Xem thêm

Tựa nẹp bên lòng Chúa - Lm FX Thượng

Phap Ngo Thich
Người xưa có câu “Nhân vô thập toàn” - nghĩa là con người ta, dù ít hay nhiều, không tính đến văn bằng, địa vị xã hội và chức trách tôn giáo đều có những...

Tựa nẹp bên lòng Chúa - Lm FX Thượng

Người xưa có câu “Nhân vô thập toàn” - nghĩa là con người ta, dù ít hay nhiều, không tính đến văn bằng, địa vị xã hội và chức trách tôn giáo đều có những phần chưa “trọn vẹn”. Đó thật là khoảng cách mênh mông và khó phân định được thế nào là duy mỹ thập toàn. Nhận chân giá trị của mình để hoàn thiện và phát triển là rất cần thiết. Với người Công giáo, còn cấp thiết hơn nhiều, phải nên hoàn thiện như Thiên Chúa (x. Mt 5,48). Nhưng, buồn thay, một thời gian dài không phải dễ chữa cái xấu cố hữu của dân Kitô giáo mà chính thật tật xấu đó không nên có “đất để tồn tại”.

Thời đại thế tục hóa và tâm tư tham dự Thánh lễ

Trong thời đại thế tục hóa, duy vật, duy cảm và duy điện toán lan nhanh thì một bộ phận không nhỏ trong giới Công giáo rất xao lãng, xem nhẹ, xem thường, đôi chỗ “hý viện hóa” và tục hoá việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật. Về hình thức, dân Việt vẫn đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật nhưng lại không để tâm nghe vào câu kinh, lời nguyện, nhất là đọc Lời Chúa và dâng Kinh Tạ Ơn mà chỉ lo làm việc riêng trong Thánh lễ.Đôi khi còn thể hiện cử chỉ yêu đương ngay khi Thánh Lễ đang diễn ra, lúc mà cả triều thần thánh quỳ gối và tuyên xưng: “Thánh, Thánh, Thánh…”. Tinh thần duy ngã, tương đối hoá ngoại tại, dung hợp không suy tư những quan niệm phi Kitô giáo dẫn đến xác tín sai lạc: chỉ cần kính Chúa ở trong lòng là đủ, đâu cần phải đến nhà thờ, “đạo tại tâm”...

Nói chung, nhiều thói hư tật xấu của con người đều có thể tìm thấy trong nhiều môi trường xã hội, nó được biện luận bởi nhiều ý nghĩa riêng. Hy vọng, tiếp cận với những gì “xấu xí” ngày hôm nay, hành vi tham dự cử hành phụng vụ của giáo hữu sẽ được “luyện lọc” để những thực hành siêu nhiên lợi ích, sống động, thiêng thánh không cũ với thời gian, không “biến tướng” thành dị hợm. Trên một phương diện nào đó, việc nêu ra những mặt hạn chế trong tính cách “chưa được” này của “con nhà có đạo” là hành trang cần thiết trao truyền cho con đường phát triển nhân cách tôn giáo từ những thực hành hết sức cơ bản này.

Thánh Thể là cuộc gặp gỡ của tình yêu và hiệp thông

Theo các Thánh Tông Đồ truyền lại thì Chúa sống lại vào ngày Chúa Nhật. Do đó các ngài nhận ngày Chúa Nhật là ngày trọng thể nhất để tôn thờ Chúa và mừng kính mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Các ngài buộc giáo hữu phải nghỉ việc ngày Chúa Nhật để làm việc thờ phượng Chúa. Do đó, Giáo Hội cũng giữ truyền thống ấy và đặt vào giới luật thứ nhất trong Giáo Hội: dự lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc. Hiệp thông trọn Thánh Lễ Chúa Nhật còn là hình thức tuyên xưng Đức tin và rao truyền Chúa Phục Sinh bằng gương sống đạo nhiệt thành, sống động và cụ thể. Cộng đoàn phụng vụ Thánh Thể là dấu chỉ hiệp nhất với Giáo Hội, thông hiệp với Thiên Chúa trong hành vi thờ phượng và kính mến Ngài nữa.

Nhật ký của một người lính thuỷ Đức quốc vào thời chiến tranh thế giới thứ II có kể lại một câu chuyện như sau:

“Hôm ấy, trên mặt biển lặng gió, không có dấu hiệu gì là có bão hay có quân địch. Thình lình còi báo động hú vang. Vị thuyền trưởng ra lệnh cho tàu lặn xuống, chỉ trong tích tắc bom dội xuống trên đầu chúng tôi như mưa, tất cả lính trên tàu ở tư thế sẵn sàng chiến đấu nhưng ai cũng tái mặt, tim đập mạnh vì biết rằng tất cả đều sẽ chết nếu tàu trúng đạn.

