Kiến thức phật giáo

Ý nghĩa đặc biệt của tượng 18 vị La Hán

Phap Ngo Thich

La Hán là những đệ tử đắc đạo của Phật. Khi tu thành chánh quả La Hán nghĩa là đã đoạn tuyệt được với thất tình lục dục, vĩnh viễn giải thoát khỏi luân hồi....

La Hán là những đệ tử đắc đạo của Phật. Khi tu thành chánh quả La Hán nghĩa là đã đoạn tuyệt được với thất tình lục dục, vĩnh viễn giải thoát khỏi luân hồi. Trong thế giới Phật Pháp, chúng ta thường nghe đến tượng 18 vị La Hán, vậy quý vị đã hiểu hết về ý nghĩa của từng bức tượng chưa. Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Ý nghĩa của tượng 18 vị La Hán

Mỗi bức tượng La Hán là một kiệt tác để đời dành cho nhân loại. Tượng đã khắc họa chân dung của từng vị với những ý nghĩa khác nhau.

1. Tân Đầu Lô Tôn Giả - Tọa Lộc La Hán

Tọa Lộc La Hán tên là Tân-đầu-lô-phả-đọa (Pindola Bharadvaja). Ngài xuất thân từ dòng Bà-la-môn, vốn là một đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền. Ngài thích xuất gia nên đã rời bỏ xa hoa gấm vóc nơi triều đình để vào rừng núi tu tập. Ngài đã đắc đạo thành chứng Thánh quả cưỡi hươu về triều để khuyến hóa vua. Hình tượng ngài ngồi trên lưng con Hươu thong dong, tự tại đã minh chứng cho những tháng ngày tu thành chính quả. Nhân đó, ngài đã được tặng danh hiệu La-Hán cưỡi Hươu, hay còn gọi là La Hán Tọa Lộc.

2. Già La Già Phạt Tha Tôn Giả - Khánh Hỷ La Hán

Khánh Hỷ La Hán tên là Ca-nặc-ca-phạt-tha (Kanakavatsa), còn gọi là Yết-nặc-ca-phược-sa. Tượng của ngài được khắc họa với gương mặt tươi cười phúc hậu nhắc chúng ta cần khéo léo trong đối nhân xử thế, bỏ ác theo thiện. Muốn thu phục nhân tâm phải lấy chân thành đối đãi, muốn được người người ngưỡng trọng nghe theo thì quý vị cần phải nỗ lực tinh tấn tu tập, rèn luyện biện tài thuyết pháp thì mới mong có thể chiêu phục được người khác.

3. Già Nặc Già Bạt Ly Noa Đóc Tôn Giả - Cử Bát La Hán

Cử Bát La Hán có tên là Ca-nặc-ca-bạt-ly-đọa-xà (Kanaka Bharadvaja). Hình tượng Cử Bát nghĩa là ngài luôn mang theo bên mình một cái bát sắt khi du hành khất thực. Khất thực là một việc không thể thiếu đối với các vị chân tu. Khất thực là cách để rèn luyện sự nhẫn nhục, kiên trì, từ bi. Cho nên, ý nghĩa của tượng ngài Cử Bát La Hán là muốn nói hết thảy chúng sanh hãy tin tưởng vào Phật Pháp và tu tập mới mong giải thoát khỏi vô minh phiền não.

4. Tô Tần Đà Tôn Giả - Thác Tháp La Hán

Thác Tháp La Hán có tên là Tô-tần-đà (Subinda). Ngài là người rất tinh nghiêm, nhiệt tình giúp đỡ người khác nhưng lại ít thích nói chuyện, giao tiếp không hay. Nhưng như Đức Phật đã nói việc này chẳng liên quan gì đến vấn đề giác ngộ.

