Trang Kim Yến - cái tên khẩn cấp mà mọi người biết đến. Luôn tự hào là người Sài Gòn chính gốc, bà có lời chia sẻ: "Gia đình tôi ba đời sống ở đất này." Năm 1967, Sài Gòn đầy lính Mỹ và cũng nhan nhản quán bar, phòng trà. "Năm đó tôi chưa đầy 17 tuổi mà đã là ca sĩ hát phòng trà chuyên nghiệp. Gia đình đâu cho tôi theo nghiệp hát xướng nhưng vì mê quá, máu biểu diễn chảy rần rật trong huyết quản nên tôi bỏ ngoài tai mọi lời cấm đoán để chạy theo đam mê," bà kể.
Thời điểm này cũng là lúc bà "đầu quân" vào "lò" luyện ca sĩ của nghệ sĩ Tùng Lâm. Tên thật của bà là Võ Thị Kim Yến, đi hát chẳng biết lấy nghệ danh gì nên cứ tên thật là Kim Yến mà giới thiệu. Trong một đêm hát tại phòng trà, ca sĩ cũng từ “lò” Tùng Lâm là Trang Mỹ Dung không đến được nên dù còn trẻ, chưa ai biết nhưng bà vẫn được đẩy ra cánh gà. “Trời ơi chỉ là chữa cháy thôi mà”, giọng nghệ sĩ Tùng Lâm vang lên. Rồi ông đàng hoàng bước ra sân khấu giới thiệu một ca sĩ trẻ là Trang Kim Yến sẽ song ca cùng Trang Thanh Lan. Do ca sĩ từ lò của ông đều có nghệ danh bắt đầu từ chữ Trang nên lúc khẩn cấp ông cứ xướng đại Trang Kim Yến. Từ đó, bà lấy hẳn nghệ danh là Trang Kim Yến.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trang Kim Yến về đoàn Cửu Long Giang, phục vụ văn nghệ khắp mọi miền đất nước. Khán giả nhớ đến Trang Kim Yến qua ca khúc "Xuân Chiến Khu" của nhạc sĩ Xuân Hồng. "Thời đó nghèo mà vui lắm. Lương lãnh mỗi tháng có 15 đồng mà hát 'sung' phát ớn, chẳng biết hát nhép hay play back là gì," bà nhớ lại. Gửi hai con nhỏ ở nhà nhờ bà trông hộ, Trang Kim Yến rong ruổi khắp miền Tây sông nước, phục vụ đồng bào. "Năm 1978 tôi mang bầu bé Thư (diễn viên Kim Thư - PV) mà cũng nhảy nhót ầm ầm trên sân khấu".
Trang Kim Yến tự nhận mình là người dễ nổi điên nhưng thẳng tính, vui vẻ, hòa đồng, chẳng để ý xem ai làm gì, nghĩ gì nhưng lúc gặp chuyện bất bình là sẵn sàng "xung trận". "Hồi đó, tôi nhỏ xíu nhưng chẳng sợ ai đến nỗi từng nhào vô ăn thua đủ với một ca sĩ vì dám vu khống tôi. Đánh không lại tôi chơi trò… cắn. Vết thương làm độc, nạn nhân phải nằm bệnh viện điều trị cả tháng trời. Sau vụ xô xát, anh Diệu Hùng ở Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM lúc đó mời tôi lên làm việc, cấm hát mấy tháng liền. Anh đặt biệt danh cho tôi là Yến 'răng sắt' từ đó. Biệt danh này phổ biến trong giới nghệ sĩ đến nỗi nhiều người chỉ gọi tôi là Yến 'răng sắt' chứ không phải Trang Kim Yến", bà kể lại với giọng cười sang sảng.
Ở tuổi 60, Trang Kim Yến thổ lộ, bà đã xa ánh đèn sân khấu lâu rồi, cũng buồn nhưng đành chịu vì đó là quy luật cuộc sống. "Ngày xưa nghệ sĩ lăn xả vì nghề nghiệp, vì khán giả, chẳng mấy ai quan tâm cát-sê bao nhiêu là đủ hay rắp tâm làm giàu từ nghề hát. Nhìn lại thế hệ trẻ bây giờ tôi cứ chạnh lòng, đầy đủ điều kiện hơn thế hệ chúng tôi, giàu có hơn nhưng quá ít giọng hát để lại dấu ấn trong lòng khán giả," bà nhìn nhận.
Trang Kim Yến luôn cho rằng bà là người may mắn khi đến tuổi này không phải bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền. Những người con, trong đó có con gái út - diễn viên Kim Thư và rể là nghệ sĩ Phước Sang rất quý trọng, chu cấp cho bà đầy đủ nên cuộc sống thảnh thơi. "Tôi tìm thấy niềm vui với con cháu, hôm nào rảnh là tạt sang nhà mấy đứa con nấu vài món ngon mà tụi nhỏ thích. Có tuổi rồi, như thế còn mong mỏi gì? Mười mấy năm trước, lúc còn đi hát tôi đâu ngờ 'bầu sô' của mình là Phước Sang giờ thành con rể." Rồi bà kể lần về quê gặp gia đình sui gia, ai cũng tưởng bà là chị Kim Thư, bà vừa vui vừa chẳng biết xưng hô thế nào cho tiện. "Tụi nó chấp nhận sống với nhau có hai con mà chẳng làm lễ cưới vì bé Thư luôn tâm niệm thà như thế vẫn tốt hơn là đám cưới rình rang rồi chẳng mấy chốc đường ai nấy đi. Đời nghệ sĩ mà!".
Please share by clicking this button!