Chuỗi tràng hạt là một vật dụng trong việc tụng kinh phật giáo, bao gồm một vòng xâu hạt. Hạt có thể được làm bằng rất nhiều chất liệu như thảo mộc, xương, đá, và plastic. Thậm chí, có những chuỗi được làm từ thủy tinh, ngà voi, san hô, mã não và hổ phách.
Phật giáo Đại thừa sử dụng chuỗi hạt với con số 108 hoặc một ước số của 108. Đa số người thực hành Tịnh Độ sử dụng chuỗi có 27 hạt.
Ở Trung Quốc, chuỗi tràng hạt được gọi là shu zhu (数珠: số châu); Fo zhu (佛珠: Phật châu) hoặc nian zhu (念珠: niệm châu). Còn ở Nhật Bản, nó được gọi là juzu (数珠: số châu) và nenju (念珠: niệm châu). Phái Jodo Shu (Tịnh Độ Tông) sử dụng chuỗi hai vòng, một vòng ngoài để đếm mỗi lần tụng và một vòng trong để đếm khi đã tụng hết một chu kỳ vòng ngoài. Tổng số lần tụng có thể lên đến 60.000. Tuy nhiên, mỗi người có thể tụng theo khả năng của mình.
Phái Jodo Shinshu (Tịnh Độ Chân tông) không quan trọng con số tụng niệm. Tín đồ chỉ dùng chuỗi tràng hạt trong các nghi lễ, và chuỗi hạt này được quấn vòng cả hai tay. Tay trái tượng trưng cho Saṃsāra (Luân hồi), còn tay phải tượng trưng cho Nirvana (Niết-bàn). Chuỗi hạt thể hiện sự nhất thể giữa tín đồ và Phật A-di-đà.
Phái Shingon (Chân ngôn) sử dụng chuỗi 108 hạt để niệm Phật. Khi tụng lễ, người tu hành dùng hai tay xoa vòng chuỗi để biểu hiện xóa tẩy bụi trần.
Please share by clicking this button!