việc ăn chay đạt hiệu quả cao nhất".

Trên thực tế, nhìn tổng thể kiến thức về ăn chay của người Việt cũng còn nhiều bất cập. Ngay cả những người ăn chay trường cũng chưa thực hiểu tường tận việc làm thế nào để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bản thân và chế độ ăn chay như thế nào là hợp lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, khẩu phần chay phải cung cấp đủ bốn nhóm chất bao gồm: chất đạm, chất bột đường, chất béo và rau quả. Đối với người trưởng thành thì chất bột đường có nhiệm vụ quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, chiếm 60-65% năng lượng. Chất béo vừa cung cấp năng lượng vừa xây dựng cơ thể, chiếm 20-25% năng lượng. Chất đạm là chất xây dựng và tái tạo lại các tế bào bị hao mòn của cơ thể chiếm 13-15% năng lượng. Rau quả cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ và các chất chống oxy hóa.

Một nguyên tắc căn bản nhất là phải tôn trọng công thức ăn đa dạng các thực phẩm cung cấp chất đạm, nên sử dụng các thực phẩm tươi, thiên nhiên… Và càng hạn chế ăn các thức ăn qua nhiều khâu chế biến, nhiều bột ngọt, ít chất phụ gia càng tốt cho sức khỏe.

Theo Huyền Anh

Petrotimes

1