Kiến thức phật giáo

Chùa Quang Phúc: Nơi ươm mầm xanh cho những mảnh đời cơ nhỡ

Phap Ngo Thich

Sự yên bình và trang nghiêm tại cửa Phật, tiếng chuông chùa vang vọng thong thả, như muốn lôi cuốn tâm hồn con người vào hướng thiện. Nhưng đôi khi, âm thanh vui chơi, khóc...

Sự yên bình và trang nghiêm tại cửa Phật, tiếng chuông chùa vang vọng thong thả, như muốn lôi cuốn tâm hồn con người vào hướng thiện. Nhưng đôi khi, âm thanh vui chơi, khóc lóc của những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng cũng tràn ngập không gian nơi đây.

Chùa Quang Phúc, một ngôi chùa yên tĩnh, thanh tịnh, tách biệt với cuộc sống tấp nập và ồn ào của xã hội. Tại đây, những đứa trẻ từ nhỏ đã trải qua những cảm xúc thiếu thốn, những khao khát được ấp ủ, được ôm lấy và được chăm sóc.

"Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo, đói cơm khát nước, biết người nào thương". Câu hát này đã khiến cho không ít người phải rơi nước mắt. Vì những đứa trẻ ở đây không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, không được yêu thương, chăm sóc, không có cha mẹ mua đồ đẹp cho mình, không có người lo liệu từng bữa ăn hay giấc ngủ, không có người đưa đón đến trường. Những đứa bé ở đây còn quá nhỏ để hiểu rõ cha mẹ chúng là ai, tại sao mình lại sống ở đây cùng với các bạn,... nhưng các bé vẫn cảm nhận được sự thiếu thốn yêu thương, vẫn thèm được ấp ủ, được ôm lấy hoặc nằm lên chân người lớn.

Vào một buổi sáng mùa thu tại Hà Nội, tôi và một người chị tốt bụng đã mang theo một số nhu yếu phẩm như sữa, bánh kẹo, trứng, gạo, hoa quả... Mong muốn góp phần giúp đỡ và chăm sóc cho sự vất vả của các sư thầy và bảo mẫu tại đây. Đối với tôi, hình ảnh những đứa trẻ hào hứng đợi chờ bên cạnh tấm vách ngăn cửa lớn đã ấn sâu vào tâm trí, và bây giờ khi tôi viết những dòng này, hình ảnh ấy vẫn rõ nét trong tâm trí.

"Me, me be con, me be con," những giọng nói non nớt, ngây thơ của những đứa trẻ lần đầu gặp tôi khiến tôi bất ngờ và đầy thương cảm. Vì các bé không có mẹ, nên chúng sẵn sàng gọi tất cả những ai đến thăm là bố, là mẹ để được ôm lấy.

"Con không thích ngồi, mẹ bế con lên cao đi lại ấy, bế con ra ngoài cửa đi" hay "mẹ ngồi đây đút cho con ăn, ngồi đây cạnh con", "mẹ bế mình con thôi, con không thích bế chung"... Nhìn những gương mặt trắng trẻo, sạch sẽ, thanh tú này, tôi không thể kìm nước mắt. Trong lòng tôi, lời trách móc dành cho những cha mẹ đã bỏ rơi những sinh linh bé bỏng, xinh đẹp. Tại sao họ lại nhẫn tâm như vậy? Nhưng chúng ta không thể hiểu nổi những quyết định khó khăn ấy, chúng ta không phải họ, chúng ta không trải qua cuộc sống của họ.

Nhận biết được những khó khăn trong việc chăm sóc, vệ sinh cho những đứa trẻ còn quá nhỏ, nhiều phụ nữ trong khu vực đã tình nguyện làm bảo mẫu để giúp đỡ các sư thầy. Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều bị bỏ rơi từ nhỏ. May mắn thay, nhờ chùa và nhờ những tấm lòng hảo tâm, những đứa trẻ này đã nhận được sự giúp đỡ. Và nụ cười hồn nhiên, vô tư vẫn hiện hữu trên những gương mặt ngây thơ.

