Khi tiếp xúc với đạo Phật, chúng ta thường nghe nhắc đến bánh xe Pháp Luân, đây cũng là một món pháp khí thường được cầm trong tay một số vị Phật, Bồ Tát. Bánh xe Pháp Luân là một trong những biểu tượng cổ xưa, có ý nghĩa đặc biệt trong Phật Giáo. Nếu bạn còn băn khoăn chưa biết Pháp Luân là gì, có ý nghĩa ra sao thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết này.
Bánh xe Pháp Luân trong Phật giáo là gì?
Chữ Pháp trong bánh xe Pháp Luân được hiểu là tập hợp những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về đời sống đạo đức, trí tuệ, thiền định, giác ngộ và giải thoát. Theo tiếng Phạn, Pháp là dịch âm của từ Dharma (Sanskrit) hay Dhamma trong tiếng Nam Phạn (Pali). Pháp là một trong ba ngôi báu hay còn gọi là Tam Bảo, bao gồm Phật, Pháp và Tăng. Biểu tượng của Pháp trong Phật Giáo chính là bánh xe Pháp Luân mà chúng ta thường gặp.
Bánh xe Pháp Luân là biểu tượng xưa cổ có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Ấn Độ và Phật Giáo. Trong Phật Giáo, bánh xe Pháp Luân có hình tròn, phía trên có các nan hoa đại diện cho nhiều khía cạnh khác nhau. Bánh xe Pháo được xem là biểu tượng của Pháp, đại diện cho con đường dẫn đến sự giác ngộ cũng như cõi Niết Bàn. Đồng thời, nó còn được xem là biểu tượng của bánh xe chân lý, chứa đựng triết lý vũ trụ và cuộc đời. Không chỉ vậy, luân xa còn đại diện cho may mắn, được coi là xuất hiện ở lòng bàn chân của Phật Thích Ca.
Trong văn hóa Ấn Độ giáo và văn hóa Indus, bánh xe Pháp luân đại diện cho mặt trời. Trong khi đó, trên thế giới, nó được xem là Pháp bảo của nhà Phật, đại diện cho Phật Giáo, giống như biểu tượng Thánh giá của Cơ Đốc Giáo và Ngôi sao David của Do Thái Giáo. Bánh xe Pháp Luân truyền thống được thể hiện ở hình dáng chiếc bánh xe chiến xa có số lượng nan hoa và màu sắc khác nhau.
Lịch sử về sự xuất hiện của bánh xe Pháp Luân
Bánh xe Pháp Luân rất phổ biến trong Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tuy nhiên, biểu tượng này được cho là đã xuất hiện từ trước cả sự xuất hiện của hai tôn giáo này. Theo nhiều tài liệu, bánh xe Pháp Luân được tìm thấy nhiều trong nền văn minh Thung lũng Indus.
Bánh xe Pháp Luân trong Ấn Độ Giáo có liên quan đến thần Mitra, vị thần trông coi trái đất, là con mắt của thế giới, có mối liên hệ với mặt trời. Bánh xe này tượng trưng cho ánh sáng tri thức và chân lý. Ở đạo Hindu, người ta thường thấy Thần Vishnu gắn liền với hình ảnh bánh xe Pháp Luân. Vị thần này được coi là người bảo vệ nhân loại, bánh xe Pháp Luân được xem là biểu tượng cho việc khôi phục, giữ gìn trật tự trên thế giới.
Tại những cây cột được dựng lên ở Ấn Độ bởi Ashoka Đại Đế (304 - 232 TCN), người ta cũng tìm thấy sự xuất hiện của bánh xe Pháp Luân. Vị Đại đế này vô cùng tôn sùng Phật Giáo, luôn khuyến khích truyền bá Phật Giáo nhưng không bao giờ ép buộc thần dân của mình.
Đặc biệt, vào năm 1947, chính phủ Ấn Độ cũng đã quyết định thông qua một quốc kỳ mới là một lá cờ tam tài ngang gồm ba màu trắng, vàng nghệ thẫm và lục Ấn Độ. Trên nền trắng của lá cờ là một bánh xe 24 nan hoa, có tên gọi là Ashoka Chakra.
Nguồn gốc hình tượng bánh xe Pháp Luân trong Phật Giáo
Bánh xe Pháp Luân được xem là đại diện cho Pháp, tức là các lời dạy về đạo đức, thiền định, chân lý và giác ngộ của Đức Phật. Có rất nhiều câu chuyện về nguồn gốc của bánh xe Pháp, theo thầy Thích Đồng Thành, nguồn gốc của bánh xe này xuất phát từ một câu chuyện trong kinh sách.
