Xem thêm

Vũ Văn Dũng: Nhà Tây Sơn Đáng Kính

Phap Ngo Thich
Tượng Quan Công (trái) và tượng Phật (phải) thờ ở chùa Phước Sơn (Tây Sơn) do tướng Võ Văn Dũng mang về từ Bắc Hà, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung...

Vũ Văn Dũng Tượng Quan Công (trái) và tượng Phật (phải) thờ ở chùa Phước Sơn (Tây Sơn) do tướng Võ Văn Dũng mang về từ Bắc Hà, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Vũ Văn Dũng hay Võ Văn Dũng (1750 - 1802) là một danh tướng của nhà Tây Sơn, đứng đầu trong Tây Sơn thất hổ tướng. Ông được vua Quang Trung tin tưởng và gửi đi sứ vào những thời điểm quan trọng nhất. Ông cũng là một trong những tướng lĩnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu để bảo vệ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp

Về với Tây Sơn

Vũ Văn Dũng là một tướng dưới quyền của Phạm Ngô Cầu (quận Tạo). Khi Phạm Ngô Cầu cử ông đi thuyết phục Nguyễn Hữu Chỉnh quay về với triều Lê-Trịnh, ông đã có cảm tình với nhà Tây Sơn. Việc này được sách Lê quý kỷ sự chép như sau: "Dũng, người Hải Dương, ngày trước theo đại tướng quận Tạo (Phạm Ngô Cầu) vào lưu thú ở Thuận Hóa. Quận Tạo sai Dũng đi Quy Nhơn để dụ Nguyễn Hữu Chỉnh quay về cố quốc, nhưng Dũng lại đi tiết lộ tình hình quân sự với giặc. Việc bị phát giác. Dũng bị quận Tạo bỏ tù. Khi thành Phú Xuân bị đánh phá, Huệ trả Dũng ra khỏi nhà lao, dùng làm Chiêu viễn đại tướng quân".

Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lần thứ nhất, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Dũng là những người giúp việc đắc lực nhất. Khi Nguyễn Huệ kéo quân về Nam, ông để Vũ Văn Dũng ở lại giữ Hà Tĩnh. Việc này được Lê quý kỷ sự chép: "Huệ sai Dũng ở lại Bố Chính ngoại châu, trưng mộ quân lính trong châu, đóng đồn ở Thổ Ngõa. Còn Huệ kéo hết quân qua La Hà về Nam".

Khi Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm tiến quân chiếm giữ Nghệ An, Vũ Văn Dũng đặt dưới quyền chỉ huy của Vũ Văn Nhậm. Khi Vũ Văn Nhậm chiếm được Thăng Long, Nhậm cử Vũ Văn Dũng kéo quân về quê bình định xứ Hải Dương. Lúc này Quỳnh Ngọc (tướng Tây Sơn, chưa rõ tên) đang bị Hoàng Viết Tuyển đánh ở Vị Hoàng. Nhậm sai Dũng "Kéo quân từ Hải Dương, vượt qua sông, lấy hết các đất Thái Bình và Tiên Hưng" để hỗ trợ cho Quỳnh Ngọc ở Vị-hoàng.

Lần thứ hai Nguyễn Huệ ra Bắc, Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm. Trước khi về Nam, Nguyễn Huệ phong Vũ Văn Dũng làm trấn thủ trấn Hải Dương.

Khi đánh quân Thanh năm 1789, Vũ Văn Dũng là Đô đốc Hám hổ hầu đốc xuất hậu quân, làm đốc chiến.

Đi sứ nhà Thanh

Lần thứ nhất

Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Dũng đi sứ nhà Thanh vào ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Dậu. Đây là lần đi sứ rất quan trọng, có nhiệm vụ giảng hòa với nhà Thanh. Nhưng tờ biểu vua Quang Trung viết tuy một mặt vẫn xưng thần, nhưng mặt khác lại tỏ ra ngạo nghễ, không chịu khuất phục: "... Nay quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông, binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu... Nếu tình hình trên không được bày tỏ, Thiên triều không khoan dung, muốn động binh chinh chiến thì nước nhỏ không được thờ nước lớn, tôi cũng đành nhờ trời mà thôi..."

