Xem thêm

Dẫn luận ngôn ngữ Phật giáo

Phap Ngo Thich
Ngôn thuyết của Đức Phật nhìn từ truyền thống Đại thừa Thánh giáo cũng mang một ý nghĩa huyền thoại như đã nói ở trên, mà minh hoạ điển hình có thể đọc được trong...

Ngôn thuyết của Đức Phật nhìn từ truyền thống Đại thừa Thánh giáo cũng mang một ý nghĩa huyền thoại như đã nói ở trên, mà minh hoạ điển hình có thể đọc được trong kinh Vimalakīrtinirdeśa (Duy-ma-cật sở thuyết)...

DanluanNS (2).jpg Kinh viết trên lá bối

Huyền thoại và kinh bản

  1. Huyền thoại về ngôn thuyết

Huyền thoại trong tiếng Hy Lạp gọi là μεμυθολογημέναι hoặc μεμυθολογημέναι, nghĩa là ngôn ngữ ẩn dụ để nói những điều không thể nói. Nó không đơn thuần là những hư cấu, huyễn hoặc, hay hoang đường mà thực tế nó chứa đựng những tư duy, ý tưởng, xúc cảm, hay phản chiếu những quan niệm tín ngưỡng tồn tại trong một truyền thống văn hóa, đồng thời cũng là hiện thực, về huyết thống, về chủng tộc, về những mối quan hệ gia đình xã hội, giao lưu tương tác giữa các nền văn minh. Đối với các nhà thần thoại học, ý nghĩa các mẩu huyền thoại có thể được giả thuyết là một phần hay đại bộ phận phản ánh những ký ức lịch sử hay một biến cố lịch sử nào đó bị bao trùm dưới lớp sương mù của thời gian. Trong một số trường hợp, đôi khi chính ký ức huyền thoại ấy lại phản chiếu một cách trung thực hơn những cái mà ngày nay người ta thường nghĩ là sự thật lịch sử.

Phổ thông trong tiếng Hy Lạp, huyền thoại được gọi là μῦθος-mythos, tiếng Anh dịch là mythology. Ngày nay bằng phương pháp tiếp cận qua structuralism (cơ cấu luận), psychoanalysis (tâm phân học) v.v…người ta thấy được giá trị lịch sử đằng sau hay nằm dưới tầng sâu thẳm của nó. Ở phương Tây, những người có công tích cực loại bỏ giá trị hoang đường của các mẩu huyền thoại hay thần thoại mà khoác lên cho chúng ý nghĩa của sự thật lịch sử có lẽ đầu tiên là Euhemerus với tác phẩm Hiera Anagraphe (Sacred History), và những vị khác đáng kể đến như: Mircea Eliade với tác phẩm Myths and Reality (Thần thoại và Hiện thực), nhà ngữ học Sanskrit và Đông phương học Max Muller với tác phẩm điển hình: Comparative Mytholohy: An Essay (1856) v.v…, đều xem các mẩu huyền thoại có ý nghĩa tượng trưng, siêu nghiệm hay ngụ ý.

