Nhìn lại để thương
Đã hai mươi mấy năm trôi qua, cứ ngỡ như tiếng thở phào nhẹ nhõm của ba mẹ ngày nào đã đi vào quá khứ, nhưng không ngờ nó vẫn còn mãi đó với thời gian. Chỉ cần trở về tiếp xúc là mọi chuyện cứ sống lại như mới xảy ra hôm nào.
Hồi đó quê tôi còn nghèo lắm, nhà nào cũng phải trộn thêm khoai sắn vào nồi cơm mới đủ no. Kinh tế nghèo nên nhận thức cũng còn lạc hậu. Tư tưởng trọng nam kinh nữ vẫn âm thầm len lỏi trong cuộc sống của người dân quê tôi. Dạo ấy nhà nào chưa hoặc không có con trai thì phiền muộn lắm bởi không ai mà không nói rằng: gia đình đó bạc phước nên mới không có con trai để nối dõi tông đường. Bao nhiêu tội lỗi cũng đều do người phụ nữ hết vì họ là người trực tiếp sinh ra những con người mà không phải là những người đàn ông. Người nào trong xóm cũng nghĩ như thế nên ba tôi cũng không ngoại lệ. Sinh con khó nhọc thiệt đó nhưng ba tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc về sự ra đời của hai chị tôi. Hạnh phúc sao nổi khi xung quanh ai cũng nhìn ba bằng ánh mắt đầy khinh bỉ: đồ bạc phước không có con trai để thừa tự. Bao buồn phiền mà làng xóm đem lại, ba tôi đều trút hết lên đầu mẹ tôi mỗi lần ông về đến nhà. Thương nhất vẫn là hai chị của tôi. Bởi đeo mang một tư tưởng tụt hậu như thế nên mỗi lần có đồ ăn ngon ba đều cho con trai nhà cô bác chứ không cho hai đứa con gái của mình bởi xung quanh ai ai cũng nghĩ và nói rằng:con gái là con người ta chứ không phải con mình vì thế nào nó cũng đi lấy chồng.
Con đã có đường đi
Chọn Một Con Đường
Không trực tiếp sống những tháng ngày đó nhưng tôi luôn tin rằng ngày tôi chào đời, ba tôi nhẹ nhõm lắm. Bởi nó không đơn thuần là chuyện chồng lo lắng cho vợ lúc sinh nở mà còn cả chuyện danh dự của ông trước mọi người. Ông có thể chứng tỏ với mọi người rằng ông không bạc phước, rằng ông cũng có thể có con trai như bao người khác. Từ đây ông không phải cúi đầu e thẹn trước hàng xóm mỗi lần họ nhắc đến chuyện sinh con trai, con gái nữa. Nhưng, hơn ai hết người hạnh phúc nhất vẫn là mẹ của tôi, nạn nhân vô tội. Ai có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc khi bồng trên tay đứa con trai mà bao đêm mẹ hằng mong ước và chờ đợi. Rằng đứa con này sẽ một phần nào làm nhẹ đi gánh nặng mà xã hội và chính chồng mình đã đặt lên đôi vai nhỏ bé của mình. Những ánh mắt đổ lỗi và kỳ thị không còn hướng về phía bà nữa. Và từ nay gia đình sẽ có cơ hội ấm cúng hơn khi mà vợ chồng không còn cự nhau về chuyện nối dõi tông đường. Dù chưa một lần nói ra nhưng tôi luôn có cảm giác rằng mẹ tôi đã hạnh phúc thật nhiều khi sinh ra tôi. Tôi như sống lại những tháng ngày mà mẹ đã đi qua. Dù chỉ nghe kể lại thôi nhưng tôi cũng bực mình đến nỗi có lúc muốn đánh tay đôi với ba mỗi lần nghe kể những thái độ mà ba đã đối xử tệ với mẹ thời gian đó. Đó là những cảm xúc lúc tôi còn nhỏ.
Lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ với thêm ba em trai nữa lần lượt ra đời sau đó, tôi đóng vai người anh lớn trong nhà, tất nhiên còn có hai chị gái của tôi nữa. Cuộc sống tưởng chừng như sẽ êm đềm hơn khi mà có tới tứ quý của ba mẹ theo nhau chào đời. Cứ nghĩ ba rồi sẽ thay đổi nhiều lắm, sẽ bớt áp lực lên mẹ tôi. Nhưng sự đời không bao giờ như chúng ta hằng mơ ước. Nếp sống thiếu chất liệu tâm linh của gia đình nào rồi cũng đưa đến những vui buồn lẫn lộn, chưa nói đến khổ đau nhiều hơn hạnh phúc có lúc làm cho chúng ta mệt mỏi và chán chường tột độ. Bản thân tôi chứng kiến nhiều lần nước mắt của mẹ lăn dài trên đôi má gầy guộc với đôi mắt sưng cùng với vài nếp nhăn ẩn chứa niềm lo lắng cho đàn con nhỏ. Tôi đã nhiều lần tự nhủ mình sẽ phải làm gì đó để cho cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc, mình không thể cam chịu như thế mãi được. Ý chí thay đổi hoàn cảnh gia đình đã thôi thúc tôi tìm đến đạo Phật với một niềm tin rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Có những lúc tuyệt vọng tôi chỉ biết niệm danh hiệu Phật để cho niềm đau khổ vơi đi chút nào. Nhưng sâu thẳm niềm khắc khoải và khát vọng tìm ra đường hướng thực tập luôn thúc tôi tìm đến một nếp sống thực tiễn hơn là chuyện hứa hẹn. Và tôi đã chọn con đường sống chánh niệm của người xuất gia để từ từ giải quyết những nút thắt trong lòng.
Con đã có đường đi
Bước Tới Thảnh Thơi
Ngày tôi đi xuất gia, tôi mời ba mẹ ngồi lên ghế để tôi lạy mỗi người ba lạy trước khi rời nhà. Ba tôi buồn lắm bởi bao kỳ vọng vào đứa con trai trưởng của ba đều tan vỡ, nhưng ý tôi đã quyết và tôi xác định được sứ mạng của mình. Bởi lúc đó tôi đã thấy được rằng tiền tài và lợi danh không đóng vai trò then chốt trong việc đem lại hạnh phúc cho gia đình nên tôi phải ra đi để đem lại cho gia đình thêm một khía cạnh nữa của hạnh phúc thực sự. Đó là nếp sống tâm linh song hành cùng cuộc sống vật chất. Chuyện đi tu của tôi không làm cho mẹ tôi quá ngạc nhiên bởi mẹ vẫn hay được tôi báo trước nhiều lần về quyết định đó. Hay chính xác hơn, những niềm đau nỗi khổ của mẹ đã đi qua, một phần đã tạo động lực cho tôi có một bước ngoặc, lập một sứ mạng khác của đời mình mà không phải xuôi dòng thế tục: thi vào đại học, ra làm việc, và…chăm mấy đứa nhỏ!
Đi tu là xách gói đi thôi chứ tôi không biết chính xác ai sẽ là thầy của mình và cuộc đời tu hành của mình sẽ ra sao. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đi tu mới giải quyết được những khao khát của mình, mới giúp mình thực hiện được sứ mạng lớn lao hơn mà mình đã xác định. May mắn thay tôi được trở thành đệ tử của Thầy, làm con của Tăng thân. Tôi như được đổi đời, từ con trai của một gia đình nhỏ trở thành con của mọi nhà, được thương yêu, được học hành và đặc biệt nhất là được rèn luyện để thực sự sống và trị liệu; giúp gia đình huyết thống cũng như cùng Tăng thân giúp những người còn đau khổ.
Con đã có đường đi
Cuộc sống không bao giờ trải đầy hoa hồng dù đó là con đường xuất gia nhưng tôi không ngại bởi pháp Bụt do Thầy trao truyền lại luôn đưa tới con đường giải thoát tốt đẹp nhất và ít ngờ tới nhất. Tôi có niềm tin rằng cuộc sống sẽ dạy cho tôi biết khổ đau để rồi biết đồng cảm và yêu thương con người nhiều hơn và hun đúc cho mình cái thấy: mình có trong tất cả và tất cả có trong mình.
