Trong thế giới huyền bí của Đạo Mẫu Tứ Phủ, trên đỉnh cao là một vị Đức Vua Cha cao cao tại thượng, ngự trị muôn cõi thế gian - Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, danh xưng của ngài vang vọng khắp tứ phủ bởi bở nắm giữ quyền năng vô biên với tấm lòng thương con dân cao thượng. Qua bài viết này của Website Tứ Phủ, chúng tôi sẽ đem tới cho bạn góc nhìn đầy đủ nhất về Vua Cha Ngọc Hoàng là ai? Ngài được thờ ở đâu? Ngài có thần thông thế nào?… Mong các bạn hãy hoan hỷ đón nhận và thảo luận để có được thông tin đúng đắn nhất. Bắt đầu thôi nào!
Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế là ai?
Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế (còn gọi là Vua Cha Thiên Phủ) là vị thần linh đứng đầu trong 4 vị Đức Vua Cha của hệ thống Tứ Phủ Vạn Linh trong Đạo Mẫu. Ngự trị tại Thiên Phủ, nắm quyền cai quản toàn cõi Tứ Phủ. Ngài có quyền lực siêu linh điều khiển mây, mưa, sấm, chớp, gió, nước, lửa... điều binh khiển tướng để tạo phước cho dân lành, trừng trị kẻ ác.
Theo ghi chép về các truyền thuyết tại Việt Nam thì trong Đạo Mẫu, Đức Vua Cha Ngọc Hoàng chính là vua cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Thánh Mẫu Thần Chủ). Nên theo vai vế thì việc Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế mới là người đứng đầu Tứ Phủ cũng không sai.
Tuy nhiên do Vua Cha Ngọc Hoàng thường không trực tiếp cai quản từng vùng Thiên, Địa, Thoải và Nhạc Phủ mà phân cho các vị thần thánh khác nhận quyền cai quản, ban phước cho dân chúng và ngài cũng có quyền phong thưởng hoặc xử phạt các vị thần tiên dưới quyền chẳng hạn như việc Ngài mời Tản Viên Sơn Thánh lên ngự tọa tại ngôi Vua Cha Nhạc Phủ. Do đó mà theo quan niệm thì Thánh Mẫu Thần Chủ mới là người đứng đầu trực tiếp cai quản trong hệ thống Đạo Mẫu.
Nguồn gốc Ngọc Hoàng Thượng Đế
Hiện nay theo nghiên cứu từ các điển tịch thì các ghi chép về Ngọc Hoàng Thượng Đế tại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng do Phật giáo của Ấn Độ gặp Đạo giáo của Trung Quốc rồi truyền qua Việt Nam. Đến đây gặp tín ngưỡng bản địa thì tạo thêm những hình tượng mới.
Sau này ở Việt Nam hình thành và phát triển tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (ba tôn giáo Phật, Lão, Nho cùng một gốc) nên trong đền có thờ cả Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thần Tiên, Mẫu, và cả những người có công với triều đình, quốc gia, tạo nên một thế giới tâm linh chung, không còn tách biệt, mà trong đó Phật là trung tâm và được đặt cao nhất.
Về hình tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế trong Đạo Giáo của Trung Quốc. Có danh xưng đầy đủ là Hạo Thiên Kim Khuyết Ngọc Hoàng Thượng Đế (昊天金闕至尊玉皇大帝). Ở đây chúng tôi sẽ trích dẫn thông tin được lưu truyền trong Đạo Giáo để đọc giả có thêm thông tin về Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Về lai lịch của Ngọc Hoàng Thượng Đế, trong cuốn Cao Thượng Ngọc Hoàng Bản Hạnh Tập Kinh (高上玉皇本行集經) của Đạo giáo cho rằng vào thời xa xưa tại Quang Nghiêm Diệu Lạc Quốc (光嚴妙樂國), vua Tịnh Đức Vương (淨德王) và Hoàng Hậu là Bảo Nguyệt Quang (寶月光) sau khi được Thái Thượng Lão Quân báo Mộng thì hạ sinh được một vị Thái Tử. Thái Tử trời sinh thông minh, tài giỏi phụ giúp vua cha quản việc nước, thương dân và chăm làm việc thiện.
Sau khi vua cha băng hà thì Thái Tử từ bỏ ngôi vị, vào trong Phổ Minh Hương Nham Sơn (普明香岩山) tu đạo, trải qua 3.200 kiếp, mới chứng được Kim Tiên, hiệu là Tự Nhiên Giác Hoàng. Sau đó, lại trải qua cả trăm triệu kiếp mới chứng thành Ngọc Đế, hy sinh thân mạng để cứu độ chúng sanh. Ngọc Hoàng ở tại một cung điện trên trời gọi tắt là điện Linh Tiêu, cùng với vợ mình là Tây Vương Mẫu.
Theo quan niệm của Đạo Giáo thì có cả thảy 13 tầng trời, mỗi tầng rộng 3 vạn dặm. Ngoài các tầng trời gọi là Vô Cực còn trong các tầng trời gọi là Thái Cực. Thái Cực lại chia ra thánh 5 thiên (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Thiên).
- Trung Thiên: là nơi cư ngụ của Ngọc Hoàng điều khiển 36 Thiên Cang (tầng trời), 3000 thế giới và dưới là 72 địa sát, tứ đại Bộ Châu có các sinh linh đang sống.
