Người xưa tin rằng, duyên phận vợ chồng là mối nhân duyên thiên định, được ông Tơ bà Nguyệt kết thành. Vì nhân duyên vợ chồng là rất thiêng liêng, cho nên người người xưa hay dùng câu “kết tóc xe duyên” hay “kết tóc xe tơ” để nói về nghĩa vợ chồng.
Để hiểu rõ hơn về cụm từ “kết tóc xe duyên”, hãy cùng VOH tìm hiểu kết tóc xe duyên là gì, nguồn gốc, ý nghĩa và những sự tích liên quan trong bài viết dưới đây.
Kết tóc xe duyên là gì?
“Kết tóc xe duyên” hay “kết tóc xe tơ” là một câu nói của người xưa, thường dùng để nói đến mối quan hệ gắn bó giữa nam và nữ sau khi đã thành vợ thành chồng. Vậy câu nói “kết tóc xe duyên” có nghĩa là gì?
“Kết tóc xe tơ” là câu nói dùng để chỉ mối quan hệ gắn bó giữa nam và nữ sau khi kết hôn - Ảnh: Internet
Khi xét về nghĩa của từ, Từ điển tiếng Việt có giải thích:
- Kết: Kết nối, tập hợp, làm cho gắn chặt với nhau thành một khối. Ví dụ: chặt tre kết bè; kết bè lại với nhau…
- Tóc: Chỉ tóc của con người.
- Xe: Làm cho các sợi nhỏ xoắn chặt với nhau thành sợi lớn. Ví dụ: Xe chỉ; xe dây thừng…
- Duyên: Phần cho là trời định dành cho mỗi người, thường nói đến quan hệ tình cảm nam nữ, vợ chồng… Ví dụ: Người đâu gặp gỡ làm chi/Trăm năm biết có duyên gì hay không? (Truyện Kiều)
Vậy câu “kết tóc xe duyên” có nghĩa đen là: Dùng tóc để kết nối, xe thắt duyên phận giữa hai người. Và người xưa thường dùng câu nói ấy như một ý chỉ thể hiện lời thề gắn kết, thủy chung, trước sau như một của đôi vợ chồng mới cưới.
Nguồn gốc, ý nghĩa câu “kết tóc xe duyên”
Vợ chồng “kết tóc”
Vào thời phong kiến xưa, con trai hay con gái cũng đều để tóc dài. Con trai bước sang tuổi 20 sẽ được làm lễ đội mũ (quán lễ) hay còn gọi là “lễ trưởng thành”. Trong nghi thức này, người con trai sẽ được kéo bộ tóc dài lên cao và búi lại, sau đó đội mũ lên, biểu thị đã trưởng thành. Vì thế, con trai 20 tuổi được gọi là “nhược quán”.
Còn những bé gái khi bước sang tuổi 15 sẽ được cử hành “lễ cài trâm” (kê trâm tử lễ). Trong buổi lễ, những người lớn tuổi sẽ cuộn tóc của các bé gái thành búi, rồi cài thêm một cái trâm vào. Buổi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của cô gái. Vì thế, con gái qua 15 tuổi cũng được gọi là “cập kê”.
Tất cả những nghi thức trên được gọi chung là “kết tóc”. Những người nam và nữ sau khi đã trải qua nghi thức này đều có thể tính đến chuyện kết hôn, dựng vợ, gả chồng.
Đến thời Hán, Tô Vũ có câu thơ “Kế phát vi phu thê/Ân ái nhi bất nhi”. Nghĩa là: Kết tóc thành vợ chồng/Ân ái không nghi ngờ. Vì có câu thơ này, cho nên về sau “kết tóc” còn có nghĩa là kết hôn.
Trong nghi thức hôn lễ của người xưa có tục "kết tóc" - Ảnh: Internet
Từ “kết” trong từ “kết tóc” còn chứa đựng một hàm nghĩa lớn lao, đó là sự vững chắc, kết hợp, kết giao. Trong nghi thức hôn lễ của người xưa, tân lang và tân nương sẽ phải thực hiện một nghi thức gọi là “Giao ti kết long phượng, lũ thải kết vân hà, nhất thốn đồng tâm lũ, bách niên trường mệnh hoa”.
