Tác giả: Lê Tuấn Huy
Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta và ảnh hưởng của nó trong TK 10 -14
Phật giáo là một triều lưu triết học - tôn giáo xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 TCN ở bắc Ấn Độ. Người sáng lập ra hệ thống triết học - tôn giáo này là Tất Đạt Đa (Siddhatha), thái tử của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) thuộc bộ tộc Sakiya. Vị thai tử này đã từng theo học các tu sĩ Ba La Môn từ năm lên bảy, kết hôn năm 16 tuổi, mười ba năm sau đó sống trong cuộc đời vương giả, nhưng trong một đêm tháng Hai năm vừa tròn 29 tuổi, đã lặng lẽ rời hoàng cung đi tìm chân lý. Trải qua sáu năm với những phương pháp tu luyện ép xác nhưng không đạt được chánh đạo, nhưng chỉ sau 48 ngày nhập định, Tất Đạt Đa ngộ rõ căn nguyên sinh thành, biến hóa của vũ trụ, căn nguyên của những khổ đau, và đề ra phương pháp diệt trừ nỗi khổ đó cho chúng sinh, bằng học thuyết “Nhân duyên sinh” và triết lý “Tứ diệu đế”, “Thập nhị nhân duyên”, “Bát chánh đạo”. Con người này đã đưa ông trở thành đức Phật Thích Ca đầy uy nghiêm tinh thần trong đời sống của người phương Đông từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Giáo lý nhà Phật tuy có nhiều tông phái khác nhau, nhưng tựu trung những điểm được đề cập sau đây vẫn là những nền tảng cơ bản.
Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta
Nguồn gốc nguyên thủy từ Ấn Độ của Phật giáo Việt Nam
Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta ở những bước căn bản đầu tiên thật ra không phải xuất phát từ Trung Hoa, mà chính là được truyền sang trực tiếp từ Ấn Độ. Dựa trên những chứng liệu lịch sử đáng tin cậy, một số nhà nghiên cứu chuyên sâu, có uy tín về Phật giáo đã khẳng định điều này. Quốc gia Âu Lạc đã bị Nam Việt của Triệu Đà thôn tính vào năm 179 TCN, và lập thành quận Giao Chỉ. Năm 110 TCN, Nam Việt trở thành nội thuộc của nhà Hán, Giao Châu theo đó mà cũng quy về, và được chia thành hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân.
Trên lãnh thổ của nhà Hậu Hán, sau đó đã tồn tại ba trung tâm Phật giáo là Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Sử liệu cổ của Trung Hoa cũng không ghi nhận được rõ ràng sự hình thành của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, chỉ có Luy Lâu thuộc Giao Chỉ là được xác định rõ ràng và sớm nhất, và còn là bàn đạp cho việc hình thành hai trung tâm kia.
Từ nửa sau thế kỷ thứ hai, Luy Lâu đã tồn tại như một trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh. Điều này cho thấy việc du nhập Phật giáo vào Giao Châu là rất sớm, có lẽ từ đầu công nguyên.
Vào đầu công nguyên, Ấn Độ đã có được sự giao thương mạnh mẽ với Trung Đông, và gián tiếp với vùng Địa Trung Hải, do đó họ cần có một nguồn cung cấp nguyên vật liệu, vật phẩm cho sự giao thương này. Họ giống buồm, theo gió mùa tây nam mà đi về đông. Họ đến Giao Chỉ, rồi có thể từ Giao Chỉ mà lại theo tiếp đường biển hay đường bộ vào trong nội địa Trung Hoa. Trong khi chờ gió mùa đông bắc để quay về Ấn, sự lưu trú của số thương gia này đã lan truyền dần những nét văn hóa Ấn Độ, trong đó có việc thờ cúng Phật, tượng kinh… Những tăng sĩ mà các thương nhân đem theo trên thuyền buôn nhằm làm công việc cầu khấn sự phù trợ của đức Phật, là những người đã trực tiếp truyền bá Phật học và lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu.
Một số chứng liệu, lập luận đáng chú ý khác cũng củng cố nguồn gốc khởi thủy sớm sửa từ Ấn Độ của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo Trung Hoa. Theo đó thì vào thời kỳ nhà Hán, Khổng và Lão giáo, đặt biệt là Khổng giáo, đã rất mạnh, giới trí thức Khổng, Lão đã chống lại Phật giáo, một luận thuyết tỏ ra khá xa lạ với những chuẩn mực đạo đức, xã hội của Khổng, Lão. Do đó mà Phật giáo rất khó để có thể thâm nhập. Người Hán muốn đưa Phật giáo vào, sau đó đã phải mượn thuyết “hoá Hồ” để dễ dàng hơn trong việc thực hiện công việc này. Trong khi đó, ở Giao Châu, Phật giáo xem ra rất phù hợp với tín ngưỡng dân gian, nên việc thâm nhập không gặp phải sự cản trở có ý thức.
Tiếp tục...