Hộ Pháp là khái niệm nhằm bảo hộ và hộ trì Chánh pháp trong Phật giáo. Thường thấy các bức tượng các vị thần Hộ Pháp được đặt trước cửa các ngôi chùa ở Việt Nam, với mục đích như vậy.
Hộ Pháp là gì?
Hộ Pháp (tiếng Phạn: dharmapāla) là những vị thần bảo vệ cho Phật pháp và Phật tử. Khái niệm này có hai nghĩa. Một nghĩa là che chở và bảo vệ Chính pháp, nghĩa còn lại là người ủng hộ Phật Pháp.
Hình ảnh một vị thần Hộ pháp
Tưởng tượng rằng, trong thời xa xưa, có bốn vị Đại Thanh văn cùng mười sáu vị La Hán đã được Đức Phật phái đến để bảo hộ, che chở và hộ trì cho Phật pháp. Ngoài ra, còn có các vị như Đế Thích, Tứ Thiên Vương, Phạm Thiên, hai mươi tám bộ chúng, thập nhị thần tướng... đến để bảo hộ.
Nhờ sự ủng hộ của các nguồn sức mạnh và lực lượng lớn này mà đạo không bị tiêu diệt. Từ đó, các vị thần bảo vệ cho Chánh pháp được gọi là thần Hộ Pháp, còn nếu chỉ là người phàm phu thì sẽ chỉ được gọi và đóng vai trò những người hộ trì Phật pháp.
Theo truyền thuyết của Phật giáo, những loài trời và Quỷ thần, nếu có duyên được tiếp xúc với đạo Phật, được nghe pháp từ đó giác ngộ và quy y, nguyện bảo vệ chính pháp sẽ trở thành các vị thần Hộ Pháp.
Các hệ tượng thần Hộ Pháp trong Phật giáo
Như đã nói ở trên, có rất nhiều vị thần tiên được Đức Phật phái đi bảo hộ cho Chánh pháp và trở thành thần Hộ Pháp. Tuy nhiên, tại các ngôi chùa của Việt Nam, không thể cùng lúc xuất hiện số lượng lớn các vị thần Hộ Pháp như vậy, mà tượng các vị thần Hộ Pháp sẽ được chia thành bốn hệ là: Khuyến thiện - Trừng ác, Tứ Thiên Vương, Vi Đà Bồ Tát và Tiêu Diện Đại Sĩ, hệ còn lại là Bát Bộ kim cương.
Hệ Khuyến Thiện và Trừng ác
Đây là hai vị thần Hộ Pháp thường được xuất hiện nhiều nhất trong các ngôi chùa tại Việt Nam. Tượng của hai vị Hộ Pháp này sẽ được tạc to hơn người bình thường và được bài trí ngay tiền đường.
Hai vị thần này sẽ mặc trang phục của võ tướng, đầu đội mũ trụ áo giáp. Họ có thân thể vạm vỡ, to lớn và có mang theo khí giới cưỡi trên lưng sư tử để bảo vệ cho đạo pháp.
Hai vị Khuyến Thiện và Trừng Ác
Tượng thần Khuyến Thiện thường được tô màu trắng với nét mặt hiền hòa, thanh thản và có bàn tay trái cầm viên ngọc thiện tâm để khuyến khích con người nên hướng về cái thiện. Ngược lại, thần Trừng Ác sẽ có nét mặt giận dữ, thường được tô màu đỏ và tay cầm lăm lăm vũ khí như để khuyến cáo và đe dọa những kẻ có dã tâm làm việc ác để tránh xa mọi con đường dẫn đến cái ác, cái xấu.
Nguồn gốc của hai vị thần này bắt nguồn từ Ấn Độ cổ xưa, với truyền thuyết về hai vị hoàng tử nước Ca Bỉ Na với tính cách trái ngược nhau hoàn toàn. Hoàng tử anh là La Đắc, hiền lành nhân hậu, còn hoàng tử em Ma-pha-la lại độc ác, tham lam. Hai hoàng tử này được đức vua sai xuống long cung xin ngọc bảo châu để chấn hưng quốc gia.
Tuy nhiên, sau khi người anh lấy được viên ngọc thì người em đã cướp lấy viên ngọc đó và làm mù cả mắt người anh. Nhờ cơ duyên xảo hợp, sau này mắt hoàng tử La Đắc sáng trở lại, ông quay về đất nước và tha thứ cho người em, cùng tu thành chính quả, trở thành hai vị thần Hộ Pháp là Khuyến Thiện và Trừng Ác.
Một bên đại diện cho lòng từ bi, nhân hậu thiện lương của người anh và một bên đại diện cho sự răn đe tránh xa các thói hư tật xấu, tham sân si như người em.
