Xem thêm

Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907 – 1978), Phó Tăng Thống GHPGVNTN

Phap Ngo Thich
I. THẾ TỘC: Hòa thượng pháp hiệu Thích Thiện Hòa, thế danh Hứa Khắc Lợi sanh năm 1907 tại làng Tân Nhựt Chợ Lớn. Ngài sinh trong gia đình trung lưu phú hậu, thân phụ...

Hoà Thượng

I. THẾ TỘC:

Hòa thượng pháp hiệu Thích Thiện Hòa, thế danh Hứa Khắc Lợi sanh năm 1907 tại làng Tân Nhựt Chợ Lớn. Ngài sinh trong gia đình trung lưu phú hậu, thân phụ là Hứa Hắc Tài, thân mẫu là Nguyễn Thị Giáp. Gia đình cả thảy bảy anh em: ba nam, bốn nữ, Ngài là người thứ bảy. Vì người thứ tám mất sớm nên Ngài được coi là con út.

II. THỜI NIÊN THIẾU VÀ TU TẠI GIA:

Vừa lên năm tuổi, Cụ Bà tạ thế, Ngài và anh chị phải sống cảnh côi mẹ, chỉ còn quanh quẩn bên cha. Lên sáu tuổi, Ngài cắp sách vào trường, học hết cấp Trung Học, thì Cụ Ông lại thất lộc. Năm ấy Ngài được mười lăm tuổi dừng học ở trường, trở về học Nho với Cụ Đồ Soạn ba năm. Sau khi cha mẹ mất hết. Ngài và anh chị đều được sự đùm bọc của Bà Nội, vẫn được tiếp tục học hành.

Cũng năm mười lăm tuổi, Ngài phát tâm mộ đạo, tìm đến chùa Long Triều trong lòng để quy y thọ giới với Tổ Bửu Sơn và được pháp danh là Tâm Lợi, hiệu Thiện Hòa. Sau khi quy y thọ giới, Ngài tập ăn Thập Trai. Năm mười bảy tuổi, Ngài vâng lệnh Bà Nội buộc lập gia đình để kế thừa hương hỏa. Trong thời gian đó, Ngài sinh đưọc hai người con: một gái và một trai. Đến năm hai mươi tuổi, Ngài ăn trường chay, lúc này chí xuất trần của Ngài rất mạnh, sóng vì phụng dưỡng Bà Nội, nên đành phải cất một am nhỏ để thọ trì Kinh Kim Cang suốt mười hai năm và tập hạnh của người xuất gia.

III. THỜI XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

Năm lên 28 tuổi, Bà Nội từ trần, thế là hiếu nghĩa đã vẹn toàn, Ngài quyết chí xuất gia. Sắp đặt việc gia đình xong Ngài đến yết kiến Tổ Bửu Sơn xin xuất gia. Tổ giới thiệu Ngài đến Tổ Khánh Hòa hiện là Giám Đốc Trường Phật Học Lưỡng Xuyên Trà Vinh. Lễ xuất gia của Ngài được tổ chức vào Rằm tháng Tư năm Ất Hợi (1935) tại trường Phật Học Lưỡng Xuyên Trà Vinh. Lễ xuất gia của Ngài được tổ chức vào Rằm tháng Tư năm Ất Hợi (1935) tại trường Phật Học Lưỡng Xuyên và được Tổ Khánh Hòa khen: “là người hảo tâm xuất gia, ít ai được như Thiện Hòa”.

Tuy mới xuất gia nhưng phong cách đã vượt chúng bạn, nên tất cả đều đồng ý cử Ngài làm Chánh Trị Sự của Trường Nhờ sự chăm chỉ học hành, tinh tấn tu tập, giới luật trang nghiêm và tận tâm phục vụ chúng Tăng nên được Ban Giám Đốc nhà trường yêu mến ngợi khen, và toàn chúng đều quý kính Hòa Thượng như người anh cả. Cuối tháng 6 năm 1936, Hòa Thượng được tuyển chọn cùng với Thượng Tọa Thích Hiển Khánh Hòa và Thích Hiển Không đến dặn dò: “Sau khi học xong ở Huế, Thiện Hòa nên ra Bắc học và nghiên cứu thêm Tạng Luật, vì ở Bắc còn nhiều bản Luật của thời xưa để lại. Tôi tin tưởng người của Thiện Hòa sẽ làm được việc nầy”. Vâng lời dạy của Tổ, Hòa Thượng và hai Thượng Tọa lên đường ra Huế.