Quả thật, Tô-tần-đà đã tu tập nghiêm chỉnh và chứng quả La Hán. Hình tượng Ngài được họa ra với bản tháp thu nhỏ trên tay và nâng lên ngang ngực. Tháp là nơi thờ xá lợi Phật, khi giữ tháp bên mình là giữ mạng mạch Phật pháp. Cho nên, Ngài được gọi là La-hán Nâng Tháp.

Ý nghĩa của hình tượng này là dù quý vị có là người như thế nào chăng nữa, trong tâm có Phật, biết tu tập tinh tấn tất sẽ tu thành chính quả, đạt được giải thoát.

5. Nặc Cự La Tôn Giả - Tĩnh Tọa La Hán

Tĩnh Tọa La Hán tên là Nặc-cù-la (Nakula). Hình tượng ngài được khắc họa đang ngồi kiết già trên phiến đá. Theo truyền thuyết thì ngài thuộc thuộc giao cấp Sát-đế-lợi có sức mạnh vô song, đời sống chỉ biết có chiến tranh chém giết. Khi theo Phật xuất gia, Ngài đạt quả A-la-hán trong tư thế tĩnh tọa.

Hình ảnh này muốn nói rằng bằng con đường tu tập chân chính, công phu tọa thiền, quán chiếu bằng trí tuệ, sức nhẫn nhục bền bỉ, nghiêm trì tịnh giới mới đạt được định lực không thối chuyển. Những quý vị nào đã tu tập theo Phật Pháp, phải đảm đảm tuân theo những gì Phật dạy, có như thế mới là đạo Phật chân chính, mới có thể thoát khỏi vô minh phiền não.

6. Bạt Đà La Tôn Giải - Quá Giang La Hán

Quá Giang La Hán có tên gọi là Bạt-đà-la (Bhadra). Bạt-đà-la còn gọi là Hiền, vì mẹ Ngài hạ sanh Ngài dưới cây Bạt-đà, tức là cây Hiền.

Theo truyền thuyết ngài là người thích tắm rửa, một ngày có thể tắm cả chục lần. Lúc mọi người làm việc khác ngài lại tắm, lúc mọi người đi ngủ ngài cũng tắm, đêm tắm đến năm, sáu lần. Khi đức Phật biết đến điều này đã chỉ dạy cách tắm rửa cho Thế Tôn. Tắm - nghĩa là vừa tẩy rửa thân thể vừa tẩy rửa những ô uế trong tâm, gột sạch các tham sân si phiền não để tâm thanh tịnh. Từ đó, ngài làm theo và chứng được quả A-la-hán.

Chính vì thế, tượng ngài mang lại ý nghĩa phản tỉnh tư duy, chỉ ra việc tắm rửa là một pháp tu hữu dụng thiết thực trong đạo Phật.

7. Già Lý Già Tôn Giả - Kỵ Tượng La Hán

Kỵ Tượng La Hán có tên là Ca-lý-ca (Kalica), trước khi xuất gia tu tập Ngài làm nghề huấn luyện voi. Khi Tôn giả chứng quả A-la-hán, đức Phật bảo Ngài ở lại quê hương để ủng hộ Phật Pháp. Từ đó cái tên Kỵ Tượng La Hán đã gắn liền với ngài.

8. Đốc La Phật Đa La Tôn Giả - Tiếu Sư La Hán

Ngài có tên là Phạt-xà-la-phất-đa-la (Vajraputra). Hình tượng Ngài được khắc họa khá mạnh mẽ và trông dữ tợn như chính những gì ngài đã làm trước khi xuất gia. Trước khi xuất gia, ngài làm nghề thợ săn. Với thể lực tráng kiện, ngài có thể một tay nâng voi, nắm sư tử ném xa 10 mét. Sau khi xuất gia, Ngài nỗ lực tu tập, bên cạnh luôn có một con sư tử quấn quýt, cho nên mới có biệt hiệu là La Hán Đùa Sư Tử hay còn gọi là Tiếu Sư La Hán.

