Ẩm thực chay

Mở nhà hàng chay: Những khó khăn và thành công

Phap Ngo Thich

Xu hướng ăn chay đang ngày càng được quan tâm hiện nay. Nhiều người cho rằng đây là mô hình chi phí đầu tư ít, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, không phải ai có vốn...

Xu hướng ăn chay đang ngày càng được quan tâm hiện nay. Nhiều người cho rằng đây là mô hình chi phí đầu tư ít, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, không phải ai có vốn lao vào mở nhà hàng chay cũng có thể “trụ vững” được nếu không xuất phát từ “tâm”. Bài viết dưới đây là một vài chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình mở nhà hàng chay của một số chủ kinh doanh trong ngành, hy vọng các chủ quán đang có ý định kinh doanh mô hình này có thể đúc rút ra những bài học, kinh nghiệm. Cùng tìm hiểu chi tiết nhé!

Không phải theo đạo mới ăn chay

Gắn bó với bữa ăn không thịt đã hơn 23 năm, không biết từ khi nào, ăn chay đã trở thành điều không thể thiếu đối với chị Nguyễn Thị Quyên, chủ nhà hàng chay Minh Quyên (Gia Lâm, Hà Nội). Theo chị, từ trước đến nay, nhiều người vẫn thường quan niệm có theo đạo mới ăn chay, ăn chay sẽ thiếu chất, không đảm bảo dinh dưỡng… Vì vậy, chị Quyên vẫn luôn mong muốn có một nơi để giới thiệu về cách ăn uống thuần tự nhiên, mang lại sức khỏe tốt hơn và phù hợp cho tất cả mọi người. Từ những ý tưởng ban đầu đó, năm 2006, chị quyết định mở nhà hàng chay lấy tên “Lối sống mới” tại số 485 phố Trần Khát Chân. Lúc bấy giờ, đây được coi là một trong những cửa hàng chay ở Hà Nội.

“Ban đầu, mở nhà hàng chay là mục đích chung của mọi người trong nhóm cộng đồng ăn chay để lan tỏa lợi ích của điều này và không phải kinh doanh cá nhân. Tất cả chỉ vì đam mê và tôi sẵn sàng làm như một con thiêu thân”, chị Quyên nhớ lại. Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, chị Quyên mới thực sự cảm nhận được muôn vàn khó khăn trong lĩnh vực rất mới này. Mất 8 tháng đầu, chị phải nhờ đến mọi người trong nhóm ăn chay tài trợ để hàng ngày làm 150 suất cơm hộp đưa vào chợ Đồng Xuân bán với giá 10 nghìn đồng/suất. Giá thuê mặt bằng mỗi tháng đã 12 triệu đồng nhưng khách hàng chưa có nhiều, doanh thu trung bình chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ngày, vì vậy mà nhà hàng cứ “lỗ lên lỗ xuống”. Thậm chí, chồng chị khi đó đang lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc cũng thường xuyên gửi tiền về để trang trải. Hai năm sau, khách hàng đã dần quen, nhận thức của mọi người về ăn chay đã thay đổi, đã nghĩ ăn chay rất tốt cho sức khỏe nên đối tượng khách hàng của nhà hàng ngày càng mở rộng, nhà hàng được chuyển về số 192 phố Quán Thánh. Tại đây, việc kinh doanh thuận lợi hơn.

Quyết tâm từ bỏ “vinh quang” để chuyển sang cái khó

Khởi nghiệp bằng nghề thiết kế thời trang, chị Vũ Thị Xuân Quý đã gặt hái được những thành công đáng kể gắn với thương hiệu mang chính tên của mình. Chưa dừng lại ở đó, chị Quý còn có một loạt “nghề tay trái” hoạt động rất ổn định và thuận lợi, mang tới nguồn thu đáng kể, từ việc kinh doanh sản phẩm hữu cơ, cho tới spa, bất động sản…

“Khi đó, tôi làm nhiều việc, và cảm thấy mọi thứ đều rất dễ dàng. Nhưng dù kiếm ra tiền và tạo cơ hội kinh doanh cho người khác, tôi vẫn chưa thấy hài lòng, vì chứng kiến mọi người còn gặp rất nhiều khó khăn. Và tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng thay đổi…”, chị Xuân Quý chia sẻ về bước ngoặt trong sự nghiệp của mình.

Trăn trở từ cuối năm 2012, tới tháng 5-2013, người phụ nữ có vóc dáng thanh mảnh, cùng phong cách từ tốn, nhẹ nhàng ấy đã quyết định mở nhà hàng chay mang thương hiệu Tâm An Lạc. Chị nói rằng, vốn là một Phật tử và biết về đạo Phật từ khi học phổ thông cơ sở, sau 26 năm lễ Phật, chị muốn làm điều gì đó ý nghĩa và mang tới nhiều cơ hội sống khỏe, sống có ích hơn cho mọi người. Tâm An Lạc được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa ý tưởng đó, bởi thời trang, spa hay bất động sản không thể trở thành “phương tiện gieo duyên” thích hợp.