Thế mà Vũ Văn Dũng đã hoàn thành sứ mệnh giảng hòa, ngăn được 50 vạn quân Thanh sắp sang đánh Đại Việt, mở ra một thời kỳ giao thiệp hòa bình.

Lần thứ hai

Khi vua Quang Trung trù tính việc đòi lại những phần đất biên giới mà các thổ quan nhà Thanh chiếm của Đại Việt thời kỳ nghĩa quân Hoàng Công Chất, Hoàng Công Toản (năm 1769).

Để thăm dò thái độ vua Càn Long, không những vua Quang Trung hỏi con gái vua Thanh làm vợ, mà nhà vua còn xin nhà Thanh hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để làm Đô nữa. Nhà vua giao việc này cho một viên tướng tin cậy là Đại Đô đốc Vũ Văn Dũng quê ở Hải Dương. Vũ Văn Dũng mang hai tờ biểu, một tờ cầu hôn, một tờ xin đất làm đô.

Lúc này Vũ Văn Dũng đang nghỉ ở quê nhà trấn Hải Dương. Vua Quang Trung đã hạ sắc chỉ cho họ Vũ như sau:

Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu viễn Đô đốc tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc công được gia phong chức chánh sứ đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức. Phải thận trọng đấy! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy. Kính thay sắc này!

Theo gia phả họ Võ thì Võ Văn Dũng cầm đầu sứ đoàn đã đến Yên Kinh và được vào bệ kiến vua Càn Long. Vũ Văn Dũng đã hoàn thành cả hai nhiệm vụ: cầu hôn và xin đất làm đô.

Đánh giá

Vũ Văn Dũng là một đại tướng, nhưng chỉ thành công khi làm việc dưới quyền Nguyễn Huệ.

Vũ Văn Dũng đã không khôn khéo giữ được sự đoàn kết cao trong nội bộ Tây Sơn, do đó đại quân phải hành quân nhiều lần để giải quyết mâu thuẫn nội bộ.

Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu là những tướng cầm quân thụ động, không có những đối sách hợp lý. Chỉ điều quân theo kiểu "cháy đâu chữa đó". Sai lầm chiến lược lớn nhất của họ là đem đại quân vào đánh Quy Nhơn, cho nên Phú Xuân sơ hở nhử thủy quân của Nguyễn Ánh tiến vào. Khi Phú Xuân đã mất, quân đội Tây Sơn ở Quy Nhơn và Thị Nại sẽ bị hãm vào thế bị bao vây. Sai lầm chiến lược này làm cho triều đại Tây Sơn sụp đổ nhanh hơn.

Hậu duệ

Sử nhà Nguyễn chép rằng, ngày 2 tháng 11 năm 1802, Vũ Văn Dũng bị giết cùng với nhiều tướng lĩnh Tây Sơn khác. Tuy nhiên, nhiều hậu duệ họ Võ lại tin rằng ông đã chạy thoát được. Sau đó, ông quay về vùng An Khê (nay thuộc Gia Lai) sống ở đó cho đến năm 90 tuổi mới mất.

Năm 1907, con cháu Võ Văn Dũng đã đem hài cốt của ông (?) về cải táng tại quê nhà là làng Phú Phong.

Hiện nay, hàng năm đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, con cháu dòng tộc Võ lại tập trung tại Từ đường Võ Văn Dũng ở thôn Phú Mỹ để cùng làm lễ cúng tổ tiên và lễ giỗ cho ông.

Một số thông tin dân gian thì cho rằng sau khi Võ Văn Dũng và nhà Tây Sơn thất bại, con cháu họ Võ của ông bị nhà Nguyễn đày tới vùng biên giới Thất Sơn (An Giang), những người còn lại ở thì đổi sang họ Vũ rồi trốn ở Hải Dương, Hải Phòng... Các thế võ cổ truyền ở vùng Thất Sơn (Thất Sơn thần quyền) có mang dáng dấp của võ Tây Sơn có lẽ cũng do nguyên nhân này.

Liên kết ngoài:

  • Địa chỉ Võ Văn Dũng
  • Tư liệu liên quan
1