Nhờ có trí tuệ nhìn rõ bản chất của khổ đau, cùng với thực hành phương pháp tu tập thù thắng của Bát chính đạo, thấm nhuần giáo lý Trung đạo, phát khởi Bồ đề tâm mạnh mẽ hành trì Lục độ Ba la mật, hành giả có thể trải qua các thứ lớp tu tập khác nhau với các cấp độ thành tựu khác nhau trên con đường dẫn tới Giác ngộ.
Con đường kiến đạo là Thập địa - mười phần Pháp thân
Sự chứng ngộ mỗi địa là sự chứng ngộ từng phần Pháp thân, là nguồn gốc và nền tảng của mọi phẩm chất và công hạnh giác ngộ. Khi đạt được các địa Bồ tát, hành giả sẽ thoát khỏi năm sợ hãi: sợ hãi bị làm hại, sợ hãi bị chết, sợ hãi bị tái sinh vào cõi giới thấp, phiền não và sợ hãi trong luân hồi. Theo cách này, những phẩm chất giác ngộ của thập địa Bồ tát ngày một tăng tiến.
Kinh điển có giảng chi tiết về 10 Ba la mật kết hợp với Thập địa theo thứ tự tăng tiến. Sự kết hợp và thành tựu tương ứng được tóm tắt như sau:
1. Hoan hỷ địa (tâm ý hoan hỷ)
Ở quả vị này, Bồ tát đạt được sự an lạc thanh tịnh sau khi đã đoạn trừ kiến hoặc và đã chứng đắc Nhân không, Pháp không. Bồ tát trải qua con đường tu tập phần lớn thông qua thực hành về Bố thí Ba la mật để đưa tâm thoát khỏi sự sợ hãi, khiếp nhược ngay cả nếu phải hy sinh đầu mắt chân tay hay những bộ phận thân thể khác của mình vì lợi ích chúng sinh hữu tình.
2. Ly cấu địa (xa lìa phiền não)
Trong địa thứ hai, Bồ tát thành tựu Trì giới Ba la mật, giới đức viên mãn, giới hạnh thanh tịnh rửa sạch phiền não, nhiễm ô, giữ tâm Bồ đề hoàn toàn thanh tịnh.
3. Phát quang địa (trí tuệ chói sáng)
Sau khi đặt lợi ích của chúng sinh lên trên hết, Bồ tát thành tựu Nhẫn nhục Ba la mật, nhờ đó, trí tuệ sáng suốt, mầu nhiệm, vô biên bắt đầu hiển phát.
4. Diệm tuệ địa (trí tuệ rực rỡ)
Tại giai đoạn bậc trung về sự chứng ngộ từng phần Pháp thân, các phẩm chất tối thượng của Phật được tăng tiến hơn nữa và hành giả đạt tới địa thứ tư này. Với Diệm tuệ địa, Bồ tát thành tựu Tinh tấn viên mãn, tuệ tính phát khởi mạnh mẽ. Trí tuệ không ngừng tăng trưởng sáng suốt và phát huy cho đến khi lửa Trí tuệ đó đốt sạch mọi phiền não của vô lượng kiếp trong tâm Bồ đề.
5. Cực nan thắng địa (vô cùng khó khăn mới đạt được)
Bởi đã tịnh hóa mọi nhiễm ô của các khuynh hướng khó tịnh hóa thông qua chứng ngộ sự hợp nhất bất nhị của Tính không và Từ bi, hành giả đạt tới quả vị này. Địa thứ năm này, Bồ tát thành tựu Thiền định Ba la mật, thấu suốt Nhị đế, chứng đắc Pháp thân thanh tịnh.
6. Hiện tiền địa (chân như hiển hiện)
Tại thời điểm chứng ngộ được mức độ Pháp thân rõ ràng hơn do thực chứng luân hồi và niết bàn không sinh khởi, ở quả vị này, Bồ tát thành tựu Trí tuệ viên mãn, phát khởi trí tối thắng, hoàn tất công hạnh lục độ.
7. Viễn hành địa (đi xa)
Các ngôi địa hay quả vị được giới thiệu ở phía trên là phổ biến với các bậc Thanh văn và Bích chi Phật. Các trải nghiệm nhị nguyên ví dụ như thiền và hậu thiền, luân hồi và niết bàn tiếp đến được gỡ giải để mở đầu cho sự chứng ngộ nhất như trong địa thứ bảy là Viễn hành địa. Ở quả vị này, Bồ tát thành tựu sự viên mãn của phương tiện, tức thành tựu Phương tiện thiện xảo Ba la mật trong Thập độ Ba la mật. Bồ tát vượt rất xa khỏi hai đạo Thế gian và Xuất thế gian, thâm nhập Vô Tướng.
8. Bất động địa (không lay động)
Ở ngôi địa này, Bồ tát tiến xa hơn lên bậc trung để an trụ trong trạng thái không lay chuyển của sự chứng ngộ nhất như. Bồ tát thành tựu Nguyện Ba la mật và trụ trong vô tướng thanh tịnh, không còn bị các phiền não tà kiến làm cho lay động. Nhờ liên tục vận dụng Trí tuệ Vô phân biệt mà Bồ tát không bao giờ còn bị lay chuyển bởi những phiền não, hình tướng và công dụng hấp dẫn của thế gian.
9. Thiện tuệ địa (trí tuệ diệu dụng)
Tiếp đến, khi tất cả những nhiễm ô còn lại, ngoại trừ những nhiễm ô rất vi tế như trải nghiệm nhị nguyên huyễn ảo đã được tịnh hóa, Bồ tát chứng đạt giai đoạn nhất như bậc cao ở địa thứ chín gọi là Thiện tuệ địa. Bồ tát thành tựu Lực Ba la mật, đạt được mười thần lực và trí tuệ biện tài vô ngại. Nhờ thành tựu bốn Biện Tài vô ngại, Bồ tát thuyết pháp lưu loát, thiện xảo, dễ hiểu và linh hoạt, có thể thuyết pháp mãi mà không tận ý, cạn lời.
10. Pháp vân địa (mây pháp che khắp cả muôn loài chúng sinh)
Khi trải nghiệm nhị nguyên vi tế này cũng được tịnh hóa trong tự nhiên, mọi phẩm chất của các con đường tu tập và các địa bồ tát đã được viên mãn. Tuy nhiên, vẫn còn có ám chướng của trí tuệ nhị nguyên là xu hướng tập khí về bám chấp cái nhiễm ô vô cùng vi tế còn sót lại của tâm. Trong bối cảnh này, đây là thời điểm của những giai đoạn không thiền bậc thấp và bậc trung gọi là Pháp vân địa hay địa cuối cùng của Thập địa.
Ở quả vị cuối cùng Pháp vân địa, Bồ tát thành tựu Trí Ba la mật, có tuệ giác và muôn hạnh đầy đủ, giáo hóa khắp nơi với tâm bình đẳng, đầy đủ vô biên công đức. Bồ tát ở ngôi vị này đã chứng được Pháp Thân thanh tịnh và dùng Đại Trí kết hợp vô lượng công đức để giáo hóa độ sinh. Đây là địa cuối cùng, hay cấp bậc quả vị cao nhất của Bồ tát trước khi thành Phật. Thực tế, đây là địa vị của Phật biểu hiện nơi một Bồ tát.
(Trích ấn phẩm: “Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử”, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012)