Thông qua nhà hàng chay của mình, chị Xuân Quý mong muốn chia sẻ những kiến thức, những lời khuyên về lẽ sống của Phật giáo, cùng quan điểm ăn uống thuần tự nhiên, đủ dinh dưỡng, bảo vệ môi trường…

Vậy nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, chị Xuân Quý mới thực sự cảm nhận được muôn vàn khó khăn trong lĩnh vực rất mới này.

“Nhà hàng chay của mình khi đó là một trong những hàng chay hiếm hoi ở Hà Nội. Lúc ấy, mình thuê mặt bằng giá 25 triệu đồng/tháng, nhưng bán rất kém, ngày nào bán được 10-15 suất là mừng húm rồi. Giai đoạn đầu là lúc lỗ rất nhiều, nhưng mình cũng đã xác định trước. Nhiều người khi ấy chưa hiểu rõ về chay, có người nghĩ không ăn thịt tức là ăn chay, nên vào gọi cơm tôm, cá, hoặc là có bạn lại hỏi sao vừa mở hàng đã hết đồ ăn, vì chẳng nhìn thấy… thịt đâu”, chị Xuân Quý nhớ lại giai đoạn chật vật ban đầu.

Không có tâm làm đồ chay sẽ không thành công

Cũng xuất phát từ mục đích ăn chay để tốt cho sức khỏe, tháng 10/2018, chị Phạm Ánh Tuyết (Long Biên, Hà Nội) đã cho ra đời cửa hàng Thực Dưỡng Bồ Đề Nguyện tại số 92 ngõ 158, đường Nguyễn Văn Cừ. Theo lời chủ cơ sở này, mất một thời gian đầu chị không nhận được sự đồng cảm. Ngay từ trong gia đình đã có sự cản trở, không ủng hộ về việc ăn chay vì cho rằng sẽ thiếu chất.

“Có những người nhìn tôi bằng con mắt không mấy thiện cảm rồi buông lời mỉa mai: Ăn chay để làm gì?, Ăn chay có đủ hay không?… Nhưng tôi phải vượt qua những trở ngại đó vì mục tiêu lớn hơn giúp mọi người thay đổi nhận thức bằng một minh chứng cụ thể là chính bản thân mình, một người ăn chay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh”, chị Tuyết bày tỏ.

Ngoài ra, theo chị Tuyết thực phẩm chay không phải dành cho nhiều đối tượng nên khi mở cửa hàng cũng có giới hạn nhất định. Bởi không phải cứ mở ra là có khách ngay mà cần phải có thời gian để duy trì. Đó còn chưa kể cần tận dụng tối đa nguồn nhân lực tự có vì nếu thuê thêm người sẽ không đủ để chi trả trong những giai đoạn đầu.

Chị tâm sự, làm kinh doanh mặt hàng này đầu tiên phải biết cho đi, mang lợi ích đến cộng đồng như thường xuyên dạy nấu ăn miễn phí, tổ chức các buổi từ thiện phát đồ chay cho người nhà và bệnh nhân tại các bệnh viện…

Sau khi thưởng thức xong, họ đều cảm thấy ăn chay không chỉ ngon mà còn dễ chịu, không bị đói, không thiếu chất như thường ngày vẫn nghĩ. Đây cũng là cách để trực tiếp trải nghiệm trên bản thân. Rồi người này mách người kia, dần dần khách hàng sẽ tự đến với mình và việc truyền miệng này sẽ hiệu quả hơn so với quảng cáo trên các phương tiện thông tin khác.

Về nguyên tắc lựa chọn thực phẩm và gia vị của Thực Dưỡng Bồ Đề Nguyện cũng rất khắt khe, tất cả đều phải nằm trong nhóm thuần tự nhiên, không dùng hoá chất. Ví dụ như để tạo vị chua sẽ dùng quả mơ muối lâu năm, vị ngọt sẽ dùng mật mía hoặc đường phèn và không dùng mì chính, hạt nêm có chất điều vị…

“Các cụ ngày xưa đã có câu “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra” vì vậy cần phải biết lựa chọn các thực phẩm lành, sạch. Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam mà cả ở trên thế giới, nhiều người đang có xu hướng chuyển sang ăn chay rất nhiều. Theo tôi, thị trường trong lĩnh vực này đang rất có tiềm năng để phát triển”, chị Tuyết bày tỏ.