Đến Huế, Hòa Thượng cùng hai vị được vào học trường Tây Thiên dưới sự giảng dạy của Hòa Thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp Bình Định. Năm sau 1937, trường dời về chùa Tường Vân. Cũng năm ấy Hòa Thượng Thiện Hoa, Thượng Tọa Bửu Ngọc, Thượng Tọa Chí Thiện… tiếp tục ra Huế học. Cuối năm 1938, vì kém sức khỏe, Tổ Phước Huệ trở về Bình Định dạy tại chùa Long Khánh, Hòa Thượng cũng theo vào Bình Định học và làm thị giả hầu Tổ một năm. Đến cuối năm 1939, Hội An Nam Phật Học Huế lập Phật Học Đường Báo Quốc, Hòa Thượng được mời làm Thủ chúng. Nơi đây Hòa Thượng vừa học vừa điều hòa chúng ngót năm năm. Bởi tánh ôn hòa thuần hậu, cần mẫn vị tha của Hòa Thượng khiến toàn chúng đều yêu mến. Chẳng những Ngài được cảm tình của chúng Tăng, cho đến Hội An Nam Phật Học cũng quý kính. Cuối năm 1944, Phật Học Đường Báo Quốc dời lên Tùng Lâm Kim Sơn xã Lưu Biểu. Ở đây học được một năm, gặp chánh biến, lúa gạo đắt đỏ nên lớp Trung lớp Sơ phải vào Nam, riêng Hòa Thượng quyết tâm ra Bắc học Luật.

Ngày hai mươi tháng ba năm 1945, Hòa Thượng lên đường ra Hà Nội. Tới nơi, Hòa Thượng tạm trú chùa Quán Sứ. Sau đó sang chùa Bút Tháp do Hòa Thượng Giải Ngạn trụ trì để thọ giới Cụ Túc vào Rằm tháng Tư năm Ất Dậu (1945) với Tổ Tuệ Tạng làm Hòa Thượng đàn đầu. Thọ Đại giới xong, Hòa Thượng đến Hà Nam học với Tổ Tuế Xuyên chùa Bảo Khám. Hai nơi nầy Hòa Thượng học ngót bốn năm. Trong lúc ở chùa Bút Tháp, Hòa Thượng có chủ trương Tuần báo hoa sen rất thích hợp với các giới Tín đồ xứ Bắc.

Đến năm 1949, Hòa Thượng hợp tác với Sư Cụ Tố Liên thành lập Giáo Hội Tăng Ni Chỉnh Lý (tiền thân Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc) và mở Phật Học Đường đào tạo Tăng Ni tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Nơi đây, ngoài chức Giám Trường, Hòa Thượng còn trợ bút cho Tạp Chí Phương Tiện và Bồ Đề Tân Văn.

Đến ngày mồng một tháng Ba năm Canh Dần (1-5-1950), Sư Cụ Tố Liên được mời đi dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần Thứ nhất họp tại Colombo Thủ đô nước Tích Lan. Trước đó một ngày, trong buổi tiệc tiến hành đồng thời với Sư Cụ Tố Liên, Hòa Thượng lãnh trách nhiệm trở về Nam.

Tóm lại, Hòa Thượng tham học ở Trung chín năm (1936-1945), ra Bắc năm năm (1945-1950) là 14 năm, mà chỉ một lần đi một lần về.

IV. THỜI HÓA ĐẠO:

Sau khi về Sài Gòn, Hòa Thượng dừng lại ở chùa Sùng Đức, nơi đây là chỗ hợp nhứt hai Phật Học Đường Liên Hải và Mai Sơn mà Hòa Thượng đã hợp tác với quý Thượng Tọa ở đây thành lập một Ban Giám Đốc của Phật Học Đường Nam Việt, Hòa Thượng được cử làm Giám Đốc. Sang năm 1951, Thượng Tọa Thích Trí Hữu cúng cho Hòa Thượng ngôi chùa lá nhỏ hiệu là Ứng Quang nằm bên đường Lorgeril (Sư Vạn Hạnh) gần ngã ba Vườn Lài. Hòa Thượng cho sửa chùa nầy thành trường học để hiệu là Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang và khóa đầu tiên được khai giảng vào mùa An Cư năm Tân Mão (1951), quy tụ được Tăng chúng cả ba trường trên và các nơi lần lượt đến tu học.

