Kiến thức phật giáo

Phận làm con theo lời Phật dạy

Phap Ngo Thich

Phận làm con, cần phải hoàn thành những trách vụ cơ bản theo lời Phật dạy, mới xứng danh là một con người đúng và đủ nghĩa khi sống trong cuộc đời này. Phận làm...

Phận làm con, cần phải hoàn thành những trách vụ cơ bản theo lời Phật dạy, mới xứng danh là một con người đúng và đủ nghĩa khi sống trong cuộc đời này.

Phận làm con, cần phải hoàn thành những trách vụ cơ bản theo lời Phật dạy, mới xứng danh là một con người đúng và đủ nghĩa khi sống trong cuộc đời này.

Bổn phận của con cái đối với cha mẹ

Mặc dù trách vụ của con cái đối với cha mẹ được Đức Phật dạy rải rác trong nhiều bản kinh và xuyên suốt cuộc đời hóa đạo của Ngài, tuy nhiên thể hiện khá đầy đủ và cô động nhất về những bổn phận của con cái đối với cha mẹ được đúc kết rõ ràng trong bản kinh Giáo thọ thi ca la việt. Theo kinh văn, có năm bổn phận mà con cái cần phải thực hiện đối với cha mẹ của mình.

Nuôi dưỡng cha mẹ

Kể từ ngày lập thân, ngoài những bổn phận cần phải đáp ứng trong những quan hệ của riêng mình, thì một người con cần có bổn phận phải chăm lo các điều kiện vật chất và tinh thần cho cha mẹ. Đây là một trong những bổn phận căn bản của con người. Trong năm lý do gầy dựng tài sản được Phật dạy trong kinh Tăng chi thì lý do tạo ra của cải vật chất để phụng dưỡng cha mẹ được Đức Phật khẳng định. Phụng dưỡng cha mẹ cũng là ngữ khí được các bậc hiền trí, các bậc chân nhân xác tín. Ngay như người xuất gia, nếu như không có anh em lo cho cha mẹ thì vẫn được Phật cho phép phụng dưỡng cha mẹ trong điều kiện khả dĩ của mình. Đặc biệt, hiếu dưỡng cha mẹ còn là giới pháp đầu tiên trong bảy giới pháp cần phải thọ trì của một bậc Thiên chủ (Sakka).

Ở đây, trong khi thực hiện bổn phận phụng dưỡng cha mẹ thì cần phải hội đủ một vài phẩm chất mà trước hết là cung kính. Hầu hạ cha mẹ là chữ được dùng trong kinh Tăng chi, cho thấy việc phụng dưỡng phải bao hàm yếu tố quan tâm, cung kính, thương yêu. Thậm chí ngay cả khi cha mẹ thải đồ bất tịnh cũng không được sanh tâm nhờm gớm. Đây là nét đặc thù trong trách vụ phụng dưỡng cha mẹ được các nền đạo đức phương Đông nói chung và Phật giáo nói riêng vinh danh, tán thán. Một lưu ý cần phải thấy, phụng dưỡng cha mẹ thì phải có phương tiện, và phương tiện ấy phải do sự thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, đó là điều kiện bắt buộc trong khi vận dụng phương tiện để phụng dưỡng cha mẹ. Nói cách khác, phương tiện nuôi dưỡng cha mẹ phải trong sạch, như sự khuyến hóa của Đức Phật được ghi lại trong kinh Tập: Hãy nuôi dưỡng mẹ cha/ Hợp pháp và đúng pháp.

Thay thế cha mẹ gánh vác công việc

Con là cơ sở người/Vợ là bạn tối thượng. Sự khẳng định này phần nào cho thấy con cái chính là sự tiếp nối, là cơ sở nền tảng về tất cả các mặt mà nghĩa cần hiểu ở đây chính là nghề nghiệp, công việc của cha mẹ.

Không người kế nghiệp được xem là một trong những bất hạnh không những dành cho các bậc cha mẹ mà cho bất cứ ai theo đuổi ngành nghề nào. Để tồn tại trên cuộc đời này, cần phải có nghề nghiệp để sống, bất luận sang hèn. Dù đó là nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo là được. Ở đây, xét về mặt phương kế sinh nhai, một người con phải am tường và làm được tất cả những nghề nghiệp mà cha mẹ đã làm và đã truyền dạy. Thay thế cha mẹ thực hiện các công việc là trách vụ kế tiếp của phận làm con. Theo truyền thống của văn hóa Ấn Độ xưa, sở dĩ các bậc cha mẹ muốn có con trai cũng chỉ vì chúng giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta. Ngày nay, không những con trai mà cả con gái vẫn có thể thực hiện được nguyện vọng đó vì điều kiện sinh sống và làm việc đã khác biệt khá nhiều.