Tuy nhiên, theo bà chủ của Thực Dưỡng Bồ Đề Nguyện, đối với những người không ăn chay trường , rất khó trụ được trong lĩnh vực này và hầu hết đều thất bại.

“Những người kinh doanh đồ chay nếu đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên sẽ không thể thành công. Và thực tế, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp nhanh chóng đóng cửa. Nó giống như người thầy thuốc phải có tâm mới chữa được cho bệnh nhân. Ăn chay cũng vậy, nếu muốn khẳng định là đầy đủ chất, trước tiên phải có sản phẩm tốt, nếu không làm được điều đó khách hàng sẽ tự động bỏ đi”, chị Tuyết bộc bạch.

Vậy thuận lợi và khó khăn của việc mở nhà hàng chay là gì?

Thuận lợi

Mở nhà hàng chay thường có lãi nhanh hơn nhà hàng mặn vì giá nguyên liệu chế biến món chay rẻ hơn nhiều so với các món mặn. Rau củ rẻ gấp bao nhiêu lần thịt cá trong khi món chay bán đắt ngang tầm món mặn. Do đó, lợi nhuận từ kinh doanh nhà hàng ăn chay khá lớn, được cho là “một vốn bốn lời”.

Nếu mức chi phí để đảm bảo có lời cho một nhà hàng đồ ăn mặn chiếm tối đa 37% tổng chi phí, đồ uống chiếm 22% thì mức chi cho nhà hàng ăn chay chỉ bằng khoảng 1/3 các con số này. Nếu giá các món chay được bán ngang với giá món mặn thì rõ ràng kinh doanh nhà hàng chay không phải là một vốn bốn lời mà có thể đạt năm bảy lần lời.

Kinh doanh cơm chay bán rất chạy vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch, đặc biệt là vào tháng 7 âm lịch, mùa Vu Lan báo hiếu. Nhiều thực khách muốn đến nhà hàng phải đặt chỗ và gọi món trước, nếu không dễ rơi vào tình trạng không có chỗ ngồi, “cháy bàn”.

Kinh doanh nhà hàng chay hiện nay còn thuận lợi ở chỗ số lượng người ăn chay ngày càng nhiều. Đồ chay ngày càng được chế biến cầu kỳ, ngon miệng hơn nên thu hút khá đông thực khách đến thưởng thức.

Ăn chay có lợi cho sức khỏe nên đang trở thành “mốt” của nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ và các bạn trẻ. Ăn chay giúp giảm cân, giảm huyết áp, giảm bệnh động mạch vành tim, giảm nguy cơ bị sỏi thận, giảm nguy cơ bị ung thư, giảm triệu chứng bệnh về xương và khớp; giảm nguy cơ bị sỏi mật…

Khó khăn

Mở nhà hàng chay đang trở thành xu hướng, không ít nhà hàng được mở ra và phải đóng cửa ngay sau đó ít lâu vì không cạnh tranh được. Kinh doanh món chay chỉ thành công và có lời với những nhà hàng lớn, chịu khó đầu tư, còn mở quán chay bình dân thì lời không đáng là bao, thậm chí rất dễ thua lỗ.

Do số lượng nhà hàng chay đã phát triển nhiều nên trong thời gian sắp tới cũng sẽ bão hòa. Nếu không tính toán kỹ thì rất có thể những người mới sẽ không kịp thu hồi vốn. Mặc dù có nhiều nhà hàng chay, nhưng mỗi nhà hàng đi theo một hướng riêng. Bạn phải có sự khác biệt độc đáo mới thu hút được khách.

Kinh doanh cơm chay phải có sự đầu tư, sáng tạo và đặc biệt có cả cái tâm, cái duyên với nghề bởi vậy không phải ai cũng có thể kinh doanh quán ăn chay thành công. Mặt bằng là yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh nhà hàng chay. Bạn nên tìm những khu vực thanh tịnh, yên tĩnh, gần các chùa, có thể trong ngõ để đảm bảo sự không gian yên tĩnh, thoải mái cho thực khách.

Kinh doanh nhà hàng chay dù chỉ là thị trường ngách nhưng muốn làm thành công, ngoài các kinh nghiệm chung về quản lý nhà hàng, người chủ cũng phải am hiểu về cách thức chế biến các món chay. Mở nhà hàng chay còn phải “tùy duyên”, bản thân người chủ cũng phải là người tu tập hay có sự chuyển hóa về tâm, thân thì mới thổi được cái hồn thiền tịnh, an lạc vào không gian quán hay mỗi món ăn chay.

Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để vận hành nhà hàng trơn tru nhé!

  • Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay
  • Tại sao nên sử dụng menu điện tử trong nhà hàng, quán cafe?
1