Giới thiệu Kinh Vu Lan
Kinh Vu Lan là một bộ kinh gồm ba phần: Phần dẫn nhập, phần Chánh kinh và phần hồi hướng. Đây là một nghi thức thuần Việt có nhiều bài sám nguyện, thường đọc và tụng suốt mùa Vu Lan tháng bảy như là tháng báo hiếu của người con Phật.
Kinh Vu Lan có thể được đọc tụng hàng ngày để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền, đồng thời thắp sáng truyền thống hiếu đạo cho con cháu. Ngoài ra, nghi thức này có thể được sử dụng trong những dịp chúc mừng sinh nhật mẹ cha, chúc thọ cho ông bà và ngay cả các khóa lễ kỳ siêu cho cha mẹ quá cố và cửu huyền thất tổ.
Vì tính đa dạng của nghi thức, người tụng niệm phải chọn đúng bài sám nguyện với nội dung thích hợp. Tụng nghi thức này là để tiếp tục nuôi lớn các hạt giống biết ơn và đền ơn đối với hai đấng sinh thành.
Niên đại xuất hiện của Kinh Vu Lan này không rõ, nhưng gần nhất là vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Mặc dù tính chất nguyên thủy của bài kinh còn và gắn liền với văn hóa Trung Quốc, nhưng giá trị giáo dục đạo hiếu và đạo đức làm người trong hai kinh này là điều nổi bật và không thể phủ nhận. Kinh Vu Lan nhấn mạnh tính giáo dục và đạo đức con người.
Ý nghĩa Kinh Vu Lan
Thuật ngữ Vu Lan viết đủ là Vu Lan Bồn là từ dịch âm của người Trung Quốc về chữ Phạn "Ullambana". Một dịch âm khác nữa là Ô Lam Ba Na, tuy tương đối gần âm với chữ Phạn hơn nhưng chữ này lại không thông dụng trong giới Phật giáo.
Theo quan niệm thông thường, "ullambana" được ngài Trí Húc dịch nghĩa là "giải đào huyền", về sau được diễn dịch thành "giải đào huyền, cứu thống khổ". "Giải" là động từ có ý nghĩa là cởi trói, hay giải phóng ai ra khỏi một cái ách nào đó. "Đào" là "ngược" hay "dốc đầu xuống đất, chân chỏng lên trời", nhằm ám chỉ cho hình thức nghiêm khắc và đau đớn tột độ của hình phạt. "Huyền" là "treo". Như vậy "giải đào huyền" có nghĩa là "tháo bỏ các cực hình treo ngược của nghiệp xấu" và "cứu thống khổ" là cởi trói ách đau khổ cùng cực của chúng sanh trong các đường dữ.
Theo tinh thần của Kinh Vu Lan, cái khổ nguy khốn nhất của chúng sinh là bị sinh vào cảnh giới quỷ đói. Do đó, tháo gỡ cái cực hình treo ngược là tháo gỡ cái ách bị đày đọa trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.
Nội dung Kinh Vu Lan
Nhân sự kiện Đức Phật đáng lễ đống xương khô trong đó có cha mẹ nhiều đời trong quá khứ của Ngài, Đức Phật đã giảng dạy về 10 đức ân của hai đấng sinh thành như sau:
- Giữ con khi mang thai,
- Khổ đau trong sinh nở,
- Lo lắng trăm bề đến lúc sinh,
- Nuốt đắng nhả ngọt,
- Nhường khô nằm ướt,
- Bú mẹ nuôi nấng,
- Tắm rửa săn sóc,
- Thương nhớ không nguôi,
- Quá vì con, thậm chí làm ác,
- Thương con trọn đời.
Để con cháu đền đáp công cha nghĩa mẹ, Đức Phật dạy phương pháp báo hiếu về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Nếu đối với cha, công ơn trời biển thuộc về phần nuôi nấng và giáo dục con cái thì đối với mẹ là cả bầu trời tình thương, mười tháng cưu mang, ba năm bú mẹ, cho đến lúc con cái được trưởng thành và hạnh phúc trong đời.
