Ẩm thực chay

Bánh Trôi – Bánh Chay & Tết Hàn Thực Xa Nhà

Phap Ngo Thich

Sáng sớm vào Facebook, thấy có tin nhắn của chị, hỏi em làm bánh trôi chay chưa, mai là Tết Hàn thực đấy. Thấy sao mà thời gian trôi nhanh thế, vừa mới hôm qua...

Sáng sớm vào Facebook, thấy có tin nhắn của chị, hỏi em làm bánh trôi chay chưa, mai là Tết Hàn thực đấy. Thấy sao mà thời gian trôi nhanh thế, vừa mới hôm qua còn về nhà, chuẩn bị măng, cuốn nem, xào bóng với mẹ, thấm thoắt đã tháng 3 rồi. Rồi thì chớp mắt cái nữa là tháng 5 với rượu nếp và hoa quả, tháng 8 với bánh dẻo bánh nướng…. Năm nay bận quá, quên cả ngày tháng, nhưng may mà vẫn còn kịp, chiều đi làm về chắc chạy ra chợ mua ít bột, mai sẽ vẫn là Tết ;)

Bánh Trôi và Bánh Chay

Bánh trong ảnh là bánh làm từ năm ngoái, hoặc năm trước nữa, không nhớ chính xác nhưng mà lâu lắm rồi, từ cái hồi còn dùng máy PnS, cho nên ảnh rất là “khác lạ”. Bánh trôi bánh chay làm không khó, công thức nếu các bạn Google sẽ thấy rất nhiều. Công thức trong bài này của mình là dành cho các bạn du học sinh, và những bạn nào cũng không có đầy đủ “cơ sở vật chất”, không có bột nếp xay từ gạo mới, không có cối giã đậu xanh,… chỉ có tấm lòng hướng về quê nhà trong một ngày Tết đặc biệt :)

Nguyên liệu

  • 200 gram Bột nếp (glutinous rice flour/ sticky rice flour)
  • Đường làm bánh trôi (khoảng 12-14 viên nhỏ) hoặc thay bằng palm sugar (miếng to về cắt nhỏ làm nhân bánh trôi)
  • 30 gram đậu xanh đã cà vỏ (mung bean, yellow bean)
  • Vừng trắng (white sesame)
  • Nước cốt dừa, dừa nạo sợi nhỏ (không bắt buộc)
  • Bột năng/ bột đao (tapioca starch) hoặc bột sắn

Ghi chú:

  • Bột nếp ở nhà thì thường là chọn nếp ngon, ngâm nước qua đêm rồi xóc với tí muối, mang đi xay. Bên này chắc là rất rất khó để có loại bột tươi ngon như vậy nên mình dùng bột khô thôi. Bột này mình thấy chợ châu Á thường là có nhiều, và theo kinh nghiệm của mình thì bột nếp Vĩnh Thuận làm ngon nhất, highly recommend cả nhà nhé. Nếu dùng bột nếp loại khác thì có thể pha thêm chút bột tẻ (rice flour) theo tỉ lệ 9 bột nếp: 1 bột gạo tẻ, bánh sẽ bớt dính và cứng cáp, đứng bánh hơn.
  • Đường nếu tìm được loại đường làm bánh trôi, đã cắt viên là tốt nhất. Nếu không thì thay bằng đường thốt nốt (palm sugar), hoặc dùng đường mía (brown sugar). Nếu không có dạng viên thì có thể dùng đường xay dạng hạt, nhưng có dạng viên thì sẽ giống bánh trôi hơn.
  • Định lượng ở trên làm được 1 bát bánh chay và 1 đĩa bánh trôi nhỏ, nhiều hơn thì cả nhà nhân lên nhé.

Cách làm

  1. Cho bột vào bát to, cho 1 cốc nước vào lò vi sóng quay khoảng 30s-45s cho nước ấm. Từ từ đổ nước vào bát bột, lấy đũa khuấy rồi dùng tay nhào đều. Làm sao cho khối bột dẻo quánh, cầm chắc tay, không bị quá nhão và không bị quá khô. Mô tả cảm quan thì sẽ hơi giống đất nặn của các bé. Bột quá khô thì cầm vào sẽ có cảm giác còn hạt bột bên trong khối bột. Quá nhão thì sẽ có cảm giác hơi ướt, sau này luộc bánh sẽ dễ bị nát và khó đứng bánh.

