Hoà thượng Tuyên Hóa (tiếng Hán: 宣化上人), pháp danh là An Từ, tự Độ Luân; sinh ngày 26 tháng 4 năm 1918 - mất ngày 7 tháng 6 năm 1995) là một tu sĩ Phật giáo gốc Trung Quốc, người kế thừa đời thứ 9 của Quy Ngưỡng tông.
Thân thế
Sư tên tục là Bạch Ngọc Thư, sinh ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ (tức 26 tháng 4 năm 1918), tại tỉnh Kiết Lâm, huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang, vùng Đông Bắc Trung Hoa (tức Mãn Châu). Cha tên Phú Hải, chuyên nghề nông; mẹ thuộc dòng dõi họ Hồ, sinh được tám người con, năm trai ba gái, và Ngọc Thư là út.
Mẹ sư vốn là một tín đồ Phật giáo sùng đạo. Chịu ảnh hưởng từ mẹ, từ nhỏ sư đã có ý xuất gia. Tuy nhiên, mãi sau khi mẹ qua đời, sư mới đến chùa Tam Duyên lạy Lão Hòa thượng Thường Trí làm thầy, và xuống tóc xuất gia. Khi đó sư mới 19 tuổi.
Sau khi xuất gia, sư trở về mộ phần mẹ thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, sư sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, tu tập.
Gặp Thiện Tri Thức
Năm 1946, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, tình trạng giao thông đã bắt đầu dễ dàng trở lại. Sư bèn tìm xuống phía Nam để đến chùa Nam Hoa ở Tào Khê, tỉnh Quảng Đông, đảnh lễ Lão Hòa thượng Hòa thượng Hư Vân, và đến núi Phổ Đà để thọ Cụ Túc Giới. Cuối cùng, trải hơn 3.000 dặm, sư đã được bái kiến lão Hòa thượng Hư Vân, bậc Đại thiện tri thức mà sư bấy lâu ngưỡng mộ.
Vừa nhìn thấy sư, lão Hòa thượng, lúc ấy đã 109 tuổi, liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của sư. Lão Hòa thượng nói: "Như thị, như thị!" và sư cũng đáp lại "Như thị, như thị!" Biết sư là bậc "pháp khí", lão Hòa thượng ấn chứng sở đắc của sư, tặng cho pháp hiệu Tuyên Hóa và sư chính thức trở thành vị tổ thứ chín của Quy Ngưỡng tông. Sau đó, Lão Hòa thượng dạy sư ở lại đảm nhận chức Viện trưởng Viện Giới luật của chùa Nam Hoa.
Sang Hương Cảng
Năm 1949, sư từ giã chùa Nam Hoa, lên đường sang Hương Cảng, và sống trong một sơn động biệt lập. Chẳng bao lâu, có vô số tăng lữ từ Trung Hoa Đại Lục qua Hương Cảng tị nạn và cần sự giúp đỡ của Sư. sư rời sơn động, sáng lập Phật giáo Giảng Đường, chùa Tây Lạc Viên và Từ Hưng Thiền Tự, cùng trợ giúp xây dựng và trùng tu nhiều đạo tràng khác.
Sang Hoa Kỳ
Năm 1961, sư sang Úc Châu hoằng Pháp; và năm sau, 1962, sư đến San Francisco, Hoa Kỳ. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, sư kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cơ duyên hoằng dương Đạo pháp chín muồi. Lúc ấy, sư tự gọi mình là "Mộ Trung Tăng" (nhà sư trong phần mộ) và "Hoạt Tử Nhân" (người đã chết nhưng còn sống).
Hoằng Pháp tại Tây phương
Năm 1968, biết cơ duyên đã đến, sư nói: "Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh." Mùa hè năm ấy, sư chủ trì Pháp hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ xin xuất gia với Sư. Từ đó, sư chủ trì nhiều Pháp hội khác giảng giải Tâm Kinh, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Đàn, v.v. Năm 1971, sư giảng bộ kinh tối cao của Đại Thừa, Kinh Hoa Nghiêm.
