Kiến thức phật giáo

Nên tụng Kinh gì vào ngày Giỗ?

Phap Ngo Thich

Xin cho mình hỏi, mỗi khi gia đình mình có giỗ các cụ hay bố mẹ ông bà, mình muốn đọc kinh tại nhà để hồi hướng công đức cho người đã khuất. Vậy ngày...

Xin cho mình hỏi, mỗi khi gia đình mình có giỗ các cụ hay bố mẹ ông bà, mình muốn đọc kinh tại nhà để hồi hướng công đức cho người đã khuất. Vậy ngày giỗ con cháu tụng kinh tại nhà được không? Nên tụng kinh gì sẽ tốt nhất cho vong linh giác ngộ? Nghi thức tụng kinh trong ngày giỗ ra sao?

Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Ngày giỗ: Ý nghĩa tục lệ cổ xưa

Ngày giỗ còn gọi là húy nhật hay kỵ nhật, là ngày mất của một người tính theo âm lịch, là dịp để con cháu và người thân hàng năm tổ chức cúng cơm tưởng nhớ đến người đã khuất, đồng thời cùng nhau gặp mặt nhận họ nhận hàng và bàn bạc những công việc chung của gia đình, dòng họ.

Cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, được coi là việc báo hiếu, là ngày con cháu tưởng nhớ đến công lao sinh thành, xây nền đắp móng của các bậc tổ tiên, và để cầu xin vong linh các bậc tiền bối phù hộ độ trì cho con cháu, cho gia đình, dòng họ.

3 ngày giỗ không thể quên dành cho các gia đình có người thân mới mất

Trong tục lệ cúng giỗ, căn cứ thời gian qua đời của người quá cố người ta lưu ý đến 3 ngày giỗ với những nghi thức khác nhau, đó là: Giỗ Đầu, Giỗ Hết và Giỗ Thường.

Ngày giỗ đầu:

Giỗ Đầu còn gọi là lễ Tiểu Tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây là thời gian còn nằm trong kỳ tang chế, nên ngày giỗ vẫn còn mang không khí buồn thảm, bi ai.

Trong ngày Giỗ Đầu, người ta thường tổ chức rất trang nghiêm. Con cháu vẫn mặc đồ tang phục (ngày nay đa số chỉ đeo băng tang trên ngực), một số gia đình lúc tế lễ và khấn gia tiên, thân nhân của người quá cố vẫn khóc than, tạo không khí nhớ thương buồn thảm. Khách đến ăn giỗ luôn ăn mặc chỉnh tề, giữ thái độ trang nghiêm, không cười đùa hoặc có những cử chỉ thiếu sự nghiêm túc.

Ngày giỗ hết

Giỗ Hết còn gọi là lễ Đại Tường, là ngày giỗ sau ngày người mất hai năm. Theo tục lệ thì thời gian này cũng vẫn nằm trong kỳ tang chế nên người ta vẫn tổ chức lễ giỗ với nghi thức trang nghiêm.

Ngày giỗ hết được cho là ngày giỗ quan trọng nhất trong tất cả những ngày giỗ đối với người qua đời, bởi nó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của người còn sống cũng như đối với vong linh của người đã khuất. Chính vì vậy Giỗ hết thường được tổ chức long trọng, con cháu, người thân thường có mặt đông đủ, khách mời dự cũng được mở rộng.

Sau lễ Giỗ Hết ba tháng (tức sau 27 tháng để tang người mất), người nhà sẽ chọn một ngày tốt để làm lễ Đoạn tang (hết tang). Lễ Đoạn tang còn gọi là lễ Đàm tế hay lễ Trừ phục (bỏ hết mọi đồ tang phục). Trong lễ này người ta làm ba việc chính sau đây:

  • Sửa sang, đắp điếm cho mộ phần to đẹp thêm.
  • Đốt hủy các thứ thuộc phần tang lễ như: khăn áo, băng tang, gậy chống, rèm sô, câu đối, trướng điếu..., bỏ bàn thờ vong để rước linh vị vào bàn thờ gia tiên.
  • Cáo yết tổ tiên để xin cho rước bát hương vào bàn thờ gia tiên.

Sau khi làm lễ, người nhà đưa linh vị, di ảnh và bát hương thờ vong linh người quá cố vào thờ chung ở bàn thờ gia tiên theo thế thứ sắp đặt. Người ta cũng có thể lấy 3 chân nhang ở bát hương người quá cố cắm chung vào bát hương hội đồng ở bàn thờ gia tiên thay cho việc chuyển cả bát hương lên.

Sau lễ này người đang sống sẽ trở lại cuộc sống thường nhật, có thể tham gia các tổ chức hội hè, đình đám, vui chơi; người vợ có chồng chết có thể đi bước nữa.

Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người đã có những nhận thức mới, đa số đều thực hiện sau Giỗ Hết là bỏ tang chế. Đặc biệt, đối với những người chết được hỏa táng thì người ta cho rằng họ đã sớm được "sạch sẽ" nên lễ Đoạn tang sẽ tiến hành ngay sau Giỗ Hết chứ không phải chờ thêm 3 tháng nữa, thậm chí có gia đình ngay sau lễ Tốt Khốc (100 ngày) đã đưa di ảnh và chân hương lên thờ chung ở bàn thờ gia tiên.

Ngày giỗ thường

Giỗ Thường còn gọi là ngày Cát kỵ, là ngày giỗ sau ngày người mất từ ba năm trở đi. Cát kỵ nghĩa là Giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu mặc đồ thường phục, không còn mặc tang phục nữa.

Đây là dịp để con cháu sum họp vừa để tưởng nhớ người đã khuất, vừa vui vẻ nhận biết người thân, giới thiệu họ hàng, bàn những chuyện về gia đình, dòng họ. Thường thì ngày Cát kỵ được tổ chức nhỏ gọn hơn, chủ yếu trong phạm vi gia đình chứ không mời khách khứa rộng rãi như hai kỳ Giỗ Đầu và Giỗ Hết.

Ngày giỗ nên tụng kinh gì? Tụng như thế nào?

Đến ngày giỗ ông bà cha mẹ mà không đủ duyên hay không có điều kiện mời chư Tăng Ni tụng kinh siêu độ thì con cháu trong nhà nên tụng kinh để cầu nguyện, báo hiếu.

Thường thì vào đêm trước ngày giỗ, sau khi sắm lễ hương đèn hoa quả dâng cúng Phật và gia tiên, con cháu tập trung trước bàn thờ Phật tụng một biến kinh A Di Đà, theo như những chỉ dẫn của Nghi thức Cầu siêu trong kinh nhật tụng . Bạn nên chọn kinh Nhật tụng tiếng Việt (tránh âm Hán-Việt) để vừa trì tụng và có thể hiểu nghĩa lý trong kinh.

Sang ngày hôm sau, đúng ngày giỗ, vào buổi trưa hoặc buổi tối, bạn sắm một mâm cỗ chay dâng cúng hương linh. Lễ phẩm thì tùy tâm, cốt là “lễ bạc mà lòng thành”, nên hạn chế đến thấp nhất rượu bia, vàng mã. Nếu không thuộc văn cúng, bạn có thể thành tâm khấn nguyện, rót nước, lễ lạy trước bàn thờ gia tiên thỉnh cầu chư hương linh thọ dụng, chứng minh cho sự hiếu thảo của con cháu là được.

Nếu các gia đình có thời gian thì trong ngày giỗ, tổ chức tụng kinh cầu siêu trước, kế đến cúng giỗ cùng trong một ngày lại càng hay.

Theo Tamlinh.org (tổng hợp)

1