- Bắc Thiên: Ngọc Hoàng giao cho Tử Vi Đại Đế cai quản. Phương này chủ về việc ban tiền bạc tài sản. Toàn bộ các vì chúng sao trên trời và giáng họa phúc của con người.
- Nam Thiên: tại đây do Văn Xương Đế Quân, Văn Hành Thánh Đế cai quản. Thiên này quản lí việc theo dõi ghi chép công tội, hoặc bổ nhiệm các Thiên Tử ở nhân gian thăng giáng các cấp của tất cả các chư thần.
- Đông Thiên: Ngọc Hoàng để tam quan Đại Đế cai quản. Tại đây chủ về ban phúc tăng tuổi thọ, giải tai xá tội trừ nạn cho sinh linh.
- Tây Thiên: phương này do Như Lai Phật. Sau này truyền cho Phật Tổ Quan Âm và Thích Ca Mâu Ni. Tại đây chủ về giáo dục tâm linh cho con người. Dạy họ làm lành tránh dữ và quy y theo phật để tu đạo giải thoát.
Đền thờ Vua Cha Ngọc Hoàng và ngày khánh tiệc ngài
Nếu không nhắc tới Đạo Mẫu thì từ trước tới nay vẫn có rất nhiều đền thờ Vua Cha Ngọc Hoàng được lập ra do sự ảnh hưởng của Đạo Giáo đối với văn hóa của Người Việt.
Vì là đáng thần linh tối cao lại không trực tiếp điều hành cai quản Tứ Phủ nên trong hệ thống thờ cúng Đạo Mẫu Tứ Phủ thì Đức Vua Cha Ngọc Hoàng không phối thờ cùng ban thờ với các Thánh Mẫu và thần linh khác mà được thờ tại một ban thờ riêng hoặc có một đền thờ đặt riêng biệt. Bên cạnh đó, được thờ chung với Vua Cha Ngọc Hoàng là hai vị quan Nam Tào và Bắc Đẩu là hai vị thân cận bên cạnh giúp đỡ Vua Cha xử lý sự vụ.
Hiện nay tại Việt Nam, Vua Cha Ngọc Hoàng có các đền thờ chính như:
- Đền Ô Xuyên (Cổ Bì, Bình Giang, Hải Dương)
- Chùa Ngọc Hoàng (73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM)
- Đàn Nam Giao thuộc di tích cố đô Huế. Đây là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng.
- Đền Đậu An (thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các thiên thần.
- Chùa Ngọc Hoàng (Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh)
- Nhà thờ họ Trương Việt Nam (Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình) thờ Ngọc Hoàng Thượng đế với tên húy Trương Hữu Nhân hay Trương Ngọc Hoàng (Theo tích cổ của Trung Quốc).
- Điện Bồ Hong (trên đỉnh núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang)
- Chùa Vân An (Bảo Lạc, Cao Bằng) thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và Quan thế âm Bồ Tát với lễ hội Lồng Tồng hằng năm được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng, ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng đế.
- Đàn Kính Thiên Tràng An (Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình) là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các vị Phạm Thiên, Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu với Lễ tế Thiên được diễn ra hàng năm.
Ngày 9 tháng 1 là ngày khánh tiệc Vua Cha Ngọc Hoàng, Ngài sẽ giáng hạ nhân gian, mang theo đoàn rước lộng lẫy gồm chư tiên, Kim Đồng Ngọc Nữ, thiên binh thiên tướng và các vị thần cai quản hạ giới.
Đây là thời khắc thiêng liêng, Ngọc Hoàng phán xét công tội, ban ân xá và ban phúc cho muôn loài trong 10 phương, 6 cõi. Để cầu mong phúc lành, con người trong Tam Giới cử hành lễ nghinh thỉnh Ngọc Hoàng và cầu phúc tại các đền, miếu, quán, thành hoàng. Lễ vật dâng cúng gồm 18 món ăn, tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy.
Hầu Đồng Vua Cha Ngọc Hoàng?
Theo như chúng tôi đã phân tích ở trên thì Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị thần linh tối cao có địa vị cao hơn cả Thánh Mẫu Liễu Hạnh và ngài không trực tiếp cai quản Tứ Phủ nên chắc chắn một điều rằng sẽ không có giá hầu đồng của Vua Cha Ngọc Hoàng.
Nếu ngày nay bạn bắt gặp ở đâu đó có Thanh Đồng hầu giá Vua Cha Ngọc Hoàng thì việc đó là chưa đúng theo lề lối phép tắc của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đôi khi đó có thể chỉ là vô tình xuất phát từ lòng tôn kính và một phần do chưa biết được đạo lý sâu xa, là một người con của Đạo Mẫu thì chúng ta cần có trách nhiệm nhẹ nhàng nhắc nhở để mọi người có được nhận thức đúng đắn hơn về Hệ thống Thần Linh Đạo Mẫu và Nghi Lễ Hầu Đồng.
Tuy không có giá hầu đồng Vua Cha Ngọc Hoàng nhưng hiện nay vẫn có lưu truyền các bản chầu văn về Vua Cha Ngọc Hoàng cùng như các bản văn khấn và lễ lạt chuẩn bị để tấu thỉnh Vua Cha Ngọc Hoàng.