Tất cả mọi người đều nghe rõ tiếng bom nổ. Khi con tàu đang chạy trốn thì một người bất ngờ rút trong túi ra chuỗi tràng hạt và anh bắt đầu đọc kinh. Đây là lần đầu tiên một chiến binh cầu nguyện trước mặt đồng đội. Bình thường thì mọi người sẽ chế nhạo hành động này, nhưng lúc này không ai có thái độ gì. Vài phút trôi qua bỗng có người lên tiếng:

“- Anh bứt cho tôi 10 hạt đi, tôi cũng là người Công Giáo”, rồi anh đưa bàn tay run run ra nhận lấy 10 hạt từ người đồng đội.

Bên ngoài bom vẫn nỗ rền vang làm rung cả tầu. Lát sau lại có tiếng nói vang lên trong bầu khí ngột ngạt:

“- Cho tôi xin!”

- Rồi nhiều anh lính khác: “Cho tôi xin một chục đi.”

Cuối cùng trong tay người lính chỉ còn một cây Thánh Giá. Lại có tiếng nói khác:

“- Anh cho tôi xin cây Thánh Giá đi vì tôi là người Tin Lành.”

Cây Thánh Giá được trao vào tay người ấy. Tất cả tàu chìm đắm trong bầu không khí cầu nguyện, quên hẳn tiếng bom nổ bên ngoài, chừng sau một giờ con tàu được thoát nạn.” (khuyết danh)

Thánh Thể là cuộc quy tụ của tình yêu, hiệp thông, trách nhiệm và thiêng thánh. Chính Chúa Kitô nói với các môn đệ trước khi Chúa về trời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,19-20). Lời đó vẫn luôn mới mẻ và vang vọng trong thánh đường Công giáo mỗi khi Thánh Lễ được cử hành. Chúa hiện diện với dân Chúa trong Hội Thánh, Chúa hiện diện với Hội Thánh trong từng biến cố của cuộc sống, Chúa hiện diện trong những người anh em hiệp nhất trong đức tin, và đặc biệt Chúa hiện diện với cộng đoàn trong Bí tích Thánh Thể, trung tâm thánh đường là Thánh Thể, trong thánh đường là chỗ cho “khách dự tiệc” Thánh Thể. Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể là vì Chúa yêu thương dân Chúa, Chúa muốn gần gũi dân Chúa trong một “cự ly” ngắn nhất, Chúa muốn chia sẻ sự sống cho họ và Chúa muốn cứu độ họ bằng “con đường ngắn nhất” đi thẳng vào con tim dân thánh. Thánh Thể Chúa là biểu tượng hiệp thông Hội Thánh ở khắp nơi và mọi thời đại.

Nhưng, với hình ảnh nhọn nhạnh, rời rạc, liêu xiêu và giải thiêng của bầu không khí Thánh Lễ Chúa Nhật khắp các nhà thờ hôm nay thì tự hỏi những người ngồi ngoài thánh đường, tham dự Thánh Lễ trong sự phân tâm, ồn ào và dung tục khi hướng về sự hiệp nhất của Hội Thánh và của mọi người trên thế giới như vậy có phải là đang tôn thờ Thiên Chúa và hiệp nhất với anh em? Chúa tuôn đổ tình yêu của Chúa xuống và biến đổi mọi người, mọi dân nước trên thế giới này biết sống thân thiện, hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa, còn anh chị em ấy, họ nghĩ gì khi tham dự Thánh Lễ trong tư cách khá bất xứng như vậy?

Chúa qui tụ dân Việt Nam trong Hội Thánh để làm nên một thân thể duy nhất, Hội Thánh là nơi Chúa đang hiện diện và ở giữa nhân loại. Thân thể ấy không thể có những cánh tay rời khỏi thân, những cơ phận không muốn tháp vào thân. Lời của Thánh Phaolô nhắc cho mọi người Kitô hữu ý thức lại, Hội Thánh là thân thể của Chúa mà mỗi Kitô hữu là chi thể của thân thể Chúa, chi thể không thể tách rời một ly, một tấc khỏi thân mà sống được!

Là Kitô hữu, chúng ta đã trở thành chi thể Đức Kitô, cho nên thân xác chúng ta cũng là chi thể Đức Kitô. Vì thế chúng ta không còn thuộc về chính mình nữa, mà “thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (Rm 3,23 ). Bàn tiệc Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất và đồng thời là dấu chỉ của hiệp nhất, vì tất cả mọi Kitô hữu đều đến gần, chạm tới và thông phần vào Mình và Máu Thánh Chúa, làm thành thân thể duy nhất. Không ai lánh xa Thiên Chúa mà lại nói mình đang yêu mến Chúa! Không ai đứng ngồi ngoài “nhà thờ” mà lại ví von khéo miệng: giữ đạo tại tâm thì chỉ là ngụy biện, ngụy tạo tinh vi thôi.