Trong hành trình mang lại hạnh phúc cho con cái, đôi lúc cha mẹ đã hy sinh hạnh phúc của bản thân. Có nhiều bậc cha mẹ trong kế sinh nhai đầy lao khó đã phải bất đắc dĩ "tính sao có lợi thì làm khác, Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm".
Hiểu được công ơn trời biển của hai đấng sinh thành, tất cả những người làm con phải lo báo hiếu cù lao. Đạo đức của lòng hiếu thảo theo kinh này khởi đi bằng đời sống đạo đức của bản thân, thấy được sự ân trọng, nỗ lực đền đáp bằng tất cả tấm lòng trong mọi tình huống, dù trong lúc khốn đốn khó khăn, vật đổi sao dời, lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ trước sau như một.
Vì tình thương và tấm lòng của cha mẹ dành cho con cái là không bờ bến. Tất cả sự báo hiếu của con thảo cháu hiền chỉ đáp đền được phần nào trong muôn một. Những kẻ bất hiếu là tự gieo bất hạnh cho bản thân và khó có cơ hội sống trong hạnh phúc thật sự. Do đó hiếu thảo là nhu cầu không thể thiếu của hạnh phúc và là giá trị làm thăng hoa mọi giá trị trong cuộc đời.
Đạo hiếu thảo Điểm nổi bật và quan trọng nhất trong kinh Vu Lan là đạo hiếu như một phương pháp tu tập. Nếu trong kinh Vu-lan, đương sự báo hiếu là Ngài Mục-kiền-liên, vị đệ tử lỗi lạc với thần thông số một, thì trong kinh Báo Ân, sự báo hiếu được khởi đi bằng sự kiện đức Phật đáng lễ đống xương khô, trong đó có cửu huyền thất tổ của Ngài. Giá trị giáo dục ngụ ý của hai kinh này rất cao: Thánh nhân và Phật còn hiếu thảo với cha mẹ như vậy thì huống hồ là người phàm phu tục tử chúng ta mà không chịu sớm lo báo đáp. Điều đó còn nói lên rằng đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Thiếu hiếu thảo, tính cách đạo đức của con người đã bị phá vỡ và do đó không thể trở thành các bậc hiền thánh để đời ca tụng và học hỏi theo được.
Đạo hiếu thảo là đạo làm người và đạo làm thánh. Đây là bước khởi đầu của mọi đạo lý trên đời. Nếu tính cách thiêng liêng của đạo hiếu bị phá vỡ thì tính cách đạo đức của một cá nhân cũng không thành tựu được. Nghĩa là người bất hiếu không phải là người hiền lương và đạo đức, và do đó không phải là con người đúng với nghĩa là một động vật tiến hóa về ý thức và đạo đức.
Cách thức mà Ngài Mục-kiền-liên cứu thoát mẹ Ngài khỏi cảnh quỷ đói là nhờ vào oai đức giáo hóa qua hình thức chú nguyện của cộng đồng tị-kheo thanh tịnh và có đủ giới đức. Đây là điểm quan trọng trong Kinh Vu Lan. Oai đức của cộng đồng được xem như biển cả bao la, có thể giúp chúng ta hoàn tất các Phật sự một cách mỹ mãn: Ở đây là giáo hóa và cứu độ nạn nhân trong thế giới ngạ quỷ. Nội dung của bài kinh khuyến khích và dạy bảo chúng ta nên sống nương tựa vào đạo đức cộng đồng trong việc tu tập và làm Phật sự. Do đó đạo đức cộng đồng được xem là giải pháp của mọi vấn đề đạo đức và luân lý của thời đại.
Trong công cuộc giáo hóa chúng sinh, chúng ta cần đến một sức mạnh đạo đức tổng hợp và mang tính cộng đồng như vậy. Chính nhờ vào đạo đức cộng đồng của các vị thánh tăng và cao tăng nghiêm trị giới luật, mẹ Ngài Mục-kiền-liên đã được “cảm hóa” rồi đi đến “tự chuyển hóa” và nhờ đó bà được giải thoát.
