Có một viên Châu Như Ý vô giá dành cho chúng sanh thời mạt pháp mang tên: Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Sở dĩ xưng tán danh hiệu của đức Phật Dược Sư là vô giá bởi hai nguyên nhân vô cùng trọng yếu:
- Chúng sanh dù chỉ vô tình nghe danh hiệu của đức Dược Sư Phật lọt qua tai, thì do sức bản nguyện của Ngài, sẽ không bị đọa vào dường ác.
- Chúng sanh dù chỉ vô tình nghe danh hiệu của đức Dược Sư Phật lọt qua tai, thì giới hạnh đã phạm được phục hoàn đầy đủ.
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chúng ta ngày nay sở dĩ không bị đọa vào ba đường ác là nhờ danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã cứu chúng ta. Giả tỷ tên của Ngài không có trên thế gian này thì e rằng tất cả mọi người đã bị đọa vào địa ngục; làm loài quỷ đói, làm súc sanh, khó mà được làm thân người.”
Tôi đọc cuốn “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh Thiển Thích - Hòa Thượng Tuyên Hóa”. Thấy lời giảng của Thượng Nhân thật đúng là muôn kiếp khó gặp, nên trích đăng lên đây. Nguyện pháp pháp giới chúng sanh đều được nghe danh hiệu của đức Phật Dược Sư. Để vĩnh viễn xa lìa ba đường ác, được lìa hết khổ nạn, được toại nguyện hết những mong cầu….
Nhân duyên của đức Phật Dược Sư với cõi Ta Bà
Vì vấn đề sanh tử của chúng sanh chúng ta mà đức Phật Thích Ca xuất hiện tại cõi Ta-bà này. Ngài được sanh ra trong một gia đình vương giả, nhưng Ngài đã từ bỏ sự giàu sang của cả một vương quốc để ra đi lo việc tu hành; và chứng thành Phật quả dưới gốc cây Bồ-đề. Sau khi chứng quả Phật, Ngài quán sát các chúng sanh trong thế giới Ta-bà và nhận thấy rằng: Các chúng sanh tại đây có một nhân duyên sâu đậm với hai vị Phật. Đó là đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở phương Đông và đức A-Di Đà Như Lai ở phương Tây.
Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở thế giới Lưu Ly nơi phương Đông có thể giúp chúng ta tăng phước tăng thọ, tiêu trừ tai nạn; còn đức A Di Đà Như Lai ở phương Tây thì có thể tiếp dẫn chúng ta mang theo nghiệp mà sanh về thế giới Cực lạc, “hoa nở liền trông thấy Phật, ngộ được pháp Vô sanh nhẫn.”
Trong bài Nhị Phật Chú có câu:
Nhị Phật diễn hóa tại Ta-bà, Đông A-súc, Tây Di-đà”.
Hai câu này nghĩa là Phật A-Súc, tức Phật Dược Sư, và Phật Di-Đà đều giáo hóa chúng sanh tại thế giới Ta-bà. Hai vị Phật, một vị ở phương Đông, một vị ở phương Tây, nhưng cả hai đều có nhân duyên rất sâu đậm với chúng ta nơi cõi Ta-bà. Do đó Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật chính là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; còn Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật chính là A-di-đà Như Lai.
Nếu có ai niệm danh hiệu của Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư, thì người đó được giải trừ tai nạn; bệnh tật tiêu tan, tội diệt, phước sanh, tâm ý mãn nguyện. Vậy, vị Phật giúp các chúng sanh kéo dài mạng sống chính là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư.
Còn đức Phật A-di-đà thì sao? Ở đây là vấn đề vãng sanh. Như có ai muốn về thế giới Cực Lạc, thì phải niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà. Nếu quý vị muốn sanh về cõi Lưu Ly; tức là thế giới của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì hãy niệm danh hiệu của Ngài Dược Sư.
Khi còn sống, người ta muốn tiêu trừ tai nạn, kéo dài tuổi thọ; còn khi lâm chung người ta mong về nơi thế giới Cực Lạc. Bởi vậy, trong Phật giáo chúng ta thấy có những tấm bài vị mầu đỏ, gọi là bài vị diên thọ. Ngụ ý rằng Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư phóng hào quang chiếu sáng ngôi sao bổn mạng của chúng ta. Còn khi vãng sanh, nếu không muốn tái sanh nơi thế giới Lưu Ly mà muốn về cõi Cực Lạc, thì người ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nhân duyên của chúng ta đối với hai vị Phật nói trên quả là rất mật thiết.