9. Tuất Bác Già Tôn Giả - Khai Tâm La Hán

Ngài tên thật là Thú-bác-ca (Jivaka). Ngài vốn là một Bà-la-môn nổi danh, đã từng chứng kiến sự nhiệm màu của Phật thông qua việc chặt cây trúc dài đo thân Phật, nhưng đo cách gì thân Phật vẫn cao hơn một chút. Dù đổi thang dài hơn bao nhiêu, đo đến mười mấy lần, thân Phật vẫn cao hơn. Kể từ đó ngài khâm phục và xin quy y làm đệ tử. Sau 7 năm khổ hạnh, ngài được chứng quả A-la-hán và có tên là Khai Tâm La Hán.

Hình tượng của ngài được khắc họa là vạch áo bày ngực để hiển lộ tâm Phật. Điều này muốn nói đến đức tin bất diệt không gì có thể thay đổi, xem Phật Pháp nhiệm màu là chân lý ngàn đời của Ngài. Quý vị Phật Tử khi thấy tượng ngài là tự khắc hiểu được đức tin quan trọng như thế nào, nó làm cho con người trở nên khai sáng ra sao.

10. Bán Thác Già Tôn Giả - Thám Thủ La Hán

Ngài có tên là Bán-thác-ca (Panthaka), theo dịch thuật của Trung Hoa có nghĩa là Đại lộ biên sanh, hay còn gọi là sanh ở bên đường. Hình tượng của ngài được khắc họa đưa hai tay lên rất sảng khoái của một vị La-hán sau cơn thiền định. Điều này mang lại ý nghĩa rằng ngài đã giác ngộ, tinh tấn dõng mãnh khi tu tập theo Phật Pháp.

11. Hầu La Tôn Giả - Trầm Tư La Hán

Ngài có tên là La-hầu-la (Rahula). Trước khi xuất gia, ngài có tánh vương giả, hay trêu ghẹo người. Nhưng sau khi giác ngộ tu Phật, ngài liền biến thành vị Tỳ Kheo khiêm cung nhẫn nhục, không tranh hơn thua, Sau khi theo Phật xuất gia, nhờ sự giáo dưỡng của Thế Tôn, Ngài bỏ dần tập khí vương giả và thói xấu trêu ghẹo người, nỗ lực tu tập để chứng Thánh quả.

12. Na Già Tê Na Tôn Giả - Khoái Nhĩ La Hán

Khoái Nhĩ La Hán tên là Na-già-tê-na (Nagasena) hay còn gọi là Na Tiên. Nagasena lược dịch theo tiếng phạn nghĩa là đội quân của rồng và tượng trưng sức mạnh thiên nhiên.

Ngài chuyên tu về nhĩ căn, tượng của ngài được mô tả là vị La Hán đang ngoáy tai. Mọi âm thanh vào tai đều giúp cho tánh nghe hiển lộ, vô cùng lợi ích. Từ nhĩ căn viên thông phát triển thiệt căn viên thông, trở lại dùng âm thanh thuyết pháp đưa người vào đạo. Cho nên, ngài mới được Phật tặng biệt hiệu là Khoái Nhĩ La Hán.

Hay nói một cách dễ hiểu hơn, con người thường có một cái miệng để nói nhưng đến hai cái tai để nghe, hãy học cách lắng nghe. Đó được xem là biện pháp tu tập giúp chúng ta ngày càng thông suốt hơn. Ý nghĩa của tượng ngài là như vậy.

13. Yết Đà Tôn Giả - Bố Đại La Hán

Tên của Ngài là Nhân-yết-đà - Nhân-kiệt-đà (Angada). Truyền thuyết kể rằng Ngài là người bắt rắn ở Ấn Độ. Hành động bắt rắn này là để giúp đời giúp người vì xứ này nhiều rắn độc hay cắn chết người. Ngài bắt chúng và bẻ hết những răng nanh độc rồi phóng thích lên núi.