Chuyện kể rằng, ngài Tôn giả Mục Kiền Liên, đệ tử của Phật, thường hành đạo trong cõi người, hay du hóa đến cõi súc sinh và cõi trời. Ngài chứng kiến rất nhiều cảnh chúng sanh chết đi sống lại, tranh giành, giết hại nhau, thiên nhân hết phước báu bị đọa lạc suy vong, các loài quỷ đói khát dằn vặt, con người bị tham ái cấu xé… Tôn giả đã trở lại cõi Diêm Phù Đề, thuật lại những điều mình chứng kiến cho chúng đệ tử, khuyên họ nên tinh tấn tu trì để đạt được thành tựu là cảnh giới vô sinh an tịnh.
Trong một lần khi Đức Phật trú tại thành Vương Xá, ngài đã dạy rằng, trưởng lão Mục Kiền Liên hay bất kỳ một vị Tỳ Kheo nào cũng không thể có mặt tại nhiều nơi cùng lúc để giáo hóa mọi người. Vì thế, nên tạo hình bánh xe gồm năm phần và đặt ngay lối ra vào của tinh xá. Năm phần của bánh xe tượng trưng cho năm cảnh giới. Trong đó, ba cảnh giới phía dưới tượng trưng cho địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Còn hai cảnh giới bên trên là cõi người và trời.
Trên bánh xe, họa cảnh bốn châu là Nam Thiệm Bộ, Bắc Câu Lô, Đông Thắng Thần và Tây Ngưu Hóa. Ở giữa là hình ảnh ảnh dụ của ba loài thú, rắn tượng trưng cho sân, chim bồ câu tượng trưng cho tham, heo tượng trưng cho si. Ngoài ra, những vầng hào quang biểu tượng cho sự giải thoát của chư Phật. Hình ảnh chúng sanh chìm nổi trong nước cũng được thể hiện trên bánh xe Pháp Luân.
Xem thêm: Sự tích Mục Kiền Liên Cứu mẹ và Ý
Ý nghĩa của Bánh xe Pháp Luân
Bánh xe Pháp là được thế giới xem là biểu tượng của Phật Giáo, tượng trưng cho Pháp, một trong ba ngôi báu (Tam Bảo) của nhà Phật. Pháp là nguyên lý, chân lý mà Đức Phật và các bậc phước trí vẹn toàn truyền dạy. Là phương tiện để chúng sanh tu tập, xác định được con đường tu tập đúng đắn, điều phục cám dỗ, tránh xa tham, sân, hận, giữ vững bản tâm…
Pháp được biểu tượng bởi bánh xe Pháp Luân Phật Giáo, bánh xe này không ngừng luân chuyển, không ngừng phát triển cũng giống như giáo lý Đạo Phật phát triển không ngừng. Không chỉ vậy, trong nghệ thuật Phật Giáo, bánh xe Pháp còn thường được dùng để tượng trưng cho Đức Phật.
Bánh xe Pháp Luân cũng được xem là đại diện cho Tứ Diệu Đế của Phật Giáo. Để đạt được Duyên Khởi hoặc Giác Ngộ thì bắt buộc phải tuân theo Bát Chánh Đạo. Theo các tài liệu Phật Giáo, ý nghĩa của bánh xe Pháp như sau:
- Bánh xe Pháp luôn chuyển động không ngừng, cũng giống như giáo lý của Đức Phật, luôn phát triển hợp lý, hợp thời, hợp cơ. Tuy nhiên, công năng của bánh xe vẫn là di chuyển, luôn “đưa chúng sanh từ tối đến sáng, từ khổ đến vui, từ thấp lên cao, từ vô minh đến Giác Ngộ, từ địa ngục tới Niết Bàn.
- Bánh xe Pháp đi đến đâu thì cỏ gai, sỏi đá bị nghiền nát đến đó, những phiền não, tham sân cũng bị dẹp tan.
- Bánh xe Pháp luôn không ngừng tiến thẳng về phía trước, không bao giờ thoái lui.
Có thể thấy, bánh xe Pháp Luân có ý nghĩa phá dẹp hết thảy mọi chướng ngại, pháp vỡ không gian, thời gian, khổ ải, đau đớn giúp thế gian tốt đẹp hơn. Nó còn có ý nghĩa về sự viên mãn, khi con người hiểu được sự luân chuyển của Pháp Luân thì sẽ dần chuyển hóa, vươn đến cảnh giới tốt đẹp của chân thiện mỹ. Không chỉ vậy, nó còn có ý nghĩa về sự xoay vần, sự tiếp nối, chân lý mà Đức Phật phát hiện ra không chỉ giảng dạy cho 1 đối tượng nhất định mà có sự xoay vần, chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bài Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại vườn Lộc Uyển cho bốn anh em Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế được gọi là đệ nhất chuyển Pháp Luân. Chuyển Pháp Luân được cho là hình ảnh ẩn dụ để chỉ cho lời dạy giáo pháp tại thế gian.
Ý nghĩa các chi tiết của bánh xe Pháp Luân
Bên cạnh ý nghĩa chung, mỗi chi tiết trên bánh xe Pháp cũng có những ý nghĩa riêng biệt. Các Phật tử tin rằng, vòng tròn pháp luân tượng trưng cho những điều cụ thể nhất định.