Bà được thoát cảnh ngạ quỷ không chỉ đơn thuần do sức chú nguyện của mười phương tăng. Thật chất là do sức oai thần đạo đức của mười phương tăng đã cảm hóa được bà, giúp bà tự chuyển hóa các nghiệp xấu ác của ngạ quỷ, phát huy tối đa nghiệp thiện, tái sinh về cảnh giới tốt. Đây là một quy trình vừa tâm lý vừa đạo đức trên nền tảng nỗ lực của tự tâm.
Nói cách khác nếu bản thân mẹ của Ngài Mục-kiền-liên không tự nỗ lực để chuyển hóa nghiệp xấu ác của chính bà thì oai đức của chư tăng cũng vô phương cứu chữa. Đó là mấu chốt của vấn đề cứu độ trong Kinh Vu Lan.
Một vấn đề cần lưu tâm về Kinh Vu Lan là vấn đề phương pháp báo hiếu qua việc cúng dường trai tăng trong ngày rằm tháng 7. Kinh văn chép đó là ngày Phật hoan hỷ và chư tăng thanh tịnh sau ba tháng chuyên ròng tu tập thiền định và phát huy giới đức. Thực ra, không phải chỉ có ngày rằm tháng 7 Đức Phật mới hoan hỷ. Đức Phật luôn luôn hoan hỷ trong mọi thời gian. Nói cách khác nơi nào và lúc nào, có những người con hiếu thảo, cung kính, nuôi dưỡng cha mẹ đúng pháp, nơi đó có sự hoan hỷ của Phật, nơi đó có sự sống đạo đức. Nơi nào con cái bất hiếu ngỗ nghịch với cha mẹ, nơi đó không có sự hoan hỷ, mà chỉ có mặt của đau khổ và bất hạnh. Sở dĩ kinh văn nói đến rằm tháng 7 là ngày Phật hoan hỷ là nhằm nhấn mạnh vào hành vi hiếu thảo của các người con trong ngày mang tính biểu tượng đạo hiếu và báo hiếu này.
Kế đến việc cúng dường chư tăng, kinh văn có nói "sắm đủ mọi phẩm vật tươi tốt và thượng hạng". Đây là một cách mô tả mang tính ẩn dụ văn học. Cách mô tả của Kinh Vu Lan văn phản ánh một quan niệm rằng người con hiếu thảo phải sẵn lòng vì cha mẹ không tiếc tiền của để báo đáp công ơn sanh thành của cha mẹ. Sắm các thức ăn ngon và sang trọng phải được hiểu là cách thể hiện lòng chí thành hay chân thành của người con đối với việc chu lo cho cha mẹ, chứ không nhất thiết là các phẩm vật thượng hạng trong thực tế. Một khi lòng đã chân thành rồi thì số lượng và khối lượng vật chất dùng vào việc hiếu thảo không còn là vấn đề nữa.
Nói cách khác, khi có đủ lòng chân thành thì cúng cho Tam bảo một nén hương, một bát nước, một cành hoa, một trái cây cũng là báo hiếu cha mẹ được. Thế mới biết trong đạo Phật chữ tâm quan trọng đến thế. Tâm là tiêu chí đánh giá thiện ác và là cái cân để đo lường các trị số đạo đức của hành vi, trong báo hiếu nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Đạo Phật trong ý nghĩa này được xem đạo dạy về tâm, huấn luyện về tâm và tu tập về tâm.
Hình ảnh: Lễ hội Vu Lan là lễ hội của hiếu thảo, thương kính cha mẹ. Hiếu thảo cha mẹ thì chúng ta phải biết kính trọng cha mẹ, vâng lời cha mẹ dạy, phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ, sớm thăm tối viếng khi cha mẹ đau ốm, hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo, trở thành người Phật tử chân chánh, nếu cha mẹ chưa trở về với chánh pháp.
