Trước khi Đức Phật trở thành một bậc toàn giác, ngài, lúc đó là thái tử Tất Đạt Đa của vương quốc Thích Ca, cũng đã có một gia đình hạnh phúc. Vợ của Ngài là công chúa Da Du Đà La.
Vừa sinh con đa làm mẹ đơn thân
Da Du Đà La là em họ của thái tử Tất Đạt Đa và đã trở thành vợ của Ngài khi cả hai chỉ mới 16 tuổi. Công chúa được yêu thương và trân trọng bởi thái tử cũng như bố mẹ chồng vì vẻ đẹp, thông minh và đức hạnh của mình. Mặc dù cuộc sống hôn nhân của họ hạnh phúc và êm đềm, nhưng việc có con lại chậm trễ.
Sau 13 năm kết hôn, Da Du Đà La sinh con đầu lòng. Tưởng rằng từ đây cuộc sống của bà sẽ trở nên viên mãn, nhưng thực tế là chồng bà đã từ lâu muốn xuất gia và từ bỏ cuộc sống thế tục để tìm kiếm con đường giải thoát. Đứa con đầu lòng ra đời cùng lúc ngài quyết định ra đi.
Trong đêm tối đó, khi công chúa đang ôm con ngủ, thái tử Tất Đạt Đa nhẹ nhàng mở cửa phòng, nhìn hai mẹ con lần cuối rồi rời bỏ cung điện mà không nói một lời từ biệt. Sáng hôm sau, khi công chúa chờ đợi chồng trở về, bà mới biết rằng thái tử đã ra đi. Vậy là ở tuổi 29, vừa trở thành mẹ đơn thân, công chúa phải đương đầu với cuộc sống đầy cô đơn. Đứa con sơ sinh - La Hầu La (Rahula), được ông nội, vua Tịnh Phạn đặt tên, trở thành niềm an ủi duy nhất của bà.
Kể từ khi biết chồng sống đời tu sĩ, công chúa Da Du Đà La cũng từ bỏ cuộc sống xa hoa của một công chúa. Bà từ bỏ những trang sức quý báu và trang phục hoàng gia, thay vào đó là y phục tu sĩ giản dị. Khi nghe tin chồng chỉ ăn một bữa trong ngày, bà cũng áp dụng thói quen này. Khi biết thái tử không ngủ trên giường cao, bà cũng ngủ trên một tấm thảm. Khi biết ngài bỏ đi tràng hoa và dầu thơm, công chúa cũng từ bỏ những thứ đó.
Nhiều hoàng thân và quý tộc đã muốn kết hôn với công chúa, nhưng bà luôn từ chối, vì bà muốn ở lại nhà chồng và nuôi con, và đồng thời hy vọng có tin tức về thái tử Tất Đạt Đa. Và chỉ khi con trai đã 7 tuổi, công chúa mới có cơ hội gặp lại người chồng mà bà đã chờ đợi.
Khi Đức Phật trở lại
Sau một thời gian truyền bá giáo pháp, Đức Phật quyết định trở về quê hương. Công chúa Da Du Đà La ngay lập tức ra lệnh cho tất cả phụ nữ trong triều mặc y phục màu vàng. Khi vua Tịnh Phạn mời Phật và các Tỳ Khưu đến cung điện, tất cả mọi người đều đến đảnh lễ, trừ công chúa, dù lòng bà rất mong ngóng. Bà nghĩ: "Nếu ta giữ được đức hạnh của mình, chính Đức Phật sẽ đến đây. Lúc đó ta sẽ đến đảnh lễ Ngài".
Sau buổi trưa, Đức Phật trao bát lại cho vua Tịnh Phạn và dẫn hai đại đệ tử vào phòng công chúa. Ngài ngồi trên chỗ đã được chuẩn bị sẵn và bảo mọi người: "Hãy để công chúa tự do đảnh lễ theo ý thích. Không cần nói gì cả".
Khi thấy Phật đã ngồi yên, công chúa Da Du Đà La đi đến, chụm hai chân lại, quỳ xuống và đảnh lễ theo ý bà. Sau đó, bà cung kính ngồi bên cạnh Phật. Vua Tịnh Phạn đã kể với Đức Phật về cuộc sống đạo đức và trung thành của con dâu mình trong suốt những năm qua và đánh giá cao: "Công chúa thực sự là một người đạo đức hoàn hảo".
Đức Phật nói với công chúa: "Da Du Đà La, không chỉ trong cuộc đời này mà trong những kiếp trước, nàng đã luôn bảo vệ, tôn trọng và trung thành với Đức Phật. Đức Phật biết rằng nàng đã cống hiến một cách cao quý. Vì thế, nàng nên cảm thấy hạnh phúc vì tất cả chúng sinh".
Trong những ngày Đức Phật ở lại quê hương, công chúa Da Du Đà La đã nghe Phật giảng đạo và thấm nhuần tâm linh. Dù rất quyến luyến con trai, bà đã để con mình xuất gia để tìm kiếm hạnh phúc thật sự, trong khi bản thân bà vẫn ở lại cung điện và tuân thủ chuẩn mực đạo đức và đối xử tốt với bố mẹ chồng.
Sau này, khi vua Tịnh Phạn qua đời, hoàng hậu đã xuất gia và công chúa Da Du Đà La cũng xuất gia tu hành và đạt được giải thoát. Bà qua đời khi đã 78 tuổi.
Thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Da Du Đà La nên duyên khi cả hai còn trẻ.
Công chúa Da Du Đà La và con trai trong ngày Đức Phật trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ lần đầu tiên sau khi thành đạo.
Công chúa Da Du Đà La đảnh lễ Đức Phật.
Truyền thuyết về cuộc đời người vợ của Đức Phật sau khi chồng xuất gia đã truyền cảm hứng cho nhiều người về sự tận hiến và lòng trung thành. Công chúa Da Du Đà La là một tượng đài về tình yêu gia đình và sự hy sinh.