Trong bổn phận này, ngoài mục đích mưu sinh cho tự thân còn có ý nghĩa là đỡ đần công việc cho cha mẹ. Trên phương diện sâu xa, thì hoàn thành bổn phận này có một ý nghĩa lớn là duy trì và phát triển truyền thống nghề nghiệp riêng có của gia đình.

Giữ gìn truyền thống gia phong

Truyền thống gia phong là truyền thống đạo đức của gia đình, của dòng tộc được giữ gìn và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Truyền thống bao gồm cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, truyền thống gia phong được hiểu ở đây chính là những giá trị đạo đức tích cực. Theo kinh văn, Đức Phật có một truyền thống gia phong tốt đẹp, được Bà-la-môn Sonadanda tán thán như sau: "Sa-môn Gotama thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh."

Trong kinh Trung bộ, đã lưu lại câu chuyện về truyền thống đạo đức gia đình của nhà vua Makhadeva. Theo truyền thống của dòng tộc này thì khi về già, nhà vua sẽ truyền ngôi cho con và xuất gia làm ẩn sĩ. Trước khi xuất gia, vua Makhadeva đã căn dặn hoàng tử nối nghiệp: “Truyền thống tốt đẹp này do ta thiết lập, con phải tiếp tục duy trì. Con chớ thành người tối hậu sau ta.” Mặc dù Đức Phật cũng chỉ rõ rằng, truyền thống đạo đức ấy có giá trị hữu hạn, vì chỉ hướng về Phạm Thiên giới, nhưng xét riêng về phương diện đạo đức căn bản của con người nói chung, thì ở một chừng mực nào đó, truyền thống gia phong đó vẫn được Đức Phật ghi nhận. Cũng nhân đây, Đức Phật đã chỉ ra một con đường, một truyền thống đạo đức mới do chính Ngài thiết lập, đó là Thánh đạo tám ngành và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Đạo đức là chất liệu sống cần có trong các mối quan hệ cơ bản của con người. Chất liệu đó được chắt lọc, tích tập từ nhiều thế hệ trước đó để cuối cùng kết thành truyền thống gia phong của từng gia tộc, dòng họ. Với con người nói chung và người Việt Nam nói riêng, truyền thống đạo đức gia phong đôi khi còn quan trọng hơn cả tài sản, sinh mạng. Giữ gìn truyền thống gia phong còn được hiểu là sự kiện toàn đạo đức cá nhân. Phận làm con, việc giữ vững gia phong bằng cách chuyển hóa bản thân, sống đúng với chuẩn mực đạo đức cơ bản của một con người theo lời Phật dạy cũng là một trong những phương cách giữ gìn truyền thống gia phong. Chuẩn mực đó chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Bảo vệ tài sản thừa tự

Di sản mà cha mẹ để lại gồm cả những giá trị vật chất lẫn những giá trị tinh thần. Việc giữ gìn truyền thống gia phong chính là hành động bảo vệ di sản của cha mẹ về phương diện đạo đức, tinh thần. Ngoài ra, việc quản lý, giữ gìn của cải vật chất mà cha mẹ đã để lại cũng là một trách vụ cần có của con cái.

Bằng mồ hôi, đôi khi cả máu và nước mắt, cha mẹ đã tạo nên tài sản và trao lại cho con cái. Việc quản lý hợp lý tài sản nói lên tầm mức của một con người đồng thời là bổn phận quan thiết của những người con. Cần phải thấy, tạo ra tài sản đã khó nhưng việc giữ gìn, bảo vệ chúng càng khó bội phần. Vì lẽ, trong năm lý do làm cho tài sản bị hao hụt thì yếu tố một kẻ thừa tự không khả ái được Đức Phật chỉ rõ trong kinh Tăng chi. Không những thế, theo kinh Giáo thọ thi ca la việt, thì có tới ba mươi sáu nguyên nhân làm phung phí tài sản mà khởi đầu từ sáu nguyên nhân: Đam mê các loại rượu, du hành đường phố phi thời, la cà đình đám hý viện, đam mê cờ bạc, giao du ác hữu, quen thói lười biếng. Ở nghĩa tích cực thì việc giữ gìn của thừa tự không có nghĩa là đừng để hao hụt, mất mát mà cần phải làm cho tài sản nảy nở, sinh sôi. Hình ảnh một hồ nước được bảo hộ kỹ càng, có các con kênh cung cấp nước, thỉnh thoảng trời lại mưa thì hồ nước đó luôn sung mãn, đem lại lợi ích cho bản thân cũng như cho nhiều người, là ẩn dụ sinh động về việc bảo vệ của cải, tài sản của bản thân cũng như của cha mẹ để lại được Đức Phật lặp lại nhiều lần trong kinh Tăng chi.

