Xem thêm

Phật giáo Thượng tọa bộ: Một Truyền thống Phật giáo Độc đáo

Phap Ngo Thich
Giới thiệu Phật giáo Thượng tọa bộ, hay Phật giáo Theravada, là một trong ba truyền thống chính của Phật giáo hiện đại. Xuất phát từ Ấn Độ, Phật giáo Thượng tọa bộ được thành...

Giới thiệu

Phật giáo Thượng tọa bộ, hay Phật giáo Theravada, là một trong ba truyền thống chính của Phật giáo hiện đại. Xuất phát từ Ấn Độ, Phật giáo Thượng tọa bộ được thành lập và phát triển đầu tiên tại Sri Lanka trước khi lan rộng tới các quốc gia Đông Nam Á. Với nhiều tư tưởng từ Phật giáo cổ, Phật giáo Thượng tọa bộ hiện có hơn 150 triệu tín đồ trên toàn thế giới. Nó không chỉ là quốc giáo ở một số quốc gia như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia mà còn có sự phục sinh tại Ấn Độ và đã bắt đầu gây ảnh hưởng ở phương Tây.

Từ nguyên

Thuật ngữ "Thượng tọa bộ" trong tiếng Việt là phiên âm Hán-Việt từ danh xưng "Shàngzuò Bù" (tiếng Trung: 上座部) trong tiếng Trung Quốc. Tên này bắt nguồn từ các tài liệu của các nhà sư Trung Quốc đi từ Trung Quốc đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ VII, khi nhắc đến các trường phái Phật giáo ở Sri Lanka. Nhiều tài liệu tiếng Việt còn sử dụng các danh xưng không hoàn toàn chính xác là "Phật giáo Nam truyền", "Phật giáo Nam tông" hay "Phật giáo Nguyên thủy" để chỉ Phật giáo Thượng tọa bộ. Trên thực tế, Phật giáo Thượng tọa bộ được xác định là một nhánh hậu thân của Phật giáo Nguyên thủy và là truyền thống lớn nhất của phật giáo nam truyền .

Lịch sử

Sự hình thành các cộng đồng Sthavira

Truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ liên kết mình với một nhóm các trưởng lão cấp cao trong cộng đồng Tăng già nguyên thủy, vốn có xu hướng bảo tồn nguyên vẹn các giới luật thời Đức Phật. Sau nhiều cố gắng không thành công để thay đổi các giới luật đã được sửa đổi nhiều trong tăng đoàn, tại Đại hội kết tập lần thứ hai, một nhóm nhỏ các trưởng lão đã ly khai khỏi cộng đồng đa số trong tăng đoàn để hình thành một cộng đồng thiểu số duy trì các giới luật nguyên thủy. Nhóm cộng đồng thiểu số này về sau được gọi là "Sthaviravada", hay Trưởng lão bộ. Nhóm đa số còn lại được gọi với danh xưng "Mahāsāṃghika", hay Đại chúng bộ.

Có sự khác biệt đáng kể giữa các tài liệu theo truyền thống Nam tông và Bắc tông về sự phân chia thành các bộ phái trong Thời kỳ Bộ phái, dẫn đến hình thành Phật giáo Thượng tọa bộ. Theo các nhà nghiên cứu hiện đại, sự hình thành Thượng tọa bộ trải qua một quá trình phân chia bộ phái lâu dài và phức tạp. Một trong những phân chia đầu tiên trong cộng đồng Sthaviravada là sự khác biệt cách thức giải thích về sự tồn tại của các pháp trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Một nhóm các tăng sĩ chủ trương phân biệt giữa các pháp "tồn tại" và các pháp không tồn tại, do đó được mệnh danh là "Vibhajyavādin" (Phân biệt thuyết giả), và cộng đồng này được gọi là "Vibhajyavāda" (Phân tích bộ hoặc Phân biệt thuyết bộ). Tại Đại hội kết tập lần thứ ba tại Pataliputra khoảng năm 250 TCN, các "Vibhajyavādin" đã giành được sự ủng hộ của hoàng đế Ashoka và trở thành nhánh Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất tại Ấn Độ.

Với sự hỗ trợ của hoàng đế Ashoka, các "Vibhajyavādin" có điều kiện thuận lợi để truyền bá học thuyết của mình ra khắp Ấn Độ, thậm chí mở đường truyền giáo ra ngoại quốc. Từ cộng đồng "Vibhajyavāda" đã hình thành 4 nhóm nhỏ hơn, về sau được gọi là "Mahīśāsaka" (Hóa Địa bộ), "Kāśyapīya" (Ẩm Quang bộ), "Dharmaguptaka" (Pháp Tạng bộ) và "Tāmraparṇīya" (Đồng Diệp bộ). Sự phân biệt này không phụ thuộc vào sự khác biệt về giáo lý hay giới luật, mà là do khoảng cách địa lý. Ba nhóm đầu có phạm vi ảnh hưởng trên tiểu lục địa Ấn Độ, thậm chí phát triển dọc theo các tuyến đường thương mại Trung Á, từng có ảnh hưởng đến sự phát triển Phật giáo ở Gandhara trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nhóm thứ tư lan rộng về phía nam từ Avanti vào Maharastra và Andhra xuống đến tiểu quốc Chola (Kanchi). Các "Vibhajyavādin" ở Nam Ấn thường sử dụng ngôn ngữ Pali, có sự khác biệt đáng kể so với 3 nhóm còn lại ở Bắc Ấn. Nhóm này thường tự gọi mình là "Theriya" hay "Thera", về sau hình thành nên cộng đồng "Theravadin" ở Sri Lanka.

Cắm rễ ở Sri Lanka và sự ra đời của những kinh điển trên lá bối

Theo tài liệu của Phật giáo Thượng tọa bộ, Phật giáo được truyền bá đến Sri Lanka vào thế kỷ thứ III TrCN, bởi Tuệ Hỗ (Mahinda), con trai vua Ashoka, trong khuôn khổ phong trào truyền giáo. Tại Sri Lanka, Tuệ Hỗ đã thuyết phục được vua Devanampiya-tissa theo đạo Phật. Nhà vua cho xây dựng chùa Mahavihara ở Anuradhapura, thủ đô Sri Lanka thời bấy giờ. Em gái Tuệ Hỗ là ni trưởng Sanghamittā (Tăng-già-mật-đa) đến mang xá lị Phật và chồi cây bồ-đề tới trồng ở chùa này, làm tăng uy tín của Phật giáo và của chùa Mahavihara. Bấy giờ, Sri Lanka còn được gọi là Tāmraparṇi theo tên vương quốc cổ đầu tiên ở đây. Vì vậy, cộng đồng Phật giáo tại đây được gọi chung là Tāmraparṇīya (Xích Đồng Diệp bộ). Trung tâm truyền giáo của các án sư Thượng tọa bộ dịch chuyển từ Chola (Kanchi, Ấn Độ) về Mahāvihāra (Anuradhapura, Sri Lanka).

Từ đấu thế kỷ thứ II TrCN đến giữa thế kỷ thứ I TrCN, người Tamil từ Nam Ấn nhiều lần xâm lược Sri Lanka. Với tình hình chiến tranh liên miên, các sư Tāmraparṇīya bắt đầu việc biên chép Tam tạng để bảo tồn kinh điển. Việc biên chép kinh điển bằng lá bằng tiếng Pali kéo dài trong nhiều thế kỷ.

1