Hình tượng của ngài được khắc họa mập mạp, bụng to, túi vải lớn bên mình như là hiện thân của Bồ Tát Di Lặc. Hình tượng này mang lại ý nghĩa sâu sắc về lòng từ đức cao độ của Ngài, giúp đời giúp người. Mà trong đạo Phật, từ bi là cốt lõi của mọi hạnh nguyện.

14. Phạt Na Bà Tư Tôn Giả - Ba Tiêu La Hán

Ba Tiêu La Hán có tên là Phạt-na-bà-tư (Vanavàsin). Ngài được khắc họa với chân dung đang tọa thiền trên phiến đá lớn. Theo truyền thuyết ngài khi xuất gia thường thích tu tập trong núi rừng, đứng dưới các cây chuối nên còn được gọi là La Hán Ba Tiêu.

15. A Thị Đa Tôn Giả - Trường Mi La Hán

Ngài có tên là A-thị-đa (Ajita) thuộc dòng Bà-la-môn nước Xá-vệ. Truyền thuyết kể rằng lúc ngài vừa sinh ra đã có lông mày dài rủ xuống, đây là điềm báo kiếp trước ngài là một nhà sư. Sau khi theo Phật xuất gia, Ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.

Ngài là vị La Hán sau khi chứng quả vẫn thường du hóa trong dân gian. Nhờ vào sự hoằng dương này của Ngài đã giúp Đạo Phật trở nên hưng thịnh tại Ấn Độ. Cho nên, tượng của Ngài gắn liền với từ bi, đức hạnh, một lòng tín Phật, là nhân chứng sống để quý vị Phật Tử noi theo.

16.Chú Đồ Thác Già Tôn Giả - Kháng Môn La Hán

Ngài có tên là Chú-trà-bán-thác-ca, hay Châu-lợi-bàn-đặc (Culla Patka). Truyền thuyết kể rằng Phật giáo nhắc đến Ngài như một tấm gương cần cù nhẫn nại. Ngài được Phật tặng danh hiệu Kháng Môn La Hán nhờ vào thái độ tu tập, thực hành nhẫn nại của Ngài, mặc dù Ngài vốn là người làm gì cũng sai sót, không thông minh, hậu đậu.

17. Già Diệp Tôn Giả - Hàng Long La Hán

Tên của ngài là Nan-đề-mật-đa-la (Nandimitra). Hình tượng của ngài được khắc họa trong dáng vẻ rất mạnh mẽ, đang đấu nhau với một con rồng. Truyền thuyết kể rằng có một lần cả đảo Sư Tử bị Long Vương dâng nước nhấn chìm, Tôn Giả đã ra tay hàng phục một con rồng lớn và được tặng danh hiệu Hàng Long La Hán. Ngài là vị Đại La-hán thần thông quảng đại, đạo hạnh trang nghiêm.

18. Di Lặc Tôn Giả - Phục Hổ La Hán

Ngài có tên là Đạt-ma-đa-la (Dharmatrata). Thuở nhỏ, người đã có căn duyên tu tập, thường chiêm ngưỡng hình tượng 16 vị La Hán thờ trong điện. Với lòng thành tín đạo, ngài đã được các vị La Hán chỉ dạy tu tập. Từ đó ngài siêng năng tọa thiền, xem kinh và làm việc thiện, chẳng bao lâu chứng quả thành Phục Hổ La Hán.

Thông qua ý nghĩa của tượng 18 vị La Hán, quý vị đạo hữu Phật tử hãy phát nguyện tu tập theo gương các ngài. Dù quý vị trước đây có là ai, làm nghề gì, xấu xa ra sao, chỉ cần thật tâm tu tập, tất sẽ thành chánh quả.

Cách sắp xếp 18 vị La Hán thì có nhiều cách nhưng bạn sắp xếp sao cho phù hợp với không gian của nhà mình hoặc không gian ở chùa. Sau đây là hình ảnh sắp xếp 18 vị La Hán mẫu chúng tôi muốn chia sẻ cho các bạn tham khảo và áp dụng:

1