Ý Nghĩa của danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Theo Kinh Dược Sư: “Phật bảo Ngài Mạn Thù Thất Lợi: “Về phía đông kia, cách đây nhiều Phật độ bằng mười lần số cát sông Căng-già, có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly; đức Phật cõi ấy danh hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Ứng Chánh Đẳng Giác. Minh Hạnh Viên Mãn. Thiện Thệ Thế Gian Giải. Vô Thượng Sĩ. Điều Ngự Trượng Phu. Thiên Nhân Sư. Phật. Bạc Già Phạm.”
Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là vị Phật ở phương Đông. Ngài có một tên khác nữa là “Phật A Súc”. Phật Dược Sư thuộc Kim Cang Bộ ở phía Đông, và Bộ này chú trọng Pháp Hàng Phục. Pháp này chuyên hàng phục thiên ma, ngoại đạo. Khi chúng thấy các vị Kim Cang Hộ Pháp thuộc Bộ Kim Cang là chúng phải quy hàng.
“Dược”: nghĩa là thuốc; “Sư” là thầy. Vị Phật đây là một thầy thuốc lớn, có thể trị tất cả mọi bệnh tật của con người trong thế gian. Bất kể quý vị bị chứng bệnh nan y gì, nếu được Ngài cứu chữa thì chắc chắn bệnh sẽ hết. Bệnh gì cũng được chữa lành; ở cửa tử mà được hồi sanh; bệnh đáng chết mà được cứu sống. Bởi vậy Ngài mới có tên gọi là “Dược Sư”.
“Lưu Ly” là một chất trong suốt, ở trong có thể nhìn thấu ra ngoài, ở ngoài có thể nhìn xuyên vào trong. Lưu Ly là tên của quốc độ quả báo (báo độ) của Đức Dược Sư, gọi là thế giới Lưu Ly và Ngài là vị giáo chủ. Thân thể của Ngài cũng là chất lưu ly, nội ngoại đều sáng trong, tinh khiết. Ngài thông hiểu hết các loại thuốc.
Ở Trung Hoa đời xưa có vị vua tên Thần Nông, và có câu nói: “Thần Nông thường bách thảo”. Nghĩa là vua Thần Nông đã từng nếm hết thảy các thứ cỏ cây. Thân thể của vua Thần Nông cũng là chất lưu ly. Khi nếm các loại cỏ cây, thảo mộc, nuốt vào bụng rồi, vua có thể nhận ra tác dụng của vị thuốc, biết được vị thuốc đó đi vào đường kinh lạc nào trong cơ thể. Khi nếm đủ các loại dược thảo xong, vua phân tích ra từng tánh chất một (dược tánh): Vị nào chua, ngọt, đắng, cay, mặn, thứ nào là lạnh, nóng, ấm, trung bình, thứ nào độc, thứ nào không độc.
“Quang” là ánh sáng. Thân thể Đức Dược Sư Như Lai không những trong suốt, mà còn tỏa sáng, là một đại quang minh tạng.
“Như Lai” là một trong mười tôn hiệu của Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Số là, mỗi vị Phật có mười vạn danh hiệu, nhưng kể đủ cả mười vạn danh hiệu ấy thì không ai nhớ được, nên người ta rút ngắn lại thành một vạn; tuy nhiên, một vạn kể ra cũng còn nhiều nên lại rút ngắn thêm thành một ngàn; sau rút gọn nữa thành một trăm và cuối cùng rút xuống chỉ còn lại mười danh hiệu.
Vị Phật nào cũng có mười danh hiệu trên, chẳng phải vị Phật này có mà vị Phật kia thì không. Học Phật Pháp chúng ta phải hiểu điều đó. Tôi nghe những kẻ ngoại đạo nói về “Như Lai Phật Tổ”. Họ không hiểu “Như Lai Phật Tổ” là vị Phật nào. Kỳ thực, vị Phật nào cũng có hiệu là Như Lai. Như Lai nghĩa là “noi theo đạo như thực (Chân lý) mà đến và thành Chánh giác”
Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật: Viên Châu như ý
Theo Kinh Dược Sư, Đại Nguyện thứ năm của Đức Phật Dược Sư là: “Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Bồ-đề, nếu có vô lượng vô biên hữu tình, tu hành phạm hạnh trong pháp của ta, thì hết thảy đều được giới chẳng thiếu, đủ giới tam tụ; nếu có ai đã trót phạm giới, nghe tên ta rồi, lại trở về thanh tịnh, chẳng vào đường ác.“
Hòa Thượng giảng: Chúng ta ngày nay sở dĩ không bị đọa vào ba đường ác là nhờ danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã cứu chúng ta. Giả tỷ tên của Ngài không có trên thế gian này thì e rằng tất cả mọi người đã bị đọa vào địa ngục, làm loài quỷ đói, làm súc sanh, khó mà được làm thân người. Thực vậy, với nguyện lực của Ngài thì dầu quý vị có phạm mười điều ác, ăn mặn phá giới, không làm điều lành, song nếu được nghe đến hồng danh vạn đức hạnh của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì quý vị sẽ được tiêu trừ hết tội nghiệp, lìa khổ, được vui, thoát vòng sanh tử.
