Kiến thức phật giáo

Bật mí 3 cách ứng xử theo quan điểm đạo Phật khi bị người khác sỉ nhục

Phap Ngo Thich

Việc bị sỉ nhục, lăng mạ là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống của mỗi người. Khi gặp phải vấn đề này, nhiều người đã không biết cách đón nhận và giải quyết mà...

Việc bị sỉ nhục, lăng mạ là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống của mỗi người. Khi gặp phải vấn đề này, nhiều người đã không biết cách đón nhận và giải quyết mà trở nên trầm cảm, sa sút tinh thần. Vậy làm sao có đủ bản lĩnh để đối mặt, vượt qua những đau khổ khi bị sỉ nhục? Kính mời quý Phật tử và bạn đọc cùng lắng nghe lời chia sẻ vô cùng quý báu của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây.

Câu hỏi về cách ứng xử khi bị người khác sỉ nhục

Trong chương trình vấn đáp Phật Pháp kỳ 7, một bạn đã gửi câu hỏi đến Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh như sau: “Kính bạch Thầy, con muốn hỏi Thầy một điều, là khi có người sỉ nhục cha mẹ, người thân, người quan trọng với mình một cách thậm tệ thì mình phải làm sao ạ? Kính mong Thầy chỉ dạy cho con. Con xin tri ân công đức của Thầy”.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi vấn đáp Phật Pháp kỳ 7 với chủ đề: “Phải làm gì khi bị người khác sỉ nhục?”

Bị sỉ nhục - 1 trong 8 ngọn gió phải trải qua trong cuộc đời

Trước khi đưa ra giải pháp, Sư Phụ chia sẻ về sự thật của cuộc đời: “Cuộc đời này quả thật không phải là toàn vẹn. Chúng ta sống ở đời phải gặp những sóng gió, ít ai được một cuộc đời phẳng lặng từ ngày sinh ra đến ngày nhắm mắt. Cuộc đời là “sóng”, gọi là “biển đời”, biển có bao giờ mà không có sóng đâu. Và chúng ta nhớ tám ngọn gió trong kinh phật nói thường xuyên thổi đến với mỗi chúng ta, gọi là bát phong: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc”.

Đối với việc bị sỉ nhục, Sư Phụ chỉ dạy vấn đề này thuộc một trong bát phong của cuộc đời mà ai cũng phải trải qua: “Ở đây bạn ấy hỏi đến ngọn gió “hủy”, hủy nhục mình, sỉ nhục mình, vu khống cho mình, làm nhục mình. Đấy là một ngọn gió, nó sẽ đến trong đời chúng ta không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Không mấy ai được toàn vẹn cả đâu. Đến Đức Thế Tôn của chúng ta còn bị người ta hủy nhục, ganh ghét, đố kỵ, ác hại Phật, hãm hại. Chúng ta thấy Đức Thế Tôn còn bị thì huống hồ là chúng ta”.

Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng bị người khác ganh ghét, đố kỵ, lăng mạ (ảnh minh họa)

Qua lời giảng giải của Sư Phụ, chúng ta đã phần nào tư duy, nhận thức được cuộc đời này không bằng phẳng, êm đẹp, mà luôn tồn tại những sóng gió, bão táp. Sư Phụ lấy dẫn chứng ngay cả Đức Phật Thích Ca - bậc trí tuệ toàn giác, có tâm từ bi yêu thương tất cả chúng sinh mà còn bị hủy nhục, lăng mạ, ganh ghét. Vậy việc chúng ta bị sỉ nhục, đố kỵ cũng là điều rất bình thường trong cuộc sống.

Khi bị sỉ nhục phải làm sao?

Khi bị sỉ nhục nhiều người thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, sa sút tinh thần, vậy nên để giúp mọi người biết cách ứng xử khi gặp ngọn gió “hủy nhục”, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ ba phương pháp theo quan điểm nhà Phật như sau.