Khuyến hóa cha mẹ hướng thiện và làm các thiện sự khi cha mẹ mãn phần

Con cái có thể báo đáp thâm ân cha mẹ qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Với Phật giáo, phương diện tinh thần rất mực quan trọng, nhất là những phương diện tinh thần dẫn đến con đường tiệm cận với Thánh đạo. Kinh Tăng chi đã ngầm đưa ra một sự so sánh khi cho rằng, cho dù phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo cho cha mẹ bằng tất cả khả năng có thể và không giới hạn thời gian, thì cũng không bằng khuyến hóa cha mẹ kính tín Tam bảo và an trú vào các thiện pháp, thiện giới.

Theo ghi nhận từ kinh văn, hướng dẫn một người quy y Tam bảo có công đức rất lớn. Công đức ấy lớn đến mức không thể nghĩ bàn như sự khẳng định của Đức Phật trong kinh Trung bộ: "Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng đậy, chắp tay, về làm những việc thích hợp." Sự khẳng định này cũng đồng thời cho thấy bổn phận làm con sẽ viên thành, từ dùng trong kinh là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha, nếu như người con đó đủ phước và đủ duyên hướng dẫn cha mẹ quy kính Tam bảo.

Trăn trở thường tình ai sẽ là người phụng tự cho mình sau khi mình quá vãng là quán lệ trong tư duy của nhiều bậc cha mẹ. Khát vọng và mong mỏi có được con trai để người con ấy lo việc cúng tế cho mình được ghi nhận trong thời Đức Phật. Với Đức Phật, làm các thiện sự khi cha mẹ mãn phần là một trong những bổn phận sau cùng của con cái, bất luận là gái hay trai. Tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời là trách vụ cuối cùng mà một người con cần phải thực hiện. Ngay như bản thân của Đức Phật, sau khi vua Tịnh Phạn qua đời, chính Ngài đã thân lâm về quê hương và góp phần lo công việc tang lễ. Sự hiện diện của Ngài trong tang lễ của thân phụ là gương sáng về hạnh hiếu của người xuất gia.

Trong bổn phận thứ năm này, nếu như Nho gia đẩy bổn phận này đến mức cao nhất, thậm chí con cái phải khánh kiệt của cải và sức lực để lo tang lễ cho mẹ cha; thì Phật giáo dung dị hơn, khi xem tang lễ chỉ là nghi lễ cần có của đời người và chỉ cần tiến hành trong trang nghiêm, giản tiện. Tập tục thiêu xác hoặc đem xác bỏ trong rừng tử thi được nhắc nhiều lần trong các bản kinh, cũng như tang lễ không quá mức xa hoa, hoành tráng của một bậc giáo chủ như Đức Phật, của các vị Tỳ-kheo quá vãng... đã khẳng định thêm quan điểm không đặt nặng quá mức của nghi lễ này. Vì lẽ, với Phật giáo, cái chết chỉ là kết thúc một chặng ngắn của một hành trình dài, và khúc khải hoàn chưa thể cất lên nếu như vẫn còn loanh quanh trong luân hồi, sanh tử.

Kết luận

Đã thọ ân thì phải nỗ lực báo ân. Ân đã thọ từ cha mẹ không thể tính đếm thì nỗ lực báo ân của con cái cũng phải tương đồng. Đó cũng là một trong những lý do để Đức Phật cho rằng hạng người biết ơn và nỗ lực báo ơn là một trong những hạng người cần được vinh danh, tán thán. Báo hiếu, báo ân có nhiều phương thức. Thực hiện chu toàn năm bổn phận của con cái được trình bày ở trên là một trong những cách thức báo đáp thâm ân cha mẹ có giá trị vận dụng thực tiễn, không giới hạn trú xứ, không gian.

1