Sống và tu tập trong Tăng thân giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống đem tới cho mình nhiều thứ nhưng cũng lấy đi biết bao điều. Khi chợt tỉnh ra thì mình đã chậm trễ rồi. Tiếc nuối chỉ làm mình thêm đau khổ nên tôi tự nhủ mình phải sống với hiện tại nhiều hơn để khi cái gì đó nữa phải rời xa thì mình sẽ không còn hối tiếc. Sự mất mát ai cũng ngại phải đối mặt nhưng nó luôn âm thầm nhắc chúng ta về sự vô thường của cuộc sống. "Bây giờ hoặc không bao giờ" là cả một thông điệp lớn mà cuộc sống dạy cho chúng ta.
Có khoảng thời gian, hầu như ngày nào tôi cũng xuống bếp để nấu ăn. Nhưng từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ nấu ăn liên tục và kéo dài như thế nên nhiều lúc cơ thể rất mệt mỏi vì phải đứng cạnh bếp ga nhiều giờ. Nhiều lúc mệt nhoài tôi chẳng muốn ăn uống gì nữa, nấu ăn xong là chỉ muốn thoát khỏi cái bếp càng sớm càng tốt. Những lúc như thế, chợt nhớ đến mẹ, lòng tôi tràn đầy niềm thương cảm bởi như nhiều người phụ nữ khác mẹ tôi cũng mấy mươi năm quần quật bên bếp củi từ ngày này qua tháng nọ mà không hề kêu ca gì. Có khi nghĩ đến những vị xuất sĩ nữ tôi thầm mừng cho họ bởi cuộc sống xuất gia đã đem lại cho họ nhiều không gian và thời gian thênh thang để họ có thể làm chính họ. Mẹ tôi không có cái diễm phước đó nên hôm nay tôi nguyện sống một đời thảnh thơi, không buộc ràng cho mẹ.
Con Đã Có Đường Đi
Xuất gia được hai năm thì nghe tin mẹ bị bệnh, tôi và người em trai kế, cũng đã xuất gia, được Tăng thân cho về thăm nhà. Vốn liếng tu học chăm chỉ trong hai năm đã giúp tôi có mặt với gia đình, giúp ba mẹ tập sống với nếp sống tâm linh nhiều hơn. Cả nhà tập ăn chay trường. Ba nghỉ nghề đánh bắt cá dưới biển để chuyển qua nghề khác hiền thiện hơn. Hằng ngày ba mẹ tôi đều tập ngồi thiền tụng kinh chung với nhau. Kể từ ngày anh em tôi đi tu, tự nhiên ba mẹ ý thức tu nhiều hơn bởi nói gì và làm gì ba mẹ cũng đều nghĩ cho chúng tôi. Tôi nghe ba thường nói: nhà mình có hai đứa con đi tu nên sống làm sao cho đúng với gia đình có người đi tu. Chỉ có suy nghĩ đó thôi mà ba tôi đã ầm thầm tu sửa nhiều hơn; biết chăm sóc cơn giận nhiều hơn và không nói những câu làm tổn thương người thân nữa, nhất là mẹ tôi. Bây giờ gia đình không còn ở chung như xưa nữa nhưng ai cũng cảm thấy gần nhau hơn bởi cả nhà cùng đi chung trên một con đường tâm linh.
Ngồi nhìn lại quá khứ gia đình, tôi biết ơn và quý đời sống xuất sĩ thật nhiều bởi nếu ngày trước tôi không quyết định đi tu thì không biết giờ đây gia đình của tôi đã như thế nào rồi. Và lý tưởng của người tu đâu chỉ có đem lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình huyết thống thôi, còn biết bao gia đình vẫn đang ngóng chờ những người con có trái tim thương yêu lớn, có tu có học, đi vào cuộc đời để tiếp tục sự nghiệp của Bụt. Dẫu biết rằng mọi thứ đều mới bắt đầu nhưng tôi luôn có niềm tin nơi con đường của Bụt, của Thầy và Tăng thân đã và đang đi. Tôi tin rằng: "Đã có đường đi rồi con không còn lo sợ".