1. Bình tĩnh nhận định xem lời sỉ nhục đó là đúng hay sai

Đầu tiên, Sư Phụ chia sẻ: “Thứ nhất, ta phải nhận định, việc người ta sỉ nhục mình, nói xấu mình, cha mẹ mình, thân nhân của mình là đúng hay sai? Nếu mà họ sỉ nhục, chửi rủa mình mà đúng sự thật. Nghĩa là do mình có làm việc sai trái, lỗi lầm khiến cho họ chửi vả, sỉ nhục mình. Mình nhận ra đúng thật là mình sai thì mình phải hoan hỷ tiếp nhận và sửa chữa, tu dưỡng để cho mình hoàn thiện, tốt đẹp hơn. Chúng ta phải bình tĩnh mà xem lại”.

Như vậy, khi bị người khác sỉ nhục, lăng mạ, chúng ta cần bình tâm lại để lắng nghe, nhận định xem điều họ nói là đúng hay sai. Nếu họ nói sự thật, chúng ta không nên sân giận mà cần tiếp nhận để hoàn thiện bản thân.

Bình tĩnh nhận định lời lăng mạ của người khác là đúng hay sai để đưa ra hướng giải quyết phù hợp (ảnh minh họa)

2. Lên tiếng khi lời sỉ nhục không đúng sự thật

Trong trường hợp lời sỉ nhục của người khác là sai sự thật, thậm chí làm tổn hại uy tín, danh dự, nhân phẩm của chúng ta thì chúng ta nên bình tĩnh để có cách ứng xử phù hợp.

Sư Phụ chia sẻ: “Thứ hai, nếu sự hủy nhục, chửi bới đó mà sai, không đúng sự thật thì làm sao? Trong kinh Đức Phật dạy chư Tăng, nếu một ai đó nói xấu, hủy nhục chúng Tăng, vu khống cho chúng Tăng; trong Tăng đoàn không có việc đấy thì chư Tăng phải lên tiếng, nói rõ rằng: “Việc này không có trong chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi; điều đó là không đúng sự thật; nói không đúng sự thật với chúng tôi”. Đức Phật dạy chư Tăng như vậy”.

Từ lời Phật dạy, Sư Phụ chia sẻ thêm: “Vậy người thế gian chúng ta cũng thế. Nếu họ sỉ nhục, chửi mình không đúng sự thật, họ sỉ vả mình không có căn cứ thì chúng ta có quyền lên tiếng. Chúng ta lên tiếng việc đó không đúng, đề nghị phải xem xét lại. Còn nếu họ làm nữa thì chúng ta có thể mời đến sự can thiệp của pháp luật. Nhà nước chúng ta có luật, nếu vu khống, sỉ nhục, làm nhục người khác là vi phạm pháp luật, có thể đến cả tội hình sự”.

Có thể nhờ sự can thiệp của pháp luật nếu lời sỉ nhục của người khác không đúng sự thật và ảnh hưởng đến danh dự của mình

3. An nhẫn khi biết là nghiệp quả

Ngoài hai cách trên, Sư Phụ cũng đưa ra một phương pháp để chúng ta tham khảo khi bị sỉ nhục, đó là an nhẫn để vượt qua: “Còn một trường hợp nữa, nếu chúng ta biết việc hủy nhục, chửi bới này là nghiệp quả thì chúng ta an nhẫn, chịu đựng để vượt qua. Có những trường hợp, bị sỉ nhục là nghiệp quả do nghiệp tiền kiếp mình đã gây nên kiếp này chúng ta phải bị trả. Nếu chúng ta mà biết được đây là nghiệp quả thì chúng ta an nhẫn nhé!’’.

Tuy nhiên, đối với trường hợp trên, Sư Phụ cũng đưa ra lời khuyên đến quý Phật tử: “Còn chúng ta chưa phải bậc Thánh, chưa biết có phải là nghiệp quả cũ hay không thì chúng ta cứ như điều thứ hai. Nếu thật đời này không có thì chúng ta nói rõ chúng tôi không có việc đó. Đề nghị các vị khi nói phải xem xét lại và cần mời pháp luật can thiệp. Chúng ta xử lý đúng luật như vậy”.

Trên đây là những lời chia sẻ của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh về cách nhận định và giải quyết khi bị sỉ nhục. Mong rằng bài viết sẽ đem lại những lợi ích, giá trị thiết thực để quý Phật tử và độc giả áp dụng vào cuộc sống, từ đó được an lạc, hạnh phúc hơn trước mọi sóng gió của cuộc đời.

Hạnh Thủy

1