Ẩm thực chay

Gợi ý mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng: Ngon lại đẹp mỹ mãn

Phap Ngo Thich

Rằm tháng Giêng được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm. Trong dịp này, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng để dâng lên tổ tiên là một truyền thống không thể...

Rằm tháng Giêng được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm. Trong dịp này, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng để dâng lên tổ tiên là một truyền thống không thể thiếu. Mâm cỗ có thể là chay hoặc mặn tùy theo ý nguyện của gia chủ. Nếu bạn không biết nên chuẩn bị những món gì cho mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng, hãy tham khảo gợi ý dưới đây từ gia đình chị Vũ Thu Hương.

Màu sắc tượng trưng cho ngũ hành

Theo chị Thu Hương, mâm cỗ chay cúng Phật phải có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: Đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trắng (thủy) và vàng (kim). Mâm cỗ này gồm đủ 10 món, đại diện cho các món ăn từ tứ phương - sông, núi, biển, đồng bằng. Tất cả cùng mang ý nghĩa tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi và mang lại một năm con Rồng dễ gặp hung hóa cát, tai qua nạn khỏi, mọi bề thông thuận.

Những món ăn trong mâm cỗ chay

Theo chị Thu Hương, mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng của gia đình bà gồm các món ăn từ tứ phương - sông, núi, biển, đồng bằng theo biểu trưng hình tượng của món ăn. Dưới đây là những món mà chị Hương đã chuẩn bị:

- Sông, hồ: Dòng sông xanh cuộn chảy - Rau cải chíp sốt dầu hào.

- Núi: Cây tùng bách mộc trên núi - nấm kim châm chiên giòn.

- Biển: Canh rau củ hạt sen.

- Đồng bằng: Hầu bao kim tiền là những túi hầu bao từ sức lao động của con người tạo ra - Bánh tráng bọc rau củ.

- Các món ngũ sắc gồm:

  • Xôi ngũ sắc.
  • Bánh xu xê ngũ sắc.
  • Chè đậu xanh sương sa.

Ngoài ra, còn có các món chay ý nghĩa như:

  • Nem (cốm chay): món ăn biểu trưng văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.
  • Bánh bao đào sen đại tiên.
  • Flan sen quan âm trắng.
  • Gạo lứt đen Phúc Thọ.

Tham khảo cách làm một số món ăn trong mâm cỗ chay của chị Hương:

1. Nấm kim châm chiên giòn

Chuẩn bị:

  • 2 bó nấm kim châm, 2 quả trứng, lượng tinh bột thích hợp, 1 thìa cà phê muối (Lưu ý: Bạn có thể thay thế nấm kim châm bằng nấm hải sản, nấm đùi gà chẻ nhỏ đều ngon)

Cách làm:

  • Nấm kim châm đem rửa sạch, để ráo. Cắt bỏ phần rễ nhỏ, lưu ý không cắt quá nhiều để chúng không bị rời nhau rau, cũng không dễ bị nhũn khi chiên.
  • Đánh trứng tan trong bát, thêm 1 thìa cà phê muối vào, khuấy đều. Nhúng chìm một nhánh nấm kim châm vào trong bát trứng để trứng phủ đều các cây nấm. Sau đó lăn nhánh nấm qua đĩa tinh bột để tinh bột bám đều vào nấm rồi để sang một bên.
  • Đổ nhiều dầu vào chảo, đun nóng sau đó cho các nhánh nấm đã lăn bột vào, chiên từ từ cho đến khi nấm chín vàng. Lúc này vớt nấm ra để lên đĩa có lót giấy thấm dầu.
  • Sau đó xếp nấm kim châm chiên giòn lên đĩa, trang trí một chút cho tạo hình giống cây tùng.

2. Cải chíp sốt dầu hào

Nguyên liệu:

  • 1 bó cải chíp, 5-6 cái nấm hương tươi, một ít dầu ăn, muối vừa ăn, 2 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh dầu hào, 1 bát nước sạch, 2 thìa canh tinh bột nước (hòa 1 muỗng canh tinh bột ngô với 2 muống canh nước).