Trong một số phương diện, ngôn ngữ cũng có tính siêu nghiệm và huyền thoại như thế. Sự xuất hiện của ngôn ngữ cũng chính là sự xuất hiện của nhân loại; ngôn ngữ là cái gì đó vươn đến từ một quá khứ xa xôi mơ hồ kéo dài liên tục cho đến hiện tại, và dò dẫm tiến đến một tương lai cũng xa xôi không kém. Cho nên, huyền thoại về mãnh lực của ngôn ngữ và siêu lực của của ngôn từ, nói theo Novalis: “Cái có thể thấy bám vào cái không thể thấy/ Cái có thể nghe nghe bám vào cái không thể nghe/ Cái có thể xúc bám vào cái không thể xúc: Có lẽ, cái gì có thể tư duy bám vào cái bất khả tư duy”. Chúng cùng với những hình thái và năng lực tiềm tàng của tư tưởng, lớn dần lên từ chỗ siêu việt tư tưởng. Nói tóm tắt thì ngôn ngữ khai sinh từ các kinh nghiệm được tích lũy, từ những cái có vẻ như mơ hồ, hay hỗn độn của một sự ghi dấu ấn nào đó, hay sự mường tượng từ những quên lãng xa xưa của quá khứ, rồi được tiếp diễn trong sự lịch nghiệm hiện tại, và trỗi dậy ở tương lai. Chúng ta có thể vay mượn quan niệm đầy tính thể huyền thoại của Rainer Maria Rilke về ngôn từ, biểu lộ tinh hoa của mãnh lực ngôn thuyết:‘Wo sich langsam aus dem Schon-Vergessen/ Einst Erfahrenes sich uns entgegenhebt/Rein gemeistert, milde, unermessen/Und im Unantastbaren erlebt:Dort beginnt das Wort, wie wir es meinen/Seine Geltung übertrifft uns still - Denn der Geist, der uns vereinsamt, will/Völlig sicher sein, uns zu vereinen’: ‘Nơi mà, chậm chạp, từ quên lãng xa xưa/Lịch nghiệm trỗi dậy trong ta/ Tự chủ, dịu dàng và cực độ/ Được thể nghiệm trong cái Chí Linh: Nơi đó, ngôn ngữ khởi đầu, như ta mường tượng/ Mà chân nghĩa lặng lẽ vượt lên ta - Vì tâm hồn vốn khiến ta cô đơn, muốn rằng chúng ta hiệp nhất’. Đọc qua vay mượn này, người ta hy vọng tìm thấy những hình ảnh của một thực tế sinh động, chỉ có trong đời sống của kinh nghiệm cá biệt, được phản chiếu toàn diện và triệt để ngay ở ngôn ngữ. Xưa nay nhân loại vẫn mơ ước một thứ ngôn ngữ chung, một thứ ngôn ngữ trực tiếp phản chiếu và thông diễn mọi sắc thái của thực tại sống động, không phải chỉ như một thứ ký hiệu ước định làm trung gian tạm thời nữa. Một triết gia lúc nào cũng muốn sử dụng được thứ ngôn ngữ khả dĩ là khuôn hình nguyên dạng của thế giới, để phát hiện ra nguồn gốc của một thế giới quan vô tận.

  1. Từ huyền thoại đến kinh bản

Ngôn thuyết của Đức Phật nhìn từ truyền thống Đại thừa Thánh giáo cũng mang một ý nghĩa huyền thoại như đã nói ở trên, mà minh hoạ điển hình có thể đọc được trong kinh Vimalakīrtinirdeśa (Duy-ma-cật sở thuyết), chương 1: Buddhakṣetrapariśuddhinidāna (Nhân duyên thanh tịnh quốc độ Phật):

Sanskrit ekāṃ ca vācaṃ bhagavān pramuñcase nānārutaṃ ca pariṣad vijānati| yathāsvakaṃ cārtha vijānate jano jinasya āveṇikabuddhalakṣaṇam6.

Tibetan bcom ldan ’das kyis gsung gcig rab tu phyung ba yang ’khor rnams kyis ni gsung la tha dad rnam par rig ’gro ba dag gis rang gi don bzhin rnam rig pa/ de ni rgyal ba’i ma ’dres sangs rgyas mtshan lags so/

Dịch Việt:

Phật bằng một âm diễn thuyết pháp; Chúng sinh tùy loại đều hiểu được; Đều nói Thế Tôn cùng tiếng của mình; Ấy do thần lực pháp bất cộng. Phật bằng một âm diễn thuyết pháp; Chúng sinh mỗi mỗi theo chỗ hiểu, Đều được thọ hành, đại lợi ích; Ấy do thần lực pháp bất cộng. Phật bằng một âm diễn thuyết pháp; Có kẻ nghe sợ, có kẻ vui, Có kẻ chán bỏ, kẻ hết nghi; Ấy do thần lực pháp bất cộng.