Khi xác tín và tuyên xưng trong cùng một đức tin, tất cả được tập hợp thành một ‘khối thống nhất”. Vì thế, để cho Hội Thánh được duy nhất và nên một thì tất cả mọi Kitô hữu phải có bổn phận “tập hợp” tại vị trí trung tâm Thánh Thể. Đó mới là yêu mến Hội Thánh, trung thành và xây dựng Hội Thánh trong tinh thần hiệp nhất và huynh đệ, như lời thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (x. Ep 4,2-6)

Thế giới hiện sinh là một thế giới bị phân hóa, chia rẽ, một thế giới đang lan tràn những hiểm hoạ đe dọa đến sự sống con người: đói kém, chiến tranh, hận thù và cả những tai họa thiên nhiên nữa. Tất cả xảy ra, trực tiếp hoặc gián tiếp, là vì con người vẫn tiếp tục “giữ đạo tại tâm” mà thực ra “tâm” ấy không hề có Thiên Chúa thật, “tâm” ấy bị nhiễu loạn do tranh giành quyền lợi, kỳ thị, nghi kỵ lẫn nhau, và dường như “tâm” ấy đứng sai vị trí nên “tâm nhẫn” hiền từ của Chúa Kitô bị thay thế bằng “nhẫn tâm”, người ta càng đối xử tàn tệ hơn với đồng loại của mình, nhất là với bao nhiêu hình thức nô lệ mới: nô lệ vật chất, nô lệ thói quen, nô lệ công nghệ và nô lệ thế giới ảo. Quả thật, đau khổ và chết chóc vẫn tiếp tục đè nặng và đe doạ đời sống của tất cả nhân loại chúng con từ những tư tưởng: giữ đạo tại tâm, xa lìa Thiên Chúa cách tiệm tiến qua việc xem thường cử hành Thánh Thể và chỉ “ghé mắt trông ngang thấy bảng treo…” (x. Miếu Đền Thái Thú - Hồ Xuân Hương)

Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, muốn qui tụ tất cả nên một, như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh. Tình thương ấy muốn nối kết và xây dựng. Suy tư của kẻ hèn này mong góp lời bênh vực cho thái độ tham dự Phụng vụ Thánh của “dân Kitô. Hội Thánh tin tưởng Đức Kitô không chỉ tồn tại trong quá khứ, bất cứ điều gì Đức Kitô đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó làm nên đời sống mới của dân Chúa, xây dựng nhiệm thể Hội Thánh vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Hiện tại đó vẫn tồn tại và lôi kéo mọi người tới gần sự sống, tới khoảng cách ngắn nhất và đi vào hiệp với Tình Yêu. Một cộng đoàn siêng năng tham dự thánh lễ, tha thiết muốn sống mầu nhiệm thánh thiêng luôn ở thì hiện tại, muốn hiệp nhất với sự chết và phục sinh của Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể thì hãy đến theo lời mời của Chúa Kitô: Venite ad me omnes! (Hãy đến với Ta tất cả!)

Khi cộng đoàn Hội thánh cử hành Thánh Thể, “Thân Mình mầu nhiệm của Chúa, được tham dự trước vào sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh vì thế luôn được sống trong tâm tình thờ phượng, cách thức yêu thương cao nhất.” (x. Giáo xứ: Cộng đoàn hội thánh hiệp trong thờ phượng - Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Nguồn: HĐGMVN)

Khi dân Chúa ý thức: “Tôi bước vào bên trong nhà thờ là bắt đầu hiệp thông với cộng đoàn khi cất tiếng đọc kinh chung, hát chung, đối đáp Thánh Lễ chung cách nghiêm trang quây quần trước bàn thờ Chúa, trước hình tượng Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse để cầu nguyện” đó sẽ là thời khắc hân hoan trong hiệp thông. Thật sự, bàn Tiệc Thánh là nơi chia sẻ Hy Tế Tạ Ơn, mỗi người tham dự tích cực sẽ đi sâu vào bên trong để mắc lấy tâm tình bình an của Chúa Kitô Phục Sinh và đạt tới hạnh phúc viên mãn đời sau. Vì, đến nhà thờ để lắng nghe lời Chúa, ăn cùng một tấm bánh, uống chung một chén để liên đới đức tin cùng nhau, hiệp nhất với nhau trong tình yêu và chia sẻ chung niềm hy vọng. Vậy thì, hỡi anh em, tại sao không đến, đi vào, ngồi gần nhau cho triệu con tim nên một, để triệu con tim “ở kề bên lòng Chúa”...

Lm FX. Nguyễn Văn Thượng Gp. Mỹ Tho

1