Phật Học Đường Nam Việt Chùa Ấn Quang ra đời từ một hình thức nhỏ bé lợp bằng lá tàu, với những chiếc giường tre xiêu vẹo, nằm trong khuôn đất chật hẹp từ từ lớn lên theo thời gian cho đến nay được khang trang mỹ lệ đều nhờ công đức của Hòa Thượng Giám Đốc. Chính nơi đây đã đào tạo thành những Tăng tài ra đảm đang Phật sự hiện nay. Lớp đầu tiên ra trường được sáu vị: Thầy Huệ Hưng, Bửu Huệ, Thiền Tâm, Tắc Phước, Tịnh Đức, Đạt Bửu. Lớp thứ hai ra trường được chín vị: Thầy Thiền Định, Huyền Vi, Thiện Giải (Thuyền Ấn), Thanh Từ, Hoàn Quan, Từ Thông, Quảng Long, Chánh Tiến, Thanh Phong. Lớp thứ ba ra trường khá nhiều như: Thầy Thắng Hoan Phước Hảo, Minh Thành, Trí Quảng, Thiện Nghi, Thiện Bình, Đức Niệm, Liễu Minh, Giải Kinh, Chơn Điền, Nguyên Ngôn, Huệ Thới (Minh Hạnh), Thiện Phát… đây là kết quả tốt đẹp do Ban Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt đào tạo, nhất là công lao của Hòa Thượng Giám Đốc.

Sau Phật Học Đường Nam Việt là Phật Học Viện Giác Sanh năm 1960, Phật Học Viện Huệ Nghiêm năm 1964 đều do Hòa Thượng sáng lập. Đặc biệt của Phật Học Viện Huệ Nghiêm là từ một bãi tha ma hoang vắng của An Dưỡng Địa biến thành trường Trung Học chuyên khoa rồi tiến lên Viện Cao Đẳng Phật Học. Mặc dù tuổi già sức yếu, Hòa Thượng vẫn giữ chức Giám Luật cho trường nầy đến ngày theo Phật.

Đi song song với trường Tăng, Hòa Thượng còn làm Giám Đốc Phật Học Ni Trường Từ Nghiêm, sau dời về chùa Dược Sư là Phật Học Ni Trường Dược Sư, do Hội Phụ Nữ Phật Tử hiến cúng. Ở đây cũng đào tạo thành đạt một số Ni tài đáng kể, hiện đảm đang Phật Sự ở nhiều nơi.

Ngoài các Phật Học Đường, Hòa Thượng còn mở các khóa huấn luyện Trụ Trì bên Tăng tại chùa Pháp Hội và bên Ni tại chùa Dược Sư và Trụ Sở Như Lai Sứ Giả đặt tại chùa Tuyền Lâm. Nhờ thế nên Nghi Thức truyền Tam Qui Ngũ Giới, Nghi Thức An Cư Kiết Hạ, Nghi Thức Kiết Giới Tràng, Nghi Thức Truyền Giới Sa Di, Tỳ Kheo và Bồ Tát… được các chùa miền Nam ứng dụng có lề lối như nhau do Ngài sưu tập ấn hành.

Hòa Thượng đã giảng dạy Giáo lý nhiều nơi cho các Hội Đoàn Phật Tử và các khóa huấn luyện ngay từ khi còn đi học, tất cả đều quý mến phát Đại Bồ Đề Tâm. Về già, Ngài ít giảng kinh thuyết pháp, nhưng nếu ai có phước duyên được gặp Ngài hoặc nghe danh hiệu Ngài đều ngưỡng mộ phát lòng Bồ Đề và cảm thấy bớt khổ. Do đó, nhiều Thượng Tọa ngoài nước cũng cho đệ tử hướng về Ngài mà cầu thọ giới. Phật Tử có pháp danh bên nam chữ Minh, bên nữ chữ Diệu đứng đầu đều chịu ảnh hưởng nơi Hòa Thượng.

Hàng năm tại Tổ Đình Ấn Quang đều thiết lễ truyền Qui Giới vào Rằm Tháng Tư. Rằm Tháng Bảy và mười bảy Tháng 11 Âm lịch (Vía Phật Di Đà) để tiếp độ các giới Phật Tử.

Về mặt tổ chức Giáo Hội:

Hòa Thượng nương theo quy chế Giáo Hội Tăng Ni chỉnh lý vận động thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Kết quả phiên họp ngày 5-6-1951 tại chùa Hưng Long Chợ Lớn, Đại Lão Hòa Thượng Đạt Thanh làm Pháp Chủ, Thượng Tọa Đạt Từ làm Tri Sự Trưởng, Thượng Tọa Nhật Liên làm Tổng Thư Ký của Ban Lãnh Đạo Lâm Thời. Năm 1952, Hòa Thượng hướng dẫn phái đoàn miền Nam tham dự Đại Hội Thống Nhứt tại chùa Quán Sứ Hà Nội và được Đại Biểu ba miền suy cử Ngài làm Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc.

Năm 1953, vì có sự thay đổi nội bộ của Giáo Hội miền Nam nên Hòa Thượng phải kiêm nhiệm chức Tri Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt thay cho Thượng Tọa Huyền Dung đi Anh Quốc du học.