Đây là bài tụng thứ 10 của Nam tử Bảo Tích theo bản Sanskrit, là bài tụng thứ 12-14 trong bản Hán dịch của La-thập, để ca ngợi những phẩm tính siêu việt của Đức Phật. Bài tụng này xuất hiện trong ngữ cảnh khi mà Bảo Tích cùng với năm trăm người con của các trưởng giả khác cầm năm trăm tàn lọng quý báu đi đến hiến cúng lên Đức Thế Tôn, rồi sau đó toàn thể hội chúng được chứng kiến: “Do thần lực siêu việt Phật tất cả số tàn lọng đó tập hợp thành một cái duy nhất che rợp cả ba nghìn đại thiên thế giới". Đó là một mô tả về trật tự thế giới trong lý tính duyên khởi. Đó là nguyên lý được nhận thức trong mối tương quan thời gian, nhưng cũng là nguyên lý tồn tại siêu việt khái niệm thời gian, nếu không muốn nói nguyên lý đó là căn nguyên của tư tưởng.

Vậy thì nó có ý nghĩa gì ở đây?

Trong bài tụng dẫn trên, chúng ta có thể tìm hiểu sơ lược về hai cụm từ: 1. ekāṃ vācam - một âm; 2. vijānati - hiểu.

Từ ekāṃ vācam, Tạng dịch là gsung gcig, phân tích theo ngữ pháp Sanskrit: ekām -> eka (adj.num.f.sg.acc): một; vācam -> vācā (f.sg.acc): ngữ ngôn, ngữ từ; Huyền Tráng và La-thập đều dịch là 以一音- bằng một âm, A-tì-Đạt-ma đại Tì-bà-sa luận giải thích: “Một âm nghĩa là Sanskrit âm”.

Từ vijānati, Tạng dịch là rnam par rig, theo ngữ pháp Sanskrit: vijānati -> vi-√jñā (pres.3.sg.P.): liễu tri, lý giải, thông tri, hay thông tin, La-thập và Huyền Tráng đều dịch là: 解- hiểu (vi -> pref. chi tiết, cá biệt; √jñā: nhận biết).

Các nhà vật lý học hay thần kinh học hiện đại thường nỗ lực lý giải về ma lực của ngôn từ hay các mối quan hệ giữa bản chất ngôn từ, tâm lý và não bộ. Trước đây, phần lớn cho rằng chúng ta suy nghĩ như thế nào thì sẽ phát ngôn như thế ấy, không có sự liên hệ hay tác động bởi những yếu tố khác. Nhưng trong thời hiện đại thông qua phương pháp tiếp cận bằng tâm phân học, tế bào học hay thần kinh học v.v…và bằng các máy móc tân tiến như MRI chẳng hạn, người ta có thể đo được một số hoạt động của não bộ hay các mạch điện trong não, và thấy rằng có tính liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và tâm lý, mà tâm lý thì liên hệ chặt chẽ đến óc não. Tùy vào cơ cấu ngôn ngữ khác nhau, khi phát âm sẽ tạo ra những tần số dao động âm thanh khác nhau, tương tác rung động sóng não khác nhau. Từ sự xung chạm giữa âm thanh và não bộ đó, không chỉ phát biểu của người nói sẽ phát sinh các hiệu năng đặc biệt, mà người nghe sẽ có những biến đổi trong tâm lý, hay sự tư duy lý giải cũng sẽ bất đồng.

Nhìn từ góc độ kinh điển, ý nghĩa tổng quát bài tụng này, như Thượng tọa Tuệ Sỹ đã minh giải trong Huyền thoại Duy-ma-cật:

“Bằng phương tiện thuyết giáo vi diệu, Phật đã thành tựu các phẩm tính lợi tha. Bồ-tát khi hành đạo cũng thế, vì mục đích giác ngộ của chính mình mà cũng vì sự an lạc của mọi loài”.