Nghĩa là: Tân lang và tân nương cùng ngồi trên một chiếc giường (nam ngồi bên trái, nữ ngồi bên phải), mỗi người sẽ tự cắt một nhúm tóc của mình, gộp lại với nhau. Sau đó dùng sợi tóc dài nhất kết lại bó buộc chặt với nhau, để biểu hiện vợ chồng kết tóc đồng tâm mãi yêu thương, tin tưởng lẫn nhau, sống chết có nhau, không bao giờ chia lìa.
Trong cuốn sách cổ thư Nghi lễ Thổ hôn lễ có đoạn: “Chủ nhân nhập thất, thân thoát phụ chi anh”. Nghĩa là, chỉ có tân lang mới có thể tháo búi tóc của tân nương, tháo bỏ khăn trùm đầu của cô dâu. Do đó, người xưa thường gọi những cặp vợ chồng kết hôn sau khi trưởng trưởng thành là “phu thê kết tóc” (vợ chồng kết tóc).
Ông Tơ bà Nguyệt “xe duyên”
Có thể thấy rằng tục “kết tóc” mang ý nghĩa đặc biệt với các đôi vợ chồng mới cưới và được người xưa vô cùng coi trọng. Vậy còn “xe duyên” hay “xe tơ” thì có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa như thế nào?
Cụm từ “xe duyên” đã xuất hiện từ rất lâu và được bắt nguồn từ hai nhân vật nổi tiếng thời cổ đại Trung Hoa, đó là “ông Tơ bà Nguyệt” hay gọi tắt là “Nguyệt lão”. Họ là những là vị thần nắm giữ việc mai mối hôn nhân trong thần thoại, là “bà mối” chủ trì những mối nhân duyên của nam và nữ trong thiên hạ.
Người Trung Quốc cổ xưa quan niệm, hôn nhân do Trời định và được xe duyên bởi “ông Tơ bà Nguyệt”. Có rất nhiều truyền thuyết dân gian kể về những mối nhân duyên do “ông Tơ bà Nguyệt” xe thành. Trong đó, có một truyền thuyết rất nổi tiếng vào thời nhà Đường.
Dân gian kể rằng, có một thư sinh tên là Vi Cố, trên đường đi đến Tống thành nghỉ tại một nhà trọ. Đêm đến anh ta ra ngoài đi dạo thì gặp một ông lão đang ngồi đọc sách, trên lưng vác theo một chiếc túi vải.
Vi Cố tiến đến hỏi ông lão vì sao nửa đêm vẫn còn ngồi đọc sách thì ông lão đáp rằng, mình đang đọc sách về quan hệ nhân duyên của con người trong thế gian. Vi Cố lại hỏi đến chiếc túi vải trên lưng ông lão. Thế nhưng, ông lão không trực tiếp trả lời mà lấy ra một sợi chỉ hồng từ trong túi, lúc này trên không trung bỗng xuất hiện một đường ánh sáng màu đỏ rồi lấp lánh dưới chân Vi Cố.
Sau đó, ông lão nói với Vi Cố rằng đã xe duyên cho Vi Cố cùng với con gái của một bà lão bán rau ở chợ phía Bắc. Và bảo rằng: “Sợi chỉ hồng kia được dùng để buộc chặt chân của hai người sẽ trở thành vợ chồng. Cho dù hai người là kẻ thù của nhau, dù là ở cách xa nhau vạn dặm, chỉ cần sợ chỉ này thắt vào chân hai người thì họ sẽ cả đời không thể tách rời nhau”, nói xong ông lão liền biến mất.
Vì muốn biết vợ tương lai của mình như thế nào nên sáng hôm sau, Vi Cố đã ăn mặc sạch đẹp đi đến nơi ông lão nói. Lúc này, anh ta nhìn thấy một bà lão đang bế một bé gái xấu xí. Quá bực bội và buồn bã, anh ta đã lệnh cho người hầu giết chết bé gái này. Thế nhưng, gã người hầu sau khi làm rách lông mày của bé gái liền sợ hãi bỏ chạy.
Hơn 15 năm sau, Vi Cố thành thân. Vợ anh ta là con gái của một vị quan thứ sử. Lúc động phòng nhìn thấy người vợ xinh đẹp như hoa, nhưng trên lông mày người vợ này lại có một vết thương lớn.
Sau khi hỏi rõ nguyên do, Vi Cố nhận ra vợ của mình chính là bé gái năm xưa từng bị chính anh ta ghét bỏ. Vi Cố vô cùng xấu hổ cho nên càng dùng tâm đối xử thật tốt với vợ mình. Hai vợ chồng sống hạnh phúc đến lúc bạc đầu.
