Quan Thế Âm hay Quán Thế Âm theo tiếng Phạn có nghĩa là "Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian" là một vị Bồ tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Quan Thế Âm Bồ Tát từ xưa đến nay luôn được nhắc đến như một vị Phật đại diện cho tấm lòng từ bi hỷ xả. Ngài che chở, bảo hộ chúng sinh vượt qua gian nan, khốn khổ.
Thờ phượng Ngài đã lâu nhưng liệu quý Phật tử có biết rốt cuộc Quan Âm Bồ Tát là nam hay nữ? Ngài xuất thân thế nào?...Mời quý vị cùng theo chân BUDDHIST ART để cùng nhau tìm hiểu về cuộc đời của vị Bồ tát đầy lòng từ bi này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Quan Thế Âm Bồ Tát là ai?
Theo kinh a di dà , Quán Thế Âm Bồ Tát cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát là trợ tuyên của đức Phật A Di Đà, được đặt danh hiệu Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát:
- Đại bị tức là lòng thương người bao la, rộng lớn.
- Quán nghĩa là xem xét, quán xét
- Thế là cõi thế gian
- Âm là lời cầu nguyện
Danh hiệu Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát chính là diễn tả những đức tính thương người, luôn lắng nghe những lời cầu cứu, cứu độ chính sinh của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Hàng năm, nhiều ngôi chùa thường tổ chức lễ vía Quan Thế Âm Bồ Tát vào các ngày:
- 19 tháng 2: lễ giáng sanh
- 19 tháng 6: lễ thành đạo
- 19 tháng 9: lễ xuất gia
2. Sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát
Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát gắn liền với câu chuyện về Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Diệu Thiện.
2.1. Quan Âm Thị Kính
Mẹ Quan Thế Âm trải qua rất nhiều nhân dạng để phổ độ chúng sinh. Vào kiếp thứ 10, Ngài đầu thai thành Thị Kính, tiểu thư nhà họ Mãng ở Cao Ly ( thuộc bán đảo Triều Tiên ngày nay). Được giáo huấn trong gia đình có truyền thống gia phong, Thị Kính vừa tài sắc vẹn toàn, vừa thảo hiền với mẹ cha. Khi lớn lên, nàng được gả cho Thiện Sĩ, một nho sinh nhà họ Sùng trong vùng.
Về làm dâu, Thị Kính vẫn hết mực kính trọng cha mẹ chồng, giữ đạo dâu con trong nhà. Một ngày nọ, khi đang may vá nàng thấy chồng mình ngủ thiếp đi khi đang đọc sách. Thấy trên cằm chồng có sợi râu, sẵn tay nàng dùng con dao nhíp cắt đứt sợi râu. Thiện Sĩ chợt tỉnh giấc, thấy vợ mình đang cầm dao gần cổ bèn la lên vì nghĩ Thị Kính đang cố sát mình.
Dù đã phân trần với cả gia đình chồng, nhưng dưới sức ép của ông bà Sùng Thiện Sĩ đã đuổi vợ mình ra khỏi nhà. Rời khỏi gia đình chồng, Thị Kính xuất gia quy y cửa Phật. Bà cải trang thành nam và trốn vào chùa xin tu, lấy Pháp danh là Kính Tâm.
Tướng mạo vốn xinh đẹp, sau khi cải trang thành nam có rất nhiều tín nữ đến chùa để ý. Trong số đó có Thị Mầu, là con gái nhà bá hộ trong vùng. Tính vốn phóng khoáng, Thị Mầu đã nhiều lần tìm cách tiếp cận để trêu ghẹo Kính Tâm nhưng đều nhận được sự từ chối. Ít lâu sau, Thị Mầu có thai với người đầy tớ trong nhà. Thai ngày một lớn dần, Thị Mầu bị bắt ra làng để tra hỏi. Trong lúc hoảng loạn, Thị Mầu khai bừa Kính Tâm chính là cha của thai nhi. Dù kêu oan, nhưng do không thể tiết lộ thân phận giả nam của mình nên Kính Tâm đã phải rời khỏi chùa. Lại nói về Thị Mầu, sau đó hạ sinh được một bé trai và đem đến gửi nhờ Kính Tâm nuôi dưỡng.
Vốn thương người, Kính Tâm nhận nuôi đứa trẻ. Thời gian trôi nhanh đến khi đứa bé lên 3 cũng là lúc Kính Tâm bị bạo bệnh. Biết mình không qua khỏi, Kính Tâm đã viết lại tâm thư gửi đến cha mẹ kể lại sự tình. Sau khi Kính Tâm qua đời, mọi người mới rõ nỗi oan khiên trên của Kính Tâm và cho lập đàn cầu đảo.