Vậy đối tượng giáo dục của Kinh Vu Lan này là ai? Ngài Mục-kiền-liên? Mẹ Ngài Mục-kiền-liên? Hay chúng sinh nói chung? Câu trả lời ngắn gọn là thông điệp của Kinh Vu Lan là dành cho tất cả loại người, những người từng là con và do đó phải có trách nhiệm đền đáp ân nghĩa sanh thành và nuôi nấng của cha và mẹ. Kinh Vu Lan còn hướng đến những chúng sinh đang bị đau khổ, do bị nghiệp bất thiện gây ra trong đời sống hiện tại cũng như trong quá khứ.
Do đó việc báo hiếu không chỉ dành cho hàng đệ tử tại gia mà còn chung cho hàng xuất gia; việc cứu độ không chỉ dành cho người sống mà còn cho người quá vãng. Với tinh thần cứu sanh độ tử, đạo Phật đã thật sự đi vào ngõ ngách của cuộc sống. Độ người còn sống để giúp họ sống hạnh phúc ở hiện tại và tương lai. Độ người đã chết để giúp họ sớm thoát khỏi cảnh giới xấu xa và đau khổ. Nếu người hành trì đạo Phật muốn biến đạo Phật thành đạo chỉ “độ người sống” mà không có “độ người chết” thì họ đã làm cho đạo Phật trở nên không trọn vẹn.
Ngược lại, nếu biến đạo Phật thành đạo chỉ có độ người chết mà không có độ người sống lại làm cho đạo Phật không còn là đạo Phật nữa. Nói cách khác, đạo Phật quan tâm đến nhiều phương diện của đời sống, bao gồm sống và chết. Các hình thức nghi lễ cúng kiến cho người chết mà không thuyết pháp để độ người sống sẽ biến đạo Phật thành một “đạo ma chay”, điều mà Đức Phật đã từng lên án khi Ngài còn tại thế. Mong sao những người con Phật ý thức được việc làm của mình, không biến đạo Phật từ một đạo vị nhân sinh sống động thành một đạo vì người chết.
Từ phương diện xã hội, lễ Vu Lan Báo Hiếu còn là dịp tốt để người Phật tử phát tâm cúng dường Tam bảo, làm việc nhân từ, phóng sanh cứu vật... Tinh thần trong Kinh Vu Lan dạy chúng ta ý thức độ lượng, bao dung, hướng đến và giúp đỡ người khác trong tinh thần vô vị lợi. Ngoài ra, Vu Lan còn là cơ hội tốt cho chúng ta phát tâm bồ đề hướng đến các chúng sinh ngạ quỷ đang đau khổ, làm các việc công đức để hồi hướng cho họ. Một lễ hội có nhiều giá trị đạo đức và luân lý như vậy cần được phát huy để cho sự sống của con người hôm nay và mai sau thật sự an lạc trong đạo lý và tình người.
Cách tụng niệm Kinh Vu Lan
Từng câu chữ trong Kinh Vu Lan có ý nghĩa lý rất thâm sâu và vi diệu, có câu chữ mang chất ẩn dụ cao, đọc qua một hay hai lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được. Do đó, khi tụng kinh , chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý từng câu chữ.
Trước khi tụng Kinh Vu Lan, ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải trang nghiêm. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho ngay thẳng. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe.
Chỉ có con đường tự chuyển hóa tâm thức chính mình, qua sự hướng đạo của Tam bảo, hành vi và lời nói của chúng ta sẽ trở nên thiện. Đây là con đường cứu độ bản thân và tha nhân có hiệu quả nhất. Mọi hình thức trông chờ và phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác chỉ là phản ánh của một nhận thức sai lầm về quy luật nhân quả "ai làm lấy chịu, ai tu nấy chứng" của Đức Phật và tệ hơn nữa là một sự đổ vỡ của đời sống hướng thượng của bản thân. Kinh Vu Lan và lễ hội báo hiếu đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống mãi trong đạo đức chữ hiếu và đạo lý làm người, của tất cả con người trên hành tinh.