Để có khả năng thành tựu hay đạt đến phương tiện thuyết giáo vi diệu, đòi hỏi phải thấu triệt được bản chất của ngôn từ hay âm ngữ, chúng là những sự ghi dấu ấn của tâm, hay những trạm dừng từ kết quả tích lũy của một chuỗi giao lưu tương tác vô tận các kinh nghiệm, tính thể tinh túy của ngôn từ không bị cạn kiệt bởi ý nghĩa hiện tại của nó. Vì thế, ngài Lama Anagarika Govinda giải thích khá lý thú:

“Tầm quan trọng của nó cũng không bị giới hạn trong tính hữu dụng hàng ngày như các phương tiện truyền đạt tư tưởng hay ý nghĩ - cũng như một giai điệu, tuy nó có thể khiến liên tưởng đến một ý nghĩa thuộc khái niệm, nhưng không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ hay bất cứ hình thức truyền thông nào khác. Và chính phẩm chất phi lý này đã khơi nguồn các cảm nhận sâu sắc nhất của chúng ta, thăng hoa tính tồn tại thầm kín nhất trong chúng ta, và làm cho nó rung động trước các tồn tại khác”.

Vậy thì, câu tụng: “Phật bằng một âm diễn thuyết pháp, chúng sinh mỗi mỗi theo chỗ hiểu”, nhìn từ góc độ này, trong một chừng mực nào đó có thể hiểu và chấp nhận được nó mà không cho là hoang đường hay hư cấu. Bởi vì theo quan niệm Đại thừa tận cùng bản chất của âm ngữ là thực tại vô ngôn, vượt ngoài mọi hình thái ngôn ngữ truyền thông, thậm chí một vài trường hợp“im lặng” cũng có thể xem là một hình thức tuyên thuyết pháp yếu và là cánh cửa đi vào tuyệt đối, nếu không muốn nói là đỉnh cao của ngôn ngữ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp sự kiện này trong bản kinh dẫn trên, qua đoạn văn miêu tả cuộc tương phùng giữa Đại sĩ Văn-thù và Trưởng giả Duy-ma-cật.

Tiếng nói của một kinh nghiệm cá biệt và nội tại, luôn luôn lại là những tiếng nói của sự im lặng; giống như sự im lặng của lòng biển sâu thẳm. Nhưng sự phát hiện của ngôn ngữ trong đời sống tương giao đã làm biến mất thứ tiếng trầm lặng này. Merleau-Ponty nói: “Triết gia nói, nhưng vì có một nỗi bất lực trong ông, một nỗi bất lực khó giải thích, nên ông phải tắt tiếng, phải hòa mình vào sự im lặng”. Hay: “Triết gia viết để nói lên sự giao tiếp của mình với tính thể: Ông đã không nói điều đó, và thường là không nói nổi, bởi vì đó là sự im lặng”.

Trong kinh Saṃyutta-nikāya, thiên Tương ưng uẩn, Đức Phật dạy rằng:

“Này các Tỷ-kheo! Ta không tranh luận với thế gian, chỉ có thế gian tranh luận với ta. Này các Tỷ-kheo, người thuyết pháp không tranh luận với bất kỳ một ai ở thế gian. Những gì kẻ trí trong thế gian chấp nhận là không, Ta cũng nói là không. Những gì kẻ trí trong thế gian chấp nhận là có, Ta cũng nói là có”.

Trích dẫn này muốn nói rằng mọi diễn tả của ngôn ngữ không được phép vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm. Sự Thật chỉ tuyệt đối ở tự thân của nó, nhưng là tương đối ở phương tiện diễn đạt của ngôn ngữ hay bất kỳ hình thức truyền thông nào. Đó là lý do tại sao các tác giả Phật học thường có thói quen mở đầu các tác phẩm của mình bằng một thái độ khiêm tốn: những gì họ sẽ trình bày không liên hệ đến tự thân của Sự Thật mà họ muốn hướng đến. Người ta không thể nhầm lẫn hay đánh đồng giữa ngón tay và mặt trăng, nhưng có điều ngón tay cũng phải chỉ thẳng và chỉ đúng thì phương

1