Cách làm:

  • Cải chíp cắt bỏ gốc già, rửa sạch, để ráo. Nấm hương tươi rửa sạch, bỏ chân. Dùng dao rạch mấy đường trên mũ nấm để tạo thành hoa.
  • Đổ nước vào nồi đun sôi, cho một ít dầu ăn và muối vào, sau đó cho cải chíp vào luộc chín. Việc thêm muối và dầu có thể giúp hạt cải không bị đổi màu và giữ được màu xanh. Rau chín vớt ra. Xếp rau cải chíp vào một đĩa sâu lòng hoặc thố sao cho đẹp mắt.
  • Cho 1 bát nước vào chảo, dầu hào, nước tương vào nồi. Đun sôi, khuấy đều. Sau đó thả nấm vào, đảo đều để nấm chín và ngấm đều gia vị. Thêm nước tinh bột vào. Nấu cho đến khi nước sốt sệt lại, tắt bếp.
  • Xếp nấm vào giữa đĩa rau cải chíp, sau đó rưới nước sốt đều lên trên là xong. Bạn có thể tỉa thêm hoa từ củ cải xếp lên cho đẹp.

3. Xôi ngũ sắc

Nguyên liệu:

  • Gạo nếp ngon.
  • Nguyên liệu tạo màu: bột nghệ làm màu vàng, thanh long đỏ để làm mà đỏ tím (hoặc dùng lá cẩm tím), lá dứa để làm mà xanh lá, hoa đậu biếc để làm màu xanh dương, màu cam dùng gấc.
  • Nước cốt dừa.

Cách làm: Bước 1: Ngâm gạo

  • Gạo nếp đem vo sạch, để ráo, rồi chia làm 5 phần để lúc sau ngâm với 5 màu.

Bước 2: Tạo màu

  • Màu vàng: Pha bột nghệ với nước, rồi đổ một phần gạo nếp vào để ngâm.
  • Màu tím: Xay lá cẩm tím rồi lọc lấy nước cốt, sau đó đổ gạo nếp vào ngâm với nước cốt lá cẩm tím.
  • Màu xanh lá: Xay lá dứa (chọn lá dứa già màu đậm) với nước, lọc lấy nước, để nước lắng xuống, đổ phần nước trong đi, lấy phần nước xanh đậm. Phần nước này đem ngâm với gạo nếp.
  • Màu xanh dương: Ngâm hoa đậu biếc với nước nóng là ra màu xanh, sau đó đem ngâm nước này với phần gạo nếp đã chia.
  • Màu cam: Bóp thịt gấc với gạo nếp. Lưu ý, trước khi hấp mới làm điều này.
  • Nước cốt dừa: Cho thêm đường, muối, dầu ăn vào nước cốt dừa, khuấy đều.

Sau khi ngâm các màu gạo nếp qua đêm để gạo nếp thấm màu. Sau đó rửa lại gạo nếp sơ qua với nước, để ráo.

Bước 3: Hấp xôi bằng nồi chiên không dầu

  • Lót giấy nến dưới khay, sau đó đổ từng loại gạo nếp lên khay, ngăn lá chuối/hoặc giấy nến giữa các màu.
  • Bỏ vào nồi chiên không dầu, hấp 100 độ C trong 20 phút, sau đó đổ thêm hỗn hợp nước cốt dừa vào từng loại xôi, xới đảo lên cho xôi nở đều, để thêm 1 lúc là được.
  • Nếu không có nồi chiên không dầu bạn có thể sử dụng chõ đồ xôi hoặc nồi hấp bình thường để hấp xôi nhé! Hấp xong đóng từng loại xôi vào khuôn mà mình thích rồi cho ra đĩa.

4. Bánh tráng bọc rau củ

Chuẩn bị: Bánh tráng, hạt ngô ngọt, hạt đậu Hà Lan, cà rốt cắt hạt lựu..., hành lá.

Cách làm:

  • Đem chần qua hạt ngô ngọt, hạt đậu Hà Lan, cà rốt cắt hạt lựu... sau đó đem xào chín. Múc các rau củ xào này vào miếng bánh tráng đã được thấm nước rồi túm mép bánh tráng lại. Dùng hành lá chần qua buộc lại là xong.

Những món ăn này đã tạo nên một mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng đẹp mắt, màu sắc rực rỡ của chị Thu Hương. Hy vọng gợi ý này sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng trong việc chuẩn bị mâm cỗ chay cúng vào dịp đặc biệt này. Chúc bạn có một lễ cúng trọn vẹn và ý nghĩa!

1