Hệ Vi Đà và Tiêu Diện Đại Sĩ
Hệ tượng Hộ Pháp thứ hai hay đi với nhau là Vi Đà và Tiêu Diện Đại Sĩ. Cũng giống như hai vị Khuyến Thiện và Trừng Ác đã nói ở trên, Vi Đà và Tiêu Diện Đại Sĩ cũng sẽ có một vị trông hiền hòa và một vị trông dữ tợn.
Vi Đà và Tiêu Diện Đại Sĩ
Vi Đà, hay còn gọi là Vi Đà Thiên, ngài vốn là một vị chiến thần của Bà La Môn giáo. Trong nguyên mẫu, ngài có tới sáu đầu, mười hai tay, mỗi tay đều cầm cung tên và cưỡi trên lưng khổng tước. Tương truyền rằng sau khi Đức Phật nhập diệt, có con quỷ La Sát đã lén trộm một chiếc răng của Phật.
Khi đó, Vi Đà đã nhanh chóng đuổi theo nhanh như tia chớp bắt được con quỷ tống vào ngục và trả lại răng của Phật cho Đế Thích. Từ đó, Vi Đà được cho là người có thể gánh trách nhiệm hộ pháp, xua đuổi ma quỷ và thường được đặt trước điện thờ.
Bên cạnh Vi Đà là Tiêu Diện Đại Sĩ, người là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, người chuyên hàng phục quỷ yêu và hóa độ chúng sinh. Hình dáng của Tiêu Diện Đại Sĩ dữ dằn với khuôn mặt đỏ như lửa, dáng điệu hung dữ, miệng rộng và răng nhọn.
Về việc diện mạo của ngài hung dữ, có những luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng Tiêu Diện Đại Sĩ còn gọi là Tiêu Diện Đại Quỷ Vương - vua của loài Ngạ Quỷ. Hóa thân này của ngài mang ý nghĩa dùng cái ác để chế ngự cái ác. Các thế lực xấu khi thấy ngài thì hoảng sợ và lao về phía ánh sáng, nơi đó sẽ được ánh sáng của Phật pháp cảm hóa.
Cũng có một luồng ý kiến khác cho rằng Tiêu Diện Đại Sĩ là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngài luôn muốn cảm hóa và cứu độ loài quỷ đói không gây nghiệp nữa, nên đã hiện thân thành loài quỷ này để có thể cảm hóa được chúng.
Hệ Tứ Đại Thiên Vương
Tứ Đại Thiên Vương hay còn được gọi là Hộ Thế Tứ Thiên Vương. Đây là bốn vị Thiên Vương thuộc bộ Nhị Thập Thiên ở tầng thứ nhất của dục giới cõi Ta Bà. Sở dĩ có danh xưng Tứ Đại Thiên Vương vì các vị Thiên Vương này cư trú ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc của núi Tu Di.
Tứ Đại Thiên Vương theo hình dung của dân gian
-
Đông phương Trì Quốc Thiên Vương: Nắm giữ đỉnh núi phía Đông là Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương, tự là Đa La Tra. Đây là vùng đất được làm bằng vàng, ngụ ý giữ trách nhiệm hộ trì quốc gia. Ở đây, trách nhiệm của ngài là giữ vững sự an lạc, ổn định cho đất nước và nhân dân, tận tâm giữ gìn sự hòa bình của quốc gia, tạo điều kiện cho dân giàu nước mạnh, bảo hóa chúng sinh.
-
Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương: Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương ngụ tại vùng đất làm bằng lưu ly ở phía Nam của núi Tu Di. Gọi là Tăng trưởng thiên vương vì ngài có trách nhiệm hộ trì cho chúng sinh tăng trưởng thiện căn.
-
Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương: Quảng Mục Thiên Vương nằm ở vùng đất phía tây bằng bạc trắng ở núi Tu Di, tự là Lưu Bát Xoa. Người có ánh mắt thanh tịnh quan sát toàn bộ thế giới, hộ trì cho mọi người. Người có diện mạo hung dữ, tau cuốn xích long với ý nghĩa thuần phục tà ma ngoại đạo về quy thuận Tam Bảo, trở thành người thiện.
-
Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương: Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương tên tự là Tỳ Sa Môn, ngụ tại vùng đất bằng thủy tinh ở phía bắc. Người từng được nghe Như Lai thuyết pháp rất nhiều nên trách nhiệm của ngài là truyền đạt lại những điều hay, điều tốt để cho thiên hạ ngày càng thái bình, an lạc.
Hệ Bát Bộ Kim Cương
Bát Bộ Kim Cương gồm tám vị thần bảo hộ Phật pháp. Kim cương đại diện cho tâm trong sáng, kiên định và vững chãi tuân thủ theo Chánh pháp. Các vị này mặc áo nhẫn nhục để chống lại ba mũi tên độc là Tham - Sân - Si.
Tám vị thần Hộ Pháp
Các vị thần bao gồm: Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực.