Thành lập tăng đoàn tại Tây phương
Vì số người phát tâm cầu xin xuất gia làm tăng ni ngày một tăng, trong năm 1972, sư quyết định chính thức truyền tam đàn đại giới lần đầu tiên ở Mỹ, tại Kim Sơn Thiền Tự. Sư cung thỉnh chư cao tăng đại đức đăng đàn truyền giới. Năm nam và một nữ thọ giới tỳ kheo và tỳ kheo ny. Tiếp đến, tại Vạn Phật Thánh Thành, tổ chức Tam Đàn Đại Giới vào những năm 1976, 1982, 1989, 1991, 1992 và 1995. Hơn hai trăm giới tử với nhiều quốc tịch đã xuất gia, thọ giới dưới sự chỉ dạy của sư.
Sư quyết tâm đem chính pháp Phật giáo truyền bá sang Tây phương. Đồng thời, tuy khuyến khích các đệ tử tu học Phật pháp theo truyền thống của chư tổ sư, nhưng sư cũng thường nhắc nhở họ nên chú ý dẹp bỏ tập tục mê tín dị đoan đang che lấp Phật Pháp chân chính, để tránh cho Phật giáo Tây phương khỏi bị ô nhiễm bởi những lề lối tu hành băng hoại hiện đang lan truyền trong Phật giáo của người Trung Hoa. sư cũng khuyến khích họ nên hiểu những lý lẽ chính đáng trong sự tu hành của người xưa.
Những cải cách của sư gồm có: Phục hồi giới luật do đức Phật chế ra như tăng sĩ phải đắp y ca sa để biểu thị giới tướng; nhấn mạnh việc đức Phật dạy chư tăng ni thọ trai mỗi ngày một lần, không nên ăn sau giờ ngọ. Tự thân sư thực hành và khuyến khích đệ tử tuân thủ các hạnh này.
Vạn Phật Thánh Thành
Song song với việc giảng Kinh thuyết Pháp, sư còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, sư thành lập Vạn Phật Thánh Thành, nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp tại Hoa Kỳ. Tại Thánh Thành, sư xây dựng chế độ tùng lâm, đào tạo tăng ni học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.
Học viện Phiên dịch Kinh điển Quốc tế
Vào năm 1973, sư chính thức thành lập Hội Phiên dịch Kinh điển (Buddhist Text Translation Society) tại đường Washington ở Cựu Kim Sơn. Đến năm 1977, viện lại được sáp nhập vào trường Đại học Phật giáo Pháp giới, với danh xưng Học viện Phiên dịch Kinh điển Quốc tế. Vào năm 1990, sư lại nới rộng và dời Viện về thành phố Burlingame ở phía nam của Cựu Kim Sơn.
Đề xướng giáo dục
Để bổ khuyết vào nền giáo dục đang băng hoại tại Tây phương, sư sáng lập trường Đại học Pháp giới, trường trung học Bồi Đức, tiểu học Dục Lương, và phát triển chương trình trợ cấp sinh viên học sinh nghèo khó.
Đối với Sư, giáo dục thanh thiếu niên là nền tảng vững chắc, hay nhất của quốc phòng. Tại bậc tiểu học, sư đề xướng đạo hiếu thuận. Bậc trung học, đề xướng trung thành ái quốc. Bậc đại học, sinh viên không những học các ngành chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chuyển hóa, phát triển, làm lợi ích cho thế nhân.
Sư quân bình nền giáo dục truyền thống và nền giáo dục hiện đại. sư luôn đề xướng phương thức phát triển trí huệ sẵn có của mọi người, tức là dùng cách thức mới mẻ trong việc giáo dục. Cụ thể, sư tự viết vài bài ca bằng tiếng Anh, rồi khuyến khích các đệ tủ dùng những phương pháp đó để giảng dạy Phật pháp.
Sư cũng đề xướng việc không phân biệt tôn giáo, và hướng dẫn các đệ tử của mình học hỏi những điều hay lẽ phải và bổ khuyết lẫn nhau. Sư cũng thường xuyên tham gia các hội thảo tôn giáo quốc tế để trao đổi kiến thức và tạo cơ hội gặp gỡ với các tôn giáo khác nhau.
Tận hưởng cảm giác thoải mái khi đọc về một Thiền Sư vĩ đại như Tuyên Hóa (hòa thượng)
Một cuộc hành trình từ Trung Quốc sang Mỹ, một sự khám phá về Phật giáo và việc giáo dục, và một tình yêu chân thành dành cho con người và hòa bình thế giới, hòa thượng Tuyên Hóa đã để lại một di sản vô giá cho cả Tây phương và Đông phương. Hãy thư giãn và tận hưởng cảm giác thoải mái khi đọc về hành trình và công đức của một Thiền Sư vĩ đại.