Mình không có định lượng nước cụ thể vì tùy loại bột và tùy xem là bột cũ hay bột mới mà độ chịu nước sẽ khác nhau. Nhưng để nhận ra bột đạt cũng không khó lắm đâu. Các bạn cho nước vào từ từ, ít một thì sẽ dễ điều chỉnh hơn.

Bột nhào xong thì lấy nilon gói thức ăn bọc kín cho khỏi bị khô. Tiếp theo đi chuẩn bị hai loại nhân và vừng rắc mặt bánh.

  1. Nhân bánh chay: Đậu xanh có thể ngâm với nước ấm trước khoảng 2-3 tiếng hoặc 1 đêm. Cho đậu xanh vào nồi, đổ nước xâm xấp, để lửa vừa. Sau khi nước sôi được một lúc thì hạ lửa, cho đường và chút xíu muối, nêm sao cho vừa ngọt, đun tiếp đến khi cạn nước. Vừa đun vừa lấy cái thìa hoặc muôi lớn (mình dùng muôi múc canh), nghiền và đánh đậu xanh cho nhuyễn và tơi. Nếu nước cạn quá nhanh mà đậu xanh chưa chín mềm và chưa nhuyễn thì cho thêm nước.

Đoạn này nghe có vẻ hơi mất thời gian, nhưng đậu ngâm mềm trước thì nghiền cũng nhanh thôi, bạn nào có máy xay hoặc cối giã thì tốt hơn nhiều. Đậu xanh sau khi chín và nghiền nhuyễn thì nắm lại thành từng nắm nhỏ cỡ quả trứng chim cút. Nên nắm đậu lúc đậu còn ấm nóng, đậu kết dính sẽ tốt hơn. Có thể trộn thêm dừa nạo vào trong nhân, tùy thích.

Nhân bánh trôi: Đường làm nhân bánh trôi cắt thành miếng nhỏ.

Vừng rắc mặt bánh: Rang chín khoảng 2-3 thìa vừng trắng, để riêng ra bát.

  1. Nặn bánh. Chia khối bột ra làm nhiều phần nhỏ đều nhau và vừa với lượng nhân đã chuẩn bị. Ấn dẹt từng khối bột, đặt nhân vào giữa và gói lại, vo tròn. Cố gắng vo sao cho khít, đừng để không khí lọt vào bên trong nhân, khi đun bánh sẽ dễ bị vỡ.

  2. Chuẩn bị 2 nồi nước lạnh, 1 nồi đặt lên bếp. 1 nồi để bên cạnh bếp. Đợi nước sôi thì thả bánh vào luộc, sau khi bánh nổi lên đợi thêm khoảng 2-3 phút (hoặc chờ bánh nổi lần thứ 2) thì vớt ra, nhân đường sẽ “chảy” và bánh sẽ ngon hơn, thả vào nồi nước lạnh để bánh không bị dính khi sắp trên đĩa.

  3. Trình bày:

  • Bánh trôi vớt ra, sắp trên đĩa. Dùng đầu ngón tay sạch, hoặc phần mu của 1 chiếc thìa nhỏ, nhúng sơ qua nước, chấm vào vừng rồi chấm lên bánh. Cách này sẽ giúp vừng “tâp trung” trên từng chiếc bánh, nhìn sẽ đẹp hơn là rắc vừng bằng tay lên cả đĩa (theo quan điểm của mình :D).

Bánh trôi rắc vừng đen - nhưng mà hơi ít vừng :P

  • Bánh chay thì thường là đặt 2 hoặc 3 viên trong một bát. Dùng 1 chiếc thìa nhỏ, hoặc ngón tay sạch, ấn nhẹ lên bánh để bánh dẹp và hơi lõm như trong hình. Rắc vừng. Quấy loãng bột năng/bột đao hoặc bột sắn với chút đường rồi đổ vào bát. Bột sẽ đông lại, tạo thành một lớp “chè” không quá đặc. Trên mặt bát có thể rắc thêm ít vừng, dừa nạo hoặc đậu xanh nguyên hạt đã hấp chín. Có thể thêm nước cốt dừa nếu thích, nhưng ở nhà mình (Hà Nội) thì thường mình thấy chỉ dùng bột sắn thôi, ăn thanh và rất mát.

Chúc cả nhà sẽ có những đĩa bánh ngon miệng cho Tết bánh trôi bánh chay năm nay :)

1