Kiến thức phật giáo

Cách niệm Phật trước khi ngủ: Nhất tâm niệm Phật

Phap Ngo Thich

Khi chuẩn bị vào giấc ngủ, việc niệm Phật trước khi ngủ mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều để đạt được hiệu quả tốt nhất....

Khi chuẩn bị vào giấc ngủ, việc niệm Phật trước khi ngủ mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Niệm Phật trước khi ngủ cần lưu ý điều gì?

Để niệm Phật trước khi ngủ mang lại lợi ích, quý vị cần giữ cho tâm thức được thanh tịnh, tránh tụng khi không tỉnh táo hay mệt mỏi. Khi tụng, không cần đọc to, sau khi tụng quen, quý vị có thể nhập tâm, tụng trong tâm.

Niệm Phật giúp cho tâm mê muội trở nên trong sáng

Tâm chúng ta bị vô minh làm mờ đục, chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục kia hóa ra trong, không có phương pháp nào hay hơn là gia một chút phèn vào, thì các chất dơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống, bấy giờ nước đục trở nên trong sạch. Phương pháp niệm Phật cũng vậy, có công năng trừ phá các vọng niệm đen tối ở nơi tâm của chúng ta, làm cho tâm mê muội, mờ ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì chất phèn làm cho nước trở nên trong vậy.

Niệm Phật công đức lại còn to lớn hơn nữa, vì một câu niệm Phật có thể gồm thâu cả 3 tạng kinh điển, hết thảy thần chú, cùng là các pháp viên đốn, như tham thiền, quán tưởng...

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng: "Sau khi Phật nhập diệt, về thời kỳ mạt pháp, đến kiếp hoại, các kinh sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn kinh Di-Ðà lưu truyền lại độ trăm năm rồi cũng diệt luôn. Lúc bấy giờ chỉ còn một câu niệm Phật gồm 6 chữ 'Nam mô A-Di-Ðà Phật', mà đủ năng lực đưa chúng sanh về cõi Cực-Lạc".

Lời Phật nói không sai, bằng chứng là có nhiều nhân vật chuyên trì một câu niệm Phật, mà biết được ngày giờ và thấy được điềm lành trước khi vãng sanh.

Ba pháp môn tụng kinh , trì chú, niệm Phật, tuy không đồng mà kết quả đều thù thắng. Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà tu một, hai hay cả ba pháp ấy. Thí dụ như người biết chữ và mạnh khoẻ, công ăn việc làm hằng ngày không bận rộn lắm, thì nên tụng kinh, trì chú, niệm Phật đủ cả ba pháp môn. Còn người tuổi già, sức yếu, mắt mờ, răng rụng, miệng lưỡi phều phào, thân thể mỏi mệt, nếu tụng kinh, trì chú không nổi, thì phải chuyên tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng phải niệm Phật.

Nhưng các Phật tử nên nhớ, khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gột rửa hết bao ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn, và tạc vào tâm trí hình ảnh của Ðấng Từ Bi. Rồi phải noi gương Ngài, mở lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Ðến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy.

Tịnh tâm khi ngủ

Trước khi ngủ, hãy tập nhập tâm vào câu Kinh Quán Âm. Nam Mô Viên Thông Giáo Chủ Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Quán Tự Tại Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Sau khi nhập tâm câu Kinh, quý vị có thể tiến hành thực tập trước khi ngủ. Mặc quần áo ấm, nằm ngay ngắn trên giường, để tay lỏng tự nhiên dọc thân. Hít thật sâu khí vào bụng, sau đó thở ra hết khí từ trong bụng bằng miệng. Lập lại đúng 3 lần: hít bằng mũi - thở ra bằng miệng. Khi thở ra, cảm nhận như bạn đã thoát hết những vui buồn, mệt nhọc trong ngày. Nhắm mắt từ từ và dùng ý niệm đọc thầm câu Kinh Quán Âm đã học nhập Tâm.

Lưu ý: Không cần đọc to, chỉ cần thầm tụng từ Tâm tụng ra. Đầu tiên, có thể nhẩm thầm bằng miệng, sau khi quen, chỉ cần tụng thầm từ Tâm tụng ra.

Với những người mới luyện tập, có thể gặp các ý niệm sau:

  • Càng tụng càng thấy Tâm loạn động
  • Tụng Kinh với ý niệm cầu mong cho mình chóng ngủ
  • Tụng được một hai hồi đã thấy nản, không muốn tụng nữa
  • Vừa tụng vừa suy nghĩ liên miên
  • Tụng nhưng nảy sinh hoài nghi câu Kinh không có tác dụng

Để khắc chế, khi hít khí vào từ mũi và thở phào ra bằng miệng, tự tâm muốn loại bỏ tất cả phiền não trong ngày và tìm giấc ngủ ngon. Việc không đi ngay vào giấc ngủ là do tâm mình loạn động, từ đó theo đuổi những cảnh loạn động xảy ra. Tuy nhiên, bản tâm con người vốn dĩ thanh tịnh.

Theo kinh nghiệm, khi nhập Tâm câu Kinh và tụng thầm, trong khoảng thời gian từ 3-5 phút, ý niệm của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng hơn và tâm trí sẽ trở nên thanh tịnh. Tiếp tục tụng, ý niệm thanh tịnh ngày càng rõ dần và chúng ta sẽ có một cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái, cho đến khi chúng ta tự nhiên ngủ mà không hề hay biết.

Niệm Phật trước khi ngủ mang lại sự tịnh tâm và sự thanh tịnh trong giấc ngủ, giúp chúng ta có một giấc ngủ ngon lành và đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống hàng ngày.

1