Nhìn chung, dù theo hệ nào thì các tượng Hộ Pháp cũng sẽ chia thành hai loại là thiện thần và ác thần, nhằm khuyến khích con người đi theo cái thiện và răn đe những thành phần xấu nhăm nhe làm điều ác, giúp cho con người loại bỏ được những tạp niệm, gia tăng thiện căn để thành tâm hướng Phật và thực hiện trách nhiệm bảo hộ Phật pháp của mình.
Các cách Hộ pháp của cư sĩ
Xét trên một mặt nghĩa khác, Hộ Pháp là bảo vệ Chính pháp và không nhất thiết phải là thần thánh. Ngay cả người phàm, các cư sĩ cũng có thể Hộ Pháp. Việc hộ trì Chánh pháp của cư sĩ được biểu hiện qua ba cách: hỗ trợ về các phương tiện và điều kiện sống cho tăng đoàn, hỗ trợ về không gian tu tập và cuối cùng là hỗ trợ về việc giữ gìn những phương tiện có liên quan đến Tam Bảo.
Việc hộ pháp của các cư sĩ không cần quảng cáo hay nổi danh, cũng không phải làm trong một thời gian cố định hay ở một nơi cố định. Hộ trì Chánh pháp là việc phải thực hiện mọi lúc, mọi hoàn cảnh và phải có xuất phát từ tâm.
Mặc hộ
Việc hộ trì Phật pháp không nhất thiết phải công khai hay phô trương. Việc này không quy định phải làm trong thời gian nào, ở đâu. Mặc hộ có nghĩa là tự mình âm thầm thực hiện theo những giáo lý của đạo Phật, mọi lúc mọi nơi, không bận tâm đến việc có ai để ý hay không hay bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì.
Hộ trì Chánh pháp phải thực hiện mọi lúc, mọi hoàn cảnh và phải xuất phát từ tâm
Niệm hộ
Niệm là ý niệm, xuất phát từ tâm tưởng. Việc hộ trì Chánh pháp không chỉ là rời sang và nói ra mà phải xuất phát từ tâm tư và biến thành hành động.
Trí hộ
Trí hộ là dùng trí tuệ để hỗ trợ việc hộ pháp. Trong từng hoàn cảnh, bối cảnh theo thời đại hay không gian tu tập, có sự thay đổi khác nhau. Trí hộ là dùng trí tuệ để thích ứng với hoàn cảnh thực tế, nhưng đủ sáng suốt để không bị hoàn cảnh làm thay đổi.
Tức hộ
Tức hộ là đình chỉ tâm vọng ngoại. Chỉ cầu Phật trong tâm, không cầu Phật bên ngoài, không tham danh bên ngoài mà xuất phát từ cái tâm trong sạch vốn có, không cầu được danh lợi, ca tụng, tán dương mà hãy cầu chính tâm đức bên trong con người mình.
Tha hộ
Tha hộ là biết chấp nhận những gì không phải của mình, nhìn thấy rõ những cái mình không tạo ra ở hiện tại, nhưng có thể đã tạo ra trong quá khứ và có thể sẽ tạo ra trong tương lai.
Tha hộ là biến những yếu tố không phải là Pháp mà tạo nên pháp. Ví dụ, chuyển hóa những lời lẽ dèm pha chê bai việc hộ pháp của ta thành những người giúp đỡ ta. Nhờ vậy, Chánh pháp sẽ được trường tồn và mở rộng đến toàn đại chúng.
Hộ pháp chư tôn Bồ tát
Trong đạo Phật, Hộ Pháp chư tôn Bồ Tát là danh hiệu dùng để chỉ chung cho tất cả các vị Bồ Tát có nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp và chúng sinh. Những vị Bồ Tát này có thể là những vị Bồ Tát đã thành Phật, hoặc là những vị Bồ Tát đang tu hành trên con đường giác ngộ.
Hộ Pháp chư tôn Bồ Tát
Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát có nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp khỏi những kẻ xấu muốn phá hoại, đồng thời giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi khổ đau và đạt được giác ngộ. Họ thường được thờ cúng trong các ngôi chùa và tu viện Phật giáo.
Một số vị Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát nổi tiếng trong Phật giáo bao gồm: Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Địa Tạng Vương.
Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát có vai trò quan trọng trong Phật giáo. Họ giúp bảo vệ Phật pháp khỏi những kẻ xấu và đồng thời giúp cho Phật pháp được trường tồn mãi mãi.
Kết luận
Mục đích của Hộ Pháp là bảo vệ Chính pháp. Dù là thần thánh hay người phàm, mục đích cuối cùng vẫn là hướng tới một cuộc sống an lạc, thanh tịnh và trong sạch cho toàn bộ chúng sinh, để chúng sinh hưởng được ánh sáng của Chính pháp và Phật pháp.