Nguyên do là ngay từ thuở Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai gieo nhân tu đạo Bồ tát, Ngài đã sớm biết đa số chúng ta ngày nay không giữ giới luật, ở trong cảnh thiện ác hỗn tạp, chẳng rõ ràng, ví như nước với đất lẫn lộn, thành một chất bùn nhơ. “Nước” là trí huệ, “bùn” là vô minh. Giữ giới luật là trở về nguồn cội, là khôi phục lại trí huệ sẵn có của mình; không giữ giới luật tức là làm đục nước trí huệ bằng chất bùn vô minh vậy.
Tuy nhiên, giữ được giới luật chẳng phải là điều dễ dàng. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai vốn biết trước tập khí và lỗi lầm của các chúng sanh là như vậy, nên trong “Nguyện lớn thứ năm”, Ngài đã nói:
“Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Bồ-đề”, đến đời sau này, khi ta thành Phật, “nếu có vô lượng vô biên hữu tình” (tức là nói hết tất cả - tôi và quý vị cũng đều nằm trong số vô lượng vô biên hữu tình đó), “tu hành phạm hạnh trong pháp của ta…”
“Trong pháp của ta,” tức là Phật pháp, pháp chung của chư Phật; “tu hành phạm hạnh,” tức là tu hạnh thanh tịnh, hay nói khác là nghiêm trì giới luật. “Thì hết thảy đều được giới chẳng thiếu,” đối với bất cứ ai tu Phật pháp thì nguyện lực của ta là khiến cho tất cả giữ được giới hạnh đầy đủ, viên mãn giống như vầng mặt trăng không bị khuyết hãm; “đủ giới tam tụ”, đầy đủ giới tam tụ. Tam tụ giới gồm các giới như sau:
- Trì nhiếp chúng sanh giới.
- Nhiếp thiện pháp giới.
- Nhiếp luật nghi giới thanh tịnh.
Giữ được mấy giới này quả là một sự khó khăn, cho nên nguyện của Ngài là “nếu có ai đã trót phạm giới, nghe tên ta rồi, lại trở về thanh tịnh, chẳng vào đường ác.” Nếu phạm giới chẳng hạn, sau khi nghe đến tên ta, liền được thanh tịnh trở lại, không bị đọa vào đường ác như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh.
Tại sao gọi là giới tam tụ (Tam tụ tịnh giới)? “Tụ” nghĩa là tụ tập, và chữ “tụ” nói lên ý nghĩa rằng các giới này không cùng một loại. Thí dụ, nói về nhiếp luật nghi tức là nói tới ba trăm lễ nghi, ba ngàn oai nghi. Chữ “nhiếp” có nghĩa là bao quát, gồm thâu hết thảy luật nghi và oai nghi. Thí dụ nói nhiếp thiện pháp, tức nói bao gồm hết thảy các thiện pháp, kể ra thì là vô lượng vô biên, chẳng phải chỉ một loại thiện pháp, như trong câu “không làm các điều ác, luôn làm các điều lành”. Còn nhiếp chúng sanh cũng là nghĩa bao gồm hết thảy các chúng sanh, và theo giới này là độ các chúng sanh thành Phật, nhiếp thâu hết tất cả không trừ một ai.
Giới tam tụ quả là nhiều, không dễ gì mà giữ được trọn vẹn. Vậy phải làm sao nếu trót lỡ phạm giới? Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã nguyện rằng nếu người nào phạm giới luật mà nghe đến danh hiệu của Ngài thì sẽ được thanh tịnh trở lại và người đó sẽ khôi phục lại tình trạng như lúc chưa phạm giới, không còn lo sợ bị đọa vào đường ác.
Quý vị nghĩ xem. Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đối với mỗi người trong chúng ta quan tâm đến như vậy, chu đáo đến như vậy, chúng ta không lẽ không đáp ứng lòng từ bi của Ngài, để c