2.2. Quan Âm Diệu Thiện
Chuyện kể rằng Diệu Thiện là người con gái thứ ba của một vị vua. Dù sống trong nhung lụa giàu sang, nhưng khác với hai người chị lớn, công chúa luôn dành sự quan tâm của mình đến những người nghèo khổ khó khăn, chú tâm vào Phật Pháp.
Đến tuổi trưởng thành, khi biết vua cha có ý gả chồng, công chúa đã quỳ xin được xuất gia. Dù đã dùng nhiều cách thuyết phục nhưng vua cha vẫn không thay đổi được suy nghĩ của Diệu Thiện. Nhà vua vờ đồng ý cho công chúa được xuất gia, đồng thời ra lệnh cho vị sư trụ trì tìm mọi cách để thuyết phục công chúa hoàn tục. Dù vậy trong thời gian tu tập tại chùa, công chúa được tạo điều kiện tốt để tu học về Phật Pháp.
Biết chuyện, nhà vua vô cùng tức giận, sai binh lính đến đốt chùa. Trong trận hỏa hoạn, Ni Cô Diệu Thiện đã chắp tay lại thành hình búp sen, thành tâm cầu nguyện chư Phật cùng các chư Bồ tát. Bất ngờ thay, trời chuyển mây tạo mưa lớn dập tắt cơn hỏa hoạn.
Nhà vua ra lệnh bắt lấy Ni Cô Diệu Thiện và hạ lệnh xử trảm. Khi đao phủ chuẩn bị cầm đao thì bỗng xuất hiện một con hổ trắng xông vào và cõng Ni Cô mang đi.
Trong cơn mơ, Ni Cô Diệu Thiện thấy hổ trắng đã cõng mình xuống Diêm phủ. Tại đây Ngài đã gặp rất nhiều hình phạt dành cho các tội nhân mắc phải khi còn sống. Ni Cô đã chắp tay phát nguyện cứu độ cho mọi loài đang chịu những hình phạt thảm khốc. Sau khi tỉnh giấc, Ni Cô tiếp tục tu hành đắc đạo và phổ độ chúng sinh.
Mười phương chư Phật không hề có nữ thân. Hình tượng của Người chỉ là hình ảnh thị hiện chứ không phải là Phật thân của người.
Trong thời phong kiến, mọi quyền hành đều nằm trong tay nam giới nhưng không phải là không có những nữ lưu đủ khả năng lung lạc và điều khiển sự suy thịnh của một đất nước.
Vì thế Quan Âm Bồ Tát tùy duyên hóa độ, hiện người nữ nhằm chuyển hóa tâm xấu ác và cải thiện những xa hoa trụy lạc. Từ đó mà thế gian tạc tượng người theo thị hiện này.
Quán Âm hay Quan Âm đều là cách gọi khác nhau của 觀音 (lược xưng của 觀世音, trong Phạn ngữ là Avalokitesvara). Chữ 觀 (Guan) ở đây có hai âm là Quan và Quán. Với Quan là xem, nhìn và quan sát. Còn Quán là sự xem xét kỹ lưỡng, quan sát tường tận. Quan là nghe, nhìn bình thường của giác quan con người. Còn Quán thiên về tuệ giác, thấy được rõ bản chất của Pháp. Quán Thế Âm là lắng nghe mọi khổ đau của chúng sinh trong thế gian để cứu độ.
Do đó, dù là Quan Thế Âm hay Quán Thế Âm thì đều là danh xưng của Bồ Tát. Tuy nhiên, xét theo ngữ nghĩa thì Quán Thế Âm hợp với hạnh nguyện của Ngài hơn.
Bồ Tát Quán Thế Âm thường xuất hiện và được nhắc đến trong các kinh điển Đại Thừa. Là biểu tượng của lòng từ bi hỷ ái. Có rất nhiều hình tượng Quán Thế Âm xuất hiện. Vì phải có một hình tượng cụ thể thì chúng sinh mới có thể chiêm bái, lễ nguyện được.
Do đó, có thể nói rằng Quán Thế Âm Bồ Tát có thể là người Trung Hoa, có thể là người Ấn Độ, cũng có thể là người Tây Tạng Nepal,...Không hề có một đất nước cụ thể cũng không hề có một con người cụ thể. Để có thể cứu độ sự đau khổ của chúng sinh, mà lúc ấy thân tướng nào là phù hợp thì Ngài sẽ thị hiện thành.
Ngoài hình tướng mà chúng ta thường thấy thì mẹ Quan Âm còn có 32 hình tượng khác. Quý Phật tử sẽ biết được có bao nhiêu mẹ Quan Âm thông qua 33 hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Vì lòng từ bi của Quan Âm Bồ Tát cũng như sự hiện diện của Ngài đã mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta, hãy thường niệm danh xưng Quan Thế Âm Bồ Tát để được bình an, thanh tịnh và sự chữa lành trong cuộc sống hàng ngày.