Khi nhắc đến Tam tạng kinh Phật, chúng ta nghĩ ngay đến Kinh, Luật và Luận. Nhưng bạn có biết thực sự Tam tạng kinh phật là gì và chứa những nội dung gì?
Tam tạng kinh Phật là gì?
“Tạng” hay “Tàng” có nghĩa là giỏ chứa, chổ chứa. Trong tiếng Pali, chúng được gọi là Pitaka. Xưa kia, các chùa lớn thường có một thư viện gọi là “Tàng Kinh Các” để lưu trữ các bộ kinh quí. Tam tạng trong tiếng Pali gọi là Tipitaka, Ba Giỏ Chứa (The Three Baskets), bao gồm Luật Tạng (Vinaya Pitaka), Kinh Tạng (Sutta Pitaka) và Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka, còn gọi là Vi Diệu Pháp hoặc Luận Tạng). Dưới đây là một tóm tắt về từng Tạng:
1. Luật tạng (Vinaya Pitaka)
Tạng này bao gồm các giới luật và nghi lễ cho nam tu sĩ (Bhikkhu, Tỳ khưu) và nữ tu sĩ (Bhikkhuni, Tỳ khưu ni). Nó nói về cách thức gia nhập tăng đoàn, truyền giới luật, sinh hoạt tăng chúng, cách hành xử trong các trường hợp vi phạm giới luật và nhiều nội dung khác. Tạng này thường được chia thành 5 bộ gồm:
- Ba-la-di (Parajika),
- Ba-dật-đề (Pacittiya),
- Đại Phẩm (Mahavagga),
- Tiểu Phẩm (Cullavagga), và
- Toát Yếu (Parivara).
2. Kinh Tạng (Sutta Pitaka)
Kinh Tạng gồm 5 bộ chính (Nikaya): Trường Bộ (Digha Nikaya), Trung Bộ (Majjhima Nikaya), Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya), Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), và Tiểu Bộ (Khuddaka Nikaya). Trong hệ Sanskrit (Bắc Phạn), các bộ này được gọi là các bộ A Hàm (Agamas). Tuy nhiên, các bộ A Hàm nguyên thủy đã bị thất lạc và chỉ còn thấy các bản kinh tiếng Sanskrit rời rạc, mà hiện nay chỉ còn các bộ Hán dịch từ nhiều nguồn gốc bộ phái và qua nhiều đời khác nhau.
Trường Bộ chứa các bài kinh dài, bao gồm 34 bài kinh, trong đó có hai quyển phổ biến nhất là Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha Parinibanna Sutta) và Kinh Đại Quán Niệm (Maha Satipattana Sutta). Ngoài các bài giảng của Đức Phật, Bộ này còn có các bài giảng của Đại Đức Sariputta (Xá Lợi Phất), vị đệ tử hàng đầu với tài thuyết giảng hùng biện nhất thời đó, và các vị đệ tử nổi tiếng khác.
Trung Bộ chứa 152 bài kinh sắp xếp trong 15 phẩm, theo từng chủ đề. Bộ kinh này rất phổ biến trong giới Phật tử sử dụng tiếng Anh và đã được dịch sang tiếng Việt. Các bài kinh quan trọng thường liên quan đến phép hành thiền quán niệm (Satipattana Sutta), chính kiến (Sammaditthi), cách tịnh tâm (Kakacupama), cuộc đời Đức Phật (Ariyaparyesana), tứ diệu đế (Mahahatthipadopama), không tính (Culasunnata), quán niệm hơi thở (Anapanasati)... Đây có thể coi là một trong những bộ kinh quan trọng nhất, chứa các bài giảng thực hành lời Phật dạy.
Tương Ưng Bộ bao gồm 2.889 bài kinh ngắn, chia làm 5 chương và 56 phẩm. Đây là tập hợp các bài kinh có chủ đề giống nhau về một điểm thảo luận hoặc về một nhân vật nào đó trong thời Đức Phật. Có các bài giảng quan trọng về 12 nhân duyên và về 37 phần bồ đề (37 phẩm trợ đạo).
Tăng Chi Bộ là bộ kinh dựa theo cách sắp xếp số học (pháp số), từ các chủ đề có liên quan đến 1 phần tử, 1 yếu tố, dần dần lên đến các chủ đề có 11 phần tử hay yếu tố. Vì vậy, bộ kinh được chia làm 11 chương, gồm 2.308 bài kinh.
Tiểu Bộ thực ra không phải là bộ sách nhỏ, mà là tập hợp 15 bộ sách nhỏ:
- Tiểu Tụng, Khuddaka Patha
- Pháp Cú, Dhammapada
- Phật Tự Thuyết, Udana
- Như Thị Ngữ (Phật Thuyết Như Vậy), Itivuttaka
- Kinh Tập, Sutta Nipata
- Thiên Cung Sự, Vimana Vatthu
- Ngạ Quỷ Sự, Peta Vatthu
- Trưởng Lão Tăng Kệ, Theragatha
- Trưởng Lão Ni Kệ, Therigatha
- Bổn Sanh, Jataka
- Nghĩa Thích, Niddesa
- Vô Ngại Giải Đạo, Patisambhidamagga
- Thí Dụ, Apadana
- Phật Sử, Buddhavamsa
- Sở Hạnh Tạng, Cariya Pitaka
3. Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka)
Còn gọi là Vi Diệu Pháp hay Luận Tạng, đây là tập hợp các bài giảng của Đức Phật về thể tính và sự tướng của vạn pháp, phân giải triết học và tâm lý học. Thắng Pháp Tạng gồm 7 quyển:
- Pháp tụ (Dhammasangani)
- Phân biệt (Vibhanga)
- Giới thuyết (Dhatukatha)
- Nhân thi thiết (Puggala Pannatti)
- Biện giải (Kathavathu)
- Song luận (Yamaka)
- Nhân duyên thuyết (Patthana)
Ngoài Tam Tạng Kinh Điển, còn có các bộ Chú Giải và Phụ Chú Giải Kinh Điển, và một số các tác phẩm Pali quan trọng khác cũng được học tập và lưu truyền cho đến ngày nay:
- Đảo sử (Dipavamsa)
- Đại sử (Mahavamsa)
- Tiểu sử (Culavamsa)
- Mi Lan Đa vấn đạo (Milindapanha)
- Thanh tịnh đạo luận (Visuddhi Magga)
- Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhammattha Sanghaha)
Với Tam tạng kinh Phật, chúng ta có một kho tàng tri thức bất tận để tìm hiểu về lịch sử và triết lý Phật giáo.