"Chị thường xuyên đến thăm các bé đã nhiều năm rồi. Chị và chồng cố gắng sắp xếp thời gian đến thăm các bé vào cuối tuần hoặc khi rảnh. Các bé ngoan và thân thiết lắm. Có bé gái bằng tuổi con chị nhưng nhìn nhỏ hơn con chị, từ năm ngoái đến nay vẫn thế, chị thật xót xa", một vị nữ phật tử chia sẻ.

Chị Loan, một người bảo mẫu tình nguyện phụ giúp sư thầy chăm sóc các em tại đây, kể: "Chị đã ở đây nhiều năm. Có tổng cộng 5 người phụ trách việc chăm sóc, dạy bảo các bé. Các bé gọi chị là mẹ, chị coi các bé như con mình, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Hiện tại, nơi đây đang chăm sóc 33 bé cơ nhỡ, trong đó có 18 bé dưới 5 tuổi, còn lại đã đi học ở các lớp lớn, bạn lớn nhất hiện đang học lớp 10".

Chùa chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền học phí và sinh hoạt cho 33 đứa trẻ này, đồng thời còn nhận sự đóng góp từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, tấm lòng yêu thương vô điều kiện của những sư thầy và bảo mẫu tại chùa Quang Phúc là không thể phủ nhận.

Có lẽ những đứa trẻ này đã rời xa gia đình từ quá sớm, nên tôi cảm thấy các bé hiểu chuyện hơn so với đám trẻ cùng trang lứa. Đúng 10h30 phút trưa, chỉ cần có một tiếng gọi, các bé xếp hàng ngăn nắp vào bàn trong bếp, ngồi nghiêm chỉnh và tự lấy thìa để ăn hết một bát thức ăn. Sau khi ăn xong, các bé mang bát ra bồn rửa, rửa tay và quay lại. Tất cả đều tự nhiên, gọn gàng, với trình độ vượt xa tuổi của một đứa trẻ 3, 4 tuổi.

Và đây chính là điển hình nhất cho câu nói: "Có nhiều đứa trẻ hiểu chuyện đến mức đau lòng". Khi được hỏi tên, các bé cố giấu, cúi gằm mặt hoặc trả lời những câu bâng quơ rất nhỏ mà tôi chẳng thể nghe thấy. Một người lớn như tôi cảm thấy chưa thực sự hiểu hết được nội tâm của những đứa trẻ này.

Hướng mắt về những đứa trẻ đang vui chơi và nô đùa, sư thầy tại chùa Quang Phúc kể về cơ duyên đã đưa thầy và những đứa trẻ mồ côi gặp nhau: "Tất cả các bé đều bị bỏ rơi từ khi mới sinh, khi mới 1, 2 ngày tuổi. Có bé được bố mẹ để lại tên, ngày sinh và vài món đồ, còn bé thì không có gì, chỉ một mảnh vải bọc quanh người. Nhiều cha mẹ mang bé đến bỏ trước cổng chùa, dù trời nắng hay mưa, lạnh hay nóng. Có bé còn còn dây rốn chưa được cắt, chúng tôi thật thương bé".

Tại đây, cũng có nhiều thầy cô giáo tình nguyện tổ chức các khóa học về tiếng Anh, võ thuật và thiền cho các bé mỗi cuối tuần, để bù đắp những thiếu thốn. Chẳng biết từ bao giờ chùa Quang Phúc trở thành ngôi nhà tình thương, nhưng có người đã lớn lên tại nơi đây, cưới vợ, có con cái và đi du học. Hầu hết từng một lòng biết ơn sư thầy và bảo mẫu tại chùa, và cống hiến để nuôi dưỡng những đứa em thơ kế cận.

Dù thường xuyên nhận được sự quan tâm của những người tốt bụng và nhà chùa luôn cố gắng cung cấp mọi điều kiện tốt nhất cho các bé, nhưng với số lượng trẻ đông, nhiều bé nhỏ và ít người nuôi dưỡng, quá trình chăm sóc vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những con người tốt, yêu thương trẻ em, hãy ghé thăm Chùa Quang Phúc tại số 32 ngõ 506 đường Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Bạn không cần mang đến vật chất, chỉ cần mang đến yêu thương.

MAI ANH

1