Trong đó, hình tròn là biểu tượng cho sự hoàn hảo, tượng trưng cho chân lý, sự đúng đắn của những lời dạy của Đức Phật. Phần vành của bánh xe tượng trưng cho hình ảnh Phật tử có năng lực tiếp thu những lời dạy của Đức Phật qua sự tập trung và thiền định.
Trung tâm bánh xe biểu tượng cho sự kỷ luật và đạo đức, thường biểu thị bằng ba vòng xoáy với các viên ngọc tượng trưng cho ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng.
Bánh xe Pháp Luân luôn chuyển động không ngừng, chu kỳ chuyển động này tượng trưng cho sự luân hồi, sự phát triển không ngừng của cuộc sống, bao gồm sinh, tử và tái sinh.
Ngoài ý nghĩa biểu tượng của từng chi tiết cụ thể, các nan hoa trên bánh xe cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau. Cụ thể:
- 4 Nan hoa tượng trưng cho Tứ Diệu đế của Phật giáo, là sự thật của khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, chấm dứt khổ đau và con đường.
- 8 Nan hoa tượng trưng cho Bát Chánh Đạo cần tuân theo để được Giáo Ngộ hoặc Duyên Khởi. Bao gồm: chánh kiến, lời nói, ý định, hành động, sinh kế, nỗ lực, định tâm cùng chánh niệm.
- 10 Nan hoa tượng trưng cho 10 phương Phật Giáo.
- 12 Nan hoa tượng trưng cho 12 liên kết duyên khởi. Bao gồm vô minh, ý thức, sự hình thành xã hội, yếu tố cấu thành một sinh vật, sáu giác quan, xúc giác, sự nắm bắt, khát, sinh, già, tái sinh và cái chết.
- 24 Nan hoa: Trong Kỳ Na giáo là biểu tượng cho 24 tirthankaras gần niết bàn. Trong Phật giáo được gọi là bánh xe Ashoka với 12 nam đầu đại diện cho 12 liên kết Duyên khởi, 12 nan sau tượng trưng cho liên kết nhân quả theo thứ tự ngược lại.
Sự khác nhau giữa bánh xe Pháp Luân và bánh xe Luân Hồi
Có rất nhiều thắc mắc về bánh xe Pháp Luân và bánh xe Luân Hồi. Theo giải đáp của thầy Thích Phước Thái, bánh xe chuyển Pháp Luân là bánh xe có 8 căm (nan hoa) tượng trưng cho Bát chánh đạo gồm Chánh kiến, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tư duy, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn và chánh định.
Bát Chánh Đạo thuộc về Đạo Đế (theo Tứ Diệu Đế), gồm có 37 phẩm, còn được gọi là phẩm đạo trợ. Bát Chánh Đạo là phẩm quan trọng nhất trong 37 phẩm đạo trợ này, nó là tám con đường đưa chúng sinh đến chỗ giác ngộ, để đạt được Niết bàn an lạc.
Trong khi đó, bánh xe 12 nan hoa thường được hiểu là bánh xe Luân Hồi. Trong giáo lý 12 nhân duyên từ Vô minh đến Lão tử, chúng sanh bị trói buộc trong một vòng luẩn quẩn. Muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này thì phải đoạn trừ vô mình, cắt đứt chuỗi xích trói buộc này. Do đó, bánh xe 12 nan hoa được xem là bánh xe Luân Hồi.
Ngoài ra, cũng có một số tài liệu cho rằng, bánh xe 12 căm là bánh xe chuyển pháp luân. Trong đó, 12 căm trên bánh xe không phải thập nhị nhân duyên mà là khổ, tập, diệt đạo được Đức Phật nhắc đến 3 lần. Ba lần chuyển Pháp Luân là 12 nên bánh xe 12 căm là bánh xe Chuyển Pháp Luân.
Ngày nay, bánh xe Pháp Luân thường được thể hiện với hình ảnh bánh xe có 8 nan hoa. Chúng ta rất thường gặp hình ảnh bánh xe Pháp đặt trên hoa sen để tượng trưng cho sự thanh tịnh của Phật Pháp, có thể đưa người tu từ chỗ tối tăm, ô nhiễm vươn đến sự thanh cao, thanh khiết.
Nhìn chung, bánh xe Pháp Luân tượng trưng cho Pháp của Phật Giáo. Pháp không hình, không tướng, những hình tướng khác nhau của bánh xe Pháp được đưa ra sẽ có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên, ý nghĩa của bánh xe Pháp vẫn là sự chuyện động không ngừng của giáo lý Đạo Phật, luôn không ngừng tiến thẳng về phía trước, diệt tan mọi mê lầm phiền não. Công năng của nó chính là “đưa chúng sanh từ tối đến sáng, từ khổ đến vui, từ thấp lên cao, từ vô minh đến Giác Ngộ, từ địa ngục tới Niết Bàn.