Về sau, câu chuyện về Nguyệt lão xe duyên dần dần được lưu truyền. Mọi người cũng tin tưởng rằng, nhân duyên giữa nam và nữ là do Nguyệt lão kết thành. Các chàng trai cô gái mong muốn mối nhân duyên tốt đẹp cũng thường đến các ngôi chùa để cầu phúc, xin Nguyệt lão xe duyên.
Câu nói "Kết tóc xe tơ" có nguồn gốc từ thời xa xưa - Ảnh: Internet
Vì những câu chuyện và truyền thuyết này, cụm từ “kết tóc xe duyên” đã trở thành một biểu tượng cho mối quan hệ vợ chồng, tượng trưng cho sự gắn bó, tin tưởng và yêu thương bền vững giữa hai người.
Những câu thơ dân gian về “kết tóc xe duyên”
Với quan niệm “nghĩa vợ chồng kết tóc xe duyên” hôn nhân đại sự đều là duyên tiền định nên người xưa rất coi trọng đạo lý vợ chồng. Dưới đây là một số câu thơ dân gian về nghĩa vợ chồng đầy ý nghĩa.
- Đêm nằm chép miệng thở than Thiếp ơi có nhớ nghĩa chàng hay không? Dang tay rớt chén rượu nồng Vái cùng Nguyệt lão tơ hồng xe dây
Xin cho đó hiệp cùng đây Đừng cho gió tạt mưa bay điều gì Mỗi ngày mỗi thảm sầu bi Lê mê thấy cảnh, li bì thấy duyên
Ta đây vốn thật Vân Tiên Đó phải Nguyệt Nga cất tiếng, ta khuyên vài lời Xưa rày mỗi đứa mỗi nơi Đám đông như hội đến chơi cũng buồn.
-
Trót lời hẹn với nước non, Kíp xe bối chỉ cho tròn bối tơ, Quay tơ phải giữ mối tơ, Quay dăm ba bối đợi chờ bấy lâu.
-
Bây giờ em gặp chàng đây Chàng cho em mượn chiếc khăn này làm ghi Yêu em còn tiếc làm gì Có cho em mượn, chàng thì đưa đây
Hay là sợ mẹ, sợ thầy Xin chàng phải nói nước mây em tường Ví dù chàng có lòng thương Khăn này sánh với xuyến vàng Nguyệt Nga
Giữa đường gặp gỡ đôi ta Cùng nhau kết tóc xe tơ vẹn tròn Mỗi người một nước một non Vàng kia không tiếc, lại còn tiếc khăn!
-
Đêm nằm phiền trách ông tơ hồng Bảo ông xe đây vợ, đó chồng, ông không.
-
Đem lòng xa lánh sao đành Chẳng duyên tơ tóc cũng tình ngãi nhơn.
-
Chàng ơi đừng có ưu phiền Tóc xe trăm ngọn ta nguyền gỡ xong Rối tơ ta gỡ còn xong Rối đầu có lược, rối lòng ta phân.
-
Duyên là tóc, tóc là tơ Xe tơ kết tóc bậu chờ trông ai Tóc bậu mới chấm ngang vai Cha mẹ thương ít, nhưng trai thương nhiều
Cho dầu bậu trong trắng mỹ miều Nhiều nơi lắm chốn, anh cũng chẳng chiều được đâu.
-
Anh đố em đếm hết sao trời Đây anh kết tóc ở đời với em Trên trời biết mấy muôn sao Biết dạ anh ở thế nào mà mong.
-
Một lòng kết tóc xe tơ Một niềm chỉ đợi chỉ chờ một anh.
-
Bao giờ sum hiệp trúc mai Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm.
Người ta thường nói “một ngày vợ chồng, nghìn năm ân nghĩa” bởi vợ chồng không chỉ là cái tình mà còn là cái nghĩa. Hy vọng rằng sau khi đã hiểu rõ ý nghĩa câu “kết tóc xe duyên” mỗi người chúng ta hãy biết sống yêu thương, hòa thuận, trân trọng người cùng chung chăn gối với mình, bởi trong ngàn vạn thứ đạo, chẳng có đạo nào sâu bằng “duyên phận vợ chồng”.
Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.