Năm 1965, làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh Kiến Thiết GHPGVNTN. Năm 1969, được Giáo hội đặc phong Hòa Thượng. Năm 1973, được suy tôn Phó Tăng Thống GHPGVNTN cho đến ngày viên tịch.

Về phần truyền giới cho Tăng Ni:

Kể từ năm 1951, Hòa Thượng đã làm Giới Sư và dạy Luật cho nhiều Trường Hạ như ở chùa Giác Nguyên, chùa Pháp Hội… Đến năm 1957 và 1958 làm Yết Ma Đại Giới Đàn Tỳ Kheo tại Phật Học Đường Nam Việt. Năm 1962, làm Đàn đầu Hòa Thượng Đại Giới Đàn cũng tổ chức tại chùa Ấn Quang. Năm 1964, làm Yết Ma Đại Giới Đàn tại Việt Nam Quốc Tự. Năm 1966, làm Giáo Thọ Đại Giới Đàn tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Năm 1968, làm Giáo Thọ Đại Giới Đàn tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Năm 1969, làm Yết Ma Đại Giới Đàn tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Năm 1970, làm Giáo Thọ Đại Giới Đàn Vĩnh Gia Đà Nẵng. Năm 1972, làm Hòa Thượng Đàn Đầu Đại Giới Đàn tại chùa Phật Ân Mỹ Tho. Năm 1974, làm Hòa Thượng Đàn Đầu Đại Giới Đàn tại Long Xuyên. Đồng thời những giới đàn của Ni Bộ đều thỉnh Ngài làm Giới Sư. Vì thế, có thể nói hầu hết Tăng Ni miền Nam về Giới Thân Huệ Mạng đều từ nơi Hòa Thượng mà phát sanh. Ngài còn soạn cho Tăng Ni những tài liệu rất quý báu như Tài Liệu Trụ Trì, Giới Đàn Tăng, Tỳ Kheo Giới Kinh, Nghi Thức hằng thuận Quy Y, Ý nghĩa về nghi thức Tụng Niệm, Nhân duyên, Phật Kiết Giới…

Về phần Kiến Thiết:

Hòa Thượng sáng lập Phật Học Đường Nam Việt, Phật Học Viện Giác Sanh, Phật Học Ni Trường Dược Sư, Trường Bồ Đề Chùa Giác Ngộ, Trường Bồ Đề Huệ Đức (tại Giác Sanh và An Dưỡng Địa), Hãng Vi Trai Lá Bồ Đề Phú Thọ, Cô Nhi Viện Diệu Quang, Lò Thiêu An Dưỡng Địa, Tháp Phổ Đồng, Đại Tòng Lâm Phật Giáo…

Những công trình xây dựng trên chịu ảnh hưởng văn hóa Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản… là do sự phối hợp của Hòa Thượng sau những lần tham dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới và thăm viếng Thánh Tích như Ấn Độ, Hồi Quốc, Tích Lan, Thái Lan, Ai Lao, Campuchia, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông mà ra vậy.

V. THỜI NẰM BỆNH:

Giữa năm 1974, Hòa Thượng bệnh nặng phải vào Bệnh Viện Trung Chánh điều trị, sau dời qua Dưỡng Đường Hoàn Mỹ đường Trương Minh Giảng Sài Gòn, nhờ Bác Sĩ Trần Lữ Y săn sóc. Cơn bệnh nặng đã qua, Hòa Thượng biết sức khỏe của mình không thể bình phục như xưa được.

Mọi cơ sở đã xây dựng như ngôi già lam Ấn Quang e thiếu người bảo quản. Hòa Thượng ra lệnh cho thị giả đánh thơ mời các vị học trò của mình vào Dưỡng Đường và cho rước Thượng Tọa Trí Tịnh đến chứng minh để bàn lập Hội Đồng Quản Trị Tổ Đình Ấn Quang. Cả thảy mười hai vị có mặt đều đồng tình nhận lãnh trách nhiệm. Kết quả buổi họp ngày 20-11-1974 tại Dưỡng Đường Hoàn Mỹ: Thượng Tọa Thích Huệ Hưng lãnh chức Tổng Lý, Thượng Tọa Thích Bửu Huệ làm Phó Tổng Lý đặc trách nội vụ. Thượng Tọa Thích Thiền Tâm, Thượng Tọa Thích Thanh Từ làm Kiểm Sự, Đại Đức Thích Minh Thành làm Thư Ký, Đại Đức Thích Trí Quảng làm Thủ Bổn. Đại Đức Thích Minh Hạnh (Huệ Thới) làm Quản Sự… tất cả đồng cung thỉnh Hòa Thượng làm chứng minh, Thượng Tọa Thích Trí Tịnh làm Cố Vấn cho Ban.

Đến ngày 07-12-1974, cũng trong Dưỡng Đường Ho

1